***Đây không phải một luận văn, nhưng chỉ là
vài hàng ghi lại một trao đổi bằng điện thư giữa hai người bạn về một thắc mắc
liên quan đến vấn đề đạo đức trong cuộc sống
Nguyễn
Đăng Trúc
§ - Câu hỏi của người bạn:
Thưa ông Nguyễn Đăng Trúc,
Chúng tôi đọc một bài viết
gây tranh cãi rất nhiều vì cách lập luận khó hiểu của một tác giả.
Bài viết nói về NHỮNG
YẾU TỐ QUYẾT ĐỊNH MỘT HÀNH VI LUÂN LÝ LÀ TỐT HAY XẤU.
Bài báo lập luận như sau:
“Mục đích của luân lý là để
xác định tính cách tốt và xấu, thiện và ác của một hành vi. Vậy căn cứ vào đâu
để biết được hành vi này là tốt, hành vi kia là xấu, điều này được làm và điều
kia không được làm? Các chuẩn mực để đo lường giá trị luân lý của một hành vi
nhân linh là luật luân lý và lương tâm của con người, chúng là nguyên tắc để
đánh giá tốt xấu của một hành vi. Theo truyền thống, thần học luân lý kể ra 3
nguồn để xác định giá trị luân lý của một hành vi nhân linh: đối tượng, mục
đích và hoàn cảnh.
1. Đối tượng
Là sự vật mà hành vi chọn
để hướng đến, là điều trước tiên mà một hành vi muốn đạt tới, là mục tiêu của
hành vi. Để đánh giá tính tốt xấu của hành vi, ta phải xét xem đối tượng đó tốt
hay xấu. Có nhiều loại đối tượng, nhưng khi xét về giá trị, luân lý phân biệt
hai loại đối tượng: tốt và xấu. Trộm cắp, phá thai, nói dối… là đối tượng xấu;
bảo vệ sự sống, làm phúc, bố thí giúp người, thờ phượng Thiên Chúa… là đối
tượng tốt.
Ví dụ: Phá thai luôn luôn
là hành vi xấu, là phá hủy mạng sống, bất kể làm thế là để tránh bị người đời
chê cười hay vì những lý do bệnh lý.
…
Đối tượng của một hành vi
nhân linh là hậu quả do một hành vi nào đó trực tiếp gây ra. Đó là kết quả luôn
luôn có và tất yếu phải xẩy ra của một hành vi, bất kể hoàn cảnh chung quanh
hay ý hướng của người làm hành vi ấy là gì. Đối tượng của ấy là hậu quả có liên
quan đến bản chất của hành vi. Đối tượng là tiêu chuẩn đầu tiên để xét xem một
hành vi tốt hay xấu”.
(…)
Có quá nhiều điều khó hiểu
trong cách lập luận này. Tại sao ĐỐI TƯỢNG của hành vi nhân linh là một
hành vi (phá thai, trộm cắp…). Sau đó lại nói: “Đối tượng của một hành vi
nhân linh là hậu quả do một hành vi nào đó trực tiếp gây ra”.
Kính xin ông giúp tôi hiểu
rõ hơn về vấn đề này.
§ - Trả lời của Nguyễn Đăng
Trúc
Câu hỏi bạn đặt ra hết sức
quan trọng. Tôi không thể nào nói hết trong một vài dòng chữ. Không phải vì
muốn tránh né không trả lời. Cũng không phải từ thâm tâm, tôi đã không nêu lên
câu hỏi đó cho chính mình. Và cũng không phải vấn đề không có gì để nói.
Nhưng thật sự đó là tất cả
những gì mà sự KHÔN NGOAN và ĐẠO LÝ từ xưa đến nay đã đặt ra, và luôn còn là
vấn đề tranh cãi:
- Những bậc thánh hiền như
Lão Tử hoặc các nhà thần học trường phái thần bí (théologie mystique)
thì cho rằng, lấy sức con người mà đánh giá HÀNH VI này, ĐỐI TƯỢNG kia là TỐT (Thiện),
thì đó là điều bất Thiện rồi[1]. Nói vậy không phải là chủ trương
THIỆN-ÁC không có hay không cần cho đạo làm người, nhưng các bậc thánh
hiền trực giác rằng THIỆN-ÁC không thể tùy tiện đánh giá đo lường bởi sức
con người.
