Con vua thì lại làm vua / Con sãi ở chùa lại quét lá đa
/ Bao giờ dân nổi can qua / Con vua thất thế lại ra quét chùa. (Ca dao)
Xã hội văn minh là một xã hội thống trị, có nghĩa là có kẻ
bị trị và có người thống trị. Một xã hội không thống trị là một xã hội loạn.
Thời nguyên thủy là thời loạn. Mạnh ai nấy sống, mạnh ai nấy hành động, bất kể
trật tự và chuẩn mực (chẳng hạn đàn bà tha hồ ngủ với bất kể đàn ông nào). Cái
loạn chấm dứt khi các bộ tộc hình thành. Nhưng khi có quá nhiều bộ tộc, nhân
loại lại loạn theo kiểu khác vậy nên nhà nước ra đời. Có nhiều kiểu nhà nước.
Nhà nước gắn với trật tự. Kể từ đó mọi trung tâm và ngoại vi đều dịch chuyển
trong trật tự này.
Hỗn độn, như thế là cái có trước, là bản chất của tự nhiên.
Trật tự là cái có sau, là bản chất của xã hội. Nhưng cứ giữ mãi một trật tự thì
rất chán và không thể bởi cái hỗn độn tự nhiên luôn cứ can thiệp vào cái trật
tự xã hội hòng tạo nên một hỗn độn mới để thiết lập một trật tự mới. Xem ra
lịch sử phát triển của nhân loại luôn là sự thay thế của một trật tự này bằng
một hỗn độn và một hỗn độn bằng một trật tự mới.
Nền tảng tạo nên hỗn độn trong trật tự tạm thời của một xã
hội là thành tựu khoa học mà con người đạt được trong quá trình chinh phục tự
nhiên, chinh phục xã hội. Chính nhờ những bước tiến khoa học này, con người
nhận thức được những mặt bất ổn của trật tự, đả phá nó để xây dựng trật tự mới.
Người đứng đầu trật tự là vua, nhưng khi thất thế, khi trật tự bị đe dọa và tan
tành bởi hỗn độn thì rất có thể sãi sẽ làm vua.
Umberto Eco rất đúng khi cho rằng mỗi thời đại đều có riêng
hậu hiện đại của chính nó. Theo quan niệm này thì hai khái niệm hiện đại và hậu
hiện đại liên tục thay đổi nhau. Chúng không là khái niệm chỉ sự phát triển
tuyến tính (chẳng hạn như Cổ đại, Trung cổ, Phục hưng, Ánh sáng...) mà là khái
niệm mang tính tính chất giai đoạn, chỉ sự quay vòng theo hình xoắn ốc, chỉ sự
tiến bộ của một giai đoạn nào đó trong lịch sử nhân loại.
Từ lí thuyết này, chúng ta thấy mỗi một sự thay đổi hỗn độn
và trật tự sẽ kéo theo sự dịch chuyển của những ngoại biên vào trung tâm và
ngược lại. Chúng tôi khái quát hai vai này bằng khái niệm “vua” và “sãi”: vua
là biểu tượng của trung tâm, của trật tự, của quyền lực tối thượng, của đặc
quyền đặc lợi; sãi là biểu tượng của ngoại biên, của hỗn độn, của những cái nhỏ
bé, bị trị, đứng bên lề cuộc đời. Trật tự chỉ là trật tự khi sãi là sãi và vua
là vua. Nhưng một ngày, vì lí do nào đó, một hỗn độn xuất hiện, vua không còn
là vua và sãi không cam tâm làm sãi nên có sự chuyển đổi, sãi vào trung tâm,
vua ra ngoại vi.
