.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Thursday, April 5, 2012

TƯ DUY NGHỆ THUẬT THƠ NGUYỄN TRỌNG TẠO (2)


TÓM TẮT LUẬN VĂN THẠC SĨ CỦA NGUYỄN HỮU CÔNG


(Tiếp theo Phần 1)

2.3. Cái tôi trữ tình dân gian – huyền ảo
Cảm thức văn hoá dân gian, cảm thức nguồn cội là đặc điểm thường xuất hiện ở những nhà thơ có ý hướng dân tộc và truyền thống. Hơn ai hết, Nguyễn Trọng Tạo ý thức được “giữa bao còn mất vui phiền” sau “quá nửa đời người phiêu dạt” là hồn của quê nhà. Tâm linh anh đã trỗi dậy những “nỗi nhớ không tên”, hoài nhớ những “điệu hát ru thôn dã’, nó khắc khoải trong bản mệnh “Người Ham Chơi” một cõi nhớ, nhớ về cái gì đã mất và lầm lũi đi tìm. Thơ Nguyễn Trọng Tạo, vì thế, là khúc hát ngân lên từ cõi nhớ của một kẻ nhà quê lưu lạc. 
Nỗi nhớ nguồn cội trong thơ Nguyễn Trọng Tạo trở nên day dứt. Dường như tồn tại song song bên con người hiện đại Nguyễn Trọng Tạo, còn có một con người nhà quê nặng nợ với những niềm xưa cũ. Từ đấy, nhà thơ khát khao được tấm mình trong “dòng sông dân ca”, được hít thở cái “khói sương tinh khiết ngàn đời của truyền thống”, rồi anh luôn khẳng định chất truyền thống ngàn đời trong mình : “anh là cọng rơm vàng dưới bánh xe em đó/ cọng rơm vàng dập nát vẫn vàng rơm” (Bản sắc).
Nguyễn Trọng Tạo là “một tay giang hồ khí cốt” thích khám phá những miền đất giàu tính văn hoá đến đam mê. Đến Huế, anh xem Huế là quê hương thứ hai của mình. Chính nơi đây đã bồi đắp thêm vị đằm thắm ngọt ngào của những câu hò ví dặm trong hồn thơ anh. Đến quê hương của làng quan họ cùng “những đêm trăng hát hội”, nhà thơ say đắm trong làn điệu “người ơi người ở đừng về” của những liền anh, liền chị. Hình ảnh của không gian Kinh Bắc lồ lộ trong thơ anh: “ước chi em mặc tứ thân/ nụ cười che nón ba tầm ghé chơi/ ước chi đến hẹn người ơi/ con đò lúng liếng mắt cười chìm đâu. (Thơ nhờ em gửi về Nguyễn Bính).
Cái tôi trữ tình dân gian Nguyễn Trọng Tạo không chỉ bó hẹp trong bản thể nhà thơ mà đã đưa người đọc trở về với cội nguồn linh thiêng của dân tộc. Thơ Nguyễn Trọng Tạo bên cạnh cái tôi sắc sảo, duy lý là cái tôi bình dị, dân dã; bên cạnh cái “ngu ngơ tưng tửng” là cái “ngọt ngào mềm mại”. “Đó là cái mềm mại hiện lên sau cái vẻ gãy gập, trúc trắc, xa xót của những câu hò ví dặm quê anh”. Chất dân gian hay cái chất nhà quê ấy “cứ chảy hoài trong kẻ lưu lạc kia đã trở thành một trong những yếu tố quan trọng làm nên dải phổ cảm xúc thơ Nguyễn Trọng Tạo”.
Khi con người hiện đại không thể nhận biết hết thế giới nên thường rơi vào trạng thái bất khả tri. Tính siêu thực, hơn lúc nào hết, được tăng cường trong sáng tạo nghệ thuật nói chung và trong thơ nói riêng. Cái tôi huyền ảo, vì thế, xuất hiện như là một xu hướng tất nhiên, nó là hệ quả của lối tư duy hiện đại, tích hợp sự đa chiều của đời sống. Cái tôi huyền ảo trong thơ Nguyễn Trọng Tạo là yếu tố huyền thoại được xây dựng trên nền tảng cảm xúc về thời gian, nó vận động trong mạch ngầm quá khứ để diễn tả về thực tại và mở ra những dự cảm trong tương lai. Cái tôi huyền ảo trong thơ Nguyễn Trọng Tạo mượn yếu tố huyền thoại như là “giải pháp thẩm mỹ để hoá giải hiện thực nhằm đạt được mục đích mình mơ ước”, có khi nó còn là giải pháp để nhà thơ “nhận thức cuộc đời, mở rộng những suy tưởng”.
