(Toquoc)- Trong hoàn cảnh xã hội hiện đại, tác phẩm phê bình văn học thường
được trình làng và hiện diện trước tiên là trên báo chí in.
Phê bình văn học buổi đầu và phê bình văn học hôm nay
Khoảng 10 năm thuộc nửa đầu thế kỷ XX (1933-1943), vào
buổi đầu hình thành và xây đắp nền phê bình văn học non trẻ ở Việt Nam, những
nhà phê bình tiên khu đã phát biểu những ý kiến sâu sắc xung quanh việc viết và
đọc, tiếp nhận phê bình văn học.
Thiếu Sơn, trong “Lời tựa” cuốn Phê bình và cảo luận,
cho rằng trong nền văn học của một quốc gia không thể thiếu vắng những nhà
chuyên môn phê bình. Công việc của họ là hữu ích, thú vị và có thể có giá trị
không thua kém thậm chí vượt lên hơn tác phẩm sáng tác được phê bình.
Nhà phê bình chuyên nghiệp theo ông là “kẻ đọc giùm cho
người khác”, bởi cùng đọc như người đọc bình thường khác, nhưng sau khi đọc,
qua bài phê bình công bằng và sáng suốt, nhà phê bình giúp cho người đọc thấu
hiểu hơn về cuốn sách đó, mở rộng và nâng cao tri thức và thị hiếu của họ.
Thiếu Sơn có công chỉ ra và đi đầu trong việc thực thi nhằm hai đối tượng chủ
yếu của phê bình văn học: tác phẩm có giá trị và tác giả có sự nghiệp văn
chương đáng kể (ông gọi là phê bình sách và phê bình nhân vật) (1)
Hoài Thanh trong hồi đầu cầm bút phê bình, bằng quan sát
và trải nghiệm riêng, cảnh báo người đời không nên đua đòi mà xem viết phê bình
văn học là việc dễ dàng, cứ viết tràn đi, cố lấy được hoặc viết nhảm. Ông lưu ý
sự tự trọng của người làm nghề phê bình cùng với niềm tôn trọng độc giả của họ,
nếu thấy sách thực sự không có gì đáng nói hoặc mình không có ý tứ gì hay hay,
khác với những người đã nói trước mình về cuốn sách đó, thì phải có gan làm một
việc đại nghĩa là không viết để người đọc khỏi mất thì giờ vô ích. Đi sâu hơn
vào nghiệp phê bình ông phân biệt rành mạch bài giới thiệu sách để buôn sách,
chiêu hàng khác xa bài phê bình đích thực. Trong khi bài giới thiệu sách non
kém sa đà vào việc thuật và kể lại tỉ mỉ nội dung câu chuyện trong sách; hoặc
diễn dịch tư tưởng, tình cảm thể hiện trong một bài thơ trữ tình kèm theo trích
dẫn la liệt với những lời khen vu vơ, trống không nhằm thu hút những người chưa
đọc sách ấy, thì bài phê bình sách đích thực “phải làm thế nào cho những người
đã xem quyển sách ấy rồi, đọc bài vẫn thấy hứng thú” bất ngờ, đồng thời giúp
nhà văn phát hiện ra những cái hay tự nhiên tiềm ẩn trong bút pháp tác phẩm “có
khi chính tác giả quyển sách không nghĩ đến”.
