.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Friday, March 8, 2013

HÌNH ẢNH NGƯỜI PHỤ NỮ TRONG VĂN CHƯƠNG VIỆT… CÁI CÒ, GIẢI YẾM ĐÀO…

Người phụ nữ trong văn học dân gian qua hình ảnh cái cò và giải  yếm đào, đó là một hình ảnh tuyệt vời và lãng mạn. Hình ảnh một con cò bé nhỏ giữa trời nước mênh mông đang tuổi xuân thì còn bức tranh nào đẹp hơn về màu sắc, có chiều sâu suy tưởng.  Phải chăng đó là viễn ảnh một cuộc đời vất vả, gian nan, cô đơn?  Định mệnh người phụ nữ Việt Nam trong cuộc đời qua biểu tượng cái đã đi vào văn học Việt Nam.
  
Cái mò tôm, bắt cá, dò dẫm bước từng bước trên ruộng nước bao la của đồng quê Việt Nam, một hình ảnh quen thuộc gắn chặt vào đời sống thôn dã.   Sự cần cù, nhẫn nại, kiên nhẫn, hy sinh tìm mồi nuôi con của cò mẹ không quản cái giá lạnh mùa đông, từ sớm mai cho đến hòang hôn, giữa cô đơn tĩnh lặng.  Cò mẹ ngửng đầu rồi lại cúi xuống, rồi lại dò dẫm bước những bước nhỏ nhoi giữa không gian cô đơn, đặc quánh đến cùng cực.  Cò mẹ cô đơn giữa đồng không mông quạnh ấy không ngoài mục đích mang mồi về cho con thơ dại.  Người phụ nữ Việt theo dòng lich sử chuân chuyên, vất vả không chỉ với con mà còn với chồng, với gia đình nhà chồng. 
Nuôi chồng nuôi con đã là một việc làm không tưởng.  Người phụ nữ còn quảy gánh sơn hà trong quá trình tồn tại của Việt Nam, không chỉ từ ngàn xưa, không chỉ một thời Nho Phong cực thịnh mà còn tiếp nối cho tới dòng lich sử rất gần trong thời điểm từ chiến tranh chống Pháp, chống Cộng Sản.  Người chồng, người cha không có mặt trong gia đình vì còn đang sống chết giữa tuyến đầu, trong các mặt trận xa gần, tranh đấu độc lập cho toàn dân Việt Nam, tranh đấu quyền sống tự do nhân bản cho người dân Việt dưới vĩ tuyến 17.  Phụ nữ Việt âm thầm chia xẻ từng giây từng phút tranh đấu cho quyền sống và tương lai của chồng con trên đất người, nơi tiếng nói, phong tục tập quán quá đỗi xa lạ.   Phụ nữ quẩy những gánh nặng trên vai trong dòng đời trong những thăng trầm lịch sử đã được đưa vào văn chương. Hình ảnh cái cò cô đơn trên cánh đồng bao la là biểu tượng là định mệnh người nữ  trong cuộc đời và văn chương Việt.  

Cái cò đậu cọc bờ ao
Phất phơ hai giải yếm đào gió bay

Cái cò trong hai dòng thơ trên được ví von, hình ảnh một cô thôn nữ  rất trẻ trong làng quê êm đềm nào đó của Việt Nam, đang tuổi vào đời, mộng mơ.  Cái cọc trơ vơ trong cái ao là hình ảnh cô đơn, lẻ loi.  Cái cò đậu cọc bờ ao còn cô đơn đến thế nào.  Mặt nước có lẽ phẳng lặng, gió có lẽ rất nhẹ để cò lặng người trong suy tưởng. Còn hình ảnh nào trữ tình hơn, linh động hơn khi nhìn giải yếm màu đào đang bay trong gió. Nếu chưa từng ở vùng thôn quê hẻo lánh ta chưa biết màu hồng đào đẹp tuyệt. Đó là màu hồng thẫm duyên dáng chứ không phơn phót hồng như màu hoa anh đào Nhật. Các cô thôn nữ đều có một bộ cánh rất duyên dáng để mặc trong các ngày lễ hội của làng mình hay làng kế bên. Yếm màu đào, áo dài tứ thân màu nâu, váy màu đen đậm dài quá gót chân, đôi hoa tai bạc, tóc vấn vải có màu nâu của áo, hay màu đen của váy hoặc tóc vấn trần, và cái đuôi gà  tóc dài  đong đưa, dùi tượng màu đào hay màu thiên lý, chuỗi xà tích bạc, môi đỏ má hồng mắt long lanh say trầu hay vì niềm vui ngày hội.  Mỗi bước đi có nhạc điệu uyển chuyển, âm thanh xao động của chuỗi xà tích bạc.  
Yếm đào, màu hoa đào, màu của mùa xuân, màu của tuổi đang yêu, màu của nguồn sống, màu của thi nhân.   Màu đào chỉ dành cho con gái. 
Tranh thủy mặc chỉ vài nét mực để người thưởng ngoạn thả hồn mơ tưởng thế nào thì hai dòng thơ trên cũng chỉ là hai câu thơ ước lệ tuyệt vời để người đọc mường tượng. Tranh thủy mạc, thơ lục bát dễ hiểu: dòng thơ đầy hình ảnh đầy nhạc điệu đã chuyên chở được một kho tàng  văn hóa giàu nghệ thuật và đầy suy tưởng. 

