1. Từ sau thời kỳ Đổi mới,
tính từ mốc 1986, chúng ta đã chứng kiến những đổi thay quan trọng trong đời
sống văn học. Tinh thần thời đại đã thổi vào đời sống văn học một không khí mới
mẻ, tạo nên sự sôi nổi nhộn nhịp trong hoạt động sáng tác cũng như phê bình.
Đối tượng thực sự của phê bình lúc này là toàn bộ văn học thời kỳ 1945-1975,
đặc biệt là những tác phẩm văn xuôi mới chào đời còn thơm mùi giấy mực. Có rất
nhiều bài phê bình kịp thời đi vào phân tích, đánh giá về ký, phóng sự của
Phùng Gia Lộc, Trần Huy Quang… Truyện ngắn của Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Huy
Thiệp, Phạm Thị Hoài thường xuyên là đối tượng thu hút sự quan tâm của giới phê
bình. Đầu những năm 90 của thế kỷ trước, hàng loạt tiểu thuyết của Lê Lựu, Ma
Văn Kháng, Nguyễn Khắc Trường, Bảo Ninh, Chu Lai… trở thành tâm điểm, được bàn
bạc thảo luận trên các mặt báo và trong các cuộc hội thảo.
Tuy nhiên, nếu như quan sát
kỹ sẽ thấy một thực trạng đáng buồn đối với thơ ca – thể loại thường được đánh
giá là có những bước phát triển mới cả về nội dung và hình thức. Thời kỳ văn
học đổi mới rầm rộ nhất, trong khi thơ vẫn thường xuyên được báo chí và các nhà
xuất bản đăng tải với số lượng rất lớn thì hầu như thể loại này không thuộc phạm
vi quan tâm chú ý của các nhà phê bình. Đi tìm nguyên nhân của hiện tượng này
không đơn giản. Nhưng theo tôi, nguyên nhân chủ yếu vẫn là ở chỗ những tác phẩm
thơ (có thể hay) nhưng chưa đặt ra được những vấn đề buộc người ta phải bàn
bạc, tranh luận. Trường hợp những bài thơ, những tập thơ “có vấn đề” xuất hiện
vào thời gian sau này đã khuấy động đôi chút không khí tù đọng của công việc
phê bình thơ.
2. Thời gian trước đây khi
điểm tình hình thơ của một giai đoạn, của một năm, người viết có thể không khó khăn
lắm khi liệt kê danh sách các tập thơ đã xuất bản để đưa đến một cái nhìn khái
quát về thực trạng, về các vấn đề của thơ nói chung. Ở thời điểm hôm nay đó là
một việc không thể thực hiện được. Do khối lượng thơ xuất hiện quá nhiều. Việc
xuất bản thơ vẫn tiếp tục đi theo con đường khá thoải mái. Hình thức xuất bản
chủ yếu vẫn là do các tác giả tự bỏ tiền. Hầu như bất cứ ai làm thơ, nếu có tiền
đều có thể in được thơ. Cả nước có hơn năm mươi nhà xuất bản, gần như nhà xuất
bản nào cũng có thể in thơ. Chưa bao giờ số lượng các tập thơ ra mắt bạn đọc
nhiều như hiện nay. Có ý kiến cho rằng việc in ấn thoải mái như vậy sẽ tạo điều
kiện cho thơ phát triển, tránh được việc chờ đợi xếp hàng ở các nhà xuất bản,
thậm chí có thể tránh được tình trạng những tập thơ hay của các tác giả trẻ
không được ra đời. Nhưng thực tế, sự bung ra ồ ạt như hiện nay đã khiến cho đời
sống thơ ca bị nhiễu loạn. Nó làm cho người đọc bị bão hoà, thờ ơ, chán nản khi
đọc thơ. Việc những tập thơ kém chất lượng ra đời cũng là một nguyên nhân không
nhỏ khiến người ta quay lưng lại với thơ. Đời sống thơ ca cũng bị thơ nghiệp dư
tràn lấn. Nó cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự “loạn chuẩn” trong
phê bình thơ.