- Cũng có người, do lòng
tin tưởng vào Đạo-Lý TỰ NHIÊN như Mạnh Tử, thì cho rằng THIỆN là cái HẠO NHIÊN,
là cái gì SƠ NGUYÊN (originel) không do bàn tay hay trí óc con người
hoặc xã hội suy diễn hay đánh giá : nhân chi sơ, tính bản thiện.
- Truyền thống văn hóa Đông
Tây còn có nhiều quan niệm đạo lý khác xuyên qua cá thế kỷ. Nhưng chung chung,
hầu như người ta (chẳng hạn các trường phái stoisme hoặc épicurisme trong
truền thống văn hóa tây phương) thường cho rằng đạo lý phải được định nghĩa
là hợp với TỰ NHIÊN, thuận theo tự nhiên (conforme à la nature).
- Gần đây hơn, có hai
trường phái đạo đức học quan trọng ở Đức quốc đang chi phối phán đoán đạo đức
của thế giới. Đó là đạo đức học của Emmanuel Kant và của Max
Scheler. Emmanuel Kant thì cho rằng TỐT là một hành vi tương hợp
với luật tự nhiên (lois de la nature) mà lý trí phổ quát (raison universelle de
l’homme) của con người có thể nhận biết. Còn Max Scheler thì cho rằng
đạo đức học của Kant quá hình thức và duy lý (xem Le formalisme en
éthique et l’éthique matériale des valeurs de Max Scheler). Theo Max
Scheler, nền tảng đạo đức phải dựa trên những giá trị tốt, và những giá trị tốt
ấy phải qui chiếu vào phẩm giá cao siêu của con người, một con người được định
nghĩa như một nhân vị có khả năng YÊU THƯƠNG.
Nhưng, khi ta đọc thật kỷ
các kinh sách của các thánh hiền là những vị tiên phong dẫn lối cho các nền văn
hóa Đông, Tây, ta sẽ ngạc nhiên khi chính các vị lại nêu thắc mắc : Tự nhiên là
gì? Phải chăng tự nhiên là toàn bộ những gì hiện hữu, trong đó gồm luôn
cả những gì tài sức con người có thể nghĩ ra và ưa thích ? Nếu tự nhiên kỳ cùng
là như thế, thì chẳng hạn khi nói “con người mang Phật tính, vượt lên trên muôn
vật, là “linh ư vạn vật”, là hình ảnh Thiên Chúa” – một Thiên Chúa mà không ai
có thể thấy (x. Thư của Thánh Gioan) –, thì TỐT, XẤU liên quan đến nhân
tính và cuộc sống con người phải chăng phải tuyện đối dựa trên những luật lệ tự
nhiên của vũ trụ, một vũ trụ mà khả năng con người có thề đo lường ?
Nietzsche là người đã chỉ
trích quan niệm quá dễ dãi của truyền thống triết học duy lý cổ truyền tây
phương, khi truyền thống nầy cho rằng cứ thuận theo luật của lý trí - một lý
trí có thể am tường luật tự nhiên - là có đạo đức. Theo ông, nếu cho rằng một
hành vi TỐT là vì nó hợp với phán đoán của lý trí hiểu biết và luật tự nhiên
(như các trường phái đạo đức cổ điển, đặc biệt là Kant, quan niệm), thì tại sao
những hành vi con người làm theo sở thích của mình dưa trên cảm năng thân xác
lại BỊ XEM là không TỐT! Cảm năng, thân xác cũng là tự nhiên và cũng dựa trên
luật tự nhiên. Tự nhiên đâu phải chỉ có lý trí, mà còn bao gồm cả thân xác và
cảm năng nữa !!! Như vậy có thể nói, nếu tiền kiến cho rằng tự nhiên
(Nietzsche gọi là "la mère Nature") là nền tảng mọi sự (kể cả
con người, thần thánh) và phải sống đúng theo luật tự nhiên nầy, thì trong cuộc
sống điều gọi là TỐT và cái gọi là ÁC đều là tương đối cả. Cả hai đều có thể
BIỆN MÌNH được.[2]
Thế rồi, từ đó người ta bắt
đầu nghi ngờ các giá trị đạo đức, và cho rằng CÁI GÌ CON NGƯỜI LÀM ĐƯỢC, THÌ
CŨNG LÀ CHÍNH ĐÁNG CẢ (tout ce qui est possible est permis).
