.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Friday, April 6, 2012

TS NGUYỄN THỊ LIÊN TÂM - SỰ LIÊN TƯỞNG TRONG TRƯỜNG CA THỜI CHỐNG MỸ


Trường ca sử thi hiện đại Việt Nam, ngoài đặc điểm quan trọng về nội dung: thường tổng kết một giai đoạn lịch sử đã qua để hướng đến một chặng đường mới của dân tộc; còn mang những đặc điểm riêng biệt về nghệ thuật để tạo nên sự hấp dẫn đối với người thưởng thức. Nhiều trường ca viết về thời chống Mỹ đã phản ánh những sự kiện vang dội; khắc sâu hình ảnh những con người bình thường nhưng vĩ đại, anh hùng bằng  bút pháp sáng tạo rất riêng; bằng cái tâm, tầm nhìn của người cầm bút với nhiều thủ pháp nghệ thuật.

Thời đại đã đòi hỏi các nhà thơ khi chọn thể loại trường ca để sáng tác phải có một thi pháp phù hợp với nội dung biểu hiện. Và họ đã đáp ứng được những yêu cầu của công chúng khi có những trường ca chống Mỹ tiêu biểu. Làm nên sự thành công cho trường ca, không phải chỉ ở việc xây dựng hình tượng nhân vật, không gian; thời gian nghệ thuật, tính chất sử thi, tính chất trữ tình, việc sử dụng chất liệu văn học dân gian... mà còn ở giá trị của phương thức liên tưởng. Những trường ca giàu tính triết lý chính luận và trữ tình  càng nhiều thì việc sử dụng yếu tố liên tưởng càng cao, góp thêm những dòng nước mát vào suối nguồn trường ca sử thi hiện đại.

Lê Đình Kỵ [2, 235] đã từng nói  “Liên tưởng là đem nhích gần lại, trộn lẫn vào nhau hai sự vật vốn xa lạ với nhau, càng xa càng gây được thích thú”. Đúng vậy, câu thơ của Hữu Thỉnh: “chị chôn tuổi xuân trong má lúm đồng tiền” (Đường tới thành phố) khiến ta liên tưởng đến cả một thời xuân sắc đã vùi chôn trong cái khoảng không nhỏ bé là cái má lúm đồng tiền của thời con gái, hay nói khác đi, tuổi xuân đã qua đi và cái má lúm đồng tiền cũng mất đi rồi

Trong Cơ sở Văn hoá Việt Nam, khi triết lý về cấu trúc thời gian của vũ trụ, Trần Ngọc Thêm đã cho rằng: “cho đến nay,... căn cứ vào thời điểm xuất hiện của trăng, hình dáng của trăng, dân gian đã tích lũy được kinh nghiệm xem trăng mà xác định chính xác từng ngày [4, 73]. Sự liên tưởng về thời gian có khi nằm ở cách tính tháng tính ngày dân dã qua hình ảnh của vầng trăng tròn mọc định kì mỗi tháng và cũng nằm trong từng đốt ngón tay hao gầy của mẹ. Nguyễn Đức Mậu đã có một cách liên tưởng thật kỳ lạ về thời gian:

Ngón tay khô gầy/ Mẹ tính đốt thời gian/ Khi mười ngón tay mẹ đầy vầng trăng mọc/ Thì chúng con giải phóng Sài Gòn” (Trường ca Sư đoàn).

Ở chương 4 của trường ca Đường tới thành phố, Hữu Thỉnh đã có những câu thơ độc đáo giàu sức liên tưởng. Cách cảm nhận về thời gian quá khứ đan xen thời gian tương lai của nhà thơ quả thật là lạ lẫm, sắc sảo, tính hàm ẩn cao, tạo sự liên tưởng sâu xa từ ý thơ: “Cau vườn rụng một tàu đã cũ”: “em cứ tô đậm nữa đi em/ tô thật đậm để hiện ra đất nước/ hiện ra ngày chúng ta hằng mong/ đất nước theo em ra phố một mình/ cau vườn rụng một tàu đã cũ/ đất nước đêm nay/ 50 triệu người không ngủ/ đang bóc đi tờ lịch cuối cùng”.

Còn trong Quê hương mặt trời vàng, Thu Bồn đã nói về tương lai bằng những chi tiết gợi cho ta sự liên tưởng khá thú vị: “Cầu đã bắc rồi em./ Đâu phải bắc qua sông/ cầu đã bắc hai bờ khát vọng”. Cả hình ảnh của Thánh Gióng cũng được thể hiện một cách sáng tạo, dân dã, nghộ nghĩnh và gần gũi với đời sống: “Đất nước tôi mơ ngựa sắt/ Vẫn yêu khóm tre ngà/ Nên thánh đều nằm trên gióng” (Quê hương mặt trời vàng).