Lấy ví dụ mang tính chính trị như thế cốt để minh họa rõ
cho các phạm trù trung tâm, ngoại biên mà ta đang bàn. Bây giờ chúng tôi bàn
sang văn học. Ngay từ khi mới ra đời, văn giới cũng đã chịu cảnh dịch chuyển
trung tâm – ngoại vi như thế. Có thể xem sự dịch chuyển do động lực tiến bộ tự
nó và cũng có thể nó chịu một lực tác động bên ngoài mà không thể khác. Thông
thường nhân tố nội tại sẽ mạnh hơn sự tác động bên ngoài bởi bất kì một trung
tâm nào cũng đều không tránh khỏi nhu cầu làm mới mình để có thể tồn tại, cho
dù điều đó có ảnh hưởng rất lớn quyền lợi của “trung tâm” đó.
Thời cổ đại Hi Lạp, thơ chắc chắn là thể loại thống trị.
Thơ là trung tâm, là cội nguồn của cảm xúc, là sự mặc khải thượng đế ban cho
con người (nên mới có một vị thần là thi thần). Mọi cách bộc lộ cảm
xúc ngôn từ đều qua thơ. Người ta kể chuyện bằng thơ, đóng kịch bằng thơ. Thơ
là “chúa tể của muôn loài” (Shakespeare). Nhưng đến khoảng thế kỉ thứ V trước
Công nguyên, kịch phát triển thành thể loại độc lập, không “nói” bằng thơ nữa,
dần chiếm lĩnh văn đàn. Tất nhiên khi đó, thơ vẫn được chuộng nhưng sự quan tâm
của công chúng Hi Lạp đến kịch nhiều hơn. Những nhà soạn kịch đoạt giải nhất
trong năm được xem như những anh hùng dân tộc và có địa vị cao sang trong đời
sống vật chất, tinh thần. Cái ngoại biên đã trở thành trung tâm. Lúc đó, tiểu
thuyết ắt hẳn vẫn là khái niệm mơ hồ, thậm chí là chưa xuất hiện. Giới tri thức
Hi Lạp cổ đại chắc chẳng thể hình dung có ngày tiểu thuyết trở thành thể loại
thống trị văn đàn vào mười mấy thế kỉ sau đó.
Tình hình này cũng đâu có khác với Việt Nam thuở Nguyễn Du
viếtTruyện Kiều. Giữa lúc thơ Đường luật chữ Hán lên ngôi, một áng kiệt
tác nhưTruyện Kiều cũng đành ngậm ngùi tự nhận là ngoại biên (Mua
vui cũng được một vài trống canh). Ngay đến cả đại Hán Tàu cũng vậy, thuở
Tư Mã Thiên sáng tác cuốn tiểu thuyết vĩ đại (có thể xem là ngang tầm nhân
loại) thì vẫn được xếp vào loại “Sử kí”. Đương nhiên không thể loại trừ chất sử
đậm đặc của tác phẩm, nhưng cách Tư Mã Thiên chọn những chi tiết để tái hiện
nhân vật (đặc biệt là Hạng Vũ và Lưu Bang: Lưu Bang lật mũ nhà Nho đái vào,
Hạng Vũ ca khúc biệt Ngu Cơ: Ngu hề! Ngu hề! nại nhược hà) thì đấy
khó có thể xem là không hư cấu. Lúc này, thể loại truyện kể đang giống như “sãi
ở chùa” mà thôi.
Nhưng thời Phục hưng đã đến, “sãi lên làm vua”. Bắt đầu từ
cuốn tiểu thuyết trứ danh Don Quixote của Mighel de Cervantes.
Cuốn sách được viết trong tình cảnh đất nước Tây Ban Nha tiêu điều, bản thân
nhà văn thì đói rách. Sự ra mắt của sách thì khốn cùng hết chỗ nói. Nhân một
bữa tiệc của một lãnh chúa trong vùng, Cervantes tìm đến đề nghị sẽ đọc hầu một
chương trong sách của mình để mọi người mua vui sau khi tan tiệc. Cuốn cách
được cử tọa tán dương bởi những tràng cười hết cơn này sang cơn khác. Kể từ đó
tiểu thuyết lên ngôi. Đây là thể loại phóng túng, không câu nệ vào bất kì hình
thức hay lề lối viết nào. Trong khi đó, thơ ca đương thời rơi vào cõi chết bởi
tính niêm luật, vần vè rắc rối của nó. Một sự đổi ngôi, “vua” ra quét rác chùa.