Tiêu chí cao, lý tưởng mà bài phê bình nhằm đạt tới là sự
hấp dẫn, hay để đời, có giá trị lâu bền - muốn vậy, theo Hoài Thanh, bài viết
phê bình “phải nói cho đúng đã đành, mà lại cần phải nói cho hay nữa, làm thế nào
cho câu nói của mình có đặc sắc”. Tóm lại “phê bình cũng cần phải có sáng tạo
là thế” - Hoài Thanh kết luận, và chúng ta hiểu ở đây phải chăng ông muốn, như
Thiếu Sơn đã nói ở trên, đặt ngang nhau phẩm chất tạo tác cái mới ở hai thể
loại tác phẩm sáng tác và tác phẩm phê bình, rằng nhà phê bình cũng là một loại
nhà văn, luôn phải lao tâm khổ tứ, tìm tòi, sáng tạo trong tư duy và cách thế
để có thể tiếp cận, khám phá những giá trị thực nơi tác phẩm, thu hút người đọc
và tác giả của tác phẩm bằng lối viết đặc sắc, dồi dào bản lĩnh với phong cách
riêng biệt?(2)
Nhà phê bình Hoa Bằng, cây bút chủ lực của tạp chí Tri
Tân, qua thực tiễn công việc biên tập và viết bài phê bình trên báo chí
đương thời, đã nhận xét thẳng thắn, lên tiếng báo động về những nhược điểm,
thói tệ của một số nhà sáng tác và nhà phê bình văn học ở ta hồi ấy. Ông kể ra
thành 7 cái liệt điểm; chúng rất nguy hại như một thứ ung độc, không nên để lưu
tệ mãi, cần phải thẳng tay mạnh bạo cắt bỏ, để bệnh mau khỏi và công việc mới
tấn tới lên được. Đó là:
1- Phê bình lẫn nhau để tâng bốc lẫn nhau;
2- Tự khen mình bằng cách đội một tên khác hoặc bênh vực
mình bằng cách kéo bạn đến “đánh hôi”.
3- Trích lấy ít lời khen trong thư riêng hoặc trong bài
phê bình làm bùa hộ thân;
4- Nhờ người có tiếng đề tựa để nắm làm “cây gậy” cho cuốn
sách của mình;
5- Cố ý mạt sát người khác, mong chiếm độc quyền những
tiếng khen tặng;
6- Không biết vạch riêng đường đi, chỉ hay ùa ạt theo mù.
7- Không biết phục thiện, không trung thực với nguyên thư,
với xuất xứ, với người có dính líu đến bài mình; trong đó bao hàm cả thói lấy
cắp văn.
Rõ ràng đây là những căn bệnh trầm kha “con sâu làm rầu
nồi canh” của làng văn ở mọi nơi, mọi lúc, mà đối với nước ta cũng không phải
là một ngoại lệ. Đây quả là một cái nạn, dù không muốn nói cũng phải nói toạc
ra, nhìn thẳng vào để tiến tới bài trừ tận gốc.(3)
Còn cây bút phê bình người Nam bộ Kiều Thanh Quế thì khẳng
định “Phê bình văn học là địa hạt của Hiện đại” nó luôn hướng chủ yếu về tác
phẩm mới xuất hiện để nói ra một cách mới mẻ về tác phẩm đó, khó có thể dựa dẫm
vào người khác. Chỉ bằng vào linh cảm, trực giác, dựa vào sự tích lũy kiến văn,
hiểu biết và từng trải, bao gồm cả sáng tạo, táo bạo và ngẫu nhiên nữa, mà nhà
phê bình thực thi công việc “ chọn lọc sáng suốt trong đống sản phẩm văn nghệ
do các nhà xuất bản đưa ra hàng tháng, nhặt ở đó những thiên tài trong bông hoa
đầu mùa, loại bớt những cây bút viết nhiều mà không hy vọng”.
Lao động của nhà phê bình văn học, theo Kiều Thanh Quế, là
lao động tự mình, trước hết xuất phát từ nơi mình. Nhà phê bình huy động tổng
lực thế giới tinh thần của mình để tiếp cận tác phẩm, tác giả văn chương. Bài
phê bình phải cho độc giả thấy ý nghĩ, quan niệm, nguyên tắc xem xét tác gia,
tác phẩm; những cảm xúc, rung động của mình từ tác phẩm và sự nghiệp của nhà
văn; thái độ và sự đánh giá của nhà phê bình về tài năng nghệ thuật và vị trí
của nhà văn trong đời sống văn học hôm nay và mai sau.