Thơ Nguyễn Trọng Tạo có sự chuyển dịch rất nhanh về thời gian, chất huyền ảo cũng được mở rộng biên độ đến vô cùng. Sự vật, con người lẫn lộn giữa mơ và thực. Thế giới hoài niệm nhoè mờ giữa nuối tiếc, xót xa.
Tư duy thơ Nguyễn Trọng Tạo trong việc thể hiện cái tôi huyền ảo rất khó nắm bắt, nó không nằm ở một trường liên tưởng nhất định. Có khi thời gian và không gian được đẩy vào một điểm để tạo sự lý giải cho nhau, nhưng hết sức siêu thực; có khi khoảng cách giữa cõi âm và dương, đêm và ngày không còn ranh giới; có khi là sự dịch chuyển đan chéo các không gian hiện thực ở cách xa nhau. Cái tôi trữ tình huyền ảo trong thơ Nguyễn Trọng Tạo là sự khao khát vượt lên giới hạn của những điều bình thường, đó là sự “huyền ảo của nghệ thuật” vì “nghệ thuật là tinh thần huyền ảo trong trần gian”.
Việc xây dựng cái tôi trữ tình huyền ảo là một trong những nỗ lực của nhà thơ khi nối liền thời gian quá khứ và thời gian hiện tại, không gian thực và không gian ảo để thoả sức cho cái tôi của mình phóng túng trong những vùng tâm tưởng. Qua đó, cũng cho thấy một tư duy thơ giàu chất suy tưởng của anh.


Chương 3
TƯ DUY NGHỆ THUẬT THƠ NGUYỄN TRỌNG TẠO
- NHÌN TỪ PHƯƠNG THỨC BIỂU HIỆN
3.1. Ngôn ngữ thơ, thể thơ sở trường
3.1.1. Ngôn ngữ thơ
Ngôn ngữ là công cụ của tư duy, “sự vận động của ngôn ngữ nghệ thuật là biểu hiện trực tiếp của quá trính tư duy”. Nguyễn Trọng Tạo trong quá trình sáng tạo đã sử dụng nhiều phương thức khác nhau để làm mới cho ngôn ngữ : phương thức “thơ hoá” ngôn ngữ đời thường, phương thức so sánh ẩn dụ, phương thức láy… Từ những phương thức đó, ngôn ngữ thơ Nguyễn Trọng Tạo thường có những đặc điểm :
- Ngôn ngữ của đời thường mang tính chất văn xuôi
Đây là kiểu ngôn ngữ thô ráp, gần gũi đời sống hằng ngày. Nó là một dạng đan xen giữa thể loại thơ và văn xuôi. Sử dụng kiểu ngôn ngữ này, nhà thơ như muốn bứt khỏi từ trường của loại ngôn ngữ thấm đẫm chất trữ tình, óng chuốt, mượt mà có truyền thống lâu dài trong thơ ca dân tộc. Với ngôn từ tự nhiên, giản dị nhưng có khả năng biểu hiện tâm hồn nhạy cảm, tinh tế trước cuộc sống thường nhật, Nguyễn Trọng Tạo đã đưa thơ về với đời thường.
Số lượng lớp từ này chiếm tỉ lệ khá lớn, điều đó làm cho thơ anh đi sâu vào bản chất trần trụi của đời sống và gần với người đọc hơn. Thơ anh giàu tính tự sự nên việc kết hợp kiểu ngôn ngữ đời thường đã thể hiện cái nhìn về cuộc sống hàm chứa một quan niệm thẩm mỹ riêng.
