.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Friday, April 6, 2012

NHÀ VĂN – NGƯỜI ĐẸP DI LI VÀ BÀI VIẾT TRƯỚC CHO BÁO TẾT NĂM… GIÁP NGỌ - 2014


PHẬN NGỰA


Bài viết trước cho báo Tết năm… Giáp Ngọ - 2014
Nhà văn Di Li và ngựa
Vài năm gần đây, ở khu vực bãi sông Hồng xuất hiện một dịch vụ giải trí mới, ấy là cho thuê ngựa cưỡi để dạo chơi, quay phim và chụp ảnh. 50.000 đồng cho 15 phút trên lưng ngựa, các cặp cô dâu chú rể và nam thanh nữ tú cuống quýt trong những cú bấm máy liên hoàn của các nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp và không chuyên.

Từ đường đê đi qua những đồng bãi canh tác rau củ hoa trái theo mùa, những người trẻ nô nức tìm đến khu vực có cổng chào đề dòng chữ to tướng “Kè đá tình yêu”. Kè đá tình yêu là một bãi lau trắng ngút mắt với hồ nước con, hàng rào trắng, lán cọ, xích đu… được dựng lên phục vụ cho việc quay phim chụp ảnh, ngoài kia là trời là nước, là bờ bãi sông Hồng và đặc biệt là dăm bảy con ngựa xinh đẹp đủ màu sắc. Cưỡi ngựa thủng thẳng trên bờ nước trong ánh hoàng hôn, chẳng ai muốn từ chối vài bức hình với ngựa. Dường như khu du lịch nào trên khắp thế giới này cũng có ngựa, và cứ đứng cạnh con vật xinh đẹp đó là người ta lại muốn chụp ảnh.
Trong số các giống loài (trừ con người), ngựa là loài vật đẹp đẽ và sinh động nhất. Vì vậy nên mới có hẳn một trường phái hội họa vẽ tranh ngựa. Đời Đường có các danh họa nổi tiếng chuyên vẽ ngựa là Tùy Quan Trung, Tào Bá và Hàn Cán (720-780) (Hàn Cán là học trò của Tào Bá, sau Đỗ Phủ có bài thơ “Đan Thanh dẫn” tặng Tào Bá, có phê Hàn Cán rằng vẽ ngựa mà chẳng bằng thầy - Hoạ ra được "thịt" chẳng ra "xương" do Hàn Cán chuyên vẽ ngựa béo, mặc dù bức tranh vẽ con ngựa Chiêu Dạ Bạch của vua Đường Huyền Tông được coi là một kiệt tác). Đến thời nhà Tống có Lý Công Luân. Nhà Nguyên có Triệu Mạnh Phủ. Thế kỷ 20 có Diệp Túy Bạch, Lưu Bột Thư và đặc biệt là Từ Bi Hồng (1895-1953), người mang lại niềm vinh quang cho hội họa Trung Quốc và được ghi danh trong bản đồ hội họa thế giới nhờ tài vẽ ngựa. Ngoài ngựa ra thì không thấy con vật nào khác trở thành một trường phái hội họa được nâng tầm nghệ thuật cao cấp, không có trường phái vẽ tranh hổ báo, trâu bò, lợn gà, rồng rắn, mèo chuột.
Nhiều họa gia vẽ ngựa thậm chí còn coi ngựa là thầy như Triệu Mạnh Phủ, Lưu Bột Thư… Con ngựa nhìn từ góc độ nào, ở tư thế nào cũng đẹp, thậm chí nhìn từ… mông cũng đẹp. Vì thế nên Từ Bi Hồng là họa sỹ vẽ ngựa đầu tiên lấy mông ngựa làm tâm điểm của tranh. Chỉ thích vẽ mông ngựa nên “sinh nghề tử nghiệp”, một ngày thu đẹp trời, danh họa kiệt xuất Từ Bi Hồng đã từ trần vì một lý do vô cùng lãng xẹt, ấy là vì cứ loay hoay đi giật lùi để ngắm ngựa từ phía sau nên ông bị xảy chân rơi xuống vực. 
Ngoài vẻ đẹp phóng khoáng và sinh động, ngựa còn sở hữu đức tính trung thành. “Khuyển mã chí tình”, người đời nói thế. Nhưng huấn luyện chó thì dễ, dù là chó hoang, chó rừng, còn bắt được con ngựa hoang về thực không đơn giản, huấn luyện cho nó làm theo ý mình còn khó hơn, nhưng phàm đã làm chủ được nó rồi, ngựa là con vật trung thành bậc nhất.