Tình trạng nghi ngờ về đạo
lý con người và xã hội, không phân biệt tốt xấu, phải trái đi kèm với quan niệm
TỐT XẤU tùy thời và tùy ý thích : ta nghĩ sao, ta thích làm sao, ta nói làm sao
mà nhiều người nghe theo để đa số nghe lọt tai, để có thể làm ra một luật lệ (chẳng
hạn được đa số quốc hội phê chuẩn)… thì đó là định chuẩn đạo đức. Tình trạng
tùy nghi và hoài nghi trong lãnh vực đạo đức như thế đang xâm nhập tâm tư và
chi phối hành động con người ngày nay, một tình trạng mà Giáo Hoàng Bênêdictô
XVI gọi là “chủ trương tương đối, tùy nghi đạo đức” (permissivité,
permissivisme), một nguy cơ lớn nhất của xã hội. Tình trạng buông xuôi
của tâm thức con người không còn Ý THỨC TỐT XẤU.
*
Nay chúng ta trở lại thắc
mắc về đối tượng đạo đức TỐT XẤU mà bạn nêu lên. Cá nhân tôi xin chia sẻ quan
niệm của mình như thế này:
1. Tốt-xấu chỉ đặt ra và
đáng bàn cãi khi tốt-xấu liên quan đến Nghĩa làm người. Người
việt Nam gọi Nghĩa khi nói đến đạo lý, chứ không gọi Ý Nghĩa (signification).
Ý nghĩa liên quan đến sự hiểu biết một đối tượng: khi trí khôn con người
và đối tượng tương ứng với nhau, chúng ta có một Ý Nghĩa. Còn NGHĨA làm người
là phận vụ phải HOÀN THÀNH NHÂN TÍNH CỦA MÌNH trong các mối tương giao,
trong mọi hành vi, trong mọi giây phút sống của mình. Chẳng hạn: nghĩa làm người,
nghĩa vợ chồng, nghĩa làm con…Nghĩa hay còn gọi là Đạo là phải
sống làm sao cho xứng hợp với NHÂN TÍNH CAO CẢ CỦA MÌNH.
2. Các thánh hiền đều trực
giác được rằng con người là sinh vật duy nhất có khả năng SIÊU NHIÊN. Và các vị
chỉ nói đến đạo đức, khi tiền kiến trực giác về nhân tính siêu nhiên
nầy:
- Con người được sinh ra
không phải chỉ là một sinh vật tự nhiên như muôn vật khác, mà là “con người
linh ư vạn vật”, là “hơi thở, là hình ảnh của Thiên Chúa” và được định
nghĩa trong tương quan (Logos) với Thiên Chúa. Người Trung Hoa gọi
là mối tương giao làm nên nhân tính (NHÂN : 仁), là LÝ một sợi dây nối Trời với Người, khác
với lý trí là sợi dây nối trí óc với sự vật.
- Nhưng, từ nguyên thủy (originellement)
con người có khả năng lầm lạc, tự định nghĩa nhân tính siêu nhiên
của mình dựa trên khả năng đo lường các vật tự nhiên. Sách Sáng Thế gọi
là “ăn trái cấm (péché originel), nghĩa là tự định nghĩa mình với
tài sức riêng của mình” – điều mà chỉ có Thiên Chúa mới có quyền –. Chỉ có
Thiên Chúa mới gọi tên con người, ban cho con người một mối tương giao, một
phẩm giá vượt trên muôn vật. Muôn vật đó gọi là (objet), là cái trước
mắt mà mình có thể biết để quản lý và phát triển tài trí của mình. Hẳn nhiên,
trong tương quan với các đối vật (objets), con người là chủ tri (sujet).
Trong mối tương quan chủ tri (sujet) và đối vật (objet) đó, không
còn AI KHÁC để tôn trọng và yêu thương[3].
Như thế, hoặc chúng ta đặt
nền tảng TỐT XẤU nơi tương giao với AI KHÁC (tương giao gọi là TÌNH
YÊU), hoặc chúng ta đặt nền tảng TỐT XẤU trên khả năng hiểu biết sự vật, biến
AI KHÁC và NHỮNG NGƯỜI KHÁC thành sự vật, thành đối tượng hiểu biết để chúng ta
thu tóm vào khả năng hiểu biết của mình, và làm lớn cái TÔI của mình.