Không những đòi hỏi cao ở nhà phê bình, Kiều Thanh Quế
cũng nhấn mạnh sự chủ động, tích cực của người đọc. Ông phê phán loại độc giả
lười biếng, nông nổi, nhưng muốn làm ra vẻ ta đây trong giao tiếp, đã thay vì
việc trực tiếp đọc tác phẩm trước đã bằng cách chỉ tìm đọc nhờ cậy vào bài phê
bình không thôi, rồi dựa vào đó mà phán bảo điều này, điều nọ về tác giả, tác
phẩm mà chính anh ta kỳ thực chưa từng đọc một dòng nào.
Kiều Thanh Quế đòi hỏi, người đọc trước khi đọc bài phê
bình phải dành thời gian và tâm sức chịu khó đọc vào tác phẩm của nhà văn, để
có được những nhận xét và cảm tưởng riêng. Sau đó mới tìm đến các bài phê bình
mà so sánh, bồi bổ kiến văn và thị hiếu thẩm mỹ của mình, nếu ở đó quả thực là
nhà phê bình đã có những nhận xét sáng suốt và có căn cứ thuyết phục. Sự đọc
của người đọc phổ thông bất kỳ luôn luôn phải là độc lập, chủ động, trong sự
tiếp thu, đối thoại với các cách đọc khác, trong đó có cách đọc chuyên nghiệp,
có nghề của nhà phê bình, theo tinh thần “ đi một ngày đàng học một sàng khôn”(4)
Qua mấy ý kiến tâm huyết và tiêu biểu trên đủ thấy việc
thức nhận bản chất, đối tượng và đặc thù của lao động phê bình văn học, việc
đọc trực tiếp tác phẩm sáng tác và tác phẩm phê bình trong hoạt động tiếp nhận
văn học, quả đã là những vấn đề căn cốt được quan tâm định hướng rành rõ ngay
từ những bước đi ban đầu của phê bình văn học trong mối quan hệ gắn bó giữa nhà
văn - nhà phê bình với người đọc.
*
Cho đến hôm nay, phê bình văn học Việt Nam đã đi được một
chặng đường dài 80 năm tròn. Công chúng văn học cũng đã được mở rộng đến khắp
các tầng lớp xã hội, học vấn và thị hiếu thẩm mỹ thật là đa dạng, nhiều vẻ,
nhìn chung đã được nâng lên ở một trình độ cao hơn nhiều so với thời trước. Đội
ngũ những người cầm bút viết phê bình văn học cũng đông đảo hơn, kế tục nhau
xuất hiện qua 4 thế hệ(5), trong đó không ít người phê bình trẻ,
được đào tạo cơ bản, sớm bộc lộ năng lực để trở thành nhà phê bình chuyên
nghiệp góp phần đáng kể vào sự nghiệp đổi mới văn học.
Với sự phát triển mạnh mẽ và đa dạng của các phương tiện
và kỹ thuật thông tin truyền thông, ngày nay, tác phẩm phê bình văn học không
chỉ xuất hiện trên báo chí, sách in mà còn hiện diện cập nhật trên các phương
tiện truyền thông phổ cập khác, không bị giới hạn về thời gian và sức lan tỏa
trong không gian: đài phát thanh, đài truyền hình, sách báo điện tử, mạng
internet…
Chúng ta vui mừng trước sự lớn mạnh và trưởng thành của
phê bình, ghi nhận những đóng góp của phê bình trong việc đồng hành cùng nhà
văn và người đọc, nhận diện và khẳng định những thành tựu của văn học dân tộc,
đề cao đội ngũ nhà văn tài năng, phê phán những biểu hiện lệch lạc yếu kém
trong sáng tác, nghiên cứu xa rời cuộc sống, sa sút tính nhân văn, nhắm mắt
chạy theo mốt và theo đuổi kỹ thuật, hình thức thuần túy. Phê bình đã góp phần
quảng bá tác phẩm tốt và lành mạnh của văn học Việt Nam và văn học thế giới đến
với đông đảo công chúng, định hướng, mở rộng chân trời hiểu biết về văn học dân
tộc và văn học nhân loại, nâng cao năng lực thẩm mỹ hướng về những giá trị nhân
bản, về Cái Đẹp.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu và ưu điểm, phê bình
văn học hôm nay vẫn bộc lộ những non yếu bất cập, trước những thách thức to lớn
do sự phát triển của đời sống văn học và yêu cầu của công chúng văn học đặt ra.