Trong Tam Quốc có con ngựa đỏ nổi tiếng là ngựa Xích Thố của Quan Vân Trường, sau đã trở thành giai thoại về lòng trung thành. Anh Bình, chủ nhân của 7 con ngựa ở Kè đá tình yêu tự hào khẳng định: Trí thông minh của con ngựa kém con chó một bậc, nhưng lòng kiêu hãnh của nó thì hơn… chó. Chẳng hiểu con ngựa kiêu hãnh ở điểm gì, hay chỉ là vì nó có bộ bờm vừa kiều diễm vừa kiêu hãnh. Nghĩ mãi mới tự lý giải rằng, có lẽ vì nó là con vật duy nhất chỉ đứng suốt ngày, cả lúc ngủ, chỉ biết đứng mà không biết ngồi, quỳ, bò, trườn, lê, lết… nên mới đâm ra kiêu hãnh chăng. Anh Bình là một nài ngựa nói hơi nhiều, và ngựa là một đề tài bất tận. Anh kể rằng trước đây chỉ có 5 con ngựa bé, nhưng sau thấy khách đến chụp ảnh nhiều quá, lên ảnh nhìn người nuốt mất ngựa nên anh mua thêm hai con ngựa giống châu Âu, mỗi con 80 triệu, dáng thon cao lớn. Nhiều đạo diễn đến mượn ngựa của anh quay phim. Riêng con ngựa nâu tên Phong có chiếc bờm hung rất đẹp và sống mũi lông trắng đã cõng trên lưng khối cô người mẫu chân dài. Vừa nói chuyện thao thao anh vừa nhắc “Thẳng người lên, cưỡi ngựa lưng phải ưỡn thẳng, người vươn về phía trước” và quát “Cầm dây cương thế không được, lại giống mấy ông làm phim Lý Công Uẩn, nhìn cách cầm dây đã biết là không chuyên nghiệp. Cầm phải úp tay xuống thế này.”
Ngựa có vẻ ngoài điềm đạm, không lí lắc, xí xớn như chó nên đôi lúc bị hiểu nhầm là cũng đần độn giống trâu bò lợn gà. Ấy mà chúng khôn ra phết. Lúc được dong lên bãi cỏ lau, con Phong cứ chúi đầu vào đám cỏ non. Nó mà không ngẩng đầu lên, chụp ảnh rõ xấu, trông chả khác nào quân Mã trong bộ tam cúc. Anh Bình quát “Phong, thôi không ăn nữa”. Phong vội ngẩng cao đầu, đứng nghiêm chỉnh trong tư thế chuyên nghiệp của người mẫu ngựa. Thấy nó đứng yên, anh yên tâm bỏ đi. Vừa thấy bóng ông chủ khuất sau vạt lau, Phong lại chúi xuống đám cỏ non. “Ấy, nó lại ăn cỏ.” Tốp nhiếp ảnh cuống quýt gọi. Anh Bình quay lại “Phong, tao bảo mày thế nào”. Chú ngựa nâu lại ngẩng phắt lên, mặt mũi ngơ ngác tỏ vẻ vô can “Tớ có ăn gì đâu nào. Cỏ vẫn còn nguyên đấy chứ.” Nhưng cứ hễ thấy chủ quay đi là nó lại không thể từ chối món ăn ngon nhất trần đời. Cuối cùng anh Bình đành đứng nguyên đấy. Tất nhiên, không cần phải nhắc, lần này Phong kiên nhẫn đứng ngẩng cao đầu cho cái người xa lạ tha hồ tạo dáng hái lau, bẻ cành trên lưng mình.
Khi chưa có động cơ, ngựa là phương tiện vận chuyển hiệu quả nhất. Tốc độ của ngựa giữ vị trí á quân trong số các loài vật, chỉ đứng sau báo Gepa sa mạc. Nhưng có lẽ báo Gepa và ngay cả voi cũng không bền sức bằng ngựa. Khi phát minh ra tàu thuyền, ô tô, người ta vẫn cứ dùng từ "mã lực" để miêu tả công suất của máy móc. Giờ người ta bay từ châu lục này qua bờ biển kia chỉ mất vài tiếng, không phải khổ như Đường Tăng cưỡi Bạch Long Mã đi từ Tây An mất hai năm mới sang tới Ấn Độ. Không ai có ý định thay ô tô, xe máy bằng ngựa nhưng cuối cùng ngựa vẫn không bị sa thải mà được dành cho những mục đích khác, chủ yếu là mục đích giải trí và “trang điểm” cho thành phố. Đến khu du lịch nào cũng thấy có ngựa. Ở Amsterdam có những cỗ xe ngựa tuyệt đẹp chở du khách đi tham quan thành phố. Sau đuôi mỗi con ngựa có một cái liễn sắt cho ngựa phóng uế vào đấy để không làm ô nhiễm môi trường. Cảnh sát giao thông Amsterdam cũng thường cưỡi ngựa, họ đi lại thong dong, thỉnh thoảng lại nghễu nghện trên lưng ngựa đến chỗ nọ chỗ kia nhắc nhở những người dân vi phạm luật lệ giao thông. Ở Paris, vừa vào nội thành đã thấy một đoàn cảnh sát vận trang phục nhà binh từ những thế kỷ trước, cưỡi ngựa bạch diễu hành dọc bờ sông Sein.
Ở Vịnh Manila, ngựa được đóng xe lộng lẫy đứng chờ sẵn trong khu Intramuros, khu phố cổ của người Tây Ban Nha. Nhìn từ xa, trông ngựa bóng lộn lại không đụng đậy tưởng ngựa giả. Hễ có khách là ngựa gõ móng lọc cọc trên những con phố cổ trải đá hộc hoặc kéo tuốt ra bờ Vịnh cho khách ngắm cảnh hoàng hôn. Ở Bali, khách có thể gọi xe ngựa đi tắt trong ngõ nhỏ đường làng để đến… sàn nhảy. Ở Đà Lạt, ngựa to thì kéo xe ven hồ Xuân Hương cho khách vãn cảnh, ngựa còi thì cho đứng ở thác Prenn, dinh Bảo Đại, chân núi Lang Bian, lưng trải yên cương thổ cẩm sặc sỡ cho khách chụp ảnh.
Ở đảo Khỉ, Nha Trang, còn có con ngựa đặc biệt. Thuê một chiếc xe ngựa chạy vòng quanh đảo, cậu nài ngựa bảo con ngựa này mới được chạy ngày hôm nay, trước cậu đóng xe cho con khác đẹp hơn, nhưng kẹt nỗi con ngựa ấy cứ hễ thấy bóng phụ nữ đẹp mà ăn mặc hở hang là cứ rồ cả người lên, hí ầm ĩ, dựng hai vó trước lên rồi làm đủ trò lố bịch. Bảo chỉ khéo bịa chứ đâu có nhẽ thế. Cậu nài ngựa chất phác thề sống thề chết rằng mới vừa hôm qua nó nhìn thấy một cô Tây xinh đẹp đi qua, vậy là kéo xe rượt đuổi kiều nữ chạy chối chết nên giờ bị xích mũi vào gốc cây dừa kia. Xe chạy qua gốc cây dừa. “Nó đấy”, cậu nài chỉ. Khách trên xe tò mò nhìn chú “ngựa… dê” có thân hình cường tráng của một tuấn mã. Đâu có nhẽ lão Trư kiếp trước đã hóa thân thành heo bự, kiếp này lại thành ngựa kéo xe. Ngựa thì cũng mỗi con một tính, chú ngựa đảo Khỉ khó kìm chế thế nhưng con Chiến của anh Bình thì ngược lại. Có lần anh cưỡi con Chiến đi uống rượu ở Cao Bằng. Say không biết trời đâu đất đâu, anh bị ngã ngựa theo đúng nghĩa đen của từ này. Thấy vậy con Chiến kiên nhẫn đứng chờ anh trong khi ngay cạnh đó là một đàn ngựa cái. Mà theo anh thì Chiến là một con ngựa đực vô cùng tráng kiện và “mạnh mẽ”.

