Từ xưa, cái tên Tà Lơn trở thành một
"thương hiệu uy thế" đối với những người tín ngưỡng huyền thuật ở khu
vực Đông Nam Á. Họ tin rằng, những pháp sư có quá trình tu luyện tại núi Tà Lơn
mới tài giỏi thật sự. Vì vậy, sau một thời gian dài học pháp thuật nhuần nhuyễn
tại quê nhà, những đồ đệ huyền thuật ở các nước này đều khăn gói đổ về núi Tà
Lơn, chui vào hang sâu giữa rừng thẳm để… tốt nghiệp cấp đại sư. Không ít người
đã bỏ mạng trong quá trình tu luyện tại đây rồi được giới huyền thuật phong
"thánh".
PV Chuyên đề ANTG đã "phượt" đến tận đỉnh núi này để tìm hiểu sự thật.
KỲ
I: XÂM NHẬP ĐỈNH LỤC SƠN LINH THIÊNG
Điềm
chỉ của một pháp sư Việt
Trước
khi sang đất bạn thám hiểm thánh địa Tà Lơn, tôi ghé thăm một ông bạn già tên
Chín, cư ngụ ở Tri Tôn, An Giang. Trong giới huyền thuật ở miền Tây Nam Bộ, ông
Chín được nhiều nhiều người biết tiếng vì ông đã từng sang Tà lơn luyện phép.
Ông Chín cũng rất nổi tiếng ở địa phương vì hàng chục lần bị kiểm điểm tội
truyền bá mê tín dị đoan. Với ông, phép thuật không thuộc loại "mê tín dị
đoan" mà là một "nét văn hóa tâm linh của người xưa truyền lại".
Do mải mê luyện bùa, ngải, phép thuật từ nhỏ nên ông không được đến trường học
văn hóa. Tất nhiên, ông mù chữ loại nặng.
Dù
mù tất cả các loại chữ viết chính thống trên thế giới nhưng ông lại rất rành
các loại chữ bùa, từ chữ bùa Pàli đến chữ bùa Phạn, bùa Lèo, bùa Năm Ông, bùa
Lục Sơn (chữ Kh'mer cổ)… Ông đã từng hội ngộ với rất nhiều đại pháp sư khu vực
Đông Nam Á tại đỉnh núi Tà Lơn. Những lần hội ngộ như vậy, ông và các đại pháp
sư khác quốc tịch, dị biệt ngôn ngữ phải nói chuyện với nhau bằng "tiếng
bùa" và "bắt ấn quyết" (tức ra dấu).
Trình
độ văn hóa của ông Chín là con số không nhưng trình độ về bùa, chú, ngải thì
thuộc đẳng cấp "đại sư". Ông Chín khẳng định, ai cũng biết
đường lên đỉnh Tà Lơn nhưng đường đến nơi tu luyện của các pháp sư thì chỉ có
giới pháp sư thuộc đẳng cấp trung sư mới có quyền biết. Đó là những địa điểm bí
ẩn chưa có trên bản đồ. Ông từ chối tháp tùng, mặc dù tôi đề nghị một cái giá
bồi dưỡng khá cao. Không chịu đựng nổi sự nài nỉ quyết tâm của tôi, ông
đành vẽ một bản sơ đồ kèm lời khuyên: "Chú cứ chạy xe gắn máy qua bển.
Đường xe hơi rộng mênh mông nhưng giá thuê rất mắc. Với xe gắn máy, chú có thể
luồn lách nhiều chỗ và chủ động thời gian đi".
Tôi
quyết định mang xe gắn máy sang đất bạn đề chinh phục đỉnh Tà Lơn.
