.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Monday, March 4, 2013

TRÒ CHUYỆN VỚI ÔNG VŨ MÃO, NGUYÊN CHỦ NHIỆM VP QUỐC HỘI: “LÂU LÂU LẠI THẤY CÁN BỘ HẠ CÁNH AN TOÀN” (KỲ 1)


Ở nước ta, có một câu chuyện khá phổ biến là nhiều cán bộ lãnh đạo nhà nước dính dáng tới tiêu cực, nhưng không có văn hóa từ chức. Lâu lâu, chúng ta lại thấy cán bộ ngành này, ngành nọ mắc sai phạm nhưng vẫn “hạ cánh an toàn” hoặc có bị kiểm điểm thì cũng luân chuyển sang một vị trí khác… điều đó khiến cho lòng tin của nhân dân bị suy giảm. Và cách xử lý cán bộ mắc sai phạm như thế này gián tiếp trở thành chất xúc tác “mạnh” cho việc sai phạm của cán bộ mà thôi.
Ông Vũ Mão - Nguyên Chủ nhiệm VP Quốc hội
Phóng viên (PV ): Ông có nghĩ rằng mặt trái của nền kinh tế thị trường cũng phần nào tác động tiêu cực tới việc tuyển chọn cán bộ lãnh đạo?
Ông Vũ Mão: Về căn bản thì chúng ta đều mong muốn chọn được người có tài có đức để tham gia vào hệ thống lãnh đạo xây dựng đất nước.
Trước đây, chúng ta phát triển từ một nước nông nghiệp thuần túy, trải qua hai cuộc chiến tranh nên động vào đâu cũng thấy khó khăn, tuy nhiên công tác quản lý giám sát cán bộ có thể nói rằng rất chặt chẽ và bản thân các đồng chí cán bộ Đảng viên cũng rất nghiêm túc.
Khi cuộc cải cách ruộng đất được thực hiện và nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp, đồng chí Trường Chinh đã tự nhận khuyết điểm, thẳng thắn nhìn nhận lại những sai sót.
Điều đó cho thấy, lãnh đạo cấp cao của Đảng ta ngay từ thời kỳ bắt đầu xây dựng đất nước đã rất chú ý nêu cao tính trung thực, thẳng thắn của người Đảng viên.
Giờ đây, đất nước đang trên đà đổi mới, có nhiều thành tựu đáng tự hào hơn và nhất là việc chúng ta gia nhập kinh tế thế giới, phát triển nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Tuy nhiên, chúng ta cũng phải thẳng thắn mà nói rằng, nền kinh tế thị trường đã ít nhiều tác động tới công tác tuyển chọn cán bộ, luân chuyển cán bộ, từ đó dẫn tới công tác quản lý cán bộ cũng ảnh hưởng theo, chuyện đó đã xảy ra ở một số địa phương, Bộ, ngành.
PV: Chúng ta đã nói ra rả về “quyền giám sát của nhân dân”, nhưng trên thực tế thì cái quyền này không những chưa được phát huy mà còn bị  bị cản trở. Quan điểm của ông thế nào?
Ông Vũ Mão: Gần đây, chúng ta đã nói nhiều về việc này. Lãnh đạo cấp cao ở Chính phủ thì luôn mong làm tốt điều này, nhưng công tác triển khai ở các cấp dưới cũng chưa tốt.
Lâu lâu, chúng ta lại thấy có một lãnh đạo của Bộ này hay ngành kia mắc sai phạm nghiêm trọng, rồi “hạ cánh an toàn”, thậm chí có rất nhiều người cố bám lấy cái chức vụ ấy để xin luân chuyển sang vị trí khác, chứ mấy ai dám từ chức, vì họ sĩ diện.
Khi các sự việc như vậy vỡ lở, lòng tin của người dân với hệ thống cán bộ lãnh đạo bị suy giảm, mà muốn tránh được điều đó thì cần nâng cao tính dân chủ trong công tác tuyển chọn cán bộ.
Thí dụ như việc bầu cử ở địa phương chẳng hạn, thí điểm bầu luôn Bí thư Đảng ủy mà không phải bầu ra ban chấp hành rồi mới bầu Bí thư Đảng ủy xã, chủ trương thì tốt nhưng cách làm vẫn chưa ổn, là vì khi cấp trên đã chỉ định người ra ứng cử thì không có ai muốn tranh cử với người được chọn.