- Ngôn ngữ thơ giàu tính nhạc và hoạ
Hơn thể loại nào hết, thơ chứa chất và tiềm ẩn nhiều nhạc tính nhất (trừ âm nhạc). Nhạc tính trong thơ được chi phối bởi các yếu tố của thuộc tính âm thanh và đơn vị âm thanh. Nguyễn Trọng Tạo đã xây dựng xác tín nghệ thuật của mình: “Thơ ca là ngôn từ rung lên bằng âm nhạc” (Nguyễn Trọng Tạo), từ đó, cốt lõi bên trong thơ anh như có một dòng âm nhạc đang cuộn chảy.
Nguyễn Trọng Tạo có cách gieo vần đa dạng, luôn thay đổi linh hoạt để phù hợp với nội dung biểu hiện. Việc gieo liên tiếp những vần bằng và nguyên âm dòng giữa đã tạo nên những thanh âm vừa trong trẻo, vừa nồng nàn, say đắm. Các vần bằng gieo ở mỗi cuối câu thơ làm cho ý thơ gợi mở, hình thành nên lối nhạc êm đềm và tha thiết. Anh cũng hết sức thành công về mặt thanh điệu khi phối hợp thanh bằng – trắc tạo thành những đoản khúc, diễn tả các cung bậc thanh âm khác nhau.
Nhạc điệu trong thơ Nguyễn Trọng Tạo không chỉ dừng lại ở âm thanh; ngôn ngữ đã tạo cho thơ anh một chất nhạc dồi dào. “Học lấy cái nhoè mờ trong thi pháp phương Đông, Nguyễn Trọng Tạo đã biết tựa vào âm nhạc để trình bày các ý tưởng của mình”.
Thơ Nguyễn Trọng Tạo còn là bức tranh giàu sắc màu, chiều sâu của hội hoạ đã thấm vào căn cốt thơ anh. Dường như chiếc bút cọ mềm mại uyển chuyển đã làm thơ anh ánh lên sự lung linh gợi cảm. Màu sắc trong thơ Tạo giàu sự tinh tế, các gam màu được pha trộn một cách tuyệt diệu. Bức tranh thơ được khêu gợi tối đa từ mọi miền của tâm hồn, cảm xúc và sự vận động của mọi giác quan. Vạn vật dưới con mắt nhà thơ đều được đánh bóng lên rực rỡ, khác thường.
- Ngôn ngữ thơ giàu sức gợi – đa nghĩa
Nguyễn Trọng Tạo sử dụng khá nhiều các phương thức tu từ để tái tạo ngôn ngữ, đặc biệt là so sánh và ẩn dụ. Bằng phương thức so sánh, anh đã đem đến cho thơ nhiều hình ảnh mới lạ, bất ngờ.
Nhà thơ còn dùng phương thức nhân hoá, kết hợp giữa nhân hoá và so sánh để tạo ra nhiều hình ảnh giàu sức gợi. Tính gợi mở của ngôn từ cũng được nhà thơ khai thác bằng hình thức điệp cấu trúc và cú pháp. Hiệu quả nghệ thuật của hình thức này thật sự đã đem lại những ấn tượng đặc sắc và độc đáo.
Một qui luật của nhận thức và cảm xúc chính là liên tưởng. Nguyễn Trọng Tạo sử dụng rất linh hoạt phép liên tưởng để mở rộng cảm xúc và khám phá các vấn đề có chiều sâu.
3.1.2. Thể thơ lục bát
Thơ Nguyễn Trọng Tạo đa dạng, phong phú về thể loại. Bao gồm thể thơ lục bát, thơ bốn chữ, thơ năm chữ, thơ bảy chữ… Mỗi thể loại đã để lại dấu ấn riêng độc đáo trên cơ sở những thể thơ truyền thống, quen thuộc. Nhưng trước hết, thể thơ lục bát vẫn là nơi sở trường để anh thoả sức sáng tạo. Khảo sát trên hai tập thơ Gửi người không quen Đồng dao cho người lớn, số bài lục bát chiếm số lượng khá lớn. Ở tập Gửi người không quen có 7/20 bài làm theo thể lục bát chiếm tỉ lệ 35%, ở Đồng dao cho người lớn là 18/54 chiếm tỉ lệ hơn 33%.