Những mặt yếu kếm đó đã hạn chế chất lượng và hiệu quả của phê bình văn học, có
thể thấy ở các biểu hiện chính sau:
- Còn chậm chạp, ít năng nổ xông xáo, phát hiện, tìm tòi
trong số những tác phẩm mới xuất hiện những vấn đề đích đáng cần nói, cần trao
đổi rộng rãi nhằm thúc đẩy tiến trình văn học đương đại phát triển lành mạnh,
dân tộc hiện đại, đa dạng và phong phú, đi nhanh vào quỹ đạo hội nhập với khu
vực và thế giới.
- Tính chuyên nghiệp chưa cao, còn nặng vẻ nghiệp dư,
thiếu vắng những cây bút tầm cỡ mà tác phẩm và sự nghiệp phê bình sáng giá của
họ là bằng chứng thuyết phục mạnh mẽ về vai trò không thể thiếu vắng và sức
nặng của phê bình văn học trong đời sống văn học dân tộc.
- Còn trượt theo thói quen và sức ỳ, bó hẹp trong góc nhìn
và lý thuyết, thủ pháp phê bình mà thế giới hiện đại đã vượt qua và bỏ xa(6).
Hoặc nóng vội, dò dẫm “vận dụng” các lý thuyết mới từ bên ngoài áp vào phân
tích, phê bình thực tiễn sáng tác ở ta mà không chú ý đến đặc thù tư duy nghệ
thuật, tâm lý học sáng tác và tiếp nhận, truyền thống văn hóa, thể loại văn học
và đặc sắc chất liệu ngôn từ tiếng Việt.
- Những tồn tại biểu hiện khác, tuy là cá biệt, lạc lõng,
nhưng đã “ức chế” bầu không khí chung của phê bình văn học, khiến đa số người
sáng tác và người phê bình ngán ngẩm:
* Phê bình chủ quan, võ đoán, độc tôn, đao to búa lớn, lăm
lăm quy chụp nặng nề về tư tưởng - chính trị hoặc thổi phồng cái gọi là “cách
tân” hình thức nghệ thuật;
* Phê bình tầm phào, kể lể tràng giang đại hải, ăn xổi ở
thì, thiển cận, ba phải, nhàm chán;
* Phê bình cơ hội, tùy thời hoặc “mị”người đọc dễ dãi, vô
hình trung khuyến khích loại tác phẩm tầm thường, nhạt nhẽo, kéo thấp thị hiếu
thẩm mỹ người đọc tụt xuống mức báo động;
* Phê bình vị kỷ, cánh hẩu, chiều nịnh, không nhằm vào tác
phẩm mà lại cả tin theo tác giả, chỉ căn cứ vào vị trí xã hội và mức độ quan hệ
với họ, vào những tuyên bố, giải thích của tác giả về ý đồ nghệ thuật, về dụng
tâm sử dụng các thủ pháp nghệ thuật v.v… từ đó mà nhận định, khen chê này nọ
cho phải phép.
Gợi ý để nâng cao chất lượng và hiệu quả của phê bình văn
học
Cần đảm bảo duy
trì bản chất của công tác phê bình văn học nói chung. Song, “quý hồ tinh bất
quý hồ đa”, phê bình văn học đích thực là một nghề chuyên môn loại biệt, không
phải ai làm cũng được, mà người cầm bút phê bình phải tự xét mình, một khi hội
đủ các điều kiện (kiến thức, năng khiếu và tài năng, sự thành thật và dũng
cảm…) mới nên dấn thân, chung thủy với sự nghiệp phê bình. Cần nhận rõ: phê
bình văn học là một thể tài mới trong văn học hiện đại - một nền văn học đề cao
sự ý thức về mình. Nó cần được chăm chút để phát triển, theo kịp sáng tác, đồng
hành và nhận chân sáng tác; mặt khác, gợi ý, mở đường cho sáng tác không ngừng
tiến triển vươn tới những thành tựu mới.
