.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Monday, April 23, 2012

CHUYỆN VỀ NGƯỜI GỌI HỒN DƯỚI CHÂN NÚI TƯỢNG

Đã hơn 30 năm trôi qua, chính xác là 34 năm nhưng mỗi khi có ai nhắc đến quá khứ kinh hoàng, ông Bùi Văn Lê (thường gọi Ba Lê), Trưởng Ban quản tự chùa Tam Bửu (thị trấn Ba Chúc, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang) luôn sầu giọng. Lần này cũng vậy, nỗi đau mất mát tưởng đã ngủ yên hơn 3 thập kỷ qua trong ông sống lại.

Hướng ánh mắt ngấn nước về phía trước - nơi có ngôi mộ tập thể chứa đựng hài cốt hơn 1.000 thường dân bị quân diệt chủng Pôn Pốt sát hại vào năm 1978, ông Ba Lê thổ lộ rằng vợ con ông cùng hàng chục người thân cũng chết thảm dưới bàn tay bạo tàn của đội quân khát máu. Nhưng khác ở chỗ xác người thân của ông ở lại với núi Tượng, trong một hang đá mà ông đã… bít lối!
Được công nhân Di tích lịch sử-văn hóa quốc gia năm 1989, chùa Tam Bửu nơi ông Ba Lê làm Trưởng ban quản tự thuộc địa phận ấp An Định, thị trấn Ba Chúc. Chùa nằm dưới chân núi Tượng, một ngọn núi nhỏ dáng voi phục, chiều cao khiêm tốn, 145m. Các bậc cao niên ở vùng cho biết chùa Tam Bửu được ông Ngô Lợi cùng những môn đệ tạo lập vào tháng 6-1882, sau quá trình khẩn hoang lập thôn ấp để gây dựng lực lượng, chờ thời cơ đánh Pháp. Ông Ngô Lợi là một chí sĩ yêu nước trong phong trào Cần Vương chống Pháp do vua Hàm Nghi khởi xướng, đồng thời là người sáng lập đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa.
Ông Lê Văn Đức, nguyên Trưởng ban Tổ chức chùa Tam Bửu cho biết, trước và sau khi chùa Tam Bửu được thành lập, ấp An Định đã trải qua nhiều đạo nạn, trận nào cũng tắm máu những người yêu nước và thường dân vô tội: "Trong khoảng thời gian 12 năm, từ năm 1976 đến năm 1888, Pháp đã 7 lần xua quân đến làng tổ chức bắt bớ, đốt phá, tra tấn, đưa đi tù đày những tín đồ Tứ Ân Hiếu Nghĩa. Bi thảm nhất là "đạo nạn" xảy ra vào năm 1887, Pháp tràn vào làng thiêu huỷ nhà cửa, chùa chiềng, đày đi Côn Đảo 13 người, xử bắn tại chỗ 8 người, cưỡng bức hơn 400 gia đình với gần 2.000 người đi khỏi làng…".
So với "đạo nạn" xảy ra vào năm 1978 do quân diệt chủng Pôn Pốt "thủ vai chính", "đạo nạn" năm 1887 kém  xa về mức độ thiệt hại, số người chết và đặc biệt là tội ác man rợ khiến cả nhân loại phải khiếp sợ, căm phẫn. Lại hướng mặt về phía ngôi mộ tập thể mà nhiều người quen gọi là Nhà mồ ngàn người (1.159 bộ hài cốt), ánh mắt ông Ba Lê nhòa đi khi chìm về một thuở quá vãng đau thương. Giọng ông lúc này chậm rãi, đau đớn. Ông nói rằng qua 1.000 năm bị giặc phương Bắc giày xéo và hơn 100 năm hết bị Pháp rồi Mỹ xâm lăng, sau năm 1975, khi kẻ thù bị quét sạch khỏi 2 miền Nam-Bắc, những tưởng từ đây người dân làng An Định đời đời được sống yên vui, ai ngờ thảm cảnh ập đến:
"Cuối tháng 2/1978, quân Khơmer đỏ do Pôn Pốt làm thủ lĩnh sau khi tấn công vào 8 tỉnh biên giới Tây Nam Việt Nam, trong đó có An Giang đã đánh vào Ba Chúc. Đến ngày 18/4 năm ấy, chúng tràn vào Ba Chúc. Trong 11 ngày đêm chiếm đóng (18/4 đến 30/4/1978), đội quân diệt chủng đã sát hại đến 3.157 người dân, trong đó có vợ và 5 đứa con của tôi" - ông Ba Lê, nhớ lại nỗi đau trong tiếng uất hận!
