.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Monday, April 2, 2012

TRẦN ANH THÁI: DƯƠNG KIỀU MINH – LÁ VÀNG KIẾP KIẾP RƠI MỜ HOÀNG HÔN


Nhà thơ Dương Kiều Minh đã qua đời ở tuổi năm ba. Ông ra đi nhẹ nhàng tại Bệnh viện đa khoa Hà Đông, Hà Nội. Cho dù đã có chuẩn bị trước, nhưng tôi không  khỏi sững sờ khi nhà văn Văn Giá báo tin: Dương Kiều Minh hỏng mất rồi bác ạ, gia đình và bạn bè đang lo chuyện hậu sự!… Thế là hết! Minh ơi! Một đời người, một đời thơ, một đời bè bạn. Giờ thì đã đủ đầy thanh thản cõi trời. Như những  câu thơ ông tiên đoán: “Giấc mơ con đã đủ đầy cơn gió lành đồng nội/ Mương nước ngập tràn cánh đồng đổ ải/ những đám mây đã đợi con thênh thang trời rộng…”

Trước Tết nguyên đán 2012, tôi vào thăm Dương Kiều Minh. Minh bảo: Trưa nay bác ở lại ăn cơm với gia đình, tôi đã bảo Hồng chuẩn bị rồi. Hôm ấy, đầu giờ chiều tôi có  việc bận nên đề nghị chuyển việc ăn cơm sang lần khác. Rồi tôi và Minh ra bờ sông Nhuệ uống cà phê. Thời điểm ấy sức khỏe của Minh đã giảm sút, da khô và sạm, gương mặt già đi sau những lần truyền hóa chất, chống chọi quyết liệt với căn bệnh quái ác ung thư. Tuy vậy, trong suốt buổi nói chuyện, Minh không hề tỏ ra bi quan hay yếu đuối, gương mặt lúc nào cũng bình thản, nghị lực kiên cường, sự nhẫn nại và khả năng chịu đựng đã giúp Minh sống những ngày cuối đời trọn vẹn. Tôi nhớ mãi câu nói vào buổi trưa hôm ấy, khi chúng tôi chia tay, Minh bảo: Người ta sống có mệnh bác ạ, đáng sợ nhất là sống hôm nay không biết tai họa sẽ ập xuống ngày mai. Tôi biết được mệnh mình, biết trước được một ngày không xa nữa sẽ ra đi nên cũng có cái hay, cứ bình tĩnh, thanh thản tiếp nhận cái mệnh mà trời đất đã ban cho… Minh là thế, kiên cường và chịu đựng  …

Tôi biết Dương Kiều Minh đã lâu, từ những năm tám chín, chín mươi của thế kỷ trước. Hồi đó chúng tôi không thân thiết và cũng không gặp nhau như sau này. Tôi sống ở phố cổ Hà Nội còn Minh ở tận Hà Đông. Nhưng khi đó, Minh là người nổi tiếng. Tôi nhớ  một lần đến chơi nhà một nhà thơ đàn anh, ông đưa  cho tôi tập thơ “Củi Lửa”, rồi bảo: Cậu mang về mà đọc, thơ hiện đại lắm, mới mẻ, trong sáng, câu thơ bài thơ đẹp… Hồi ấy phong trào đổi mới thơ ca thời sau chiến tranh mới bắt đầu. Tôi vừa viết tiểu thuyết vừa cùng với mấy anh em nhà thơ quân đội in chung một tập thơ có tên là “Chát đắng và ngọt ngào”. Những bài thơ trong tập chủ yếu là viết theo lối cũ, vần điệu chỉn chu, đậm đặc âm thanh đì đùng chiến trận… Có tập thơ “Củi lửa” tôi đọc say mê, và càng đọc càng ngạc nhiên về một giọng thơ mới lạ, thuần túy thơ ca của anh. “Củi Lửa” xuất hiện khi đó không chỉ giống như một “luồng không khí lạ” thổi vào nền thơ xưa cũ,  vốn đã được nâng niu qua nhiều năm tháng, mà nó còn là một luồng không khí lạ với những tìm tòi và đổi mới thơ ca của một số bậc đàn anh từng ôm ấp khát vọng cách tân thơ.

Tôi nói điều này có thể có người đồng ý và cũng có thể có người chưa đồng ý, nhưng với “Củi Lửa”, “Dâng Mẹ”, “Những thời đại Thanh Xuân”… được in vào các năm 1989, 1990, 1991, Dương Kiều Minh là người tiên phong và cũng là người số một trong số những nhà thơ đổi mới thơ sau năm 1975. Cuộc cách tân thơ của Dương Kiều Minh khác hẳn với mọi cách tân đổi mới thơ ca trước đó. Sự khác biệt này, trước hết, là khác biệt với nền cảm xúc chung, khác với cách nhìn, cách cảm, cách nghĩ, cách tổ chức câu thơ, bài thơ và đặc biệt là hình ảnh và ngôn ngữ thơ của số đông tác giả lúc đó. Sau chiến tranh, dường như thơ ca phổ biến của các tác giả vẫn viết theo truyền thống. Âm hưởng thơ ca thời chống Mỹ chủ đạo trên tất cả các diễn đàn, các tờ báo từ trung ương đến địa phương. Ngôn ngữ thơ ca xưa cũ đậm đặc, ít có những đổi mới táo bạo và mạnh mẽ. Ở vào thời điểm ấy thì “Củi Lửa” là một “ luồng không khí lạ”. “ Ở mãi âm thanh ngày náo nức/ con chạy trên đồng lúa rộ vàng/ mạng nhện giăng giăng bụi hoa cúc dại”, “Ngôi nhà thiêm thiếp trắng/ Từng vốc nắng mỏng tang vãi chiếc ô màu”, “ Ngỡ vừa qua giấc mơ hoang lạ/ cậu bé tìm lại đồng xu đánh mất ngày xưa/ đáy bể ngâm trong vắt/ ồ vầng trăng vừa được vớt lên”, “Gõ vào ngày xuân không trở lại/ hoa táo vừa rụng trắng/ô cửa nâu mở suốt mùa hè”, “Thơ ấu chạy cánh đồng tím nhạt/giữa nước nôi giữa bờ cỏ đầm sương/ vụng dại, khát khao và trong trẻo”, “ Có cuộc đời giấu bao nhiêu ánh sáng/ có niềm vui thanh sạch sau mưa/ ôm ấp khát thèm trên con đường quê cát” và “ Đời con thưa dần mùi khói/ mẹ già nua như những buổi chiều”…

