.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Friday, April 6, 2012

HÀ VĂN THÙY TRAO ĐỔI VỚI ÔNG NGUYỄN HÒA VỀ VĂN HÓA HỌC


VĂN HÓA LÀ ĐỊNH MỆNH

(Trao đổi với ông Nguyễn Hòa về văn hóa học)

1.  Không có lựa chọn văn hóa, mà là định mệnh

Ngay ở đầu bài, ông Nguyễn Hòa viết: “Tuy nhiên, do văn hóa là sự lựa chọn của mỗi cộng đồng người trong các điều kiện địa lý - kinh tế riêng nên ngay từ đầu, dù cùng một mẫu số chung, nhưng mỗi cộng đồng lại có các lựa chọn văn hóa khác nhau, với kiểu tư duy khác nhau khi tiếp cận thế giới, đẩy tới các kiểu quan niệm, các phương thức sinh tồn, các phong cách sống, các tập quán và thói quen... khác nhau.”
Chỉ một câu trên đã bộc lộ sai lầm cơ bản về văn hóa học của tác giả. Biện chứng pháp marxit cho rằng vật chất quyết định ý thức. Như vậy, phương thức sinh tồn phải là cái có trước. Đó là những cái mà tự nhiên sẵn có, buộc con người muốn sống sót phải thích ứng với chúng. Và chính những hoạt động để đảm bảo cho cộng đồng không chỉ sống còn mà sống tốt nhất trong môi sinh cụ thể đã làm nên văn hóa. Vì vậy, văn hóa là tất yếu, là định mệnh. Nói cách khác, con người không có quyền lựa chọn văn hóa!

Quả thực tôi không hiểu cái gọi là “mẫu số chung” ở đây là gì, vì ngoài chủ thể là Con Người ra, mọi sự hoàn toàn khác nhau, giữa Đông và Tây chả có gì chung cả! Trước đây, khi chỉ nhìn lịch sử bằng con số phiếm định hàng nghìn năm, người ta khó mà hiểu được nguyên lý đơn giản này. Nhưng nay, khi lặn ngụp tới chiều sâu tận cùng của lịch sử, thì ra đó là sự hiển nhiên.
Cho tới khi tôi viết những dòng này, trên thế giới chưa mấy người biết rằng, 40.000 trước, những nhóm người Europid từ Trung Đông vượt qua eo Bosphorus vào châu Âu. Tại đây, họ gặp những người Australoid cũng vừa từ Đông Á tới. Hai nhóm Homo sapiens hòa huyết cho ra người Eurasian, tổ tiên người châu Âu ngày nay. Nhưng 5.000 năm sau, khí hậu chuyển lạnh dữ dội khiến cho người Neanderthal, di duệ cuối cùng của Người Đứng thẳng Homo erectus – loài tiền nhiệm của chúng ta, bị tuyệt diệt đồng thời đẩy những người Homo sapiens sống ở phía bắc lục địa Á-Âu và Bắc Mỹ rơi vào tình trạng tiềm sinh. Chỉ 10.000 năm cách nay, khi thời kỳ Băng Hà chấm dứt, người châu Âu mới ra khỏi những hang băng. Môi sinh lúc này tốt hơn nhiều. Nhưng đối mặt với rừng thưa và đồng cỏ, câu hỏi lớn nảy sinh: làm thế nào để sống? Cố nhiên, họ tiếp tục săn bắt, hái lượm. Đất không nước tưới nên không thể trồng trọt vả lại họ cũng chưa hề biết gì về trồng trọt. Rồi thời gian cho câu trả lời: thuần hóa, chăn nuôi động vật ăn cỏ để có thịt ăn, sữa uống và da thú che thân. Hết cỏ gần phải dẫn mục súc đi xa, tự nhiên, phương thức sống du mục ra đời! Từ phương thức sống du mục sản sinh văn minh du mục. Đó chính là định mệnh!
Trong khi đó, 70.000 năm trước, người từ châu Phi men theo bờ biển Ấn Độ tới thềm lục địa Việt Nam. Lúc này đang thời kỳ Băng Hà, phần lớn trái đất phủ băng, nước biển thấp hơn ngày nay 130 mét. Đông Nam Á khô và mát, là địa đàng cho động thực vật và con người phát triển. Do thức ăn phong phú, người Việt sống quần tụ và sinh sôi nhanh chóng, tràn xuống các đảo Đông Nam Á, sang Ấn Độ, lên chiếm lĩnh phần lục địa ngày nay gọi là Trung Quốc.