Trước một thực tế sáng tác,
in ấn phong phú và đa dạng như vậy, công việc của người phê bình thơ trở nên
rất cần thiết và vô cùng nặng nề. Nhưng nhìn vào thực tiễn phê bình thơ có thể
thấy rằng công việc này chưa đáp ứng được yêu cầu của đời sống thơ ca. Nó không
làm được trách nhiệm hướng dẫn người đọc, càng không làm được chức năng xác lập
những hệ thống thẩm mỹ mới cho việc đánh giá thơ ca thời nay. Phê bình thơ bây
giờ rất khó. Ít có những nhà phê bình chuyên tâm với thơ. Nhà phê bình Vương
Trí Nhàn có đưa ra một cách giải thích mà tôi thấy rằng tương đối tiêu biểu cho
suy nghĩ của những người trong cuộc: “Gần đây, tôi ngại đọc thơ hẳn đi, văn
xuôi hấp dẫn tôi hơn, đúng hơn đến với văn xuôi, tôi không phải ngại ngần e dè
như đến với thơ. Đọc thơ sao khó khăn thế! Cầm tập thơ rất mỏng trên tay, nhiều
khi cứ thấy ngại, và đọc xong, đầu óc mung lung, khó lòng nói một cách dứt
khoát là hay hay dở” (Tâm sự một người viết phê bình, báo Văn nghệ
số 37/1985). Phải chăng sự e ngại ấy đã dẫn đến tình trạng lý luận phê bình
chưa làm được nhiệm vụ cổ vũ, hỗ trợ cho sự phát triển của thơ? Gay gắt hơn,
khi có một tác giả vừa là nhà thơ, vừa là người tham gia khá tích cực vào các
hoạt động phê bình thơ đưa ra nhận xét rằng: “Bây giờ cũng như mọi thời, làm
cho cái hay của thơ đến được mọi người là nhờ các nhà phê bình thơ. Nhưng làm
cho người đọc “kính nhi viễn chi” lảng xa thơ cũng có “công đầu” của các nhà
phê bình” (Vũ Quần Phương, Tạp chí Văn nghệ quân đội số 10/1990). Ý
kiến này có những điều “bất cập”, nhưng không phải là không có những hạt nhân
hợp lý. Một số nhà phê bình hiện nay còn yếu cả về hai mặt: khả năng cảm thụ
nghệ thuật và kiến thức về kỹ thuật làm thơ. Phê bình thơ chưa tạo ra được môi
trường, chưa hình thành một đội ngũ chuyên nghiệp, góp phần vào việc định hướng
dư luận, định hướng sáng tác. Đối với những tác giả mới xuất hiện, những tập
thơ “có vấn đề” còn có hiện tượng phê bình một chiều, thiếu ý kiến tranh luận,
trao đổi, bàn bạc dân chủ. Trên báo chí còn để tình trạng xuất hiện những bài
phê bình thơ yếu về cảm thụ, khen chê không đúng nên thiếu sức thuyết phục. Phê
bình nếu như làm được đúng chức năng của nó sẽ có tác dụng rất lớn, đề xuất và
tác động vào sự hình thành các tác giả thơ. Phê bình cũng như sáng tác đều rất
cần hít thở không khí dân chủ và đối thoại trung thực, cần đến sự tôn trọng cá
tính sáng tạo của mỗi cá nhân.
3. Phê bình thơ khác phê
bình văn xuôi, ở chỗ nó ít được nương tựa vào đối tượng miêu tả, vào cái gọi là
đề tài. Với văn xuôi, đề tài có vai trò quan trọng, quy định khá rõ nội dung
phê bình.
Đề tài của văn xuôi là rộng
rãi vô cùng tận, trải khắp không gian và thời gian cuộc sống con người và không
giống nhau. Chỉ riêng sự khác nhau trong muôn mặt đề tài đã có thể quy định sự
khác nhau trên các lĩnh vực mô tả của văn xuôi. Chỉ dựa vào đề tài, vào việc
miêu tả cái gì - phê bình cũng đã có thể thông báo một điều gì đó, nếu không
phải là quan trọng nhất, thì cũng là cần thiết và không thừa đối với người
đọc...
Trong khi đó, cái gọi là
"đề tài" trong thơ là hẹp, là ở một quy mô nhỏ, bởi đây chỉ là sự
giống nhau hoặc khác nhau trong bấy nhiêu tình cảm muôn thuở của con người. Thơ
về cơ bản, và như lịch sử hiện diện của nó, từ xưa đến nay, cả phương Đông và
phương Tây, là những biểu hiện, những nhu cầu bộc lộ của đời sống bên trong con
người, là sức chứa và sắc thái của nội tâm, là vui buồn, yêu ghét... nẩy ra
trong quan hệ giữa con người với con người, giữa con người với ngoại cảnh...
Tất nhiên, sự phong phú và
khác biệt trong các trạng thái tình cảm của con người vẫn là cả “một thế
giới" cho thơ khai thác, bởi cuộc đời và con người là cả một vũ trụ kỳ
diệu và biến hoá không cùng. Cũng là bấy nhiêu vui buồn, yêu ghét nhưng mỗi thời
mỗi khác, mỗi nơi mỗi khác, mỗi người mỗi khác...