Kiếp ngựa cũng như kiếp người, mỗi con ngựa sinh ra trong một hoàn cảnh khác nhau, được duyên nào thì hưởng phận nấy. Oai hùng ghi danh sử sách thì có ngựa Xích Thố, ngựa Đích Lô (của Lưu Bị). Hoành tráng kiêu hùng còn có ngựa của đội quân Thành Cát Tư Hãn tung vó bụi mù trời từ thảo nguyên bát ngát sang tận trời Âu, tiện chân sải vó sang cả Trung Hoa rộng lớn. Những con ngựa thiện chiến cũng từng được lắp vào những cỗ chiến xa chạy dọc ngang đấu trường La Mã, chở trên xe những người hùng mang áo giáp sắt. Rồi xe tam mã, tứ mã đẹp như những cỗ xe thần thánh mang theo các ông hoàng bà chúa từ Cleopatra, Ceasar đại đế cho đến Napoleon và các Sa hoàng.
Ngôi sao thể thao thì có ngựa trường đua. Giải trí nghệ thuật thì có ngựa rạp xiếc. Sang trọng thì có ngựa dành để chơi polo, được nuôi bằng yến mạch thơm ngon và uống nước trong vắt (Trong câu lạc bộ Polo của quốc vương Brunei còn có hẳn một bức ảnh chụp chú ngựa ô bóng lộn dành riêng cho đức vua chơi Polo được phóng to và lồng khung mạ vàng treo ở sảnh chính). Thường thường bậc trung thì có ngựa cảnh kéo xe cho khách du lịch hoặc lưng phủ vải thổ cẩm, bờm dắt hoa giả sặc sỡ cho khách chụp ảnh. Ngựa bạch còn được sơn vẽ vằn vện giả làm ngựa vằn đứng bãi biển cho khách trèo lên trèo xuống. Cứ 20.000 một lần trèo, một lần bấm máy. Khổ nhất là ngựa của nhà nông dùng để kéo gạch, kéo lúa. Chạy hùng hục cả ngày với những làn roi quất, tối về ngủ chuồng mong nhận được chút cỏ khô trong máng.
Nhiều ngựa số phận cũng long đong, lúc thành ngôi sao lúc bị xẻ thịt khi nào không biết. Ngựa được nuôi cho trường đua Phú Thọ (TP Hồ Chí Minh) được ăn ngủ nghỉ đúng giờ, được vỗ béo mẫm, tắm táp cho bờm bóng mượt. Rồi đùng cái trường đua đóng cửa, ngựa ngôi sao đang có giá 200 triệu đồng/chú, sau rớt giá còn 4 triệu đồng. Người ta bỏ vài triệu đồng mua các ngôi sao trường đua về để xẻ thịt. Những ngôi sao lừng lẫy từng được tôn vinh là "thần mã" với những cái tên ngọt ngào như Hổ Phách, Dương Yến Phi, Phụng Hoàng… được đưa vào nhà hàng để làm món Cải cuốn thịt ngựa, thịt ngựa xào khoai tây, thịt ngựa nấu bánh đa, gân ngựa hầm và cả pín ngựa vị hương.
Ngựa thôi sải bước dài oai lẫm trên trường đua giữa những tiếng reo hò điên cuồng phấn khích mà bị thực khách ăn từ đầu đến chân trong những tiếng “zdô.. zdô trăm phần trăm”. Con ngựa bộ phận nào cũng quý, không phải hết nạc vạc đến xương mà xương ngựa bạch được chủ định săn tìm để nấu cao. Giờ ngựa bạch cũng được nuôi như bò lợn gà để bán lấy xương. Ở Chi Lăng người ta nuôi tới tận vài trăm con ngựa bạch để cung cấp cho những người làm cao.