Lục bát là thể thơ mang trong mình những đặc trưng dân tộc về văn hoá đã dồn nén, tích tụ lại qua thời gian mà tồn tại. Nguyễn Trọng Tạo là nhà thơ rất “có duyên” với thể thơ này, và anh đã tìm được những nét riêng so với các nhà thơ ViệtNamhiện đại. Lục bát Nguyễn Trọng Tạo là “sự phiêu diêu của cảm xúc, ma lực của âm nhạc và sự kĩ lưỡng nghiêng về phía sang trọng của chữ nghĩa”.
Quay về thể thơ lục bát truyền thống, Nguyễn Trọng Tạo không rập khuôn lại những tinh hoa có sẵn mà anh đã từng bước đổi mới để đi đến sự cách tân. Về hình thức, thể thơ lục bát được Tạo khai thác theo hai hướng: khuynh hướng hiện đại hoá và khuynh hướng trở về với ca dao.
Lục bát trong thơ Nguyễn Trọng Tạo đã dung hòa được yếu tố hiện đại và yếu tố truyền thống trong một chỉnh thể đa dạng, hợp lý. Từ thể thơ lục bát, anh đã đưa vào những hình thức xuống bậc, cách nhả chữ, dấu chấm lửng cuối câu… để diễn tả tâm lý con người hiện đại. Lục bát của anh đã bứt phá từ truyền thống nhưng không bị áp chế bởi cái nhìn xưa cũ mà có những phá cách về nghệ thuật. “Cái truyền thống vẫn còn sức sống về mặt thẩm mỹ trong khi hiện đại hóa đã trở thành tất yếu”.
3.2. Các biểu tượng, biểu trưng và yếu tố đồng dao
3.2.1. Các biểu tượng, biểu trưng
Các biểu tượng, biểu trưng trong thơ không có tính chất ngẫu nhiên. Nó trải qua quá trình được gọt giũa, trau chuốt, chọn lọc theo những yêu cầu tư tưởng và nghệ thuật của nhà thơ. Trong sáng tạo nghệ thuật, các biểu tượng, biểu trưng được xem là hồn cốt của tác phẩm. Người nghệ sĩ dùng biểu tượng, biểu trưng để diễn tả cảm xúc của mình. Vì thế, nó bộc lộ được kiểu tư duy của cá nhân người sáng tạo. Đọc thơ Nguyễn Trọng Tạo, chúng ta bắt gặp một hệ thống các biểu tượng, biểu trưng thú vị và độc đáo. Nó vừa hiện thực vừa tượng trưng ; vừa cụ thể vừa khái quát ; vừa bình dị vừa triết lý.
Nguyễn Trọng Tạo mượn các hình ảnh Hoa – Cỏ – Mưa để diễn tả những cảm xúc dào dạt của tâm hồn, niềm vui gắn với nỗi buồn, nỗi khát khao gắn với niềm đam mê. Sự hòa nhập vào tận cùng cuộc sống tươi mới cũng được anh gởi vào những hình ảnh ấy. Điểm nổi bật trong tư duy nghệ thuật thơ Nguyễn Trọng Tạo khi sử dụng các biểu tượng này là ở chỗ : Hoa – Cỏ – Mưa thường gắn liền nhau tạo thành hệ thống trong thế giới hình tượng. Nó chiếm hầu hết các sự vật, dàn trải khắp mọi không gian rộng lớn. Các hình ảnh Hoa – Cỏ – Mưa trở thành những biểu tượng thường trực có tần số xuất hiện rất cao. Chúng đi bên cạnh nhau trong những lúc nhà thơ đắm mình vào những khoảnh khắc sinh sôi của thiên nhiên.
Mối liên kết giữa Hoa – Cỏ – Mưa gợi ra bức tranh xuân ngập tràn sức sống, đó là sự quyện hoà giữa thiên nhiên và con người trong một hồn thơ bay bổng, dào dạt tình tứ. Nó thực sự đã thành biểu tượng của sức sống khi chúng gắn liền với mùa xuân và ban mai. Có khi, nó biểu tượng cho những cảm xúc của tình yêu, của anh và em. Đó là những vui buồn, nhớ mong, sự bâng khuâng, xuyến xao khi xa cách hay gần gũi.
Thế giới hình ảnh thơ Nguyễn Trọng Tạo muôn hình muôn vẻ, ở đâu cũng hiện lên vẻ đẹp và nét mộc mạc của cuộc sống. Hoa – Cỏ – Mưa là biểu tượng của cuộc sống thanh tân, cái đằm thắm nồng nàn của tình yêu, sự khắc khoải về cái Đẹp, thời gian. Điều đó biểu hiện sự nhất quán trong tư duy nghệ thuật Nguyễn Trọng Tạo là một hồn thơ hướng về phía cuộc đời.