Nỗi nhớ nhung, trông ngóng của người vợ có chồng đi kháng chiến được Hũu Thỉnh diễn tả: “Ở  nhà dài những năm canh/ Từ bậu cửa bước xuống sân cũng dài”. Có lẽ lấy ý từ câu “Đêm năm canh ngày sáu khắc” nhưng đầy sáng tạo. Những câu thơ không có một từ nào nói về “ban đêm” nhưng có sức khơi gợi cao. Nói “năm canh” là cách tính thời gian về đêm nhưng nói “dài những năm canh” lại giúp ta liên tưởng đến những đêm dài ngóng trông với nỗi đợi chờ dài dằng dặc.

Còn khi nhà thơ viết: “Tôi là chỗ thất thường của gió/ Khi người yêu cởi áo trao khăn”. Ta lại liên tưởng đến lời ca mộc mạc: “Thương nhau cởi áo cho nhau/ Về nhà mẹ hỏi qua cầu gió bay…” (Đường tới thành phố).

Cũng có lúc, để thể hiện một lời nhắn gởi xa xôi: cán bộ cách mạng đang về ở cơ sở, Hữu Thỉnh đã vận dụng nguyên vẹn hai câu ca dao ngọt ngào giàu ý nghĩa: “Nhân dân trở về qua tay người móc nối/ Qua lời ru gửi gắm xa xôi/ “Anh quên không mang trăng vào nhà/ Trăng buồn trăng phải sáng qua vườn người”. Cái chất ca dao mộc mạc, giản dị, trầm lắng ấy giúp ta hình dung ra cái cảnh tượng thực tại, một cách cụ thể hơn.

Những thành ngữ, tục ngữ “trở trời trái gió”, “áo gấm đi đêm”, đến trong thơ Hữu Thỉnh như là một cách tình cờ, bất chợt nhưng mang ý nghĩa liên tưởng sâu xa: “hai mươi năm áo gấm đi đêm/ chị màu mỡ mà anh tôi chẳng biết/… những đêm trở trời trái gió/ tay nọ ấp tay kia/ một mình một mâm cơm/ ngồi bên nào cũng lệch…” (Đường tới thành phố).

Trong các trường ca, sự liên tưởng không chỉ đơn thuần là một sự thể hiện cảm hứng thơ ca mà nó trở thành một điều kiện để thể hiện phong cách sáng tác. Đối với những trường ca mang chất triết lý chính luận, chất trữ tình càng nhiều thì việc sử dụng yếu tố liên tưởng càng cao, có khi được xem là một trong những nguyên tắc kết cấu nội tại của nhiều trường ca và sự liên tưởng có khi được biểu hiện ở những biện pháp tu từ so sánh, ẩn dụ rất gần  gũi, nhẹ nhàng.

Tứ thơ “Trăng nhớ giếng phải khi tròn khi khuyết” (Mặt trời trong lòng đất - Trần Mạnh Hảo) gợi lên nhiều điều suy nghĩ. Ở địa đạo ánh trăng không vào được, giếng ở địa đạo thiếu ánh trăng soi. Nên trăng nhớ giếng lúc mòn lúc khuyết, hay vì trăng lên trăng lặn, trăng tròn, trăng khuyết theo chu kỳ?.
Lại Nguyên Ân rất quan tâm đến chất thơ trong trường ca: "Không thể nói trường ca hay mà lại không tìm được những câu thơ hay. Ngoài những câu thơ hay rồi còn phải nghĩ tới cái hay ở một tầng nào đó khác nữa. Tôi muốn nói đến những ý tứ nằm trong mạch “chạy suốt” toàn bộ một trường ca...” [1, 122]. “Một tầng nào đó khác nữa” chính là sự liên tưởng.

 Có khi sự liên tưởng ấy được thể hiện ở những câu thơ liên tiếp ý miên man từ vấn đề này sang vấn đề khác tưởng chừng không có liên hệ gì với nhau. Nhưng nhìn tổng thể, nhà thơ vẫn bộc lộ một sức khái quát cao trong dàn trải các ý thơ, nêu bật lên sự phong phú; đa dạng trong nội tâm trong đời sống của con người Việt Nam hiện đại. 

