Tôi rất tán thành việc đặt vấn đề mà tác giả Nguyễn Anh Tuấn đưa ra trong bài viết "Đi tìm dịch giả" đăng ở tạp chí Nhà văn số ra tháng 9/2011, đó là phải phục hồi tên người dịch những cuốn sách mà trước đây khi in ra, vì lý do nào đó sách đã không ghi tên người dịch. Trong bài viết, tác giả Nguyễn Anh Tuấn đã đề cập cụ thể đến bộ tiểu thuyết "Jăc Vantrax" của nhà văn Pháp thời kỳ công xã Paris Juyn Valex (1832 - 1885) đã được dịch ra tiếng Việt, xuất bản lần đầu thành ba tập: "Chú bé", "Cậu tú" và "Người khởi nghĩa" trong hai năm 1974 và 1975 ở NXB Văn học.
Tác giả bài viết có kể chuyện trước
đây, ông có mua được bộ tiểu thuyết "Jăc Vantrax", nhưng khi khoe với
các đồng nghiệp giáo viên của mình thì bất ngờ một người đặt câu hỏi:
"Vì sao cả ba cuốn sách đều không có tên người dịch, trong khi đó thì lại
có tên của người làm sách".
Ở gần cuối bài viết, tác giả Nguyễn
Anh Tuấn gần như đưa ra một kết luận: "Chắc chắn là, khi ông (tức nhà thơ
Trần Dần - TT) nhận dịch bộ "Jăc Vantrax", trước hết vì mưu sinh,
nhưng ông đã phải thích thú nó, bởi nó vô tình chứa đựng những gì phù hợp với
tâm huyết và chí hướng của ông"; có điều - theo dịch giả Nguyễn Anh Tuấn
"trong "nỗi buồn ga cuối còn nguyên" của nhà thơ, phải chăng có
một nỗi buồn chưa, và sẽ không có dịp nào nữa để giải tỏa: tên ông vẫn còn để
trống trong bộ sách dịch kỳ công dày hơn nghìn trang in".
Bài viết của tác giả Nguyễn Anh Tuấn
làm tôi phải suy nghĩ lại và đi đến quyết định phải tìm hiểu từ đầu để xác định
thật chính xác tên dịch giả bộ tiểu thuyết "Jăc Vantrax". Lâu nay tôi
vẫn yên chí coi sự việc đã được giải quyết xong.
Thì trong Kỷ yếu "50 năm Nhà
xuất bản Văn học", in năm 1998, do một chuyên gia thư viện học được giao
cho soạn lại thư mục sách của NXB ra trong 50 năm, ở trang 648 đã ghi rõ: Sách
ra năm 1974 có hai cuốn "Chú bé" (số 1717) và "Cậu Tú" (số
1718) của J. Valex do Trọng Đức dịch và giới thiệu; phần sách ra năm 1975, T3
"Người khởi nghĩa", không có tên người dịch. Tuy nhiên đến phần sách
ra năm 1994, trang 818 người đọc có thể tìm thấy thông tin: "3237,
3238, 3239: Valles Jules. "Kẻ bất bình" - tiểu thuyết cổ điển Pháp.
Trần Dần dịch. In lần thứ 2. H. Văn học, 19cm, Ba tập: Tập 1, Tập 2, Tập
3".
Đến năm 2002, chỉ dựa vào thông tin
trong cuốn kỷ yếu của NXB Văn học, các tác giả cuốn "Những người dịch văn
học Việt Nam" (mà bản thân tôi là một đồng tác giả) đã đưa thông tin ở mục
từ "Trần Dần: - sách đã dịch "Kẻ bất bình", tiểu thuyết của
Julex Vallex (Pháp)". Còn ở mục từ "Đỗ Đức Dục", phần sách dịch
của ông có ghi: "Chú bé" và "Cậu Tú", J.Valex J.
Vantrax, NXB Văn học 1974.
Ở hai tài liệu trên, thông tin không
khớp với cuốn Kỷ yếu Hội Nhà văn Việt Nam ra năm 1997 và 2010.