3.2.2. Yếu tố đồng dao
Đồng dao là bộ phận của văn học dân gian xuất hiện từ sớm và được lưu truyền rộng rãi. Nó là những sáng tác dân gian dành cho trẻ em, được các em diễn xướng và lưu truyền. Cả lời và nhạc, nội dung và hình thức của đồng dao đều mang tính chất hồn nhiên, chất phác phù hợp với tâm sinh lý tuổi nhỏ. Mượn tinh thần của thể đồng dao viết cho con trẻ, Nguyễn Trọng Tạo viết Đồng dao cho người lớn và phả vào đó cái hơi hướng triết lý nhân sinh, những tâm tình của người đã “hiểu lẽ đời”. Vì thế, vẫn là những lời đồng dao mộc mạc, dễ gần nhưng ý nghĩa không còn chân phương nữa. Làm thơ theo thi pháp đồng dao, Nguyễn Trọng Tạo muốn “quay về với ngôn ngữ thơ ca nhịp chẵn” của dân tộc để thể hiện “đặc tính vĩnh hằng của người Việt từ những cặp đôi thuỷ chung bền vững”. Và từ đó, “những vần lưng vần nối của đồng dao… cứ đi mãi không ngừng từ thế giới hồn nhiên đến triết lý cao siêu” trong thơ Nguyễn Trọng Tạo.
Phối hợp giữa nhịp đồng dao và chất suy tư, các bài thơ theo nhịp đồng dao trong thơ Nguyễn Trọng Tạo không còn là sáng tác dân gian dành cho con trẻ mà trở thành khoảnh khắc đốn ngộ của con người đã kinh qua thăng trầm của cuộc sống. Đây là kiểu tư duy nghệ thuật đảo ngược, mượn lối nói con trẻ để giảng giải cho người lớn, mượn hình thức đơn giản dễ nhớ của thể loại dân gian để diễn tả cái phức tạp đa chiều của sự trải nghiệm. Đó là ý tưởng nghệ thuật độc đáo của Nguyễn Trọng Tạo.
Yếu tố đồng dao trong thơ Nguyễn Trọng Tạo được chi phối bởi một tư duy nghệ thuật giàu tính tiếp biến, nó làm cho thơ anh mang hơi hướng “lạ mà quen”. Từ đây, anh được người đọc biết đến bởi cái “nhịp chẵn trì trục” chảy ra từ nét sâu bền của truyền thống thơ ca dân tộc.
3.3. Không gian nghệ thuật, thời gian nghệ thuật
3.3.1. Không gian nghệ thuật
Không gian nghệ thuật luôn vận động tịnh tiến gắn liền với sự đổi mới tư duy của con người. Sự đổi mới thơ ca cũng gắn với sự thay đổi không gian nghệ thuật để thể hiện một ý nghĩa tượng trưng, khái quát mới… Thơ sau 1975, không gian nghệ thuật đã hết sức đa dạng và mới mẻ. Không gian đời tư – thế sự được thể hiện phổ biến trong thơ như là môi trường cần thiết để con người tự nhận thức, tự chiêm nghiệm.
Nguyễn Trọng Tạo bao giờ cũng xuất phát từ một điểm nhìn nhất định để khám phá toàn bộ không gian nghệ thuật trong thơ mình. Trục chính để tiếp cận không gian, mở rộng tầm nhìn của nhà thơ chính là dòng tâm thức gắn với hoài niệm. Vì vậy, không gian nghệ thuật trong thơ anh rất đa chiều và biện chứng. Nó luôn luôn xuất hiện sự đối sánh giữa không gian đời tư – không gian thế sự, giữa không gian hoài niệm, tương lai và hiện tại… Tất cả đều vận động đi đến những ngõ ngách sâu thẳm của đời sống tâm hồn và mỹ quan nghệ thuật.
