.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Thursday, February 7, 2013

NHÀ VĂN NGUYỄN HOÀNG ĐỨC: ĐÃ QUA ĐỔI MỚI SAO VẪN CÒN VĂN HỌC MẬU DỊCH

Mới đây, vẫn còn có nhiều nhà thơ quốc doanh phát biểu rằng: Không có mậu dịch quốc doanh thì làm sao đánh thắng Pháp và Mỹ? Quan điểm này thật lỗi thời và tụt hậu về tất cả các mặt, cả lý thuyết lẫn hiện thực đời sống.

Quốc doanh và mậu dịch là gì? Quốc doanh ở đây là kinh tế nhà nước! Mậu dịch ở đây là hệ thống phân phối nhu yếu phẩm và hàng hóa bằng cơ chế xin cho của tem phiếu! 
Phân phối tem phiếu hiểu đơn giản là: máy nước không đủ nước để chảy to, người ta chỉ có vòi nước rỏ giọt, đành cấp sổ, ghi tên, rồi gọi người xếp hàng đến lượt vào hứng nước rỏ giọt. Đấy là hình ảnh minh bạch tốt đẹp. Nhưng giờ đây chúng ta sống trong nền kinh tế thị trường, hàng hóa ê hề, khuyến mại cũng chưa có đủ người mua, nhưng những người thích cửa quyền vẫn đứng bịt cửa. Vòi nước có chảy to vẫn khóa vòi lại cho nó ri rỉ, rồi ban ơn cho người vào hứng nước.
Nhờ cơ chế cấp phát mậu dịch, chúng ta đã đánh thắng Pháp và Mỹ. Đúng! Đúng trăm phần trăm! Nhưng đánh thắng trong chiến tranh để làm gì nếu không kiến thiết hòa bình? Hy sinh trong chiến tranh, cũng như làm dũng sĩ, anh hùng trong chiến tranh, tức đã xả máu, xả thân cho đất nước là đáng quí bội phần. Nhiều người và bản thân tôi trân trọng điều ấy, vì riêng tôi đã không làm được điều ấy. Nhưng anh hùng trong hòa bình còn khó hơn và ít hơn trong chiến tranh gấp nghìn lần đến vạn lần. Chúng ta đã có nhiều nữ anh hùng trong chiến tranh, nhưng đến bao giờ chúng ta mới có một nữ anh hùng kiểu Marie Curie xả thân trong phòng thí nghiệm, rồi bị nhiễm phóng xạ, rồi lĩnh giải Nobel? Một người lính nơi chiến trường chỉ đối mặt với kẻ thù nhưng anh có cả một dân tộc đứng sau lưng mình. Một người làm chứng trước tòa phải đối mặt trước những thế lực hắc ám nào? Với quan tòa, kẻ đã ăn tiền của mafia, với mafia, với cả những người thân và hàng xóm của mình. Một cầu thủ trong một trận đấu sống còn, vậy mà anh đã xua tay từ chối một quả phạt đền vì cho rằng cầu thủ đối phương không phạm lỗi, sau đó anh bị tất cả đồng đội ghét bỏ. Tại sao? Tính chân thật của anh đã phải đối mặt với lợi ích của mọi người. Một người làm chứng trước tòa dân sự trong thời bình, bị bao bọc bịt bùng những hiểm nguy, với tên người, địa chỉ, gia đình sờ sờ, muốn chạy thoát không thể nào chạy được. Người ấy ít và khó hơn nhiều một người lính ngoài chiến trường.
Hòa bình mới là cứu cánh của mọi dân tộc. Chiến tranh chỉ là bất đắc dĩ.
Mọi nền văn minh đều được xây trong hòa bình! Còn chiến tranh chỉ là những đống đổ nát!
Sau thời chiến tranh, để vượt qua khủng hoảng, dân tộc ta đã chọn “đổi mới”, chọn kinh tế thị trường, tức là vòi nước đã mở toang. Nhưng tại sao vẫn còn rớt lại một Hội Nhà văn thích ăn tem phiếu và ỷ dựa cơ chế xin cho? Có phải bởi người ta không thể trưởng thành?! Người ta không thích cai sữa bao cấp! Người ta muốn bấu víu vào hệ thống cấp phát cửa quyền để cho ai thì được, không cho thì đành chịu. Tại sao lại phải làm thế? Có phải vì không chịu cai sữa, yếu ớt quá nên không dám cạnh tranh, đành đứng chặn vòi, giữ chặt bầu sữa teo tóp của mậu dịch, đóng chai phân phát cho đồng đội cánh hẩu của mình, chai thì thành giải thưởng, chai thì thành ghế, chai thì thành bằng khen, chai thì thành hộ chiếu, chai thì thành đánh chén… Để không võ đoán, hôm nay tôi xin bàn thẳng vào những yếu kém hiển nhiên của các nhà thơ mậu dịch:
1- Hệ thống văn học quốc doanh chính thức thừa nhận nhiều lần: chúng ta chỉ có các tác phẩm bé và vừa.
2- Lãnh đạo Hội Nhà văn mới đây chính thức thừa nhận: trong ao không có cá to, chúng ta đành bắt tép.
