.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Sunday, April 1, 2012

TRỊNH CÔNG SƠN: “TẠO ĐỪNG BỎ RƯỢU NHƯNG NHỚ UỐNG VỪA THÔI NGHE”


NHƯ MỘT LỜI TRI ÂN
Hôm rồi vào Sài Gòn, tình cờ gặp Hữu Thu (VTV Huế) trong quán nhậu. Thu nhắc tôi sắp tròn 10 năm vắng anh Sơn rồi. Tôi biết ở Huế sau 1975, Hữu Thu có nhiều kỷ niệm với anh Sơn. Có lần tôi đến nhà Thu, thấy có chiếc xe đạp mini cũ kỹ treo ở góc nhà. Thu bảo: “Chiếc xe anh Sơn đó. Trước khi chuyển vào Sài Gòn, anh Sơn cho Thu làm kỷ niệm”.
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và Nguyễn Trọng Tạo

Thu cho biết, có những bài hát anh Sơn viết ra rồi, đưa cho người ta hát rồi, mà anh Sơn vẫn quên, không còn lưu lại nữa. Rồi Thu đọc cho tôi nghe một đoạn ca từ mà tôi chưa nghe thấy bao giờ:
Khi tôi ra đời
Vòm cây Mẹ chết
Đất mềm ôm ru những chiều hôm
Có chú ve sầu bò theo ánh sáng
Như người hát mù đi giữa những hàng bông
Khi anh yêu em
Mùa xuân có gió
Có đóa hoa mềm dưới gót sen thơm
Có…
Theo Thu thì đây là lời của bài hát anh Sơn viết tặng đám cưới nhà thơ Trần Phá Nhạc năm 1977 tại Đài truyền thanh Huế (17-Đặng Dung). Hôm đó anh Sơn không biết mua quà gì tặng đám cưới người bạn nghèo, và anh đã ngồi ôm đàn sáng tác bài hát này, và một người em của Thu đã tập hát ngay lúc đó để kịp trình bày trong đám cưới.
Rôi Thu hứa với tôi, về Huế sẽ nhờ người em hát lại, ghi âm để chuyển cho tôi. Nhưng có vẻ như Thu “ngại” Internet nên mãi vẫn không thấy mail của anh.
Chỉ một đoạn lời ca, cũng thấy tâm hồn Trịnh Công Sơn thật đẹp, một vẻ đẹp lộng lẫy của thơ ca và âm nhạc. Đó là vẻ đẹp yêu người.
Một buổi tình cờ sau đó vài hôm, tôi gặp lại Thu cùng mấy người bạn của anh. Thu mừng rỡ giới thiệu mấy người bạn với tôi. Lại một bài hát nữa không mấy ai biết/nhớ. Đó là bài hát viết tặng một nhà sư tự thiêu để chống chính quyền Sài Gòn thân Mỹ. Nhưng tiếc là mấy người này chỉ thuộc lõm bõm đôi câu. Hi vọng rồi người ta sẽ nhớ lại trọn vẹn bài hát này, để đưa vào di sản của nhạc Trịnh.
***
Tối 31.3.2011, từ Phú Thọ tôi cũng kịp về Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây dự cuộc gặp mặt nhân 10 năm mất Trịnh Công Sơn. Nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Toán kịp mang tới 2 bức ảnh lớn chụp Trịnh tại gia. Có tấm ảnh Trịnh đứng nghiêng, trái sáng, bên bức tranh chân dung Khánh Ly mà anh vừa vẽ xong. Trông Trịnh thật đăm chiêu và xao xác. Thân hình anh như không thể gầy hơn. Tôi cũng đã có lần ôm cái thân hình mong manh đó, cái thân hình lọt thỏm trong vong tay, không thể ôm chặt được. Nhưng sau cái thân xác mong manh ấy là cả một trái tim luôn nóng ấm và dậy sóng tình yêu thương con người…
Những cây nến được thắp lên. Những chai rượu được mở ra để tưởng nhớ người nhạc sĩ tài hoa. Những giáo sư cao niên rơi lệ. Gs. Văn Như Cương và Gs. Cao Cự Bội như chìm trong âm thanh những bài hát Trịnh. Đôi tân hôn Đặng Hùng Võ và Nguyễn Hồng Ánh góp vào tiếng hát Diễm xưa xa xăm huyền thoại. Ca sĩ Trương Hiểu Phương và nghệ sĩ đàn dân tộc Xuân Ba lại mang tới những âm thanh cao vợi mà đằm thắm. Đạo diễn Quốc Trọng mang đến cả một tập ca từ Trịnh Công Sơn và hát lên như khóc không muốn dứt. Họa sĩ Đinh Quang Tỉnh cầm tập sách dày “Một cõi Trịnh Công Sơn” đi xin chữ ký từng người để giữ lại một kỷ niệm về cuộc gặp gỡ hiếm có này.
Tôi chợt nhớ 10 năm trước, sau khi tổ chức xong đêm nhạc tưởng nhớ TCS tại Hà Nội (8.4.2001), Đoàn Tử Huyến, Nguyễn Thụy Kha và tôi dạt về quán Thủy Hử ngã tư Khâm Thiên uống rượu và nẩy ra ý định làm cuốn sách về người nhạc sĩ vừa từ biệt cõi trần. Thế là chia nhau bắt tay vào công việc. Chỉ hơn 1 tháng sau, cuốn sách “Trịnh Công Sơn – Một người thơ ca – Một cõi đi về” ra đời. Cuốn sách dày trên 500 trang với hình TCS ôm đàn guitare và chữ ký của anh trên nền bìa màu cà phê. Bởi khi làm bìa, tôi nhớ chi tiết TCS được sinh ra tại xứ sở cà phê Buôn Ma Thuột.
Đấy là cuốn sách đầu tiên về Trịnh Công Sơn.
Cuốn sách được xếp hạng bán chạy nhất trên thị trường sách Việt Nam suốt 4 tháng liền.
Năm sau được tái bản có bổ sung và sửa chửa, cuốn “Trịnh Công Sơn – Một người thơ ca – Một cõi đi về” được đổi tên thành “Một cõi Trịnh Công Sơn”.
Mới đó mà đã 10 năm.
Và đêm “giỗ Trịnh” lần thứ 10 kéo dài trong âm nhạc của chính anh.
***
Trong cuộc đời, tôi quen thân nhiều nhạc sĩ, nhưng sao tôi cứ nhớ Văn Cao và Trịnh Công Sơn thật day dứt. Hai người nhỏ con. Hai người Thiên định. Hai người ấm áp. Hai thiên tài của thế kỷ 20. Cũng có thể là do một tam hợp tử vi Hợi-Mão-Mùi đã nối kết chúng tôi thành những người bạn vong niên. Hai người đã đi xa. Tôi nhớ lời Văn Cao đề tặng tập thơ Lá của ông gửi vào Huế cho tôi năm 1988: “Tạo ơi, đi đâu mà đi lâu thế?”. Tôi nhớ lời Trịnh Công Sơn nói với tôi lần cuối cùng tại quán trà trên đường Đồng Khởi trước khi tôi ra sân bay về Hà Nội tháng 3.2001: “Tạo đừng bỏ rượu, nhưng nhớ uống vừa thôi nghe”.
Tôi viết những dòng này như một tưởng nhớ tri ân.
Hà Nội, 1.4.2011
NGUYỄN TRỌNG TẠO

No comments:

Post a Comment