Vì sao? Vì người ta không muốn “chơi kiểu quân xanh, quân đỏ”. Người đã được cấp trên định hướng sẽ có lợi thế mà nếu người tự nguyện ứng cử không rút thì cũng bị mang tiếng thế này thế khác, mà thậm chí sau đó còn bị ghét… có quá nhiều vấn đề như thế nên có thể thấy là chưa phát huy được công tác “bầu” mà thực chất vẫn là “cử”.
PV: Theo ông, chúng ta cần thay đổi thế nào để tránh tiêu cực?
Ông Vũ Mão: Quy hoạch cán bộ là công tác mà chúng ta vẫn cần triển khai và phải làm tốt hơn nữa, nhưng đó không phải là cách làm duy nhất, bởi vì khi đi vào thực tế thì có nhiều người giỏi nhưng chưa đưa vào diện quy hoạch, do đó khi bầu cử thì cũng không nên chỉ nhằm vào nhóm cán bộ trong diện quy hoạch mà cần phải cởi mở hơn, muốn vậy thì cần có tranh cử.
Thí dụ ở các xã, trong quá trình chuẩn bị là phải cho tranh cử. Ai có khả năng đảm đương được các công việc thì ứng cử và trình bày về chương trình công tác của mình ở cương vị lãnh đạo của xã ấy, như vậy thì nhân dân mới biết khả năng của từng người mà bầu.
Bên cạnh đó, công tác luân chuyển cán bộ cũng làm nảy sinh nhiều tiêu cực, động cơ phía sau việc luân chuyển ấy lộ liễu quá. Tôi có thể điểm ra hàng loạt vụ luân chuyển cán bộ khiến cho các địa phương rất tâm tư, bởi vì thời gian cán bộ về với địa phương ngắn và những dấu ấn để lại không rõ nét.
Tôi cũng đã từng có gần 10 năm công tác ở Quảng Ninh và trải qua nhiều vị trí lãnh đạo khác nhau nên tôi rất hiểu vấn đề này, điều quan trọng là cấp trên phải đánh giá được thực chất khả năng của cán bộ chứ không nên coi việc cán bộ đó đã có thời gian công tác tại cơ sở là thành tích.
PV: Như ông nói, đúng là không phải đến bây giờ chúng ta mới nói và bàn tới những tiêu cực của cán bộ. Và đến bây giờ, có một điều đáng tiếc là sau nhiều cuộc vận động học tập  và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh thì hình như số lượng cán bộ mắc sai phạm vẫn không hề thuyên giảm ?
Ông Vũ Mão: Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh hết sức quan tâm, chăm lo bồi dưỡng, giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên. Bởi lẽ, theo Người, đạo đức là cái căn bản nhất của người cán bộ cách mạng.
Chúng ta đưa ra chủ chương học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại, nhưng công bằng mà nói thì kết quả đạt được vẫn còn kém xa kỳ vọng, hiện tượng tiêu cực trong xã hội ngày càng tràn lan, nhiều cán bộ lãnh đạo thiếu gương mẫu, hiện tượng tiêu cực trong xã hội ngày càng tràn lan, nhiều cán bộ lãnh đạo các cấp thiếu gương mẫu.
Tuy nhiên, trong lúc niềm tin của nhân dân bị suy giảm thì chúng ta đang nhìn thấy những tín hiệu tích cực trong công tác sử dụng cán bộ cấp cao, và đó là điều rất đáng mừng.
Chúng ta vui khi thấy ngày càng có nhiều cán bộ mới được đề bạt đã thể hiện rất tốt vai trò của mình, mà ấn tượng đó là Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ và Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng, hay Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình.Tôi tin rằng, thời gian tới đây sẽ có nhiều thay đổi rất mạnh, vì khi xuất hiện những Bộ trưởng dám nói thẳng và dám làm thẳng thì phần còn lại không thể trầm mãi được.
Bộ trưởng Vương Đình Huệ
PV: Nhân chuyện nhắc tên các Bộ trưởng, ông có thể lý giải vì sao hàng triệu người dân lại gọi Bộ trưởng Huệ và Bộ trưởng Thăng là “hiện tượng”, trong khi thực chất những gì các Bộ trưởng này đã thể hiện cũng chỉ là việc “đương nhiên phải thế”?