Trong thời kỳ dài đằng đẵng săn bắn, hái lượm, tổ tiên ta luôn tìm cách cải thiện đời sống của mình. Nhưng làm gì khi đất hẹp, địa hình chia cắt? Dù 15.000 năm trước đã thuần hóa con gà, con chó sớm nhất trong lịch sử nhân loại và sau đó thuần hóa con heo đầu tiên nhưng không thể chăn nuôi lớn và càng không thể du mục!
Dựa vào thảm thực vật phong phú, tổ tiên ta bắt đầu thuần hóa bầu bí, các loại rau đậu rồi cây kê và lúa lốc (lúa nương, lúa khô) tự túc một phần lương thực. Khoảng 15.000 năm trước, khí hậu ấm hơn, mưa nhiều hơn, nước dâng lên, cây lúa nước ra đời. Sau từng ấy thời gian, “chồng cày vợ cấy”, “trông trời trông đất, trông mây”… văn hóa nông nghiệp hình thành. Hoàn toàn không phải lựa chọn mà là Định mệnh do môi trường sống quy định. Không cộng đồng nào chọn được văn hóa của mình!

2. Nông nghiệp, du mục: hai phương thức sống tạo ra hai nền văn minh.


Với việc phát hiện di chỉ trồng lúa nước 12.000 năm trước ở phia nam Dương Tử, ta có đủ cơ sở để tin rằng, nền nông nghiệp lúa nước từ xa xưa đã là phương thức sống chủ yếu của dân cư Việt. Nông nghiệp lúa nước là cuộc sống định cư, cố kết cộng đồng để chống lụt lội, giặc, cuớp. Nông nghiệp lúa nước buộc con người không chỉ bó bện với nhau mà còn gắn bó trong sự hài hòa với thiên nhiên. Năm 1954, trong cuốn sách Nhiệt đới buồn, nhà nhân học nổi tiếng Levis Strauss phát hiện: “Người thổ dân vùng Caduevo phía Bắc Canada có đặc tính coi trọng phụ nữ và sự hài hòa giữa các yếu tố trong thiên nhiên, giống với người ở mạn nam Trung Quốc.” Lúc đầu người ta giải thích rằng, đó là sự giống nhau nảy sinh do môi trường sống giống nhau. Nhưng sau này, nhờ khảo cổ và nhất là di truyền học, người ta biết đó chính là người Việt di cư sang châu mỹ 15.000 năm trước, đã mang theo văn hóa nông nghiệp của tộc Việt!
Du mục là cuộc sống nguy hiểm, phải thường xuyên đối mặt với sự bất thường của thời tiết khắc nghiệt, thú dữ rình rập và sự cuớp phá của những bộ lạc hiếu chiến, nhất là trong thời kỳ hạn hán hay giá rét. Chính hoàn cảnh đã tạo ra phương thức sống tàn bạo dựa trên sự khai thác thiên nhiên và cướp bóc đồng loại. Trong hoàn cảnh như vậy, vai trò của người đàn ông trong gia đình, người chiến binh trong bộ lạc được đề cao. Từ đó dẫn tới chủ nghĩa cá nhân vị kỷ, đầu óc tôn sùng thủ lĩnh và chế độ nô lệ.
Phương thức sống khác nhau tạo ra hai phương cách tư duy khác nhau giữa Đông và Tây. Làm thí nghiệm đặt vi điện cực vào những trung khu thần kinh khác nhau của người phương Đông và người phương Tây, người ta nhận ra rằng người phương Tây thiên về tư duy phân tích, còn phương Đông thiên về tư duy tổng hợp. Đó là hệ quả tất yếu của cuộc sống cạnh tranh khốc liệt khiến người du mục, tổ tiên người phương Tây, phải phân biệt thật nhanh những nhân tố khác biệt của môi trường để ứng phó. Trong khi đó, người phương Đông quan tâm phát hiện những mối liên quan giữa các yếu tố của môi trường để thích ứng một cách hài hòa.
Người phương Tây gọi văn hóa là culture, với nghĩa nguyên thủy là trồng trọt. Như vậy, chính trồng trọt sản sinh ra văn hóa.
Trong văn hóa học không có khái niệm văn hóa du mục mà chỉ có văn minh du mục. Điều này có nghĩa là phương thức sống du mục không làm nên văn hóa!
Đó là sự thực.
Nhưng như vậy, phải chăng xã hội phương Tây không có văn hóa? Tôi từng băn khoăn: phương Tây quá văn minh nhưng hình như văn hóa nghèo nàn, đặc biệt hàm lượng minh triết thấp?