Như vậy tự căn, TỐT XẤU
phải căn cứ trên hai trục giá trị này về nhân tính con người.
3. Cuộc sống con người căng
thẳng giữa hai loại ánh sáng (hoặc ánh sáng của lý tri hiểu biết sự vật,
hoặc ánh sáng của yêu thương), giữa hai mối tương giao (tương giao với
Ai Khác và những người khác, hoặc tương quan với các đối vật mà con người làm
chủ theo ý muốn và hiểu biết riêng của mình). Thánh hiền xưa gọi là Cuộc
Chiến (Polemos), cuộc tương tranh giữa hai khả năng (từ nguyên sơ,
originellement) đã gắn bó với con người: Hoặc là LOGOS, mở ra để yêu thương
KẺ KHÁC, hoặc ta đi tìm cái Ta của ta (le soi), điều mà Nhà Phật gọi là chấp
ngã, Lão tử gọi là VI (ta làm nên ta), Khổng học gọi là BẤT NHÂN, vì
Nhân (仁) là kết nối Người với Ai
Khác.
Dài dòng như thế, xem như
chưa trả lời gì cả cho thắc mắc bạn nêu lên.
Nhưng nếu tôi trả lời ĐỐI
TƯỢNG hay GIÁ TRỊ mình phải thực hiện vốn là TỐT hay HÀNH VI thể hiện ý muốn
hợp lẽ phải (bonne volonté) là TỐT, cái nầy là nền tảng hoặc cái kia mới
là nền tảng, thì tôi không trung thực với chính cảm nhận của mình.
Không phải nói vậy, tức là
ngầm hiểu rằng các bản văn được nhiều tác giả viết ra để tố giác tình trạng tùy
nghi đạo đức hiện nay là không giá trị. Nhưng tôi muốn nói là, trước hết phải
xác định TỐT XẤU muốn nói lên điều gì để từ đó có thể soi sáng cách trình bày quan
điểm của mình trong những nội dung khác liên quan mà chúng ta muốn nêu lên.
Rất tiếc là dài dòng không
trả lời vào chính đề bạn nêu ra.
§ - Câu hỏi của người bạn
Chân thành cám ơn ông
Nguyễn Đăng Trúc đã chia sẻ, tuy nhiên tôi chỉ muốn chốt lại một vấn đề : những
hành vi như PHÁ THAI, HIẾP DÂM, TRỘM CẮP… phải được quan niệm thế nào về mặt
đạo đức làm người ?
§ - Trả lời của Nguyễn Đăng
Trúc
Bạn nêu lên câu hỏi: Những
hành vi như PHÁ THAI, HIẾP DÂM, TRỘM CẮP… đặt thành vấn đề đạo đức cho con
người như thế nào. Tôi chỉ xin trả lời tóm tắt thế này:
- Phá thai là một tội ác
vi phạm đến sinh mạng kẻ khác, vốn không thuộc quyền của ý muốn và quyền
quyết định của người mang thai.
Quan điểm cho phá thai nêu
lên quyền con người để biện minh cho hành vi nầy, nhưng làm như vậy là
vấp phải lầm lẫn giữa nhân quyền trong mối tương giao giữa người nầy với
người khác và quyền của một chủ thể trên một đồ vật mình sở hữu.
Không ai là đồ vật của ai cả. Thai nhi không phải là đồ vật, nhưng là “một
người khác”. Chúng ta nhớ lại giá trị văn hóa Việt Nam: Âu Cơ mang thai một
trăm trứng và mỗi một trứng sinh ra một đứa con hoàn hảo, phi thường, không
ăn, không uống mà vẫn lớn lên[4]. Hình ảnh huyền thoại đó nói lên giá trị
LINH Ư VẠN VẬT của mỗi người trong nhân loại, không ai có quyền xâm phạm.
- Hiếp dâm là hành vi cụ
thể xâm phạm đến nhân phẩm của NGƯỜI KHÁC. Nhân phẩm nơi thân xác, ý muốn, tự
do, sự cao cả của hành vi yêu thương thể hiện nơi tính dục của người khác. Thân
xác, ý muốn của kẻ khác vốn không phải là những đồ vật mà kẻ hiếp dâm muốn sử
dụng tùy nghi.