Ông
Chín diễn giải, theo tiếng Kh'mer thì "Tà Lơn" có nghĩa là "Ông
thần lớn", tức là vua của các vị thần linh. Đối chiếu với văn hóa tâm linh
Việt và tiếng Việt thì "tà" không có nghĩa tương xứng. Một số người
cho rằng dịch nghĩa "tà" sang tiếng Việt là "thần hoàng bổn
cảnh". Tuy nhiên đối chiếu theo văn hóa tín ngưỡng thì điều này sai biệt
rất xa. Với người Kh'mer, ông "Tà" là một pháp sư tài giỏi nhất khu
vực. Ông Tà dùng huyền thuật trừng trị bất kỳ ai dám chống lại ông, kể cả dân
làng. Nếu ai tuân phục ông Tà sẽ được huyền thuật của ông ta bảo vệ. Ông Tà rất
nóng tính và hung dữ.
Còn
"thần hoàng bổn cảnh" của người Kh'mer luôn luôn là phụ nữ. Theo
truyền thuyết Kh'mer, dãy núi Lục Sơn Tà Lơn do một vị thánh nữ được gọi là
Veang Kh'mau "cai quản". Người dân Kh'mer sinh sống dưới chân núi Tà
Lơn cho rằng, chủ của đất đai vùng này là hoàng tộc Monivong (quốc vương
Campuchia) nhưng khai khẩn vùng này là do một người phụ nữ Việt tên Nàng Mau.
Ngày xưa, người dân vùng này chỉ biết hái lượm. Nhờ Nàng Mau dạy trồng lúa nước
nên người dân không còn đói kém nữa. Và họ đã tôn người phụ nữ này làm vị thánh
đại diện cho lòng nhân ái. Người ta đã xây một bức tượng Veang Kh'mau cao
khoảng 20 mét đặt trên đỉnh Bokor.
Tiểu
sử “thành phố ma”
Dãy
núi Tà Lơn gồm 6 ngọn và ngọn chính có cái tên là Phnom Bokor, có nghĩa
"Núi voi". Từ năm 2005, Chính phủ Campuchia đã quy hoạch Pokor - một
trong 6 ngọn vùng núi hoang sơ này thành khu du lịch: Đền thờ Monivong - Công
viên quốc gia Bokor. Đến đầu năm 2011, khu du lịch này mới hoàn tất cơ bản và
đưa vào khai thác du lịch tâm linh. Vì thế, muốn vào núi phải mua vé. Giá vé
vào "cổng trời" chỉ 2.000 real, tương đương 6.000 VNĐ.
Đường
từ chân lên đỉnh núi dài 33 km được tráng nhựa rất phẳng, đẹp và hiện đại. Đó
là con đường độc đạo lên núi. Những cung đường ưỡn ẹo trên những con đèo sâu
hun hút và nhiệt độ khoảng 20oC khiến tôi có cảm giác như mình đang chạy xe
trên đoạn đèo Đà Lạt.
Năm
1890, thực dân Pháp truy lùng một số người Việt Nam ẩn cư giữa rừng sâu trên
đỉnh núi. Khi đó, họ phát hiện khí hậu vùng hoang sơ này rất lý tưởng cho việc
nghỉ mát. Đến năm 1921, sau 9 tháng xây dựng, Pháp biến vùng rừng hoang thành
một thị trấn trên núi mang tên tiếng Anh là Bokor Hill gồm: Nhà thờ Thiên Chúa
giáo, bưu điện, bệnh viện, khách sạn. Các pháp sư bị nhà cầm quyền cầm tù.
Những cái am, những hang động tu luyện của các pháp sư đều bị bỏ hoang
phế. Một số pháp sư chạy sâu vào rừng tìm những hang động vắng tiếp tục tu
luyện.
Đến
năm 1940, thất trận trước quân đội Nhật hoàng, thực dân Pháp co cụm về Phnôm
Pênh, bỏ hoang thị trấn Bokor Hill. Sau năm 1945, khi Campuchia độc lập, nhà
vua Shihanuk (cha) đã cho xây một cung điện nghỉ dưỡng ở đây và tái sử dụng các
công trình của Pháp. Nhưng đến thời Kh'mer Đỏ diệt chủng, toàn bộ thị trấn nhỏ
này bị phá hoang tàn. Khi Campuchia được giải phóng khỏi nạn diệt chủng của Pôn
Pốt, người ta đã bỏ quên vùng núi hoang vắng này một thời gian dài. Suốt thời
gian đó, chỉ có các pháp sư và tín đồ của họ thỉnh thoảng đi lên núi theo những
con đường mòn hiểm trở để cúng bái và truyền phép thuật.