Người cầm bút phê bình cũng là một kiểu nhà văn với đặc
thù riêng của tư duy nghệ thuật, ngôn ngữ và bút pháp thể hiện. Có thể nói, phê
bình văn học thuộc lĩnh vực nghệ thuật phi hư cấu, nó vừa là một bộ môn của
khoa học văn học, vừa là tác phẩm nghệ thuật của ngôn từ nghị luận văn học.
Trước khi viết
hoặc đọc bài phê bình văn học, điều tiên quyết, sơ đẳng, là nhà phê bình cũng
như người đọc phổ thông, phải đọc kỹ tác phẩm của nhà văn trên từng câu chữ của
văn bản với đặc thù của ngôn ngữ thể loại, thể tài được nhà văn sử dụng theo
cung cách của họ. Bài phê bình là một đơn vị tác phẩm nghị luận văn học hoàn
chỉnh “2 trong1”, nghĩa là, vừa giúp người đọc nhận diện giá trị của tác phẩm
cùng tài năng của nhà văn, mặt khác, cũng đồng thời hiển lộ năng lực, bản lĩnh
và phong cách của nhà phê bình.
Nicolas Pousin (họa sĩ Pháp, 1593-1665) từng nói: “Phong
cách là do 4 thành tố hợp thành: Đối tượng sự vật - Ý tưởng - Bố cục - Lối vẽ.”
Suy rộng ra từ ý kiến trên, cũng như họa sĩ sáng tác, trên
địa hạt viết phê bình văn học cũng vậy, nhà phê bình trước hết bộc lộ sự sắc
sảo của mình khi quyết định lựa chọn tác phẩm, tác giả làm đối tượng phê bình,
sao cho qua tác phẩm, tác giả ấy bật lên được những vấn đề ý tưởng đáng bàn, có
sức thu hút sự chú ý của xã hội. Rồi bài phê bình lại phải được bố cục hoàn
chỉnh về kết cấu văn bản, thể hiện trong một bút pháp độc đáo, tài hoa mang
phong cách, sở trường và dấu ấn riêng của một công phu lao động nghệ thuật -
khoa học.
Phê bình văn học tuyệt nhiên không phải chỉ là một cuộc
rong ruổi phiêu lưu trên bề mặt văn bản chữ nghĩa với những giây phút thăng
hoa, hứng thú đột khởi. Mà cao hơn thế, phê bình là một hành động của nhận
thức, một sự tự ý thức có chủ đích. Chủ đích của phê bình không dung nạp sự tùy
tiện, võ đoán, ăn may, mà đòi hỏi tập trung làm sáng tỏ những vấn đề văn học có
ý nghĩa xã hội, nhân sinh và nghề nghiệp đặt ra từ nơi tác phẩm được chọn phê
bình. Vì vậy, bài phê bình sâu sắc có sức thuyết phục cao, vừa cho thấy “con
mắt xanh”, tức điểm nhìn và tầm nhìn đặc sắc của nhà phê bình khi phóng chiếu
vào tác phẩm, vừa khiến người đọc kinh ngạc về bút lực sung mãn, tinh tế của
người viết. Sự mẫn cảm trước tác phẩm với những lập luận, chứng minh có sức lôi
cuốn mạnh mẽ của nhà phê bình phải dựa trên một căn bản chắc chắn: cơ sở mỹ
học, lý luận văn học vững vàng, kiến văn uyên bác về văn học sử và phông văn
hóa rộng lớn.
