.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Thursday, March 7, 2013

CHUYỆN TÌNH NỔI TIẾNG ĐẰNG SAU BÀI THƠ DANH TIẾNG (KỲ 1)


“…Xưa yêu quê hương vì có chim, có bướm/Có những ngày trốn học bị đòn roi/Nay yêu quê hương vì trong từng nắm đất/Có một phần xương thịt của em tôi…”- Đằng sau mỗi câu thơ nổi tiếng ấy là một câu chuyện tình yêu nhiều nước mắt của nhà thơ Giang Nam.
Vợ chồng nhà thơ Giang Nam
Ở cái tuổi 83, nhà thơ Giang Nam vẫn còn minh mẫn, hàng ngày ông vẫn đánh vật với chữ nghĩa, những hội thảo, những trang hồi ký đang viết dở, tập dưỡng sinh và làm thơ tình tặng riêng cho… vợ.

Tôi hỏi ông về mối tình đầy cảm động giữa ông với bà Phạm Thị Triều, ông kể: “Ông bà gặp nhau tại Đá Bàn - căn cứ địa cách mạng của Khánh Hoà những năm kháng chiến. Gia đình bà khi đó có nghề làm mắm gia truyền tại Vĩnh Trường, Nha Trang. Chị em bà lớn lên đều lần lượt tham gia cách mạng. Còn ông, từ huyện Ninh Hoà ra Quy Nhơn học bậc cao đẳng tiểu học ở trường Quốc học. Khi Nhật đảo chính Pháp, trường đóng cửa, ông gánh theo sách vở trở lại quê nhà tham gia công tác của xã phụ trách công tác thiếu niên và thông tin tuyên truyền. Khi làm trưởng ban thông tin của xã, Giang Nam thường viết thơ văn gửi cho báo “Thắng” là tờ báo kháng chiến của Khánh Hoà, cũng là tờ báo kháng chiến đầu tiên của vùng Nam Trung bộ. Cũng nhờ viết thơ thường xuyên mà tỉnh đã có công văn xin ông về Ty Thông tin tham gia làm báo “Thắng”. Đó là một bước ngoặt trong cuộc đời Giang Nam để rồi ông đã gặp bà.

Cùng ở khối cơ quan Quân Dân Chính Đảng, thường xuyên được giáp mặt nhau nhưng cũng chỉ dám liếc nhìn chứ không nói chuyện riêng được lâu. Vì cái thời đó, cách mạng là trên hết. Cho đến ngày, ông có tên trong danh sách đi chiến trường. Thấy tình cảm cao đẹp của hai người đã chín muồi nên tổ chức đã gọi ông đến và nói: “Nếu yêu rồi thì phải xác định gắn với cách mạng, tình yêu của người lính phải luôn cao cả”. Niềm vui như vỡ òa, ông về tất bật chuẩn bị và nhờ tổ chức đứng ra chủ trì cho hôn nhân của ông. Sau đêm tân hôn đúng 2 ngày (vào đầu năm 1955), ông phải nhận nhiệm vụ mới ở Bình Định.

Khi chia tay, bà Triều tặng cho ông chiếc khăn tay và lá thư với lời nhắn nhủ ngắn gọn: “Hãy giữ gìn sức khỏe, tình yêu của em luôn trọn vẹn cho anh, mãi mãi là vậy và lớn thêm. Anh hãy sống cho lý tưởng cách mạng trước chứ đừng lo nghĩ cho em nhiều. Dù có bất cứ điều gì xảy ra, em cũng một lòng đợi anh, chung thủy với anh”. Ông bà và đồng đội hy vọng rằng chỉ hai năm sau sẽ được đoàn tụ theo tinh thần Hiệp định Genève giữa ta và Pháp, không ai nghĩ đó là cuộc chia ly không hẹn ngày về. Tuy sau đó, ông được tổ chức đưa về lại Nha Trang, được đưa vào Sài Gòn làm giấy tờ hợp pháp với tên họ, quê quán mới để dễ bề hoạt động. Dù sống ngay trên thành phố quê hương mình nhưng ông bà hoạt động ở 2 tuyến khác nhau, không được gặp mặt.

Trước khi ông viết bài thơ “Quê hương”, ông đã viết bài thơ “Lá thư thành phố” ở vùng đất đỏ miền đông Nam Bộ vào năm 1958 (bài này được in trên báo Thống Nhất) khi ông đang làm công cho một tư nhân thầu khoán có đoạn: “Con vẫn ăn chơi, em vẫn khỏe / Anh yên lòng nhé chốn xa xăm / Dây bầu sai trái bên đầu ngõ / Vẫn đợi anh về hái nấu canh – Con nhớ anh thường đếm biếng ngủ / Nó khóc làm em cũng khóc theo / Anh gửi về em manh áo cũ / Đắp cho con đỡ nhớ anh nhiều”. Bài thơ đã được viết từ chính những câu chuyện nước mắt của đời thường.