Đang sống bình yên, hạnh phúc bỗng dưng vợ con cùng hàng ngàn người thân, bà con chòm xóm bị sát hại một cách bạo tàn, dã man chẳng khác gì thời trung cổ như bị cắt cổ, bị quân khát máu dùng cuốc, búa, xẻng đập đầu hay dùng lưỡi lê xuyên thủng tim…, hỏi còn nỗi đau nào hơn, có nỗi kinh hoàng nào hơn?
Trong mùi hương trầm thoảng quyện đang sưởi ấm cho vong linh hàng ngàn con người chết thảm, ông Ba Lê tâm sự đến bây giờ, khi vùng đất Ba Chúc hồi sinh sau thảm họa diệt chủng, trong ông vẫn nhớ thương, vẫn còn mãi dáng hình, nụ cười, cả ánh mắt, gương mặt hãi hùng của vợ con trong quá trình bị quân diệt chủng lùng giết: "Làm sao có thể quên được tiếng thét kêu cứu của các con lúc trú ẩn trong hang đá bị kẻ thù phát hiện và ra tay sát hại" - ông Ba Lê, lại trĩu giọng.
Ở tuổi 70 nhưng ông Ba Lê hãy còn rất khoẻ, tráng kiện. Những thành viên trong Ban quản tự chùa Tam Bửu sẻ chia rằng dân Ba Chúc, từ người gia đến trẻ con, ai cũng biết ông, bởi ông là người quá nổi tiếng, bởi ông là thầy đờn tài hoa, có tài bốc thuốc nam chữa bệnh cứu người, có tiếng sáo gọi hồn thê thảm, có người nói rằng "sầu bi đến rợn người".
Nỗi đau quá lớn không thể nói bằng lời, cũng chẳng thể chia sẻ với ai bởi những người còn sống sau trận thảm sát cũng hờn căm, phẫn uất, tan nát cõi lòng vì có người thân bị sát hại như mình, vậy là ông Ba Lê mượn tiếng sáo để tìm lại hình bóng vợ con cũng như ru ngủ những linh hồn xấu số! "Ngày 30/4/1978, quân diệt chủng Pôn Pốt bị bộ đội mình đẩy lùi. Ba Chúc được giải phóng và kể từ đó, nỗi đau của chú Ba Lê âm ỉ nhiều năm ròng. Đêm vắng lặng, tiếng sáo của chú Ba vang vọng nhuốm nỗi đau chất chồng. Tiếng sáo ai oán, não nề khiến nhiều người rơi nước mắt, thao thức mãi không thôi…" - ông Đức, chia sẻ!
Năm vợ con bị tàn sát, ông Ba Lê chỉ mới 37 tuổi và cũng sau khi đống tro tàn đổ nát cùng xương cốt của hơn 1.000 thường dân bị sát hại được đưa vào Nhà mồ tập thể, khi câu chuyện đau thương ở Ba Chúc trở thành tâm điểm chú ý của toàn nhân loại, tên ông Ba Lê được gắn liền với một hang đá trên đỉnh núi Tượng, hang Ba Lê. "Hồi quân Pôn Pốt tràn vào Ba Chúc tìm người bắn giết, bà con trong đó có vợ con tôi cùng người thân trốn trong các hang đá trên núi Tượng" - ký ức đau thương trong ông Ba Lê, lại hiện về: "Núi Tượng hiện có 15 hang đá ôm trong nó hàng trăm xác người bị quân diệt chủng sát hại man rợ".
Hang Ba Lê như những hang đá khác trên đỉnh núi Tượng lúc đầu chỉ là những hang đá vô danh, sau để tưởng nhớ những bị chết thảm trong các hang đá sâu cũng như để chia sẻ cho nỗi đau mất mát quá lớn của những người còn sống, người dân xã Ba Chúc đã lấy tên người đặt cho hang đá như hang Ba Lê, hang Tám Ất, hang Cây Da…
Ông Ba Lê nhớ lại ngày định mệnh, cái ngày mà ông đang có tất cả và mất tất cả, mất vợ con cùng những người thân yêu: "Sau 8 ngày ẩn sâu trong hang đá cùng vợ con, anh chị em, người cô họ và bà con thân thuộc, chúng tôi bị chó săn của quân Pôn Pốt đánh hơi phát hiện. Cuối giờ chiều hôm đó, sau tiếng chó sủa, đám lính mở hang rồi xả đạn như mưa khiến nhiều người trúng đạn đẫm máu, trong đó có con tôi…".