- Trộm cướp cũng thế: lấy
của cải của kẻ khác xem như sở hữu của mình là hành vi bạo lực chống lại
cuộc sống của kẻ khác.
Mức tối đa của trộm cướp là
giết người, vốn là một trực giác căn cơ của mọi tôn giáo, mọi nền văn
hóa: NGƯỜI KHÔNG ĐƯỢC GIẾT NGƯỜI. Cướp lấy sinh mạng của người khác (un
autre) còn là chống lại ý muốn của KẺ KHÁC (L’AUTRE, Đấng Tối
Cao mà không ai có thể gọi tên nhưng luôn nói với lương tâm của bất cứ ai) :
Đó là BẤT CÔNG nền tảng, chống lại CÔNG CHÍNH, một tên gọi khác của sự
TỐT LÀNH, hay Thiện Hảo.
Tôi dùng lại lối nói cổ
điển để trình bày cho dễ hiểu. Nhưng, tất cả những lý chứng chúng ta nêu lên
chỉ có giá trị, khi chúng ta xây dựng trên nền tảng về nhân tính, hoặc lý
lịch siêu nhiên của con người được định nghĩa như mối tương giao với kẻ khác.
Nhân tính không phải là một
bản thể (une substance autosuffisante, un soi), một sự vật tự đủ cho
mình (un soi, une chose à elle-même, avec elle-même, pour elle-même[5]). Nói cách khác lý lịch con người không
phải là bản ngã (le soi) và sức sống con người không phải là ý muốn
riêng của mình (le désir de soi). Nhưng là NHÂN (chữ 仁 và hai gạch) tức là một mối tương giao giữa
mình và KẺ KHÁC và những người khác. Người Công giáo xây dựng nền tảng về nhân
tính dựa trên LOGOS, chữ Hy Lạp nầy diễn tả sự tương giao, nối kết giữa
Thiên Chúa và Con người. Gián tiếp nói rằng lý lịch thần thánh của nhân tính là
chết đi con người tự đóng khung nơi mình (le soi), nơi ý muốn cá nhân
mình, để NỐI KẾT với KẺ KHÁC, với Ý MUỐN của Cha trên trời[6], vốn mình không thể thấy[7].
Nói tóm, theo tôi, hôm nay
văn hóa gặp khủng hoảng về giá trị TỐT XẤU, vì chúng ta bị tiền kiến định nghĩa
nhân tính dựa trên nguyên lý đồng nhất (le principe d'identité, le
soi), một nguyên lý dùng để đo lường và hiểu biết một sự vật… Con người
được định nghĩa như một bản ngã (un soi), không liên hệ với ai. Kẻ khác
bị hiểu lầm là một mối đe dọa làm tổn thương đến bản chất và tự do của
mình. Vì không nhận ra sự khác biệt căn cơ giữa lý lịch « linh ư
vạn vật » của con người[8] và lý lịch của một đồ vật hoặc một đối
tuộng nào bất kỳ của ý muốn và tài sức đo lường của con người, nên người ta tìm
mọi cách để tôn vinh tự do và cứu cánh con người dựa trên bản chất TỰ TẠI (của
MÌNH và do chính MÌNH).
Khi xây dựng sự thật, sư
thiện hảo trên một bản thể tự tại, thì có thể nói như Jean Paul Sartre : kẻ
khác là hỏa ngục (les autres sont des enfers). Mọi kẻ khác đều tiên
kiến cho là một KẺ THÙ xâm phạm đến ý muốn TỰ TRỊ (autonomie de la volonté)
và làm cho bản ngã bị tha hóa (altération du soi). Nếu nhân quyền được
tiền kiến là quyền của tự do được hiểu là quyền tự trị của bản ngã (autonomie
= mỗi người là một mẫu mực cho mình, do ý muốn của chính mình – tiếng hy lạp, auto
là chính mình, nomos là phần đất riêng tùy quyền sử dụng), thì không thể
nào hiểu ra được tại sao người ta muốn có hôn nhân ĐỒNG TÍNH, muốn bào chế làm
ra những con người trong phòng thí nghiệm, phá thai, hiếp dâm…lại là điều ÁC
cả. Không phải những hành vi ấy xây dựng trên sự tự do được hiểu là ý
muốn của con người hay sao?
