.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Saturday, April 28, 2012

TUỔI 80 CỦA DƯƠNG TƯỜNG: NỤ CƯỜI TƯƠI ĐÔI MẮT NỬA VẦNG TRĂNG

Dạo này Lolita đang gây ồn ào, thế nên Dương Tường cũng là cái tên “hot” trên văn đàn. Trước những ý kiến trái chiều, thậm chí hàm ý gộp Lolita vào trong các tác phẩm "dịch loạn", nhưng Dương Tường vẫn thế, chậm rãi, bình thản và chắc chắn chinh phục những tảng đá sừng sững của dịch thuật.

Những người có mắt nửa vầng trăng luôn toát ra vẻ tươi tắn và thân thiện tự nhiên. Dương Tường cũng vậy. Chỉ có điều, khi ông không cười, khuôn mặt lại khắc khổ đến xót xa. 


* Tuổi 80 chinh phục những "đá tảng" dịch thuật
Nhiều người trẻ ngày nay than thở họ sống thiếu đam mê và cảm hứng, tôi chợt nghĩ, nếu thường xuyên gặp những người như Dương Tường - dịch giả, nhà thơ kiêm nhiều khoản nữa, họ sẽ tìm thấy cảm hứng. Từ đó mà tìm thấy đam mê, chứ chẳng ai bày vẽ cho ai nên đam mê cái gì được.

6 năm trước, Dương Tường từng nói (khi trả lời phỏng vấn nhà báo Lê Hồng Lâm) rằng ông vẫn khao khát dịch những kiệt tác thế giới như Đi tìm thời gian đã mất của Marcel Proust, Người không tính cách của Robert Musil, Hành trình đến tận cùng đêm của Céline hay Ulysses của James Joyce... Nay, ở tuổi 80, ông đã bắt tay vào dịch một cuốn trong số đó là Đi tìm thời gian đã mất, 7 tập, cùng hai dịch giả Lê Hồng Sâm và Đặng Anh Đào. Một tảng đá sừng sững mà Dương Tường không ngại đâm đầu vào.

Khi được hỏi về Ulysses, cuốn tiểu thuyết vĩ đại nhất thế kỷ 20, Dương Tường nói “Cuốn đó còn “kinh khủng” hơn cả Lolita” và, rằng ngậm ngùi, có lẽ không còn kịp để ông dịch tiểu thuyết này. Ở độ tuổi này, nhiều người chọn nghỉ ngơi vui chơi, ngày ngày đi dạo Bờ Hồ, còn Dương Tường vẫn giữ trong mình những ước mơ lớn như vậy.
* Cô đơn mỗi lần sang đường
Trong những năm vừa qua, người dân Thủ đô không khó để gặp Dương Tường tại các sự kiện văn hóa. Năm nay vẫn thế. Chỉ có điều sức khỏe ngày càng níu giữ bước chân ông.

Một tối tháng 2, Hà Nội, tôi gặp Dương Tường tại ngã tư Quang Trung - Lý Thường Kiệt, khi ông đang trên đường đến Trung tâm văn hóa Nhật để kịp buổi khai mạc một triển lãm sắp đặt. Đi bộ, Dương Tường rảo bước từ nhà ông ở phố Phan Huy Chú, qua quá nửa đường Lý Thường Kiệt, rẽ sang Quang Trung. Khoảng hai, ba cây số. "Những ngã tư và những cột đèn " (giao thông). Bao nhiêu ngã tư, từng ấy lần qua đường. Dương Tường không ngại đi bộ. Ông chỉ ngại những ngã tư đường bối rối bước chân. Dù đã có các vạch kẻ đường cho người đi bộ nhưng việc qua đường vẫn là một nỗi lo đối với ông. Vì thế ông rất hỉ hả khi tìm được những người đi cùng hướng, để khỏi “cô đơn” mỗi lần qua đường.