Bất
ngờ năm 2001, đạo diễn Hollywood Matt Dillon nghe câu chuyện về Bokor bởi một
đạo sĩ người Myanmar đã từng tu luyện nơi đây. Năm 2002, Matt Dillon cùng đoàn
phim của ông đến tận Bokor thực hiện bộ phim City of Ghost.
Bộ phim
nổi tiếng đến nỗi, từ năm 2003, dân Tây du lịch đến Campuchia đều đòi đến thăm
"thành phố ma". Rừng thẳm, non cao của Bokor bị đánh thức.
Hiện
giờ, trên đỉnh Bokor, cung điện Hoàng gia đã được xây dựng lại thành Bokor
casino và một cụm phức hợp khách sạn casino Thansur Bokor Highland phục vụ du
khách ngoại quốc hoạt động ngày đêm.
Các
điểm am, miếu tu luyện của pháp sư thời xa xưa trở thành một quần thể du lịch
tâm linh không thể thiếu của Bokor.
Tuy
nhiên, theo thông lệ hàng năm, các pháp sư Đông Nam Á vẫn tìm về Bokor đi sâu
hơn vào rừng, tìm những hang động hoang sơ để thu nạp tinh - khí - thần của
vùng thánh địa.
Huyền
thoại những hang động vô danh
Bỏ
qua quần thể casino hiện đại tấp nập người xe tôi tiếp tục tiến cao hơn về đỉnh
núi, tại một ngã rẽ, có tấm biển hướng dẫn đến ngôi chùa Wat Sampov Pram mà
giới pháp sư Việt gọi là chùa Năm Thuyền hoặc Nam Thiên. Đó chính là nơi
"đắc đạo" của nhiều giáo chủ tôn giáo xuất xứ từ miền Nam Việt Nam và
cũng là nơi luyện phép thần thông của các pháp sư vùng Đông Nam Á.
Trong
các thư tịch, di ngôn, di tự của Phật thầy Tây An Đoàn Minh Huyên - Giáo chủ
đạo Bửu Sơn Kỳ Hương; Bổn Sư Núi Tượng Ngô Tư Lợi - Giáo chủ đạo Tứ Ân Hiếu
Nghĩa; Phật Trùm, Phật sống Cử Đa, Giáo chủ Hòa Hảo Huỳnh Phú Sổ, Phật sống
Trúc Lâm Nương, Trịnh Công Hương v.v… cho thấy các vị này đều đạt chánh quả,
đắc đạo ở ngôi chùa Năm Thuyền này.
Những
pháp sư nổi tiếng trước năm 1960 ở miền Nam như Thợ Đức Lỗ Ban; Ông Ba
"bùa gồng"; tướng cướp Đơn Hùng Tín; Đông Cung Phan Xích Long và rất
nhiều vị đại pháp sư khác cũng đã từng sang khu vực Năm Thuyền luyện phép.
Theo
các tài liệu của các pháp sư Việt thì đó là một ngôi am nhỏ do Vua Monivong xây
cất vào năm 1924 cho Hoàng tử Pre Thoong đến tu luyện. Pre Thoong được một đại
pháp sư người Việt có tên thường gọi là Ba Gang hướng dẫn vào đây luyện phép
tiên. Do nơi đây có 5 tảng đá hình chiếc thuyền nên được gọi là Năm Thuyền. Ông
Ba Gang và Cử Đa là hai phó tướng của Quản cơ Trần Văn Thành - người chỉ huy
cuộc khởi nghĩa Láng Linh - Bảy Thưa trong giai đoạn chống thực dân Pháp
(1867 -1868). Sau khi kháng địa bị thất thủ, Quản cơ Trần Văn Thành tử trận, Cử
Đa và Ba Gang về núi Tà Lơn tu luyện phép thuật chờ thời cơ. Lần lượt họ viên
tịch tại nơi này và được dân địa phương đúc tượng phong thánh.