Những câu thơ như thế tràn ngập trong các tập thơ “Củi Lửa”, “Dâng Mẹ” và "Những Thời Đại Thanh Xuân” đã tạo dựng ra được một nền cảm xúc riêng biệt, cách cảm thụ , cách nhìn, cách nghĩ thoát khỏi khuôn mẫu của thơ truyền thống và âm hưởng thơ ca chống Mỹ lúc bấy giờ… Một điều đặc biệt là, trong nỗ lực tìm tòi đổi mới thơ của Dương Kiều Minh, ông dồn tâm huyết cho việc đổi mới mang lại ý nghĩa đích thực cho thơ ca. Khác với các nhà thơ cách tân thời kỳ trước, Dương Kiều Minh không tìm tòi đổi mới về hình thức thơ. Ông không cố ý viết những bài thơ kiểu bậc thang, sử dụng biện pháp ngắt câu, xuống dòng, hay khổ công nặng nhọc chữ nghĩa. Ông cũng không cố tình làm lạ, cố tình viết sai chính tả, vặn vẹo câu chữ hay sa đà vào những tuyên ngôn trống rỗng cải lương, câu chữ rườm rà, lòng thòng hoặc rối rắm tắc tị…Đổi mới của Dương Kiều Minh là đổi mới về thẩm mỹ thơ. Mục đích mà ông hướng tới là mang lại cho thơ tinh thần tự do thuần khiết, là vẻ đẹp của thơ ca. Ông day dứt và đớn đau để viết ra những câu thơ đẹp, những bài thơ đẹp với một tâm trạng đau đáu về cõi nhân sinh, về kiếp người, về một thời xa xưa trong ký ức. “Ai gọi tên mơ vậy/ người đâu ngờ ngợ quen/ sương khói dâng không nhìn rõ mặt” “ Xuân xanh em thả nỗi buồn ngày xanh/Ta nằm nghe ý mong manh/ bản chờm lên bóng trong lành ngày xưa” hay “ Lá vàng kiếp kiếp rơi mờ hoàng hôn” “ Ta vừa bay lên chút xuân còn laị/ Đã chìm xuống mái đầu xõa trắng” “ Dềnh hoang vắng cảnh đền đài tịch mịch/ bước em vang nhẹ ngoài xa...” Đó là những câu thơ ngổn ngang tâm sự, nhưng đẹp một cách chân thành trong sáng… Sau Dương Kiều Minh là hai gương mặt đổi mới thơ ca cùng thời quan trọng khác là Nguyễn Bình Phương và Nguyễn Lương Ngọc. Cùng với Dương Kiều Minh, Nguyễn Lương Ngọc và Nguyễn Bình Phương khi đó, mỗi người là một thế giới thơ khác nhau, nhưng họ là những người mang khát vọng tìm tòi đổi mới thơ âm thầm và quyết liệt, là những người khởi đầu. Sau này, cùng với một số gương mặt thơ ca quan trọng khác, thế hệ của họ đã tạo ra một tinh thần đổi mới thơ mạnh mẽ cho những năm về sau…. họ có chung quan niệm,  hướng tới vẻ đẹp chân thực của thơ ca...

Sau tập thơ “Những Thời Đại Thanh Xuân”…, nhất là các tập thơ “Tôi Ngắm Mãi Những Ngày Thu Tận” và “Khúc Chuyển Mùa”, Dương Kiều Minh mở rộng biên độ thơ bằng những bài thơ văn xuôi, những đoạn thơ viết dở; đề tài cũng mở rộng hơn; nhưng cảm hứng chủ đạo vẫn là những ký ức. Ký ức về mẹ, về cha, về quê hương bè bạn. Càng về sau, thơ ông càng ám ảnh mạnh mẽ về thân phận con người, nỗi niềm nhân thế. Nỗi buồn trong thơ ông thăm thẳm diệu vợi…
Giờ thì Minh đã ra đi, nhưng bạn bè và những người yêu thơ Minh vẫn nhớ mãi. Như câu thơ văn xuôi ám ảnh và day dứt của Minh :“ Ôi, đời người mãi không ra khỏi tình thương nỗi nhớ. Những bến bờ đến rồi đi, những bến bờ lướt qua cuộn theo dòng nước  vang xa nỗi niềm khuất khuất!…”...
Minh ơi, Vĩnh biệt!

                                    Lý Nam Đế, đêm 30/ 3/ 2012
TRẦN ANH THÁI

No comments:

Post a Comment