Trong trường ca Đường tới thành phố; từ một gốc sim cằn, Hữu Thỉnh đã nghĩ về đất nước: “Nhưng trước mặt là Tổ quốc/ Dù chỉ gốc sim thôi dù chỉ gốc sim cằm”. Nói về trận chiến nhưng lại liên tưởng đến mẹ, đến người yêu: “Anh vừa bò vừa nghe/ Không mật mã không cần phiên dịch/ Tiếng mẹ ru ta cuối bãi đầu ghềnh/ Mẹ đi gánh than mẹ thường gánh vã/ Nhem nhuốc cả ngày xanh/... Cho em ngập ngừng khi buông gầu xuống giếng/ Sợi dây chùng do dự trước trăng in.”

Người chiến sĩ quyết giữ từng tấc đất cho tổ quốc, và khi anh cảm nhận “cái im lặng hoàn toàn, anh nằm nghe thơ”  thì sự liên tưởng lại đưa anh đến một hình ảnh khác thi vị hơn: “Ngôi sao xanh rơi xuống lá sim/ Thành giọt sương từ lá sim rơi xuống”.

Rồi từ hình ảnh của những đồng đội “làm nên những chiến trường giông bão”, anh tự cảm nhận: “ta bỗng thấy lòng mình nhẹ bớt, như dòng sông bỏ sỏi lại bên bờ, hối hả đổ về bến bãi”. Và câu thơ tiếp theo lại chuyển sang một tứ thơ mơ hồ nhưng đằm thắm, tạo sự liên tưởng về tình yêu ngọt ngào, thơ mộng:

                     Hoa bung biêng ơi, con lắc của mùa xuân
                     Rừng không ngủ vì những hồi gõ tím.

Sự liên tưởng mãnh liệt cũng đã đưa hồn thơ của Hữu Thỉnh đến với mảnh đất mười tám thôn vườn trầu với người vợ mỏi mòn ngóng đợi ngày chiến thắng, để không còn cảnh lén nuôi dấu người chồng là cán bộ địch hậu ở dưới hầm: “Chị đợi chờ quay mặt vào đêm/ Hai mươi năm mong trời chóng tối/ Hai mươi năm cơm phần để nguội/ Thôi tết đừng về nữa chị tôi buồn…”.

Sự liên tưởng của tác giả thật là độc đáo, hình ảnh khắc sâu đậm nhờ biện pháp so sánh, đối lập...“chị tôi không thể làm như con rắn que còi”, “chị thiếu anh nên chị bị thừa ra”, “những đêm trở trời trái gió, tay nọ ấp tay kia”, “một mình một mâm cơm, ngồi bên nào cũng lệch”, “chị chôn tuổi xuân trong má lúm  đồng tiền”, “chị buồn như bông điệp xé đôi….”

Trong Những người đi tới biển, cả vết tích chiến tranh cũng trở thành một tứ thơ giàu sự liên tưởng: “Bên hố bom B 52 khét lẹt/ Sao Mai xanh như giếng nước tình cờ”. . Ca dao đã ca ngợi lòng mẹ thương yêu con dào dạt, thiết tha và sẵn sàng hy sinh để dành mọi sự sung sướng hạnh phúc cho con từ khi con được sinh ra trong câu “Bên ướt mẹ nằm, bên ráo con lăn”, Thanh Thảo đã cảm xúc và viết lại mang sức liên tưởng cao hơn: “Sau mưa bão mía ngọt dần lên ngọn/ Vẫn chỗ ướt mẹ nằm đất nước mình ơi” (Những người đi tới biển)

Sự liên tưởng của trường ca hiện đại đã gắn kết các sự kiện rất khác nhau, xa nhau tụ về một mối, tạo cho nhà thơ có thể tự do hơn trong bố cục trường ca. Sự liên tưởng ấy hợp lý hay không hợp lý, được chấp nhận hay không là do tài năng của nhà thơ.

Trần Mạnh Hảo cũng đã có một sự liên tưởng rất phong phú, bất ngờ, sâu sắc thú vị đa dạng khi nói về đất nước. Đất nước ở khắp mọi nơi mang đủ mọi dáng hình: hình guốc võng, hình mũi sóng, hình chim Lạc, hình cái cày, hình chữ S, hình dòng sữa, hình bông lúa, hình con rồng, con phượng, con lân, hình cây cung, hình dây bầu, dây bí…. Mỗi một dáng hình Đất nước mô phỏng bằng những hình ảnh về con người, sự vật, sự việc cụ thể.

Còn ở Mặt trời trong lòng đất; chất liên tưởng, so sánh rất mạnh mẽ, đột biến có thể kể đến đoạn thơ: “Tay em dài giếng hãy nối gầu thêm/ Em hãy cứ một mình ra giếng tắm/ Thân hình em cong nở mảnh trăng liềm.../ Em tắm mà giếng cứ ngỡ trăng lên”.