3- Khi vào WTO, các cơ quan chức năng chính thức tuyên bố: một kỹ sư trong hệ thống nhà nước được ưu tiên gấp bảy lần một kỹ sư ở bên ngoài. Than ôi, ở đời như người ta nói “thua thầy một vạn không bằng thua bạn một ly”, anh hơn người ta đến bảy lần. tức bảy trăm phần trăm, thử hỏi khác gì anh là cái tăm so với cột cờ? Vả lại, đặt lên chỗ cao hơn bảy lần đó, mà anh vẫn chỉ là tôm tép hay sao?
4- Cả vài trăm trường ca, theo tác giả Đỗ Quyên sưu tầm mới đây, hầu hết là trường ca xuông không có nhân vật. Đây là một bằng chứng cụ thể chứng tỏ sự bất lực và yếu kém gần như tuyệt đối của các nhà thơ Việt nam. Lý do:
Đã là trường ca thì không thể không có nhân vật, cụ thể như Iliad, Odyssey, Beowulf, rồi các sử thi Ấn Độ… Đó là điều chắc chắn, không thể cãi. Chúng ta thử hình dung, nếu các vở kịch không có nhân vật, tức không có người diễn, thì vỡ kịch sẽ được diễn ra thế nào?
Vũ trụ không thể không có con người! Khởi đầu theo Kinh Thánh, Chúa trời tạo nên vũ trụ này, ngày thứ nhất, thứ hai thì tạo ra muôn loài, nhưng đến ngày thứ sáu, cũng là cuối cùng trong chuỗi sáng tạo, Ngài đã tạo ra con người giống hình ảnh của Ngài.
Nhà Thơ được coi như người sáng tạo bởi đã học theo cách sáng thế của Chúa Trời để sáng tạo ra nhân vật, tức những con người bằng bút mực ở trên giấy. Chúa trời tạo ra con người! Nhà văn tạo ra nhân vật!
Một nhà văn không thể viết tiểu thuyết mà không có nhân vật!
Một nhà viết kịch không thể viết kịch mà không có nhân vật!
Một nhà thơ càng không thể viết trường ca mà không có nhân vật!
Nhân vật và cốt truyện là yếu tố tiên quyết để làm nên văn học, đó cũng chính là sự đúc kết của triết gia kinh viện Aristote. Vậy chúng ta hãy nhìn hầu hết các nhà thơ Việt nam với trường ca không cách gì sản sinh cốt truyện, có phải họ chưa có nổi yếu tố đầu tiên của thi ca không?
Không có nhân vật, khác gì nhà không có cột kèo. Một chiếc tầu lớn muốn được đóng thì phải có khung sườn. Có mỗi cái thuyền thúng bé tí mới không cần khung sườn. Các nhà thơ Việt có giống thuyền thúng không?
Một cái nhà muốn đứng vững phải có cột kèo chịu lực. Một cơ thể muốn vững và đẹp phải có xương sống đứng thẳng vươn cao lên. Khi cột sống vươn cao, thì nó mới thiết lập chùm dây thần kinh để dâng lên Đầu là bộ tham mưu. Văn học Việt Nam không có tư tưởng vì nó không có cột sống vững chắc để vươn lên tầm cao là cái Đầu. Những bài thơ uốn éo lượn lẹo, là là, nhũn nhẽo bò sát mặt đất làm sao có thể đứng thẳng lên để thiết lập bộ thần kinh tham mưu?
Một đội bóng đá phải đúng chuẩn, người ta mới cho đi dự giải đấu quốc tế. Một bài thơ không có nhân vật sao cứ thậm xưng gọi là trường ca. Và việc trao giải cho tập trường ca không có nhân vật, chỉ là cách trao lấy được, trao điểm cao cho một bài thi lạc đề, lạc cả thể loại, đang đấu bóng đá, các ông lại đem quả cầu ra đá, bảo rằng quê tôi nó vậy, và đá cách này mới chính là bóng đá của quê tôi. Như thế có phải văn học quê mùa mọi rợ không?
Không ganh đua sao có thể phát hiện ra người chạy nhanh nhất? Vì không dám ganh đua, không dám ra gió, người ta càng ngày càng suy nhược, và không biết trình độ mình ở mức nào. Ngay cả với nhiều người được giải, nhưng tôi không bao giờ dám đọc câu thơ của họ, vì nó dở khủng khiếp, dở đến mức nếu tôi đọc lên, cả quá khứ “vinh quang” của người ta sẽ sụp đổ thảm hại, nên tôi không bao giờ dám đọc cả. Bản chất quyền hành là không có giá, nhưng trong xã hội chuyên chế nó có giá khi đóng vai chặn cửa thu vé. Và Hội Nhà Văn còn say sưa với cơ chế bao cấp tem phiếu xin cho, bởi vì nó vừa đảm bảo cho người ta không phải cai sữa, mà còn cho phép người ta an toàn khi đánh chặn ai đó có vẻ muốn vượt lên. Than ôi, không cai sữa làm sao lớn được?
03/02/2013
NGUYỄN HOÀNG ĐỨC

No comments:

Post a Comment