Ông Vũ Mão: Chúng ta đều biết khi Bộ trưởng Đinh La Thăng nhậm chức đã thể hiện rõ mình là Tư lệnh ngành Giao thông vận tải, và thực tế là đang rất quyết liệt với những việc của ngành.
Có những người chê trách khi Bộ trưởng Thăng cấm cán bộ cao cấp của ngành chơi golf để dồn thời gian cho công việc, nhưng đa số nhân dân rất vui mừng vì lệnh cấm ấy đem lại lợi ích cho đại đa số dân chúng.
Cán bộ ung dung đi chơi golf, ngay cả vào ngày nghỉ, trong khi công việc thì bề bộn, nhìn đâu cũng thấy chướng mắt, thì quả là rất không nên. Gần đây, Bộ trưởng Thăng còn rất thẳng thắn khi nói rằng sẵn sàng nhận trách nhiệm, sẵn sàng từ chức nếu không hoàn thành các nhiệm vụ tại Bộ GTVT.
Còn với Bộ trưởng Vương Đình Huệ cũng đã gây ấn tượng mạnh với nhân dân khi nhấn mạnh Bộ Tài chính điều hành mọi việc vì cuộc sống của hơn 80 triệu dân của đất nước chứ không phải vì các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối.
Tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, Bộ trưởng Huệ một lần nữa gây ấn tượng khi trả lời rành mạnh các câu hỏi chất vấn của đại biểu quốc hội, đồng thời khẳng định “Minh bạch là giải pháp của mọi giải pháp”. Bộ trưởng Huệ cũng đang thể hiện rất tốt vai trò của Bộ trưởng Tài chính.
Tôi rất ấn tượng với những Bộ trưởng sẵn sàng nói thẳng và có những hành động mạnh mẽ như vậy. Cũng phải nói thêm thế này, đã làm lãnh đạo thì ai cũng có một chút quyền lợi, nếu không phải vậy thì chẳng ai phấn đấu làm lãnh đạo, nhưng có những lúc phải biết dẹp bỏ cái tôi để ưu tiên cho đại cục.
Dân người ta biết cả đấy, ai làm được việc gì tốt, làm vì nhân dân, ai chỉ nói hay mà làm dở thì rốt cuộc cũng lộ ra hết cả. Thí dụ như việc vừa qua Đinh La Thăng cấm cán bộ chủ trốt chơi golf, nhiều ý kiến phản biện cho rằng như vậy là vi phạm quyền này quyền khác, nhưng tôi cho rằng ở một khía cạnh nào đó thì quyết định của Bộ trưởng cũng có cái lý.
Điều đó thể hiện là chúng ta đang có quá nhiều vấn đề thời sự mà ngành giao thông chưa giải quyết được, trong khi đó có một số cán bộ còn dửng dưng, thậm chí vô cảm với những đòi hỏi của nhân dân.
PV: Có lẽ vì còn nhiều vấn đề thời sự chưa được giải quyết triệt để nên nhiều người bảo, ghế của Bộ trưởng Bộ GTVT lúc nào cũng “nóng”. Nó có nóng thật không và nóng đến mức độ nào ?
Ông Vũ Mão: Nếu nói là ghế Bộ trưởng Giao thông “nóng” thì Bộ nào không nóng? Tôi cho rằng ở vào các vị trí của Bộ trưởng thì trách nhiệm của họ đều nặng nề chứ không phải là người này nặng, người khác thì nhẹ.
Bộ Tài chính cũng “nóng” chứ, Bộ Kế hoạch & Đầu tư cũng rất “nóng” – tiền của đổ vào đâu, đầu tư vào đâu, cắt giảm chỗ nào, đầu tư chỗ nào?
Bộ Tài Nguyên & Môi trường cũng “nóng” quá đi chứ, đất đai vốn là tâm điểm của báo chí nhiều năm qua, Nhà nước thì bị thất thoát, người dân cũng bị mất đất (được đền bù quá thấp, không giúp họ tạo dựng nghề nghiệp mới), tiền của lại chảy vào túi của một số người… nhưng những cái đó, người dân không nhìn thấy hàng ngày như là chuyện kẹt xe, tai nạn giao thông đấy thôi.
Tôi thấy rằng, điều đáng quý là ít nhất Bộ trưởng Thăng cũng dám hứa, dám nhận trách nhiệm.
(Đón đọc Kỳ 2 )
Ngọc Quang (Thực hiện)
Nguồn: NTM

No comments:

Post a Comment