Không gian bao giờ cũng được qui định bởi trạng thái bên trong của chính nhà thơ. Một phần không nhỏ trong thơ Nguyễn Trọng Tạo dành để tâm tình những vấn đề về đời tư, về tình yêu. Đó là không gian tâm trạng được biểu hiện rõ nét ở nỗi buồn và sự cô đơn sâu kín của một tâm hồn nhạy cảm. Đó là thế giới tách biệt với không gian bên ngoài, với các mối quan hệ xã hội ; nó là thế giới của tâm linh vi diệu.
Từ không gian đời tư, nhà thơ mở rộng tầm nhìn hướng đến tha nhân, không gian cũng trở nên sinh động, đa chiều. Hình tượng không gian thế sự mang màu sắc ước lệ, tượng trưng, nhưng lại rất thực.
Nguyễn Trọng Tạo thường sử dụng chất liệu huyền thoại để xây dựng nên những không gian hư ảo, siêu hình, thực mộng đan xen như hiện về từ thế giới tâm linh. Có khi với mong muốn hoá giải được thực tại, Nguyễn Trọng Tạo đã tìm về quá khứ – nơi không gian tràn ngập kí ức huyền ảo. Đó là không gian hoài niệm thấm đẫm sắc màu cổ tích.
3.3.3. Thời gian nghệ thuật
Cũng như không gian nghệ thuật, thời gian trong văn chương diễn ra sự tịnh tiến theo quá trình phát triển của thời đại. Đến thơ đương đại thời gian đã được chia thành các khái niệm : thời gian lịch sử, thời gian tâm linh, hoài niệm, thời gian siêu thực…
Nguyễn Trọng Tạo là nhà thơ luôn đặt ra vấn đề ý thức về thời gian, anh gọi thời gian là “chiều thứ tư của không gian”. Vì thế, thời gian trong thơ anh lưu chuyển rất nhanh, đó là “thời gian bay khoảnh khắc nghìn năm”, nó được nói đến với đơn vị rất lớn “18 ngàn năm 18 vạn năm”. Như một hệ quả của triết lý, Nguyễn Trọng Tạo đã nhận ra sự chuyển dịch thời gian là một sự tất yếu để tái tạo cuộc sống.
Từ sự ý thức về thời gian, thời gian trong thơ Nguyễn Trọng Tạo có tính chất cá biệt. Nhà thơ hoài nghi ý niệm về thời gian như một sự vận động liên tục hướng đến tương lai. Thời gian trong thơ anh có khi quẩn quanh, ngưng đọng. Quá khứ, hiện tại, tương lai trùng lấp lên nhau. Đó là thời gian đồng hiện trong dòng ý thức rối bời. Thơ Nguyễn Trọng Tạo thường nói đến tương lai và hiện tại bằng cái nhìn về hoài niệm – thế giới đồng hiện trong quá khứ gần và quá khứ xa.
Từ cái nhìn về thời gian, Nguyễn Trọng Tạo bộc lộ những trăn trở, day dứt của một ý thức ráo riết khi đứng trước thời gian sinh tồn của đời người. Thơ anh, vì thế là thơ của “những cái chớp mắt”. Nhà thơ có tìm về thời gian quá khứ hay hướng đến tương lai cũng đều là trạng thái của quá trình tư duy mà ở đó, cái tôi bản thể được sống trong thời gian tâm tưởng, những giấc mơ và niềm khát khao giữa cõi đời.
KẾT LUẬN
 Hoà mình vào dòng chảy của văn học Việt Nam, thơ ca sau 1975 có những bước chuyển biến mạnh mẽ, bắt nhịp được đời sống văn học bằng việc nhận diện đầy đủ bản chất của cuộc sống. Thơ chú trọng đến con người cá nhân với cái tôi đời tư sâu thẳm, thơ cũng hướng đến những vấn đề bức thiết của cuộc sống, hướng đến những giá trị nhân đạo, nhân văn sâu sắc. Đây là một hành trình đi theo suốt những buồn vui của loài người. Bằng một tinh thần tự tin tiếp nhận những luồng tư tưởng mới của thời hiện đại và tự tin sáng tạo trên nền tảng văn hoá phương Đông truyền thống, Nguyễn Trọng Tạo đã đi vào cuộc hành trình văn học dân tộc đem theo khí cốt mới mẻ, tạo nên một bản lĩnh nghệ thuật vững vàng, một vị thế riêng trên con đường hiện đại hoá thi ca.