Và rồi tôi tìm ra nguyên do của sự việc. Khảo cổ và di truyền học cho thấy, bảy ngàn năm trước, người nông dân Trung Đông đem lúa mì và nho tới, tạo ra bước ngoặt trong lịch sử châu Âu. Nhờ được cung cấp lương thực, những bộ lạc du mục hùng mạnh không còn theo chân đàn gia súc nữa mà dừng lại kiến tạo thành bang. Phân công lao động được đẩy mạnh, thủ công nghiệp rồi thương nghiệp ra đời… Khi đem nghề nông vào, chính người nông dân Trung Đông đã đem văn hóa tới châu Âu. Nhưng hàm lượng văn hóa không nhiều vì gen nông dân chỉ chiếm 20% trong huyết quản người châu Âu.

Đúng như câu nói nổi tiếng của Kipling: “Đông là Đông, Tây là Tây”, có thể nói rằng, về phương diện văn hóa, lịch sử đã chia Đông và Tây làm hai thế giới: Con người du mục - Homo nomadian và Con người nông nghiệp - Homo culturian. Do không nắm được điều này nên ông Nguyễn Hòa đã nói rất hàm hồ: “Thật ra, xét về nguồn gốc thì phương Đông hay phương Tây đều có điểm xuất phát từ kinh tế - văn hóa nông nghiệp dưới hai hình thức chủ yếu là chăn nuôi và trồng trọt.”
Xin thưa, du mục không bao giờ là nông nghiệp. Một người có tiếng như ông Nguyễn Hòa không có quyền sai lầm trong tri thức vỡ lòng về văn hóa học như vậy!

Ông Nguyễn Hòa viết: “Kinh tế thương nghiệp, sự ra đời của các thành bang, ngay từ đầu đã làm cho văn hóa Hy Lạp - cái nôi của văn hóa phương Tây, đi theo khuynh hướng khác hẳn phương Đông.”
Thưa ông, thương nghiệp chỉ là hệ quả chứ không phải là nguyên nhân của sự khác biệt Đông Tây. Phải truy về gốc của nó, chính là phương thức sống du mục duy lợi, duy lý, cạnh tranh, lang bạt… đã thúc đẩy thương nghiệp.
Hy Lạp vốn là quê hương của người nông dân từ phương Đông sang. Vài trăm năm trước Công nguyên, người du mục chiếm vùng đất trù phú này. Trên nền tảng của văn hóa nông nghiệp, người du mục xây dựng văn minh Hy Lạp mà đặc trưng của nó là xác lập vị trí thống trị của người đàn ông – thủ lĩnh, thay những nữ thần nông nghiệp bằng nam thần du mục. Và từ cuộc xâm lăng của Alexander Đại đế sang phương Đông, người Hy Lạp cướp bóc, chiếm đoạt những thư viện lớn của Ai Cập, biến Aristoteles thành nhà tư tưởng vĩ đại nhưng cũng là kẻ đạo văn lớn nhất mọi thời đại! 

Ông Nguyễn Hòa viết: “Hàng nghìn năm trước, khi cư dân Trung Hoa, Ấn Độ... bắt đầu phác họa các đường nét đầu tiên của văn hóa dân tộc mình, hẳn họ không ý thức được tầm vóc vĩ đại của những gì do họ làm ra.”
Điều này không mới vì suốt thế kỷ XX người ta từng ca như thế. Nhưng đó là sự lầm lẫn khổng lồ, sự đánh tráo lớn nhất của lịch sử nhân loại. Nếu thực sự là trí thức – những đầu óc mẫn tiệp, đi trước dẫn đường cho dân tộc, sang thế kỷ này người ta sẽ không viết vậy! Ngày nay, có đủ cơ sở để chứng minh rằng, người Việt không những sinh ra người Trung Hoa mà còn cho người Hoa tiếng nói, chữ viết và cả nền văn hóa nông nghiệp vĩ đại. Nói cách khác, toàn bộ nền văn minh Trung Hoa được xây dựng trên sơ sở của văn minh nông nghiệp Việt tộc. Và trên đất Ấn Độ, người Việt đã sáng tạo nền văn minh Indus vĩ đại mà trên đó, người Arian từ Ba Tư sang làm nên nền văn hóa Ấn ngày nay.