Trong hành trình đầy đam mê và sáng tạo, nhà phê bình
không thể không “rút ruột”, huy động tối đa nội lực tiềm ẩn trong con người vừa
là nhà khoa học vừa là nghệ sĩ của mình, để xuyên qua vỏ ngôn ngữ của văn bản,
thâm nhập vào “thần thái” của tác phẩm, chỉ ra rằng những dụng ý nghệ thuật của
tác giả có được thực thi và thẩm thấu vào từng thành tố của tác phẩm hay không;
tác phẩm quả là có những đóng góp mới mẻ cần được khẳng định, ghi nhận không;
hay nó chỉ là sự chững lại của một tư duy nghệ thuật quen thuộc, một bút pháp
quen tay đến nhàm lặp?
Nồng nhiệt, sắc sảo, trung thực, tài hoa mà giàu sức
thuyết phục… ấy là những phẩm chất cực kỳ quý báu của nhà phê bình, hồ dễ mấy
ai có được dầy đủ trọn vẹn suốt đời?
Trong thế kỷ XX,
văn học hiện đại Việt Nam đã kết tinh những tài năng phê bình văn học độc đáo
mà tên tuổi của họ là niềm tự hào của cả giới: Hải Triều, Hoài Thanh, Trần
Thanh Mại, Vũ Ngọc Phan, Đỗ Đức Hiểu, Lê Đình Kỵ, Hoàng Ngọc Hiến…
Song tài năng phê bình văn học luôn luôn là của hiếm so
với các lĩnh vực khác của đời sống văn học rộng lớn.
Về phía lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý, cần quan tâm tới
nhân cách, sở trường, cái “tạng” và gu thẩm mỹ, phong cách, bút pháp riêng của
từng nhà phê bình, đảm bảo cho họ một không gian rộng rãi để tích lũy kiến văn,
tìm tòi thể nghiệm, đối thoại và tranh luận, thăng hoa kết tinh cá tính nghệ
thuật độc đáo vào những tác phẩm, công trình tâm huyết, xứng đáng để đời.
Thừa nhận quá trình tự đào tạo, rèn luyện tay bút của
người phê bình là chính, tuy nhiên, về mặt tổ chức cũng rất cần một tầm nhìn
chiến lược và một kế hoạch khả thi để hỗ trợ đào tạo (ở trong nước cũng như ở
ngoài nước), bồi dưỡng và sử dụng đắc địa các thế hệ, lớp lớp nhà phê bình, kế
tục, bổ sung cho nhau, không bị hẫng hụt và từ đó nổi lên những cánh chim đại
bàng lực lưỡng đầu đàn, bay cao, bay xa.
Như vậy, phê bình văn học sẽ luôn luôn có một vị trí xứng
đáng trong công cuộc xây dựng và phát triển nền văn học nghệ thuật tiên tiến,
dân tộc và nhân văn của chúng ta, mạnh bước hội nhập với thế giới văn minh hiện
đại./.
Hà Nội, 4/2012
PGS.TS Nguyễn Ngọc Thiện
---------------------------
(1) Thiếu Sơn - Phê
bình và Cảo luận, Nxb Nam Ký, Hà Nội, 1933
(2) Hoài Thanh -
“Phê bình văn”, Tiểu thuyết thứ bảy, só 68, 14/9/1935
(3) Hoa Bằng- “ Vài
cái liệt điểm của một số nhà văn ta”, Tri Tân, số 53, 7/1942
(4) Kiều Thanh Quế
- “ Phê bình với văn học sử”, Tri Tân, số 111, 9/1843
(5) Xem: Nguyễn
Thanh Tú - “ Một só nhận xét về phê bình văn học hôm nay” Lang
Bian số 104, 3/ 2012, tr.73 - tr.77
(6) Xem: Bảo Ninh -
“Về sự lẩm cẩm của người trẻ”, Nghệ thuật mới, Hội Liên hiệp VHNT Hà
Nội, số 1,2/2012, tr.18
Nguồn: Tổ quốc
No comments:
Post a Comment