Thực ra, bàn về tư duy nghệ thuật thơ Nguyễn Trọng Tạo là một vấn đề không đơn giản. Bởi lẽ, Nguyễn Trọng Tạo là một hiện tượng của nền thơ đương đại, phong cách nghệ thuật của anh đang trong quá trình tìm tòi, định hình để tiếp tục được khẳng định. Bên cạnh đó, giới nghiên cứu và người đọc chưa có điều kiện tiếp xúc, tìm hiểu một cách hệ thống và đầy đủ diện mạo của nền thơ đương đại đang ngày càng bùng nổ. Nhưng với tất cả những gì anh đã thể hiện trong hành trình sáng tạo thơ ca của mình, người đọc thấy ở anh một tư duy nghệ thuật có chiều sâu, có chiều cao, có bề rộng thể hiện qua các dạng thức của cái tôi trữ tình độc đáo và các phương thức biểu hiện với những bước đột phá bất ngờ.
Hình tượng cái tôi trữ tình trong tư duy nghệ thuật thơ Nguyễn Trọng Tạo là hình tượng của một bản thể trong đời sống hiện đại chất chứa những tâm trạng với các thái cực khác nhau, nhưng tựu trung là nỗi cô đơn miên viễn, ý thức của một kẻ lưu lạc, khát vọng về tình yêu trong đời sống bên cạnh cái huyền ảo, mơ hồ “bất khả tri” của con người hậu hiện đại… Và cái tôi ấy được phủ lên tất cả bằng thứ tình cảm dạt dào của một tâm hồn thi nhân sinh ra để củng cố niềm tin, để nói lời yêu thương giữa cuộc đời. Cùng với hình tượng cái tôi là các phương thức biểu hiện nhiều độc đáo, mới lạ. Nguyễn Trọng Tạo đã tạo nên sự cách tân cho thơ đương đại bằng lối ngôn ngữ của âm nhạc, thể thơ lục bát được lạ hoá về hình thức từ cách ngắt câu, chia bậc. Cái nhịp chẵn trì trục của lối nói đồng dao dân gian dành cho con trẻ in đậm dấu ấn trong thơ Nguyễn Trọng Tạo như một sự quay về truyền thống để làm điểm tựa cho những phá cách và sáng tạo. Đọc thơ Nguyễn Trọng Tạo là đọc thơ của “hai con người” với hai nửa yêu thương, phía bên này là sự vương vấn những cái xưa cũ, phía bên kia là tâm thức của một người muốn bứt phá ra ngoài những cái gì thuộc về thực tại.
Nguyễn Trọng Tạo được ví von như hình ảnh của “con chim vừa bay vừa hát, hát cả quan họ đò đưa pôp rock bằng cái giọng ngũ âm của xứ Nghệ quê nhà”. Nhận định đó một phần nói lên được sự tích hợp giữa yếu tố truyền thống và hiện đại trong những nỗ lực đổi mới thi ca. Anh đã tìm cho mình một hướng sáng tạo mới để làm phong phú, đa dạng hơn thơ ca truyền thống. Tuy vậy, cũng còn thấy một số hạn chế của Nguyễn Trọng Tạo ở một số bài thơ, một số hình tượng, một số thể nghiệm… còn chưa đạt đến trình độ chỉnh thể nghệ thuật mà luận văn của chúng tôi chưa có điều kiện đi sâu phân tích.
Thiết nghĩ để hiểu thấu đáo tư duy nghệ thuật thơ Nguyễn Trọng Tạo cần phải có một thời gian dài nghiền ngẫm và chiêm nghiệm từng bài thơ của anh. Luận văn này chỉ là bước khởi đầu cho một công trình khoa học qui mô hơn về sự nghiệp thơ ca Nguyễn Trọng Tạo – một tác giả mà theo nhiều người là có vai trò quan trọng trong quá trình cách tân thơ Việt đương đại. Và vì vậy, việc tìm hiểu thơ Nguyễn Trọng Tạo cần được quan tâm nghiên cứu nhiều hơn nữa. Có như thế, chúng ta sẽ có những căn cứ xác đáng để nhìn thấy một cách toàn diện bộ mặt thơ ca ViệtNamhiện nay.

No comments:

Post a Comment