Ông Nguyễn Hòa viết: “Tương tự như vậy, để không rơi vào cuộc tranh luận chưa có hồi kết về một nguồn gốc một số thành tựu văn hóa - văn minh của người Trung Hoa là có nguồn gốc Trung Hoa hay phương Nam, bài viết này chỉ đề cập tới một số quan niệm vũ trụ, nhân sinh của người Việt (như quan hệ âm - dương chẳng hạn) có thể thực chứng qua hàng nghìn năm lịch sử và ít nhiều vẫn còn hiện hữu trong cuộc sống hôm nay.”
Viết như vậy, ông Nguyễn Hòa tưởng chừng chui vào cố thủ trong một boogker để được an toàn. Nhưng con đà điểu vùi đầu trong cát liệu có tránh được bão? Khi chưa phân định tới tận cùng của lịch sử- văn hóa thì mọi bình luận về nó là chưa đủ cơ sở!

Chính do sự trốn chạy, không muốn biết tới tận cùng của văn hóa Việt, ông đã viết thế này: “Sinh tồn ở khu vực gần gũi với các nền văn minh lớn ở phương Đông, từ hàng ngàn năm trước, nền văn hóa sơ khởi của người Việt đã chịu ảnh hưởng và phần nào có thể nói, đã tiếp thu nhiều thành tựu của văn minh Trung Hoa, Ấn Độ. Các đoàn thương nhân, các nhà tu hành,... và các đạo quân xâm lược dẫu có để lại hình ảnh không đẹp đẽ trong quá khứ, thì họ cũng góp phần đưa tới một hiện tượng độc đáo là giúp cho cơ tầng văn hóa Việt bản địa phối kết với vô số thành tựu văn hóa bên ngoài, từ đó hình thành nên một văn hóa Việt mới, với một hệ thống khá ổn định về bản sắc.”
 Tại sao khi chưa định hình văn hóa Việt là gì, ông đã vội vàng nói tới tác động ngoại lai của người lính viễn chinh, của thương nhân… làm nên văn hóa Việt?!

Ông Nguyễn Hòa viết: “Cũng như các dân tộc ở phương Đông, trong quá khứ, người Việt tỏ ra thiếu khát vọng tìm kiếm cái mới, không thích lập kỷ lục... Họ không có hứng thú lặn xuống biển sâu, bay vào vũ trụ, không tự hỏi “hai vạn dặm dưới đáy biển” có gì.”
Điều này có thể đúng với thời kỳ gần đây mà không đúng với toàn bộ tiến trình lịch sử của tộc Việt. Không thế nói như thế về một đại tộc từng từ Việt Nam tỏa ra khắp thế giới, sang phía tây góp máu huyết sinh ra tổ tiên người châu Âu, sang châu Mỹ để sinh ra người da đỏ, vượt trùng dương phiêu lưu về phía nam chiếm lĩnh Hawaii rồi chế tác rìu đá mài, trống đồng. Không chỉ thế, người Việt còn phát minh ra Âm Dương, Ngũ hành, Dịch lý… những tri thức sâu thẳm của nhân loại.

Càng sai lầm khi nói: “Họ không có hành động để chứng tỏ con người bình đẳng với tự nhiên, bởi chưa bao giờ trong ý thức xuất hiện ý niệm về điều đó.”
Thưa ông, hoàn toàn không như ông tưởng. Người Việt không chỉ dám bình đẳng với tự nhiên mà còn hơn thế. Trong quan niệm nhân sinh của người Việt là Nhân chủ - Thái hòa – Tâm linh, thì yếu tố đầu tiên là Nhân chủ. Đó là trong tam tài Thiên - Địa – Nhân làm nên vũ trụ thì Con Người là chủ. Vâng, chủ cả Trời, cả Đất. Do vậy con người phải sống thái hòa, tức là hòa mục cao nhất, không chỉ với nhau mà còn với Trời với Đất. Muốn sống được như vậy, con người không thể là con người duy vật mà là con người tâm linh. Đó là nhân sinh quan, tức là phương thức sống thấm đẫm trong toàn bộ văn hóa Việt.

Có thể dẫn nhiều thêm những điều bất cập của tác giả bài viết nhưng tôi dừng ở đây, mong rồi một ngày ông sẽ ngộ ra.

   3.  Kết luận

Là tác giả của những bài viết trực ngôn và sắc sảo, ông Nguyễn Hòa tạo dựng được chỗ đứng riêng trên văn đàn. Vì vậy khi thấy ông bàn về đề tài to tát của văn hóa, tôi kỳ vọng học được những điều bổ ích. Tiếc rằng, đó là bài viết không chỉ cũ kỹ nhàm chán, không đem lại điều gì mới cho học thuật mà lại có những cái sai không nên có nơi một đầu óc mẫn tiệp.

Sài Gòn, tháng Ba năm 2012
HÀ VĂN THÙY

No comments:

Post a Comment