Sách Trung Dung đã khuyên
người quân tử phải biết tôn kính điều mình không thể nghe[9], nghĩa là phải biết tôn trọng KẺ KHÁC
vượt lên trên ý muốn, hiểu biết…của mình. Kẻ Khác ấy hẳn sẽ bị văn hóa của tự
do được quan niệm là sự tự lập của ý muốn con người đánh giá là lạc hậu,
phản động ngược lại với nhân quyền và bước tiến của lịch sử nhân
loại !!!
Hơi dài dòng một chút để
chia sẻ với bạn là việc biện mình cho hành vi nào là TỐT hay XẤU trong xã hội
ngày nay thật không đơn giản. Mỗi phe đều đưa ra lý chứng riêng của
mình. Phải chăng là lúc nên đặt lại nền tảng câu hỏi về tư tưởng mà các bậc
khai phá các nền văn hóa đã trực giác được: Con người là ai (quis),
chứ không phải con người là cái gì (quid).
Bắt đầu hỏi con người là
gì. Thượng đế là gì (la quiddité) dựa trên nguyên tắc đồng
nhất, từ giây phút đó, sự Ác đã được xây dựng rồi. Vì không người nào là cái
gì cả, mà là một ai. Và AI hàm ngụ một AI KHÁC đang đến với mình, và
gọi tên mình và muốn kết giao với mình trong một tương giao mới, một LOGOS mà
không trí khôn đo lường sự vật nào hiểu được (xem Héraclite). Nếu người chất
vấn là Ngôi thứ nhất, thì người lắng nghe là ngôi thứ hai được nối kết
trong câu chất vấn này.
Nói tóm, trên bình diện
triết học, việc phân luận Tốt hay Xấu ngày nay thật là khó khăn, vì tự căn
triết học, đã bắt đầu thắc mắc: Con người là gì, Thượng đế là gì? Truyền
thống triết học đó giúp chúng ta truy nguyên và phát triển các bộ môn khoa học.
Nhưng triết học rất khó mà thiết định được đâu là phần linh thiêng nơi nhân
tính làm nền tảng cho đạo đức. Vì con người linh ư vạn vật của
triết học bị tiền kiến là con người tự đủ cho mình, không cần có ai để yêu
thương cả. Trong cuốn Le Banquet, Platon nói Thần thánh và các nhà thông
thái không cần yêu thương vì họ đã tự đủ cho mình, không thiếu gì cả. Yêu
thương ở đây được hiểu là thêm khác bản ngã uyên nguyên nhất thể của chính
mình.
Từ nền tảng, triết học
không đủ sức để giúp xã hội ngày nay nhận ra KẺ KHÁC và tôn trọng những người
khác. Nói vậy không phải là trong thực tế quyền năng triết học đủ sức
làm cho con người mất hết ý thức về KẺ KHÁC và người khác đâu. Bên trên sức
mạnh của các truyền thống văn hóa, luôn có sức mạnh của lương tri vượt lên trên
ảnh hưởng của khôn ngoan trần thế. Chính vì niềm tin vào điều mà các truyền
thống ăn hóa chưa từng biết đến và không thể xóa nhòa được, nên TỐT và XẤU luôn
được dấy lên như những câu chất vấn luôn vẫn đến với lương tâm con người.
Nay tôi và bạn tư hỏi phải
chăng phận vụ của mỗi người làm văn hóa thật sự là xóa hết mọi tiên kiến
« văn hóa » để lắng nghe lời chất vấn uyên nguyên này!
NGUYỄN ĐĂNG TRÚC
Nguồn: VCV
[2] cf. NIETZSCHE, Naissance
de la tragédie grecque, N°9 : “Tout ce qui existe est juste, et injuste
et justifié dans les deux cas”.
[3] Xin đọc lại các bản văn cổ
Hy Lạp Prométhée enchaîné d'Eschyle, Oeidipe-Roi de Sophocle để
biết tình trạng con người có khả năng lầm lạc căn nguyên này.
[8] Con người linh ư vận
vật vì lý lịch và hơi thở của con người ấy là mối tương giao với Kẻ Khác.
Kẻ Khác không những không phải là « hỏa ngục » cho con người, nhưng
ngược lại, không có Kẻ Khác thì không có tương giao làm nên nhân tính siêu
nhiên.
No comments:
Post a Comment