.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Sunday, April 1, 2012

NGUYỄN BÁ CỰ: “NHÀ THƠ DƯƠNG KIỀU MINH SẼ CÒN MÃI VỚI ĐỜI”


MINH
ƠI !

Lòng ruột rối bời mấy hôm bởi vận hạn của con trai bị tai nạn giao thông. Hú hồn, may mà cháu tai qua nạn khỏi . Tối nay (29/30) mới tạm thơi thảnh mở trang mạng đọc báo, vào trang bác Trần Nhương…tôi không tin vào mắt mình nữa, tôi lặng người thốt lên Minh ơi ! lòng nhói đau xen ân hận . không hiểu Dương Kiều Minh ra đi ngày nào? Tôi không thể đọc tiếp, vì chưa tin sự thật đau lòng này. Tôi mở điện thoại hỏi Chu Linh Quang…
Cùng nhìn lại lần cuối gương mặt bạn thơ

Mới biết rõ Dương Kiều Minh mới đi sáng 29/3 này, sáng mai còn kịp xuống Hà Đông đưa tiễn Minh lần cuối. Từ 1981 tới nay 22 năm sống bên nhau, sống gần nhau chưa một lần nặng lời. Sóng và bụi sông Đà một thủa, mọi chênh vênh cuộc sống phố phường…bao nỗi gieo neo của cuộc đời chia sẻ,an ủi cùng nhau để lặng lẽ cho trang viết . Hai năm trước Dương Kiều Minh làm tuyển tập thơ , tôi và bạn bè cứ băn khoăn không hiểu sao Minh lại đi làm tuyển tập sớm thế ? tuổi chưa nhiều, thơ Dương kiều Minh vẫn lặng lẽ phát lộ với những khám phá,tìm tòi cho nền thơ Việt Nam. Ai ngờ đâu Minh biết mệnh của mình. Tôi tin vậy ,vì Dương Kiều Minh rất thạo âm dương ngũ hành.
Minh ơi ! Sông Đà còn đó tỏa vầng sáng của dòng điện năng có phần công sức chúng ta và bao bạn bè . Nơi chúng mình tụ nhau với vần thơ, trang văn chập chững. Dương Kiều Minh tốt nghiệp trường kỹ thuật lên Sông Đà đầu năm 1981, ở đó có Tạ Duy Anh, Vũ Hữu Sự “con đẻ” của công trình thủy điện, sau đó tới Giáng Vân từ trường tổng hợp hăm hở lên ,tháng 10/ 1981 là tôi . Vũ Hữu Sự, Tạ Duy Anh đưa tôi tới Dương Kiều Minh, người nhỏ nhắn, ân cần không ồn ã, tới đầu năm 1982 Nguyễn Lương Ngọc từ quân đội khoác ba lô về công trình ngầm (sau khi Ngọc tốt nghiệp đại học cơ điện Thái Nguyên vào quân đội 2 năm). Thế là nhóm 5 người chúng tôi quấn quýt bên nhau mỗi lần có câu thơ, bài ký đều đọc suốt đêm trao đổi. Nhất là mỗi lần một người trong nhóm có thơ, văn in báo là phấn khởi lắm. các nhà văn, nhà thơ từ Hà Nội lên đều biết sông Đà có nhóm văn chương như vậy cũng rất quan tâm như nhà văn Nguyên Ngọc, Nguyễn trọng Oánh, phạm Ngọc Chiểu, Tạ vũ, Hữu Thỉnh, Phan Quế, Nguyễn Hoàng Sơn…Thời gian đó các báo như báo Lao Động, Tiền Phong đều dành cho anh em sông Đà những trang viết , tôi có thêm trang của báo công an nhân dân ( bấy giờ lưu hành nội bộ).

Tôi với Nguyễn Lương Ngọc đều ở công trình ngầm, Dương Kiều Minh hôm nào không phải đi trực ca, hoặc chưa đến giờ trực ca là tạt vào tôi chuyện trò thơ,ăn bát cơm rồi lăn ra ngủ tranh thủ lấy một giấc. Cho tới khi mỗi người một nẻo, người đi trường viết văn Nguyễn Du các khóa, người về về các báo. Tôi vất vả gieo neo hơn bạn bè đành cam chịu. Khi Dương Kiều Minh về làm lãnh đạo hội VHNT Hà Tây , Minh vẫn bảo tôi “ bác về báo nào làm đi…dạo này bác viết được đấy”. Dương Kiều Minh với tôi ,bạn bè là cả sự chân thành. Lặng lẽ sống, lặng lẽ viết. thơ Dương Kiều Minh hút lòng người như như con chiên trước bản thánh ca .
Cuộc đời Minh nặng nợ tìm tòi thi ca bao nhiêu cũng là nỗi niềm với mẹ quê Tam Đồng –Mê Linh-vĩnh Phúc, câu thơ Minh viết về Mẹ nặng lòng tức tưởi bởi nghĩa ân suốt đời chưa trả cho mẹ một phần. Mấy lần Dương Kiều Minh hẹn tôi phải về quê ngoại (quê Mẹ) Thọ An-Đan Phượng lấy một lần, từ quê tôi Phúc Thọ tới Thọ An 5 km, Minh chưa thực hiện nổi, mỗi lần vậy đều suýt xoa buồn lắm .Đến giờ điều ấy chả bao giờ có nữa Minh ơi !
Điều chẳng ai ngờ ,khát vọng của các bạn tôi như Nguyễn Lương Ngọc, Dương Kiều Minh sẽ đóng góp cho nền thơ Việt Nam sự mới mẻ, tỏa sáng mà đồng nghiệp cũng như bạn đọc hy vọng giờ đã vụt tắt cả rồi. Lương Ngọc ra đi thấm thoát đã 11 năm, giờ lại Dương Kiều Minh. Khát vọng của bạn tôi chẳng thể đi tiếp phần còn lại. Nhưng những trang thơ của Ngọc, của Minh sẽ còn mãi với đời. Thôi Minh ơi từ nay bạn về cõi vĩnh hằng chẳng còn nữa đau vui lấn cấn của đời, chẳng còn điều phải giấu tận đáy lòng. Minh mang đi hết, chỉ còn thằng bạn sống ở đời lại tự dày vò mình sống –viết sao cho nên hồn, cho nên người. ừ hẹn tặng Minh cuốn tiểu thuyết “Phía sau làng” của mình cũng không kịp nữa, thời gian qua Minh ốm lại cứ giấu bạn bè không muốn phiền ,sao lại thế hả Minh? Lặng lẽ sống-lặng lẽ viết-lặng lẽ ra đi !
Đêm 29-3-2012
NGUYỄN BÁ CỰ
                                                                                            

No comments:

Post a Comment