Sau 2 băng đạn AK liên hồi của quân diệt chủng, tưởng rằng chúng hết đạn và đang thay băng, không bỏ lỡ cơ hội, Ba Lê kể lại ông chớp thời cơ lách mình ra khỏi khe đá phóng ra khỏi miệng hang, ngờ đâu vừa ra ngoài thì đụng phải họng súng của 2 tên lính Pôn Pốt. Ở tình thế cái chết mười mươi ấy, Ba Lê liều mình lao xuống hẻm đá hẹp và may mắn thoát khỏi làn đạn của đội quân thủ ác. Giọng ông lúc này trĩu nặng nỗi đau: "Khi ấy tôi vẫn kịp nghe, kịp biết chúng thảy lựu đạn vào hang, nghe cả âm thanh gào thét chết trong đau đớn của vợ con, người thân của mình".
Như đã nói,  trong 11 ngày đêm chiếm đóng Ba Chúc, quân Pôn Pốt sau các màn đốt phá, bắn giết đã vơ vét, chiếm đoạt tài sản của những con người bị chúng hành quyết. Và những người thân của ông Ba Lê cũng không nằm ngoài qui luật máu lạnh giết-cướp ấy của chúng. Giọng ông Ba Lê chùn lại khi nhắc đến đoạn ông quay trở lại miệng hang tử thần và đổ sụp trước cảnh tượng người thân, trong đó có 5 đứa con bé bỏng của mình bị những kẻ khát máu lột đồ, cướp sạch tài sản, thịt xương vung vãi, máu đen đặc, xác chồng xác lạnh buốt… "Lúc ấy trên đỉnh núi còn rất nhiều người ẩn trú trong các hang đá cần được báo hung tin nên tôi không có nhiều thời gian để quyến luyến, bi sầu. Tôi ôm chặt vợ con, rồi xếp mọi người nằm ngay ngắn, lấp miệng hang cho tới hôm nay…".
Những người biết chuyện đau thương của Ba Lê mỗi khi ôn lại quá khứ kinh hoàng sau những sẻ chia về mất mát đều có cùng nhận định rằng số ông "mạng lớn", lớn bởi ông 2 lần đứng trước cái chết mười mươi nhưng thoát chết một cách lạ kỳ. Ba Lê kể rằng sau khi lấp miệng hang, ông báo hung tin cho mọi người rồi đưa khoảng 50 người thân cùng bà con trong xóm rời núi, theo đường tắt lối mòn về xã Lương Phi, nơi còn trong tầm kiểm soát của bộ đội. "Nhưng chẳng may trên đường đi, chúng tôi lọt vào ổ phục kích của quân Pôn Pốt và bị chúng bắn xối xả chết trên 30 người. Khi gặp nhau tại Lương Phi thì chỉ còn 10 người"...
Sau khi quân diệt chủng Pôn Pốt bị đẩy lùi, vì vợ con nằm dưới hang sâu nên ông Ba Lê không qui tập đưa xương cốt vào "mộ tập thể" mà xem hang đá năm nào là mộ phần của vợ con. Cũng từ đó, trong nhiều năm ròng rã, ông lấy tiếng sáo gọi hồn làm bạn đồng hành, sống ẩn dật giữa núi rừng núi Tượng với tâm niệm được gần và an ủi linh hồn vợ con.
Sau này được bạn bè, người thân an ủi, động viên, vết thương lòng trong Ba Lê dần ngậm miệng, ông quyết định sống tích cực để vong  linh vợ con và những người thân yêu của mình không đau lòng. Ông giã từ tiếng sáo, sửa lại ngôi nhà bị trúng pháo, mở phòng khám thuốc nam trị bệnh cho mọi người. Rồi ông lập gia đình, sinh con, tham gia Ban Quản lý di tích lịch sử Nhà mồ Ba Chúc…
Chia sẻ với chúng tôi, chủ nhân của tiếng sáo gọi hồn năm nào thổ lộ rằng sống cuộc sống mới, ông vẫn không thể quên vợ con ngày nào và chừng như để bù đắp thiệt thòi, nỗi đau ấy trong ông, vợ con sau này của ông rất trân trọng tình cảm thiêng liêng ấy.

 Thành Dũng – Nguyễn Sĩ

No comments:

Post a Comment