Vì thế, có lẽ hạnh phúc nhất là được làm kiếp ngựa hoang chạy thênh thang trên những thảo nguyên xanh bất tận. Lúc bình minh lên phi nước kiệu trên cát mịn dọc bờ biển hoang vu đón cơn gió lạ. Khi hoàng hôn xuống đứng ngạo nghễ trên mỏm núi ngắm chiều buông. Ngựa xuất hiện trên mọi bức phù điêu từ đông sang tây. “Mã đáo thành công”, các doanh nhân Trung Quốc luôn yêu thích hình ảnh ngựa trong nhà bởi theo họ, ngựa không những là con vật trung thành nhất mà còn mang lại sự may mắn cho công việc kinh doanh của họ.
Đã từ lâu, chính phủ Trung Quốc chọn hình ảnh ngựa để trao tặng cho những “Thành phố du lịch ưu tú”. Địa danh nào được trao tặng danh hiệu ấy sẽ có một bức tượng ngựa ngay lối vào thành phố. Ấy là một con ngựa mình thon đang tung vó phi nước đại trên quả địa cầu. Chạy nhanh quá nên đuôi nó vắt tung lên. Thực chẳng có sự khôn ngoan nào hơn khi lựa chọn ngựa làm biểu tượng cho sự tự do phóng khoáng và thú du ngoạn. Cả địa cầu ở dưới vó ngựa, đấy là hình ảnh hạnh phúc nhất của loài ngựa, để an ủi nỗi lo bị mang đi nấu cao và xẻ thịt làm món thịt ngựa chiên giòn.
DI LI


 Nguồn: Dilivn.com

No comments:

Post a Comment