.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Saturday, April 14, 2012

NHÀ THƠ NGUYỄN TRỌNG TẠO ĐỌC LẠI “HƯƠNG CÂY – BẾP LỬA”


(Thơ Lưu Quang Vũ và Bằng Việt, NXB Văn học 1968, tái bản 2005)


1. Còn nhớ ngày tôi nhập ngũ, chị Yến của tôi là nhân viên bán sách ở Hiệu sách Nhân Dân huyện tặng tôi tập thơ Hương cây – Bếp lửa và một chiếc khăn bông thêu hoa trắng. Tôi giữ mãi hai món quà của chị suốt những năm chiến tranh ác liệt.
Bìa tập thơ HC-BL tái bản 2005 (NTT)
Nhưng rồi chiếc khăn phải dùng dọc đường hành quân không còn nữa; chỉ còn lại tập thơ. Rồi đến lượt tập thơ chuyền tay sang một người bạn lính, và người bạn lính của tôi đã hy sinh. Hai vật lưu niệm của chị cho tôi không còn, nhưng thơ của Lưu Quang Vũ và Bằng Việt thì tôi vẫn nhớ.
Bây giờ 35 năm đã trôi qua, tập thơ được tái bản, Lưu Quang Vũ không còn nữa, Bằng Việt nhờ tôi làm lại bìa sách. Thú thực là tôi vẫn thích mẫu bìa Văn Cao vẽ cho lần xuất bản đầu tiên, và vì thế, tôi đã cố giữ lại bằng cách thu nhỏ nó lại như để lưu giữ một tác phẩm nghệ thuật đặt giữa nền bìa mới phỏng theo mô-típ của ông. Tập thơ còn được bổ sung một số tấm ảnh của hai tác giả, như để nhắc nhớ lại thời thanh xuân đã tràn ngập hồn thơ mê đắm của các anh.
2. Thơ Vũ giàu cảm xúc tinh tế, đấy là những rạo rực đầu đời – tình bạn, tình yêu, tình quân dân, tình quê hương… luôn đan xen một cách ý vị:
Chiều ấy các anh đi
Nắng nhạt vàng hoe gốc rạ
Gió xạc xào qua lũy tre
Anh đứng nhìn theo sau cửa
Đất nước đánh thù đường trăm ngả
Các anh đi về đâu?
Em muốn nói trăm câu ngàn câu
 