Kể từ đó, tiểu thuyết trở thành thể loại thống trị văn đàn.
Thế kỉ 18, 19, 20 và thậm chí thập niên đầu thế kỉ 21, cũng là thời của tiểu
thuyết. Giải Nobel văn học trong suốt hơn một thế kỉ, chủ yếu trao tặng các nhà
tiểu thuyết. Bên cạnh đó, kịch thơ cũng dự phần, nhưng truyện ngắn thì vẫn là
“sãi ở chùa”, chưa thể len vào trung tâm.
Trên đây là bức tranh sơ lược về sự vận động ngoại biên –
trung tâm của các thể loại. Trong chính một thể loại cũng có sự vận động. Chẳng
hạn, cuối thế kỉ 19, tiểu thuyết hiện thực của Balzac, Tolstoi,... chiếm lĩnh
văn đàn, đầu thế kỉ 20 là thời của tiểu thuyết dòng ý thức, nhưng bây giờ chẳng
ai đi viết tiểu thuyết theo kiểu đó nữa, mà là tiểu thuyết hậu hiện đại với các
phân nhánh nhại, mảnh vỡ, giả trinh thám, huyền ảo...
Ở Việt Nam, vấn đề ngoại biên – trung tâm có lẽ đơn giản
hơn nhiều. Nước chúng ta có truyền thống văn học lâu đời và trung tâm của
truyền thống đó là thơ. Chính trị gia lừng danh Hồ Chí Minh cũng làm thơ. Đến
nay, mỗi ngày chúng ta có cả ngàn bài thơ xuất bản trên sách báo. Sự độc tôn
thơ kéo dài từ thuở lập quốc cho đến tận ngày văn hóa phương Tây xâm nhập vào
Việt Nam. Tình hình đổi khác khi xuất hiện truyện kể hiện đại. Dù rằng vào thời
đó, thành tựu thơ Mới đạt được là vô cùng diệu kì nhưng nó vẫn không độc chiếm
trung tâm bởi tiểu thuyết của Tự lực văn đoàn, tiểu thuyết của các cây bút hiện
thực vẫn chi phối mạnh người đọc. Kể từ khi dành được độc lập và cả hai cuộc
kháng chiến chống Pháp, Mỹ, thơ và truyện kể vẫn độc chiếm văn đàn. Kịch hầu
như không xuất hiện. Người Việt không có thói quen xem kịch và sáng tác kịch.
Mãi mãi, kịch vẫn chỉ là “sãi ở chùa” mà thôi.
Đến đây, chúng ta chạm đến vấn đề cốt lõi của thời văn
chương Việt thế kỉ 21. Vậy thể loại văn học nào là trung tâm trên văn đàn ngày
nay? Không khó để tìm thấy câu trả lời. Lại vẫn là tiểu thuyết, và chừng mực
nào đó là truyện ngắn. Thơ tuy được in nhiều nhưng thành tựu chẳng có là bao và
quan trọng hơn là không có nhiều người đọc. Trong khi đó, lợi thế của tiểu
thuyết và truyện kể nói chung là tập quán thưởng thức văn xuôi của dân tộc
(được hình thành trong thế kỉ 20) và những cách tân của chúng có “kinh dị” đến
chừng nào thì vẫn cứ dễ đọc hơn là đọc một bài thơ hậu hiện đại.
Có hai quan niệm về “trung tâm” cùng song song tồn tại.
