.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Saturday, April 14, 2012

ĐUỔI THEO NGÔN TỪ THÔNG QUA MỘT MÊ LỘ - DAVID ON


Khi viện Hàn Lâm Thuỵ Điển trao giải thưởng Nobel cho một nhà thơ Bác Âu, thật khó mà không ngờ vực. Dù sao Viện Hàn Lâm đã chỉ trao được giải thưởng cho ba nhà thơ Thuỵ Điển mà thôi, và nhà thơ sau cùng trong số đó là Harry Martison vào năm 1974- thực sự lúc bấy giờ ông là một thành viên của Viện Hàn Lâm. Nhưng sẽ là sai lầm khi trách cứ người Thuỵ Điển vì đã đề cao một người dân của họ là Tomas Transtromer. Transtromer không những là một nghệ sĩ hàng đầu, mà sự lựa chọn ông, được tuyên bố hôm thứ năm, còn điều chỉnh lại sự việc không có giải thơ ca trong gần 15 năm qua.( Người nhận giải Nobel cuối cùng được biết đến phần lớn qua thơ là Wislawa Zsymborska, người đoạt giải vào năm 1996.)

Bài thơ tiêu biểu của Transtromer là một thể hiện về sự đơn giản tinh tế, trong đó ngôn ngữ tương đối tinh giản đạt được chiều sâu đáng kể và mỗi từ dường như được đo từng milimét. Không có gì ngạc nhiên khi toàn bộ tác phẩm được gọt dũa công phu của ông trong một sự nghiệp gần 60 năm chỉ chứa đựng trong khoảng 200 trang giấy. Hãy xem sự tiết giảm đầy uy lực trong những câu mở đầu của bài “ Morning Birds - Chim Trong Bình Minh” sáng tác từ năm 1966:

Tôi đánh thức chiếc xe
mà chiếc kính chắn gió của nó được phủ một lớp bột hoa.
Tôi mang kính mát vào.
Tiếng chim hót tối đen.

Ở đây, Transtromer cẩn thận đưa ra nhiều chủ đề đan xen nhau: hành động sáng tạo ( vì thế mà kính chắn gió lại phủ một lớp bột hoa chứ không phải bụi); những khó khăn trong nhận thức
( ông đang ở phía sau một tấm màn bị che lấp lại mang kính đen); bản chất đầy ngạc nhiên không thể định hướng của nghệ thuật ( lưu ý sự phối hợp đầy kinh ngạc giữa hình ảnh và âm thanh trong từ “tiếng chim hót tối đen”).

Tất cả những điều này kết hợp lại trong phần cuối của bài thơ, trong đó Transtromer nhận xét: “Thật kỳ diệu khi cảm thấy bài thơ của tôi lớn lên/ trong khi chính tôi thu nhỏ lại.” Khi nhiều hình ảnh khác nhau kết hợp lại, cuối cùng bài thơ tự nó trở thành một con chim mà” nó ném tôi ra khỏi tổ./ Bài thơ đã sẵn sàng”.

Loại thơ ca này thường hấp dẫn những độc giả bình thường cũng như những chuyên gia, một phần bởi vì khi được dịch đọc lên nghe thật hay. ( Transtromer đã may mắn về phương diện này, khi những nhà văn viết tiếng Anh – đặc biệt là Robin Fulton và Robert Bly – đã giúp tác phẩm của ông được phổ biến rộng rãi.

Một trong những điều quan tâm lâu bền của Transtromer – hầu  như là những nỗi ám ảnh – là bản chất phức tạp của bản sắc và sự khó khăn trong việc bảo vệ một thứ rất khó diễn tả hoặc phân tích. Trong giai đoạn đầu của sự nghiệp của mình, trong bài “ Kyrie – Kinh Thương Xót” ông viết:

Đôi khi cuộc đời của tôi mở đôi mắt trong bóng tối.
Một cảm giác như là những đám đông kéo qua các đường phố
Trong đui mù và trong sợ hãi trên đường hướng đến một phép lạ.
Trong khi tôi vẫn đứng yên một cách vô hình.

Sự rắc rối trong việc nhìn thấy chính mình hay người khác vẫn tiếp diễn trong những bài thơ về sau như bài “The Gallery- Phòng Tranh”, trong đó nhà thơ ghi lại:” Một con người phô bày mình trong chốc lát/ như trong một bức ảnh nhưng rõ nét hơn/  và phía sau/ một cái gì đó lớn hơn chiếc bóng của anh ta.” Kết luận của Transtromer trong bài thơ này là một điển hình cho những tác phẩm của ông: “ Đó là cuộc sống của anh ta, đó là mê lộ của anh ta.” Vậy nên không có gì ngạc nhiên khi ông thường chỉ tập trung vào những thứ phù phiếm được người ta xem như bản thể nhưng thực ra chỉ là những lớp vỏ ngoài vứt đi. Trong bài Postludium ông viết: “ Tôi bước một cách chậm rãi vào bản thể của tôi,/ xuyên qua một rừng những chiếc áo giáp trống rỗng.”
Thật là một điều thích hơp trong sự nghiệp về sau của ông, khi Transtromer ngày càng bị lôi cuốn vào thể thơ hài cú, thể thơ được yêu thích (hay không được yêu thích lắm) đối với những nhà thơ hạng ba. Thể thơ này thuận lợi cho nhiều điểm mạnh của ông: sự tiết giảm, cô đọng, nhạy bén trong ẩn dụ và tiết tấu. Và trong khả năng nói lên được thông qua những cử chỉ nhỏ nhặt nhất, thể thơ hài cú đã được sử dụng như một biểu tượng sâu sắc cho sự khó khăn riêng của Transtromer trong nói năng kể từ khi ông bị đột quỵ năm 1990.

Hai tuyển tập cuối cùng của ông, “ The Sad Gondola - Chiếc Thuyền Sầu Muộn”(1960) và “ The Great Enigma -  Điều Bí Ẩn Lớn”(2004), đều chứa đựng những chuổi bài hài cú đặc sắc, và tập thơ sau đặc biệt rất độc đáo. Như ông viết trong bài thơ kế cuối:

Một ngọn gió mênh mông và chậm rãi
từ thư viện của đại dương.
Nơi đây là nơi ta có thể nghỉ ngơi.
        
Sự tĩnh lặng đầy cuồng phong của Transtromer làm vinh dự cho một giải thưởng mà không phải bao giờ cũng làm vinh dự cho chính nó./.
Cao Thu Cúc  dịch - Nguồn: Báo The  NewYork Times ra ngày 6/10/2011


No comments:

Post a Comment