Vào những năm 1957-1958, ông và vợ ông ở hai tuyến công tác khác nhau nhưng lại may mắn gặp nhau khi đổi vùng vào Nam Bộ hoạt động. Vợ chồng ông thuê một căn nhà lá nhỏ trong một xóm lao động nghèo ở Biên Hòa để ở. Hàng ngày vợ ông đi bán bánh bò ngoài chợ, còn ông thì làm công cho cho một tư sản thầu khoán người Việt. Tuy cuộc sống nghèo khổ cơ cực nhưng vợ chồng ông rất vui vì lần đầu sau 4 năm làm lễ thành hôn trên căn cứ Đá Bàn (Ninh Hòa) mới có điều kiện ở gần nhau.

Rồi vợ ông sinh được một cháu gái. Đó là nỗi vui mừng to lớn đối với vợ chồng ông. Tuy nhiên vì công việc của chủ gắn với mỏ đá ở Long Khánh (Xuân Lộc) và con đường tỉnh lộ 2 La Gi – Hàm Tân (tỉnh Bình Tuy) nên ông phải thường xuyên sống xa nhà. Hàng tuần ông chỉ về nghỉ một lần. Bà thím nhà bên người đã cho ông thuê nhà, ái ngại với hoàn cảnh của vợ ông đã thường chạy qua lại giúp đỡ - khi thì đi chợ hộ, khi thì dỗ cháu bé ngủ. Cháu rất ngon, bụ bẫm dễ nuôi nhưng thỉnh thoảng có đêm cháu khóc mãi không ngủ được. Bà thím qua bế nó và bảo vợ ông: “Trẻ nhỏ coi vậy mà khôn lắm, nó nhớ cha nó đó. Cô coi có cái áo nào của chú đắp cho nó ngủ”. Không biết vì mồ hôi quen thuộc hay vì cái gì khác mà con ông sau đó nín khóc và ngủ ngon lành.

Hai năm sau ông viết bài thơ “Quê hương” lần này là dưới chân núi Hòn Dù, cách 40 cây số phía Tây thành phố Nha Trang, nơi đóng căn cứ bí mật của Tỉnh ủy Khánh Hòa lúc bấy giờ. Ông ngồi trong căn chòi nhỏ của mình dưới tán lá rừng, trước mắt là ngọn đèn dầu được che kín cả ba mặt chỉ trừ một chút ánh sáng rọi trên trang giấy. “Hầu như tôi đã viết một mạch không xóa sửa, hình ảnh cứ như được sắp xếp sắn và hiện ra đầu ngòi bút. Từng đoạn nước mắt tôi trào ra: Giặc bắn em rồi quăng mất xác / Chỉ vì em là du kích em ơi / Đau xé lòng anh chết nửa con người… và nhất là ở hai câu cuối cùng của bài: Nay yêu quê hương vì trong từng nắm đất / Có một phần xương thịt của em tôi – Y như máu thịt của người tôi yêu đã hóa thành những hạt bụi trộn vào mỗi hòn đất dù nhỏ nhất trên trái đất này. Tôi không ngờ bài thơ tôi viết trong giây phút đau đớn của đời mình lại trở thành một bài thơ tình yêu được người đọc yêu thích”.

Chiều hôm đó anh Phó Bí thư Tỉnh ủy gọi ông lên chỗ làm việc. Ông có linh cảm điều gì đó không bình thường mới xảy ra. Quả nhiên sau đó anh Phó Bí thư Tỉnh ủy đã nói thật: tin của cơ sở trong thành vừa báo cho biết vợ và con gái ông bị địch bắt trước đó hơn một năm đã bị chúng thủ tiêu, trong hoàn cảnh nào thì chưa xác minh được nhưng chắc chắn là không còn sống.

Ông choáng váng trước cái tin đột ngột ấy như trời vừa sập xuống đầu mình. Ông không đủ can đảm hỏi thêm điều gì nữa. Những kỷ niệm cũ, tình yêu e ấp vụng dại, những giận hờn và buổi chia tay đầy nước mắt, cả hai mẹ con điều khóc… bỗng sống dậy xót xa nhức nhối và rõ ràng cứ như mới xảy ra hôm qua. Và ông đã viết bài thơ “Quê hương” trong tâm trạng đau đớn tột cùng....

(Còn nữa)

 Trịnh Anh

Nguồn: DT

No comments:

Post a Comment