Ngày
nay, Năm Thuyền không còn là ngôi chùa hoang vắng, u tịch. Nhà đầu tư đã xóa
hầu hết dấu tích người Việt và "cải biên" thành một khu du lịch tấp
nập người. Họ đã biến tượng Cử Đa và tượng Ba Gang thành "Phật
Kh'mer". Ông "lục cả" trụ trì ngôi chùa là người Việt Nam cũng
không còn.
Lần
theo sơ đồ ông Chín "thầy pháp", tôi rời chùa Năm Thuyền, tiếp tục đi
sâu xuống vực núi để đến một nơi đặc biệt. Đó là nơi có nhiều hang động huyền
bí dành cho những pháp sư "thi tốt nghiệp cấp đại sư".
Vượt
qua con suối, trước mặt tôi hiện ra một bãi đá rộng đến hút tầm mắt. Bãi đá
mang nhiều hình thù quái dị chen lẫn với những loài cây cỏ dại. Hàng ngàn khối
đá đa hình thù xếp chồng lên nhau tạo thành những cái am thiên nhiên lý tưởng
và yên tịnh.
Dù
đang giữa trưa, mặt trời đứng bóng nhưng ánh nắng rất dịu mát. Thỉnh thoảng,
một làn mây xám bao phủ khiến cảnh vật trời đất trở nên âm u huyền bí. Tôi có
cảm giác như mình đang lạc vào cảnh thượng giới. Tôi đi sâu vào bãi đá khoảng
1.000 mét. Ẩn dưới những khối đá, hàng hàng lớp lớp hang động sâu hút. Rất
nhiều hang có dấu tích con người. Trước cửa một số hang ai đó đã đặt một bát
nhang. Ông Chín "thầy pháp" đã từng kể cho tôi nghe chuyện một số
pháp sư đến đây luyện phép và chết luôn trong hang. Với trường hợp như vậy, các
pháp sư cho rằng, người chết đã đạt chánh quả và được phong thánh. Tuy nhiên, do
không để lại tên tuổi nên các pháp sư đến sau gọi chung những "vị
thánh" này theo tiếng Kh'mer là "tà phnum", có nghĩa là thần
núi.
Lấy
can đảm, tôi thử chui xuống một hang có bát nhang. Cửa hang hẹp vừa vặn thân
người nên bên dưới hang tối đen như mực. Chân tôi chạm một phiến đá phẳng
khoảng 1m2. Qua ánh đèn pin, tôi thấy trên phiến đá vẫn còn sót lại vài mẩu
ngải khô, vài mẫu vải mục đã biến màu. Bên cạnh phiến đá còn có một khe đá sâu
hun hút. Không mang theo dụng cụ leo núi, tôi đành bỏ cuộc rời khỏi hang.
Tình
cờ khi trở về chùa Năm Thuyền, tôi gặp được một người đàn ông.
Ông
tên Vang, 46 tuổi, cư ngụ tại phường Bình San, thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang,
thuộc phái Trà Kha. Ông Vang vừa hoàn tất ngày luyện phép thứ 49 dưới một hang
nơi bãi đá. Ông vui vẻ cho biết, nếu tôi đến đây sớm trước một tháng sẽ gặp ít
nhất 20 pháp sư như ông ta. Giờ họ đã rời núi, chỉ còn mỗi mình ông ở lại cúng
bái tạ ơn các "lục tà" ở chùa Năm Thuyền.
*
Đón đọc: Hội luyện phép định kỳ và 36 ngôi mộ người Việt trên đỉnh Tà Lơn.
NÔNG HUYỀN SƠN
No comments:
Post a Comment