Chính vì không phải chủ yếu
là kết quả của sự quan sát, và trải rộng sự quan sát trong không gian và thời
gian như văn xuôi mà chỉ là sự chiêm nghiệm, đào sâu vào thế giới bên trong con
người, để có thơ, nên phê bình thơ nghiêng về một phương thức tiếp cận khác:
không phải là sự thức nhận; mà là cảm nhận. Không nghiêng về suy tư (trừ thơ
triết lý) mà là cảm xúc và rung động; không hướng về phía vĩ mô của thế giới
người mà thu hẹp vào những biểu hiện tinh vi, tế nhị của hồn người. Bởi thơ là loại
hình cho ta đi vào nội tâm một người để hiểu mọi người, và phê bình thơ là tạo
nên cái cầu nối cho mối giao cảm đó. Và do vậy mục tiêu và đối tượng của sự nắm
bắt trong phê bình thơ không phải là khách thể, là cái ngoại giới được miêu tả,
mà chính là tác giả, là chủ thể trữ tình của sự biểu hiện. Phát hiện của phê
bình thơ (tất nhiên đây là thơ trữ tình, chứ không phải là các loại thơ khác)
do vậy là phong cách, là giọng điệu. Một nhà thơ có giá trị là một nhà thơ có
phong cách. Một nền thơ lớn là một nền thơ có nhiều phong cách. Chưa có phong
cách thì chưa thể nói đến một nền thơ. Và phê bình thơ, trước một đối tượng như
vậy, quả là vô nghĩa. Phát hiện ra giọng điệu riêng, phong cách riêng - nó là cái
tinh tuý, cái đặc sắc của mỗi nhà thơ, để không lẫn với ai - đó là mục tiêu của
phê bình thơ.
Thời đổi mới tính từ những
năm 90, theo tôi hiểu là sự trở lại cái riêng, sau một thời kỳ cả nền thơ hướng
tới một khuôn mặt chung “Những năm đất nước có chung dáng hình, có chung khuôn
mặt”. Bây giờ là thời của đơn ca - nhưng để có phong cách riêng được công nhận
là rất khó. Và tiêu chí hay - dở chung cho tất cả bỗng trở nên mơ hồ, khó mà
phân biệt được. Bởi nó là sự khác nhau giữa nhiều thế hệ, nhiều xu hướng, nhiều
thị hiếu, nhiều cách viết... Có nhiều kiểu người viết thì cũng có nhiều kiểu
người đọc. Trong tình thế mới này, người phê bình đã hết vai trò là người hướng
dẫn, hoặc đại diện cho ai. Không thể đại diện cho ai, nhưng vẫn phải có một chủ
kiến của mình, có một tiêu chuẩn hay - dở cho mình, để thích hoặc không thích,
tán thành hoặc phản đối, khen hoặc chê... Và do thi đàn không còn chiếu trên,
chiếu dưới, nên người phê bình có phần tự do và thoải mái hơn, để không phải
nhìn vào đó mà điều chỉnh liều lượng khen chê cho phù hợp.
Khi mà số người làm thơ
bỗng trở nên rất đông, khiến cho ai cũng có thể làm thơ, in thơ thì việc bao
quát diện mạo thơ là khó, và nhận diện hay - dở càng khó hơn. Phê bình thơ rút
lại chỉ còn là việc đọc, điểm một cách tuỳ tiện, và chẳng ai chịu ai trong việc
khen - chê, kể cả những giải thưởng lớn, nhỏ, cũng khó tìm được sự nhất trí
trong giới phê bình và bạn đọc. Khi mà phong trào thơ còn ngổn ngang như vậy
thì việc tìm một tiếng nói chung, hoặc một phong cách nổi bật được mọi người
chấp nhận là không dễ, công việc phê bình càng trở nên khó khăn hơn. Gần như
người làm thơ nào cũng muốn tìm tòi - cho khác người, nhưng chưa tìm ra lối, chưa
đạt được hiệu quả nghệ thuật như mong muốn. Phê bình thơ bối rối là lẽ
đương nhiên. Và càng bất lực trong việc chỉ ra lối đi và mục tiêu cho cái thời
mà mọi chỉ giới cho đúng - sai, xấu - tốt, hay - dở gần như rất khó xác định.