Theo quan niệm chính thống (thể hiện qua các giải thưởng của hội nhà văn và các
đoàn thể nhà nước) là những tác phẩm mang đậm chất sử thi của lối viết cũ,
thiên hẳn sang văn xuôi mà ta quen gọi là văn xuôi cách mạng. Và quan niệm
“trung tâm” của những “ngoại biên” (đang dần dịch chuyển vào trung tâm) dành
cho những tác phẩm (đa số chẳng được giải thưởng gì) khước từ tính sử thi, đề
cao tính trò chơi và những chuyện vặt vãnh đời thường trong sáng tạo nghệ thuật
của các cây bút Nguyễn Minh Châu (giai đoạn sau), Bảo Ninh, Nguyễn Huy Thiệp,
Nguyễn Bình Phương, Nguyễn Việt Hà, Lưu Quang Vũ, Cao Duy Sơn, Đặng Thân, Vi
Thùy Linh, Phong Điệp, Phan Việt, Nguyễn Ngọc Thuần, Nguyễn Ngọc Tư,... Sự dịch
chuyển “ngoại biên” này là tất yếu. Những cây bút ngoại biên chúng tôi kể trên
đều đang là “sãi làm vua”, đang viết theo phong cách hậu hiện đại, lấy tính
chất chơi tự do và suy tôn vai trò người đọc làm tiêu chí để sáng tạo và đang
được quảng đại công chúng có học yêu chuộng.
Như thế ở mỗi khúc quanh của lịch sử, văn học đều có một
hậu hiện đại xuất hiện. Nhiệm vụ của nó là phá vỡ trật tự đã đông cứng của một
lối viết nào đó, mở đường đưa văn chương tiến lên. Ngày nay, chủ yếu chỉ những
những người lười tư duy mới đọc các tác phẩm viết theo lối cũ, lối sử thi hoành
tráng từ điểm nhìn của một kẻ “biết tuốt”, kẻ luôn cao giọng dạy con người ta
phải sống thế này, thế nọ. Các thế hệ thời @ ngày nay, chắc chắn sẽ tìm một lối
thưởng thức mới, đầy trí tuệ, đầy hoài nghi và đầy khả năng tôn trọng người đọc
hơn.
Chính nhờ sự xuất hiện của các cây bút ngoại biên này mà
những tiêu chí trung tâm dần lung lay và ở mức độ nào đó có sự giao thoa giữa
ngoại biên và trung tâm, dẫn đến một trạng thái hỗn độn nhất định trong văn
chương Việt đương đại. Theo đó, tùy theo quan điểm chủ quan của một nhóm nào
đó, người ta sẽ quyết định đâu là một tác phẩm văn học có giá trị và đâu là
không giá trị. Các nhóm này thường tự đặt ra luật chơi và nhất nhất tuân theo
luật đó, bất chấp nhóm khác nghĩ gì và phản ứng ra sao. Có thể xem đây là thời
của vô vàn những cách tân văn chương và vô vàn cách tiếp nhận. Tinh thần dân
chủ được đẩy cao hơn bao giờ hết. Nhưng để chọn được một đỉnh cao hoặc một
trung tâm như trước thì ắt hẳn rất khó.