Vậy người đọc biết tin vào đâu để
giải đáp thắc mắc như thắc mắc của tác giả Nguyễn Anh Tuấn? Tôi nghĩ bản thân
tôi có phần trách nhiệm trong việc này. Vậy mình phải tự tay đi tìm tài liệu để
làm rõ sự việc.
Nhờ bạn bè giúp đỡ, tôi đã có trên
tay những tư liệu cần thiết.
Hóa ra ở bộ "Jăc Vantrax",
NXB Văn học in ra lần đầu trong 2 năm 1974-1975, chỉ có tập đầu "Chú
bé" là có bài giới thiệu của Trọng Đức, còn quả là không có tên người dịch
ở cả ba tập. Nếu Trọng Đức dịch "Chú bé" và "Cậu Tú" thì hà
cớ gì không đề tên vào sau khi đã đề tên ở bài giới thiệu. Vâng, Trọng Đức là
bút danh của nhà văn, nhà nghiên cứu văn học Đỗ Đức Dục (1915-1993). Lúc này
ông về làm cán bộ nghiên cứu ở Viện Văn học, sau khi đã giữ nhiều chức vụ lãnh
đạo trong lĩnh vực báo chí, văn hóa văn nghệ (từng là Phó Chủ tịch Hội Nhà báo
Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Văn hóa…). Ông là bạn cùng hoạt động với nhà văn Như
Phong (1917-1985), lúc này vừa về nhận trách nhiệm Giám đốc NXB Văn học. Ông
Như Phong đã mời nhà văn Đỗ Đức Dục làm cộng tác viên mảng văn học nước ngoài.
Ngoài việc tham gia thẩm định bản thảo, viết bài giới thiệu sách, bản thân Đỗ
Đức Dục dịch khá nhiều tác phẩm văn học Pháp, xuất bản vào những năm này, và
đều đề bút danh Trọng Đức. Mục sách dịch đã in của nhà văn Đỗ Đức Dục với bút
danh Trọng Đức ghi trong Kỷ yếu Hội Nhà văn năm 1997 và 2010 như vậy là khá chính
xác. Những tên sách ghi thêm "Chú bé", "Cậu Tú" trong tiểu
sử của ông ở 2 cuốn Kỷ yếu "50 năm Nhà xuất bản Văn học" và
"Những người dịch Văn học Việt Nam" đến đây có thể kết luận, do người
làm Kỷ yếu suy diễn sai. Và tôi cũng xin nhận là bản thân mình cũng có phần
trách nhiệm.
Đến đây, có thể nói tên người dịch
toàn bộ tiểu thuyết "Jăc Vantrax" gồm 3 tập "Chú bé",
"Cậu Tú" và "Người khởi nghĩa" đã được khẳng định trong lần
NXB Văn học tái bản bộ sách này với cái tên chung "Kẻ bất bình" vào
năm 1994. Khi ấy nhà thơ Trần Dần còn sống, tuy trông có vẻ lụ khụ. Ông cùng
gia đình ở tại nhà số 7 phố Vũ Lợi. Sau khi sách tái bản có ghi tên ông, chính
tôi đã cùng nhà văn Trần Hoàng Bách mang sách bản quyền và nhuận bút đến nhà
đưa tận tay ông. Cầm sách trên tay, nhà thơ - dịch giả xem đi xem lại, hài
lòng, chỉ thủng thẳng gườm gườm nhìn, rồi ái ngại hỏi lại nhà văn Trần Hoàng
Bách: Cái tên "Kẻ bất bình" lại đi với tên người dịch là Trần Dần
liệu có gây phiền phức gì cho người làm sách không?
Bài viết của tác giả Nguyễn Anh Tuấn
là một nhắc nhở cần thiết. Và đây mới chỉ là một trong nhiều trường hợp mà
chúng ta cần giải quyết. Mà nếu việc này không được tiến hành sớm, thì thời
gian qua đi, có thể mọi chuyện sẽ rơi vào quên lãng và sẽ có ai đó mãi mãi chịu
thiệt thòi.
Thuý
Toàn
No comments:
Post a Comment