Mà chỉ nghiêng đầu chào khe khẽ

Bóng các anh ngả dài theo vườn dâu
Mũ các anh rập rình trên bãi mía…
Và:
Ta đi giữ nước yêu thương lắm
Mỗi xóm thôn qua mỗi nghĩa tình.
(Gửi tới các anh)
Đặc biệt bài Vườn trong phố của Vũ thì được nhiều bạn lính của tôi chép vào sổ tay và thuộc nằm lòng:
Trong thành phố có một vườn cây mát
Trong triệu người có em của ta
Nơi lá chuối che nghiêng như một cánh buồm
Cánh buồm xanh đi về trong hạnh phúc
Se sẽ chứ, không cánh buồm bay mất
Qua dịu dàng ẩm ướt của làn môi
Cái thời bom đạn ầm ào, nóng bỏng mà có được một không gian dịu mát như vậy trong thơ thật là hiếm hoi. Đấy là sự non tươi trong thơ chống Mỹ. Sự non tươi gây ấn tượng thật mạnh mẽ. Sự non tươi không bị lãng mạn hóa, mà là sự non tươi chân thành nhất của tâm hồn người lính trẻ đầy mơ mộng. Nhiều câu thơ của Vũ thuở ấy còn non tươi đến tận bây giờ:
Dãy bàng lên búp nhỏ
Xanh như là thương nhau
(Chưa bao giờ)
Nước da nâu và nụ cười bỡ ngỡ
Em như cầu vồng bảy sắc hiện sau mưa
(Vườn trong phố)
Phút đưa nhau ta chỉ nắm tay mình
Điều chưa nói thì bàn tay đã nói
Mình đi rồi hơi ấm còn ở lại
Còn bồi hồi trong những ngón tay ta
(Hơi ấm bàn tay)
Những hình ảnh so sánh ví von thời ấy kiểu “Xanh như là thương nhau”, “Em như cầu vồng bảy sắc…” là rất mới lạ. Nó làm cho thơ Vũ rực rỡ màu sắc, cái sắc màu mà chỉ có con mắt của người thi sĩ trẻ tuổi mới nhìn thấy được. Và cái “hơi ấm bàn tay” nữa, nó khiến cho những người yêu nhau cảm nhận được những khao khát lớn lao trong cuộc chiến đấu sống còn một thuở: “Bàn tay ta trên ngực lớn cuộc đời”. Thời đó, chúng tôi cứ tò mò xem người có tên là Uyên được Vũ đề tặng bài thơ ấy là ai. Mãi sau này mới biết đấy là Tố Uyên, cô bé đóng vai chính trong phim Chim vành khuyên nổi tiếng – lại chính là người yêu, người vợ đầu tiên của Vũ.
Thế đủ biết thơ Lưu Quang Vũ khởi ra từ niềm đam mê chân thật, kể cả khi anh nói lớn về lý tưởng, về cuộc chiến đấu: “Từng viên đạn lắp vào nòng pháo – Bồi hồi nghe hương lá bưởi lá chanh”, ta vẫn đọc thấy sự bồi hồi xao động của một tâm hồn còn non trẻ trước cuộc đời vô cùng rộng lớn.
Thơ ấy là thơ rung lên từ cảm xúc hồn nhiên, như hương cây tỏa ra cùng trời đất. “Hữu xạ tự nhiên hương”.
3. Khác với Lưu QuangVũ, Bằng Việt lại mang tới một giọng thơ giàu suy tư, ngẫm ngợi – giọng thơ của người trí thức mới, nghĩa là anh mang tới cho thơ ta thời ấy một tầng văn hóa đương đại được vun đắp bởi trí thức mở rộng ra thế giới. Bằng Việt biết nghe nhạc giao hưởng Beethoven và nhận ra giá trị mới mẻ của nó trong cuộc kháng chiến chống lại cái chết của dân tộc Việt ngày nay qua bản Giao hưởng số 5, còn gọi là Tiếng đập cửa số phận:
Nghĩ chi em, bốn tiếng sấm bão bùng
Bốn tiếng đập dập vùi số phận
Bốn cái tát trong cuộc đời gián gậm
Bốn thanh âm dựng đứng tâm hồn lên!
Đừng ngồi yên trong cuộc sống bình yên
Khi bốn tiếng vang tàn khốc còn nguyên
(Bê-tô-ven và âm vang hai thế kỷ)
Cũng viết về những lớp học trong lòng đất, nhưng Bằng Việt không miêu tả “bom đạn trên đầu, sự sống giữa đất sâu” mà anh mở một góc nhìn về phía tri thức mới của thế hệ đang chuẩn bị cho tương lai:
Cô-péc-níc và Niu-tơn đã cùng các em xuống đấy
Ơ-cơ-lit và Pi-ta-go đã cùng các em xuống đấy
Bên bãi tha ma ngọn đèn dầu rực cháy
Bên bãi tha ma đang bắt đầu tương lai
.
(Học trò Hà Tĩnh)
Ta gặp trong thơ anh những “động thái khoa học” trong cuộc chiến tranh mà chúng ta phải vượt qua cái rập rình trong những quả bom nổ chậm:
A-xit đặc khoét vào hạt nổ
Chỗ chưa ai qua là chỗ có anh qua
Cái chết nằm im cho anh tháo gỡ
(Người giữ tuyến đường xuân)
Và những liên tưởng về màu sắc thật lạ lùng, gây nên ấn tượng chấn động lòng người trong hy sinh mất mát:
Màu xanh, màu trắng, màu đen
Tất cả bỗng tan ra
Thành có một màu thôi: máu đỏ!
(Màu và tiếng)
Với cách nhìn lấp lánh trí tuệ, Bằng Việt đã mở rộng biên độ rung cảm của mình để hòa nhập cùng thế giới. Từ “Thư gửi một người bạn xa đất nước”, anh cất “Lời chào từ Việt Nam 1966” (Gửi một bạn châu Phi) chia sẻ nỗi lòng của những người cùng đứng lên giải phóng xích xiềng đế quốc:
Hỡi mây trời, sứ giả bay về đâu
Đang trong bước vui, lại chùng bước nhớ…
Đêm trong ngần đối diện với lòng tôi
Ngỡ như xưa mà đã khác xưa rồi
Hoặc anh nhắc tới những “Kỷ niệm về Chê Ghê-va-ra” (Gửi một bạn Cuba), người anh hùng du kích luôn “muốn nơi nào cũng có Việt Nam” như một đồng điệu “không ngừng thổi gió lên” trong tinh thần bất khuất chống lại kẻ thù xâm lược. Thơ Bằng Việt nhờ thế mà đã tạo ra được hướng mở cho “thơ chống Mỹ” ngay từ thời đầu cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của chúng ta.
Nhưng thơ Bằng Việt không chỉ được viết bằng trí tuệ, mà anh còn để lại nhiều ấn tượng ngạc nhiên bất ngờ trước những rung cảm độc đáo và mới mẻ. Tôi cứ nhớ mãi câu thơ thuở ấy của anh:
- Gáy sách cũ xếp chồng như kỷ niệm
- Những gác xép bộn bề hy vọng
- Mỗi ngõ nhỏ dấu một lời tâm sự
- Tôi trở lại những lối mòn tình tự
Cánh bướm màu hạnh phúc cứ bay đôi
- Ôi rất lâu rất lâu
Tôi mới lại đi một ngày thong thả
Thành phố như tim tôi yên ả