Cái “ngoại biên” hiện nay là ngoại biên hậu hiện đại (hoặc
giả tất cả mọi ngoại biên trong lịch sử đều là ngoại biên hậu hiện đại?). Tác
phẩm hậu hiện đại tiêu biểu tại thời điểm này chính là 3.3.3.9 [những
mảnh hồn trần] của Đặng Thân. Người đọc có thể tìm thấy ở đây vô vàn
điều “khác biệt” với tư duy tiểu thuyết Việt đương thời và trước đó. Cấu trúc
sách cho thấy thân phận của một môn đồ trung thành của mảnh vỡ trí tuệ, mảnh vỡ
internet. Những mảnh vỡ vô chủ, vô đích, trôi dạt trên sự sống theo những ngẫu
nhiên, nhưng vẫn không thiếu những biểu tượng, ẩn dụ về một gái Việt nạ dòng
lang chạ với đủ phường đàn ông vì sự thông minh, lãng mạn nhưng nhẹ dạ, vì đam
mê xác thịt nhưng lại muốn làm giàu, vì một lí tưởng vật chất nhưng lại nghiêng
ngả trước những cám dỗ đồi bại đội lốt tinh thần cao cả bởi nhiều kẻ đốn mạt,
trục lợi thâm hiểm... Theo đó, với lối tư duy trác tuyệt của mình, Đặng Thân đã
biến ngôn ngữ thành phi ngôn ngữ, biến khả năng giao tiếp thành thảm họa, biến
lịch sử thành hư cấu và hư cấu thành lịch sử, biến khoa học thành trò chơi,
biến chuyện tình yêu thành xác thịt và xác thịt thành tình yêu, biến bạn thành
thù và thù thành bạn, biến nhà thông thái thành kẻ ngốc và kẻ ngốc thành thông
thái, biến tri thức thành phản tri thức, biến vĩ nhân thành thành cuồng nhân
ngay trong chính “cái vĩ” của mình... Một cái nhìn đa diện, đầy chất chơi về
cuộc đời như thế đã cho thấy sự bất an về bản thể, về hành trình sống của nhân
loại. Một bất an ngẫu nhiên, không xuất phát từ thực tại mà dường như tự khi
cái được gọi là trái đất hình thành và khi cái được gọi là con người ra đời.
Đọc văn Đặng Thân không khó, nhưng để hiểu thì thật không
dễ. Ắt hẳn nhà văn muốn xây dựng một kiểu ngôn ngữ văn chương Việt mới bằng
cách tạo nên một hỗn độn để xé nát trật tự đã khiến tư duy hình tượng của dân
Việt đã thành khuôn, sáo mòn khủng khiếp. Đương nhiên, sẽ không có nhiều người
hiểu và hưởng ứng việc làm của nhà văn, nhưng không lâu nữa, cái ngoại biên này
sẽ dịch chuyển vào trung tâm. Và văn chương Việt muốn thoát khỏi cái bóng của
tiền nhân, của những trung tâm trước đó, thì cần phải viết theo lối Đặng Thân
hoặc khác đi là theo tinh thần cách tân đáng nể này.
Các nhà nghiên cứu đã nói đến cơ sở dịch chuyển hỗn độn
sang trật tự, ngoại biên vào trung tâm là sự xuất hiện của “hậu hiện đại”. Vậy
thì hậu hiện đại ra đời dựa trên cơ sở nào? Khi con người nhận thấy ngôn ngữ họ
đang sử dụng không còn đáng tin cậy nữa, cần thay đổi cách sử dụng. Vậy thì
điều gì khiến con người nhận ra sự bất lực của ngôn từ? Ấy là khi khoa học vượt
qua những giới hạn nhận thức thực tại của con người về thế giới tự nhiên và xã
hội. Nói tóm lại, tất cả mọi sự chuyển dịch đều vì một trật tự mới, tốt hơn cho
sự phát triển của nhân loại. Trên tiến trình đó, vua sẽ chẳng thể mãi là vua và
sãi cũng chẳng thể luôn là sãi. Một đời người quả là ngắn. Một đời vua lại càng
ngắn hơn. Nghệ thuật, do bản chất luôn đòi sự cách tân, nên mọi thành quả của
nó trong kỉ nguyên hậu hiện đại là vô cùng ngắn ngủi. Khi một vị vua băng hà ta
nên lấy đó làm mừng, khi một vị sãi đứng vào hàng vua, ta cũng lại mừng, khi vị
sãi-vua kia chết ta càng mừng hơn. Rốt cuộc thì mọi đổi thay đều có cái lí của
nó. Không một thể loại hay tác phẩm văn chương nào có thể làm “vua” mãi bởi nhu
cầu làm mới nội tại của chính nó và bởi áp lực của một thế giới toàn cầu. Không
“vua” nào có thể đứng ngoài dòng vận động vĩ mô ấy.
PGS.TS Lê Huy
Bắc
No comments:
Post a Comment