Cuộc gặp ngẫu nhiên với những người ta muốn gặp luôn mang lại niềm vui nho nhỏ. Một lần cuối năm 2011, tôi tình cờ đến trung tâm TPD ở Hai Bà Trưng vào đúng chiều thứ Bảy, khi có cuộc chiếu phim miễn phí hàng tuần. Hôm đó là phim Bức thư của người đàn bà không quen, chuyển thể từ truyện vừa của nhà văn Stefan Zweig. Chính Dương Tường đã dịch tác phẩm này ra tiếng Việt và ông cũng có mặt sau buổi chiếu phim để trò chuyện.
Vẫn dáng dấp lom khom và giọng nói run rẩy. Nghe Dương Tường nói về tình yêu của ông đối với tác phẩm (mà ông đọc từ cách đây mấy chục năm), tôi thấy không phải ông đang nhớ lại cảm xúc lãng mạn ngày xưa để kể cho lớp trẻ, mà chính cái cảm xúc đó vẫn còn tồn tại trong ông. Tình yêu đó vẫn còn trong ông.
* Công phu Lolita
Lolita, tác phẩm dịch mới nhất của Dương Tường và là dự án “đinh” của công ty Nhã Nam trong năm nay, cũng thể hiện điều đó. Nếu như nhà văn Vladimir Nabokov dồn bao nhiêu yêu thương vào một cái tên “Lolita”, thì Dương Tường cũng dồn biết mấy yêu thương vào những dòng chú thích tỉ mẩn. Khi đọc, ta như hình dung được cái vỗ đùi thích chí của dịch giả trước tài văn của tác giả. Khi ông giải thích những chi tiết chơi chữ, ta thấy dịch giả đang hỉ hả tấm tắc xen lẫn ngỡ ngàng thán phục khi phát hiện ra những ý chìm ý nổi sau những câu văn đa tầng của Nabokov.
Dạo này Lolita đang gây ồn ào, thế nên Dương Tường cũng là cái tên “hot” trên văn đàn. Ông trả lời phỏng vấn liên miên, trực tiếp hoặc qua email, còn dự cả một buổi ra mắt đông đúc báo chí và công chúng. Đến hôm 8/4, TPD lại chiếu phim Lolita, bản năm 1962, mời Dương Tường đến nói chuyện. Buổi chiếu đông đến mức 2h chiều mới bắt đầu mà đã kín chỗ từ trước đó nửa tiếng, trung tâm phải bố trí thêm một màn hình bên ngoài cho những khán giả đến muộn. Nhưng ngay trước giờ chiếu, Dương Tường cáo ốm không đến. Tuổi già cũng có lợi thế đấy chứ, nếu nói là ốm thì mọi người tất nhiên là tin và còn thông cảm nữa, chứ người trẻ mà hẹn rồi mà cáo “Tao mệt không đến được” thì bạn bè trách ngay, chẳng cần biết thật hay dối nhưng nói chung không nhiệt tình.
Nhưng chẳng ai chất vấn Dương Tường về độ nhiệt tình. Nếu bỗng dưng có ý nghĩ đó thì cứ tự hỏi luôn rằng những bản dịch Đồi gió hú, Cái trống thiếc, Kafka bên bờ biển… ở đâu ra.
* Vẫn làm việc tới 2h sáng
Đến thăm Dương Tường sau những ồn ào quanh Lolita tạm lắng, mới hay ông bị mất ngủ đã nhiều năm rồi, vừa uống hai thang thuốc bắc mà không khỏi. Vợ ông, bà Trinh, kể vừa mua thêm 2 triệu tiền thuốc tây theo mách nước của một người bạn. “Tiền thuốc cho ông ấy thì không biết bao nhiêu là đủ”, bà tâm sự.
Lúc chúng tôi trò chuyện, Dương Tường vừa chợp mắt. Ai đã từng bị mất ngủ mới hiểu một giấc ngủ ngắn ngủi giữa buổi chiều quý giá đến mức nào. Ông từng nói ngày nào cũng làm việc đến 2h sáng, có lẽ từ đó mà lạc mất giấc ngủ lúc nào không hay.
Năm ngoái, vợ chồng Dương Tường tổ chức đám cưới vàng, 50 năm, cả nhà đi ăn nhà hàng. Chuyện này, Dương Tường đã khoe trên báo hồi năm 2008, ông nói với nhạc sĩ Dương Thụ: “Trong năm 2008 này, sẽ là đám cưới vàng của Bùi Ngọc Tấn và Bích. Còn vợ chồng mình thì 3 năm nữa cơ”.
Cô con gái lớn của Dương Tường đã có chồng con nhưng vẫn sống cùng cha mẹ ở ngôi nhà trong ngõ Phan Huy Chú, kiếm sống bằng nghề bán bún ốc đầu ngõ. Đến thăm Dương Tường, khách luôn gặp hai người phụ nữ, vợ ông và con gái ông, hai người có gương mặt giống nhau gần như y hệt, nếu so sánh người con hiện tại với bức chân dung người mẹ ở tuổi ngoài 40 treo trên tường.
Pham Mi Ly

Nguồn: TTVH

No comments:

Post a Comment