Không còn cái chung để mà
tựa thì phải tựa vào chính mình. Phê bình cũng vậy, phải xác định cho được tiêu
chí hay - dở ở chính bản thân mình và chính trong thơ. Nhưng dù có cô lập nó ra
khỏi đời, thì thơ vẫn là sản phẩm của chính con người - con người của cái thời
mà nó hiện diện. Nếu thơ đang trong một cuộc tìm, thì phê bình thơ, dẫu là đi
sau hoặc đi trước, vẫn phải sao cho hội được vào cuộc tìm kiếm đó.
Phê bình văn xuôi nếu đang
hướng sự chú ý vào phương thức biểu hiện thay cho nội dung biểu hiện, thì phê
bình thơ - sự bối rối nằm ở cả hai: sau chữ phải là nghĩa, nhưng sau chữ còn là
"bóng chữ".
4. Những năm 30 của thế kỷ
trước, Albert Thibaudet – nhà phê bình văn học Pháp đã phân chia các nhà phê
bình thành ba loại: phê bình nói, phê bình chuyên nghiệp và phê bình của những
nhà sáng tác (Theo cuốn Phê bình văn học Pháp, Lộc Phương Thuỷ chủ
biên, NXB Văn học, 1995). Hơn một thế kỷ sau, việc định dạng này vẫn tỏ ra hợp
lý, không chỉ trong bối cảnh của nền văn học Pháp. Soi chiếu vào thực tiễn văn
học Việt Nam, có thể nhận thấy rằng trong đội ngũ phê bình thơ hiện nay hình
thành ba lực lượng: 1 – Các nhà thơ tham gia phê bình thơ, 2 – Các nhà phê bình
chuyên nghiệp, 3 – Công chúng yêu thơ. Dĩ nhiên là hai thành phần đầu chiếm vị
trí chủ lực và tiếng nói của họ có sức nặng hơn trên văn đàn. Phê bình của các
nhà sáng tác có ưu thế về mặt trực giác, vốn cùng trong tâm thế của người sáng tạo
nên họ thường tỏ ra nhạy cảm, am hiểu về những chuyện bếp núc của nghề nghiệp.
Phê bình của các nhà thơ nặng về cảm tính, tuỳ hứng, và không loại trừ việc hợp
“gu” nhau thì dễ bốc đồng… Phê bình chuyên nghiệp, là loại phê bình mà văn học
nói chung và thơ ca nói riêng luôn cần đến. Nó bộc lộ khả năng khám phá các giá
trị nghệ thuật thông qua năng lực vận dụng các tri thức khoa học, kết hợp với
sự cảm nhận tinh tế và năng lực nhạy bén trong việc phát hiện cái mới. Phê bình
văn học bình đẳng với tất cả mọi người, nhưng dù sao việc nâng cao tính chuyên nghiệp
là một hướng đi cần được khuyến khích và coi trọng để phê bình thực sự trở
thành chính nó. Theo dõi tình hình phê bình thơ thời gian qua có thể nhận thấy
những dấu hiệu khả quan ở lực lượng phê bình chuyên nghiệp. Cách viết của họ
khoa học, bài bản, vận dụng một cách hiệu quả những lý thuyết mới như thi pháp
học, ký hiệu học, kết hợp những khoa học liên ngành như ngôn ngữ học, xã hội
học, văn bản học v.v… Nâng cao tính chuyên nghiệp đang là một đòi hỏi không
ngừng được đặt ra.
Vấn đề cuối cùng mà bài
viết muốn đề cập tới, đó là sự cần thiết phải có những người phê bình cùng
thời. Phê bình khác với nghiên cứu. Nhà phê bình sống cùng văn học thời
mình, đi theo một hệ thống mỹ học luôn có sự vận động và biến đổi. Hoài Thanh cũng
đã từng có dự định làm một tuyển thi nhân Việt Nam giai đoạn sau 1945. Nhưng
ông đã không thực hiện được ý tưởng này. Có thể vì nhiều lý do, nhưng chắc rằng
do hoàn cảnh đã khác trước, thời của ông đã qua! Không nhất thiết là chỉ những
người phê bình cùng thời mới thực hiện được công việc của mình. Nhưng rõ ràng
là họ dễ tiếp cận, dễ “giải mã” được những người sáng tác trẻ cùng thế hệ. Sự
xuất hiện một đội ngũ các nhà phê bình trẻ trong bầu không khí dân chủ của sự
nghiệp đổi mới, chắc sẽ đem lại sự khởi sắc cho đời sống văn học nước nhà.
LƯU KHÁNH THƠ
Nguồn: VNQĐ
No comments:
Post a Comment