Trường ca sử thi hiện đại thường thể hiện những chiêm nghiệm sâu sắc nhất về con người, cuộc sống, đất nước, thế giới và còn đề cập đến những vấn đề đạo đức của nhân loại đương đại. Nguyễn Khoa Điềm đã sử dụng phương thức liên tưởng để tạo nên một phong cách sáng tác độc đáo cho riêng mình. Trong Mặt đường khát vọng, nhà thơ đã thể hiện một sự cảm nhận hết sức mới mẻ một cách định nghĩa hết sức sáng tạo về đất nước.

Đó là hình ảnh đất nước có từ trong những cái ngày xửa; ngày xưa mẹ thường hay kể, trong miếng trầu bà ăn, đất nước từ trong ca dao thần thoại, đất nước rất riêng và cũng rất chung: “đất là nơi anh đến trường,/ nước là nơi em tắm,/ đất nước là nơi đôi ta hò hẹn,…/ đất nước là nơi con chim phượng hoàng bay về hòn núi bạc,/ nước nơi con cá ngư ông móng nước biển khơi…”.

 Mỗi định nghĩa khác nhau về đất nước, con người là mỗi một suy nghĩ, trải nghiệm để cuối cùng nhận ra cái cuộc đời hàng ngày vẫn sống, những con người hàng ngày vẫn gặp, mà không hẳn đã hiểu hết cái chất ngọc sáng ngời trong họ: “Tháng năm nào cũng người người lớp lớp/ Con gái con trai bằng tuổi chúng ta/ Cần cù làm lụng/ Khi có giặc người con trai ra trận/ Người con gái trở về nuôi cái cùng con” .

Có lẽ chính vì thế mà Nguyễn Khoa Điềm thường triết lý, trình bày những suy nghĩ của mình về nhân dân, đất nước của nhân dân. Trong thời chống Mỹ, tư tưởng chung của thời đại là sự gắn bó máu thịt giữa số phận cá nhân và số phận cộng đồng, đất nước nên nhà thơ đã bày tỏ chính kiến: “Em ơi em, Đất Nước là máu xương của mình/ Phải biết gắn bó và san sẻ/ Phải biết hoá thân cho dáng hình sứ sở/ Làm nên Đất Nước muôn đời”.
Anh Ngọc lại dành tình yêu của mình cho những cô gái ở đoàn H 50 làm công tác vận tải dọc vùng Nam Trung Bộ. Hình ảnh các cô được nhà thơ liên tưởng đến: “Dáng em đi là dáng của con đường/ Em giống đất/ Và đất thì giống mẹ”.

Sự liên tưởng làm thành chất thơ, chất triết lý cho thơ và có giá trị lớn lao về mặt tư tưởng: “Dốc Ba Cô như tờ giấy trắng/ Cái gùi hàng như dấu nặng/ Nặng nề chấm xuống vai  em”  (Sông núi trên vai).

Thi pháp học hiện đại đã dành một chỗ đứng vô cùng quan trọng, nếu không nói là quyết định cho từ ngữ vì văn học là nghệ thuật ngôn từ. Và từ ngữ  ấy nếu được đặt trong một mối liên tưởng và tương quan mới lạ sẽ tạo nên một ý nghĩa khác, có thể hay hơn, sâu xa hơn. Chẳng hạn như câu thơ của Nguyễn Khoa Điềm:

                             Lũ chúng tôi từ tay mẹ lớn lên.
                             Còn những bí và bầu thì lớn xuống (Mặt đường khát vọng).

Nhà thơ Tố Hữu cũng đã có nhiều sự liên tưởng rất mới lạ, điển hình như những vần thơ viết về hình tượng bất tử của Hồ Chủ tịch: “Cứ ngỡ: hồn thơm đang tái sinh/ Ngôi sao ấy lặn  hóa bình minh”  (Theo chân Bác).

Có khi sư liên tưởng so sánh đã làm tứ thơ của Thu Bồn thêm độc đáo khi khắc hoạ hình ảnh người mẹ tảo tần, lam lũ: “Giọt nước mắt mẹ đây khô đắng núi đồi/ Đời mẹ cũng là thân cây lúa/ Tấm lưng trần mang dấu nắng đi qua/ Mẹ địu cả làng trên vai nặng xót xa” (Badan khát) .