Phất phơ hai giải yếm đào gió bay.   

Hai giải yếm mong manh trong gió nhẹ như cánh bướm chập chờn đưa người vào dòng lịch sử  của người phụ nữ từ ngày lập quốc.  Giải yếm huyền hoặc bay phất phơ trên màn vi tính, tạm dừng một giây phút thì thầm cùng người viết, rồi lại phất phơ bay, sẽ vẫn và mãi mãi là hình người phụ nữ Việt luôn luôn sát cánh bên chồng, ôm ấp đàn con trong chức năng làm vợ, làm mẹ, trong không gian hiện hữu của ngày hôm nay và ngày mai.

Hình ảnh người phụ nữ thuở xưa được đưa vào văn chương từ cái nhìn nghệ thuật mặc khách tao nhân.  Qua muôn đời họ đà nhận thức được những vất vả, cô đơn mênh mông vây toả, định mệnh người phụ nữ trong xã hội Nho Phong cổ kính Việt Nam. 

Em về thưa với mẹ thầy
Có cho anh cưới tháng này hay chưa.

Mặc bộ cánh đẹp để làm đẹp cho mình và cho đời trực diện định mệnh.  Chàng đã yêu nàng lắm, thốt nên lời lời cầu hôn.  Chờ đợi nàng thưa cùng mẹ cha …chờ đợi nàng yêu chàng…chờ đợi nàng thôi mơ mộng.  Cho dù lãng mạn là thế nhưng không vượt qua lễ giáo. 
Lời tỏ tình chân thật, mộc mạc làm xiêu lò ng người đẹp.  Thiếu chàng nàng sẽ bâng khuâng, sẽ thẫn thờ, sẽ mong ước được đọc những lá thơ thơm mùi giấy mới thơm mùi mực…và nàng đã thốt nên: 

Ước gì sông rộng một gang
Bắc cầu giải yếm cho chàng sang thăm 

Người phụ nữ trong thời tao loạn phải quẩy một gánh giang sơn nhà chồng, bổn phận làm dâu, bổn phận làm vợ, làm mẹ không được biết tới qua văn chương bác học nhưng chúng ta nhìn thấy nỗi vất vả, nỗi cô đơn, sự câm nín của người nữ qua những câu ca dao trong văn chương dân gian.   
Thời gian mơ mộng không dài là bao và thời gian hạnh phúc có lẽ ngắn ngủi lắm cho nên chưa có một dòng thơ  nào diễn tả được niềm hạnh phúc nhỏ nhoi mà cái cò đậu cọc kia mơ ước trong tuổi hồn nhiên.   Bức tranh cái cò đậu cọc bờ ao …mênh mông nỗi buồn nhưng không đậm nét bằng hình ảnh gian nan vất vả của cái cò khi làm vợ, làm mẹ. 

Con cò lặn lội bờ song
Gánh gạo đưa chồng tiếng khóc nỉ non
Nàng vê nuôi cái cùng con
Để anh đi chẩy nước non Cao Bằng

hoặc

Anh đi em ở lại nhà
Vườn dâu em đốn
Mẹ già em thương 

Nhà thơ Trần Tế Xương là người đưa hình ảnh cái cò vào văn chương bác học . 

Quanh năm buôn bán ở mom sông
Nuôi đủ năm con với một chồng
Lặn lội thân cò khi quãng vắng
Eo sèo mặt nước buổi đò đông... 

Màu yếm đào của thuở xuân chẳng còn dấu vết gì, cái sinh động một thời nay còn lại là hình ảnh héo hon gầy còm trong cả văn chương dân gian và văn chương bác học ( cho dù quá ít cũng phản ảnh được thân phận người nữ trong xã hội Việt Nam.)  

