.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Monday, April 16, 2012

NGUYỄN TRỌNG TẠO – THƠ VĂN XUÔI HAY LÀ THƠ KHÔNG VẦN


Con người sau khi tạo ra ngôn ngữ giao tế, đã đi một bước cao xa hơn là sáng tạo ra ngôn ngữ nghệ thuật mà trong đó nghệ thuật văn chương bao gồm ngôn ngữ thơ ngôn ngữ văn xuôi. Theo các nhà ngôn ngữ học thì ngôn ngữ thơ thuộc tính biểu hiện và ngôn ngữ văn xuôi thuộc tính tạo hình: “Tạo hình chủ yếu là vương quốc của văn xuôi nhưng có một khoảng trời giành riêng cho sử thi và thơ ứng dụng, còn biểu hiện trước hết là lãnh địa của thơ nhưng lại cắt một phần đất cho văn xuôi trữ tình”. (Nguyễn Phan Cảnh). Có nghĩa thơ là thơ, văn xuôi là văn xuôi

Vậy mà hơn nửa thế kỷ nay ở ta đã làm quen với cụm từ Thơ văn xuôi từ những bài thơ đầu tiên của Phan Khôi hay Tương Phố. Thực ra đấy là một thuật ngữ du nhập từ phương Tây, nó bắt nguồn từ những câu thơ thác nước tuôn dài mãnh liệt, những câu thơ như những con sóng biển từ đại dương cuộn xô vào bờ biển, những câu thơ đồ sộ kiểu Whitman hay những câu thơ cuộn trào cảm xúc triết học kiểu Tagor, và thường là nó được trình bày dưới hình thức văn xuôi, chỉ xuống dòng sau khi đã tạo ra chiết đoạn, chữ không xuống dòng theo hình thức thơ có vần hoặc không vần. Như vậy hai chữ văn xuôi trong thuật ngữ thơ văn xuôi chỉ mang ý nghĩa hình thức ước lệ mà thôi.
Thực chất thơ văn xuôi chính là thơ không vần, hay nói cách khác nó là biến cách của thơ – không vần. Mà thơ không vần trước hết nó là thơ thoát ra ngoài qui tắc của vần luật nhưng vẫn ràng buộc bởi nhịp điệu (tiết tấu) và âm thanh (trầm bổng) của thơ, mà ta vẫn thường gọi là nhạc điệu. Nhờ vào tính chất đặc trưng đó mà phân biệt thơ văn xuôi (thơ không vần biến cách) với văn xuôi giàu “chất thơ”.
Ở ta có người nhầm lẫn khi ghép những dòng thơ có vần lại với nhau dưới hình thức văn xuôi và gọi đó là “thơ văn xuôi”; lại có người viết một mẩu văn xuôi giàu chất thơ rồi bảo đấy là thơ “thơ văn xuôi” để chứng minh rằng mình làm thơ không đến nỗi nghèo nàn về hình thức! Sự nhầm lẫn đó làm phương hại đến loại thể thơ văn xuôi vốn hình thành bởi nhu cầu nội tại của nhà thơ” mà chỉ có bằng cách đó ngôn ngữ mới chứng tỏ được khả năng của nó” (Tsvetaeva).
thơ văn xuôi đã trở thành một thuật ngữ ở phương Tây, và đã lây lan ít nhiều sang phương Đông, nhưng tôi vẫn cảm thấy hai từ văn xuôi dùng vào hình thức này khá bất ổn, nó dễ gây ngộ nhận, nhầm lẫn về bản chất thơ từ cái gọi hình thức, từ đó mà bản chất thơ bị văn xuôi xâm thực. Mà bản chất thơ theo Hegel thì “Xét về nội dung nó là một nghệ thuật phong phú nhất, không bị hạn chế nhất”, hoặc theo V. G. Bielinski thì “Thơ là loại hình nghệ thuật cao nhất… “. Quả vậy, khi tôi đọc Charles Simic:
“Người đàn ông bị xử hình từ đoạn đầu đài bước xuống, ông ôm chặt cái đầu của ông đang chảy máu ròng ròng.
“Lúc ấy táo trong vườn trổ hoa rạo rực. Người đàn ông tìm về quán rượu trong làng.
“Ông ngồi xuống và gọi hai cốc bia. Một cốc cho ông và một cốc cho cái đầu ông đã lìa khỏi cổ… ” v.v…
Thì dù Simic có gọi theo thói quen là thơ văn xuôi, tôi vẫn chỉ hiểu đó là THƠ, là THƠ KHÔNG VẦN, hay  là THƠ KHÔNG VẦN BIẾN CÁCH mà thôi.
Thú thực là tôi không thích thú gì khi người ta gọi loại thơ đó là thơ văn xuôi. Thỉnh thoảng tôi có làm một số bài thơ dưới hình thức đó, nhưng tôi chỉ thích gọi nó là Thơ không vần.
Huế, ngày thành phố bị ngập nước
10 – 1996
NGUYỄN TRỌNG TẠO


No comments:

Post a Comment