Trong trường ca xuất hiện sau năm 1995, Nguyễn Hưng Hải đã bày tỏ nỗi lo lắng trước sự suy đồi đạo đức trong xã hội ngày nay và anh tâm tình : “Giữa ồn ào phố chật người/ Giữa xô lấn đổi thay theo thời cuộc/  ta lắm lúc cũng quên mình thưở trước”. Vì thế, anh lo sợ “Mẹ là con chim lạc/ Ta là con chim lạc/ em là con chim lạc/ các con ta là con chim lạc/ con của các con ta là con chim lạc”.  Cách chơi chữ “chim Lạc” với “lạc đường, lạc lối” giàu chất liên tưởng. Cách nói ấy giúp mọi người tự nhận định lại chính bản thân mình (Mảnh hồn chim Lạc).

Nhà thơ đã đặt ra câu hỏi: “Ta học văn minh Âu Mỹ để làm gì?” khi mà “Ta đã lạc chính ta mà chẳng biết”. Hơn ai hết, trải qua những ngày tham gia chống Mỹ gian khó, nhà thơ đã hiểu rằng: “Cái giá của cao sang/ đã có lúc phải thấp hèn để có”. Vì thế, không thể trở thành “con chim lạc giống nòi.../ khi đậu xuống cây chò còn phải hỏi:/ cây này là cây gì?”. Nhà thơ đã vận dụng cách liên tưởng tạo giá trị biểu hiện hình ảnh, tạo hiệu ứng cảm xúc tâm lý sâu xa.

 Cách thức liên tưởng là một thủ pháp nghệ thuật đặc biệt, giúp cho các nhà thơ tạo nên một sắc thái riêng, một phong cách riêng cho mình. Nét độc đáo trong cách nghĩ, cách suy, cách thể hiện của nhà thơ khiến tứ thơ lạ mà quen, tài hoa mà không sáo rỗng. Người thưởng thức tiếp nhận có sự phán đoán một cách sáng tạo, vận động được trí tưởng tượng của cá nhân. Nhiều bản trường ca của nhiều tác giả thuộc hệ thống đề tài đang khảo cứu đã làm được điều ấy (như trên đã dẫn) đã góp phần làm nên giá đỡ chắc chắn cho các trường ca sử thi hiện đại tồn tại với thời gian

Sự thành công của trường ca phần lớn chính là ở chỗ người nghệ sĩ liên tưởng như thế nào và sáng tạo ra sao. Tuy nhiên, sự liên tưởng ở trường ca có lúc còn gượng ép: “Những cuộc đời ở bên kia mặt lá/ Rưng rưng bước lên cầu thang/ Cửa sổ mở bốn bề hy vọng/ Lại hiện về bước chân em/ Đuốc sống... gạch đá cùng đi” (trong chương V Đường tới thành phố).

Dung lượng quá dài cũng là hạn chế lớn của trường ca; do vậy, sẽ có nhiều đoạn chêm xen, đệm lót; ý tứ có khi cầu kỳ, rắc rối, khó hiểu hoặc phóng đại. Trong Đất nước hình tia chớp, cũng có tứ thơ so sánh còn gượng ép, khoa trương: “Thành phố ơi những mái ngói ngang trời/ Mang dáng lớn con cá kình xuống biển” (Trần Mạnh Hảo).        

Có thể nói rằng, trường ca viết về đề tài chiến tranh thời chống Mỹ là tài sản quý báu của nền thơ ca cách mạng Việt Nam. Trường ca chống Mỹ đã góp một tiếng nói nhỏ để nói về cuộc đời lớn, một cuộc chiến đấu thần thánh vĩ đại của dân tộc ta. Ta không thể hình dung khuôn mặt thơ ca cách mạng Việt Nam thời chống Mỹ lại thiếu vắng sự góp mặt của trường ca sử thi hiện đại. Trong nhiều thủ pháp nghệ thuật tạo sự thành công cho các bản trường ca thời chống Mỹ, sự liên tưởng cũng là một thủ pháp độc đáo.

Sự liên tưởng đã giúp cho các trường ca - tác giả - nhân vật - trong trường ca có điều kiện bộc lộ, giải bày mọi nỗi xôn xao, xúc cảm của tâm hồn. và góp phần vẽ lại bức tranh xã hội những năm chống Mỹ thật sắc nét.

TS NGUYỄN THỊ LIÊN TÂM

 TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Lại Nguyên Ân (1975), Mấy suy nghĩ về thể loại trường ca, TCVH (4).
2. Lê Đình Kỵ (1999), Phê bình nghiên cứu văn học, Nxb Giáo Dục HN.
3. Nguyễn Thị Liên Tâm (2002), Đặc điểm trường ca viết về đề tài chiến tranh thời
    chống Mỹ, Luận văn Thạc sĩ - Trường ĐHSP TP HCM.
4. Trần Ngọc Thêm (2000), Cơ sở văn hóa Việt Nam, Nxb Giáo Dục HN.

No comments:

Post a Comment