Cái cò đậu cọc bờ ao
Phất phơ hai giải yếm đào gió bay
Em về thưa với mẹ thầy
Có cho anh cưới tháng này hay chưa 

Hai chữ …hay chưa …cho người đọc hiểu rằng cây si này là một anh chàng có học …cây si này có lẽ cũng là …một anh chàng …xe bồ luân dù chưa gặp thang văn.  Thi trượt trở về làng quê dạy học làm thầy đồ và có thời giờ làm thơ. 
Ít ra thì cũng có một nhà thơ nào đó,  một anh Cử anh Khóa nào đó, văn hay chữ tốt  không kém  Trần Tế Xương mới dám cả gan viết lên được bốn  câu thơ lục bát  tuyệt vời, một bức tranh đầy ấn tượng được truyền từ đời này qua đời khác.  It ra thì tác giả đã đưa được cái đẹp, niềm cô đơn, gánh nặng của người nữ Việt Nam vào văn học dân gian mà không cần ai biết tên tác giả.   Cái ngông của kẻ sĩ trong thời bút lông cực thịnh của quê nhà là thế và có lẽ nền văn chương dân gian ra đời là thế.   
Ít ra Trần Tế Xương đã đưa hình ảnh người bạn đời, hình ảnh người nữ, hình ảnh một con cò nhỏ bé, vào nền văn chương bác học qua bài Thương Vợ.  Ông là người đầu tiên viết về lòng yêu mến, biết ơn người vợ một nắng hai sương của mình.

Anh đi em ở lại nhà
Vườn dâu em đốn
Mẹ già em thương 

Một gánh nặng trên vai người nữ.  Chia xẻ gánh nặng để chồng đi chinh chiến. Hơn những người phụ nữ của một thời Nho Phong, người phụ nữ trong nửa thế kỷ vừa qua, không những  quảy một gánh  nặng trên vai, còn bị vùi dập, bị ngược đãi, bị khinh khi của tầng lớp cai trị trong chính quê hương Việt những năm tháng chồng bị lao tù cộng sản nơi sương lam chướng khí.  Trong thời gian này người phụ nữ Việt Nam phải sống vùng kinh tế mới với đói khát bệnh tật…đương đầu với những thảm cảnh hãi hùng trên đường tìm tự do trên đường bộ, trên đường biển với tử vong cao độ làm thức tỉnh lương tâm nhân loại. Tinh thần phấn đấu, chịu đựng, kiên nhẫn, hy sinh của người phụ nữ Việt đã nuôi con nên người tuy rằng những người chồng, người cha đã hy sinh ngoài mặt trận, chết trong lao tù cộng sản, hay trên biển đông. 

Cái cò đậu cọc bờ ao
Phất phơ hai giải yếm đào gió bay

Hai giải yếm như cánh bướm bất tử trong lịch sử, trong văn học, định mệnh người phụ nữ Việt Nam, người phụ nữ Việt đã chia gánh nặng với chồng từ ngày lập quốc.  Ngoài Trưng Triệu còn bao nhiêu người phụ nữ khác trong bóng mờ với sự hy sinh không tưởng, với lòng nhẫn nại vô biên của mẹ, linh hồn những giải yếm bay trong gió đã và đang ôm ấp một Việt Nam. 
Hình ảnh người nữ trong thi ca vẫn là nét đẹp.  Một nét đẹp còn ở mãi trong tâm hồn chúng ta những người yêu con chữ quê hương; cho dù chúng ta đang sống trong thời đại vi tính với mạng, với net, với facebook, với twitter nhưng chưa ai làm thơ hay vẽ được bức tranh tuyệt vời : nét đẹp của người phụ nữ và cái định mệnh.

Cái cò đậu cọc bờ ao
Phất phơ hai giải yếm đào gió bay 

Biểu tượng hay định mệnh nào ai khẳng định.  Thay cho cây cọ, gam màu là những con chữ dân gian thường dùng, những câu thơ lục bát đã vẽ một bức tranh tuyệt vời về người phụ nữ Việt qua hình ảnh gần gụi nhất trong cảnh thôn quê… cái cò, con cò…bờ ao … Thơ lục bát  trong ca dao trở thành lời ru của mẹ qua những thăng trầm của đời mẹ, của quê hương.   

Thu Hương Seattle

1 comment:

  1. Cảm ơn chia sẽ của bạn!
    Chi Thùy – Người Mẫu
    -------------------------------------------------------------------
    • Xem chi tiết về Những địa điểm chụp ảnh cưới tuyệt đẹp ở TP.HCM
    • Hoặc Nhung dia diem chup anh cuoi tuyet dep o TP.HCM

    ReplyDelete