Sau rất nhiều gian lao
(Trở lại trái tim mình)
- Mưa trên áo khiến động lòng thuở nhỏ
Mười mấy năm, mưa lũ ngỡ quên rồi
(Mừng em tròn 16 tuổi)
- Cò vỗ cánh bay vào ráng đỏ
Chiều có gì đâu cũng lạ lùng
(Giữa thác người dâng)
- Những cánh hoa bìm gợi nhớ rất xa
(Từ giã tuổi thơ)
Và đặc biệt là bốn câu thơ da diết một tình yêu xen lẫn tự hào về Thủ đô – trái tim của Tổ quốc, thấm đẫm sắc màu huyền thoại:
Sông Hồng ơi! Dông bão chẳng phai màu
Rùa thần thoại vẫn nhô lưng đội tháp
Chùa Một Cột đổ lên đầu giặc Pháp
Lại nở xòe trọn vẹn đóa hoa sen
Với cái nhìn thi sĩ được chiếu rọi qua lăng kính văn hóa, Bằng Việt đã mang đến cho “thơ thời chống Mỹ” một dung lượng suy tưởng mới. Nó vượt lên những cảm xúc đơn điệu, sáo mòn của loại thơ chỉ thiên tình cảm, vì thế mà đánh thức cả một thế hệ làm thơ hướng tới những sáng tạo trong chiều sâu của tri thức và tư tưởng hiện đại.
4. Sau 35 năm, đọc lại Hương cây – Bếp lửa, dù ít nhiều bài thơ trong tập đã rơi rụng theo thời gian, nhưng những gì còn lại vẫn tươi non cái cảm xúc ban đầu trong tôi. Và không chỉ thế hệ tôi, cả những thế hệ sau vẫn còn tìm thấy ở tập thơ này sự đồng điệu và chia sẻ. Tôi đã chứng kiến một lần trong quán bia Vạn Lộc, một cô bé nhân viên đã xúc động đọc thuộc lòng bài thơBếp lửa khi biết khách bia chính là Bằng Việt.
Giờ cháu đã đi xa. Có ngọn khói trăm tàu
Có lửa trăm nhà, niềm vui trăm ngả
Nhưng vẫn chẳng lúc nào quên nhắc nhở:
- Sớm mai này bà nhóm bếp lên chưa?…
Được bạn đọc thế hệ sau thuộc thơ mình, đấy chính là hạnh phúc lớn của nhà thơ. Lưu Quang Vũ và Bằng Việt chính là hai nhà thơ như thế.   
Hà Nội, 9/2005
NGUYỄN TRỌNG TẠO

No comments:

Post a Comment