Huế là vùng đất Thơ, điều ấy ai cũng biết. Nói như nhà thơ
người Huế "gốc" Phùng Quán, thì "ở Huế cứ 10 người thì có 11
người làm thơ." Và ông giải thích cho sự "lạ" này: "Vì có
nhà thơ làm thơ ký tới... hai tên." Tôi đã đọc tuyển tập thơ 30 năm của
Huế, xin chứng thực lời nhà thơ Phùng Quán: trong tập thơ này có một nhà thơ ký
tên Nguyễn Khoa Như Ý, thì đó chính là nhà văn Hà Khánh Linh rất quen thuộc với
độc giả Việt Nam.
Người ta cũng nói, nam nhà thơ ở Huế thường làm thơ rất
hiền, ngược lại nữ nhà thơ ở Huế lại làm thơ khá bạo liệt. Ðiều ấy cũng không
khó để nhận ra. Nó như một sự cân bằng âm dương của trời đất xứ này, xứ mưa dai
và nắng dữ.
Người ta hay nói Huế vì là cố đô nên thường xuất hiện những
nhà thơ đài các, làm thơ trau chuốt và thâm trầm. Ðiều ấy đúng nhưng chưa đủ.
Vì ở Huế, xứ kinh kỳ ấy, vẫn có biết bao người lao động lam lũ phải vật lộn
hằng ngày mưu sinh miếng cơm manh áo. Vậy mà trong số họ vẫn có không ít người
làm thơ, có cả những nhà thơ độc đáo và bình dân tới mức khiến ta kinh ngạc.
Một trong những "nhà thơ áo rách" đáng nể đó là
Nguyễn Văn Phương, còn gọi là "Phương xích-lô". Gọi như thế vì nghề
chính của Phương là nghề đạp xe xích-lô ở ngay kinh thành Huế. Vất vả lăn lộn
theo từng vòng quay xe ba bánh, nhưng Nguyễn Văn Phương lại... làm thơ và có
những bài thơ rất cảm động, rất độc đáo về chính cái nghề đạp xe xích-lô của
mình. Lại nữa, trong số những người đầu tiên phát hiện ra Phương xích-lô làm
thơ hay có cả nhà thơ "chữ nghĩa đầy mình" Hoàng Phủ Ngọc Tường. Ðiều
ấy chứng tỏ sự công bằng và dân chủ trong thơ: người làm thơ hay, thì dù thân
phận hay nghề nghiệp thế nào, vẫn được nhận ra, được đồng cảm, được chia sẻ bởi
rất nhiều nhà thơ khác, kể cả những nhà thơ trí thức hay "quý tộc".
Thơ Huế, "rằng hay thì thật là hay", nhưng nghe
trong tiếng sắt tiếng đồng ấy vẫn có sự khác biệt. Ðó là sự khác biệt giữa
những giọng thơ trữ tình êm ả và trau chuốt với những giọng thơ mộc, quánh, đạm
mà đậm như ớt cay mắm mặn của xứ này. Những nhà thơ Huế như Nguyễn Khoa Ðiềm,
Trần Vàng Sao, Thái Ngọc San... đều có những giọng thơ trầm lặng như dòng sông
Hương nhưng luôn ẩn chứa dưới đáy sâu những lọn sóng ngầm. Nếu Trần Vàng Sao
từng có bài thơ gây chấn động tâm tư người đọc "Bài thơ một người yêu nước
mình" thì Nguyễn Khoa Ðiềm là nhà thơ Huế đặc trưng đã luôn biết tự làm
mới thơ mình ngay trong dòng sống và trải nghiệm của chính mình.
Có người nói, người Huế phải rời xa xứ quê mình mới tìm được
thơ hay. Theo tôi, không hẳn như vậy. Nhà thơ Huế vẫn có thể sống ở ngay xứ quê
yêu dấu trầm lặng của mình mà vẫn có thơ hay, thậm chí rất hay. Nhà thơ - liệt
sĩ Ngô Kha là một minh chứng rằng một nhà thơ Huế khi yêu Huế tha thiết, sống
chết với Huế bằng máu mình, nhà thơ ấy đã có những thi phẩm xuất thần. Hiện
tượng thơ Ngô Kha chắc chắn sẽ còn khiến những những người yêu thơ, những nhà
phê bình thơ phải tiếp tục suy ngẫm và tìm thấy ở đó không chỉ là sự cách tân
nghệ thuật, mà cái chính, là kết hợp được một cách tự nhiên giữa thơ thuần túy
và lòng yêu nước trong trẻo, giữa sự hiến dâng cho Nữ thần Thi ca và sự hiến
dâng cho Tổ quốc.
Thơ luôn bùng nổ trong lặng lẽ. Tôi đã thấy hình ảnh của
F.G. Lorca trong cuộc sống ngắn ngủi, những trang thơ xuất thần và cái chết bi
hùng của nhà thơ Ngô Kha - một niềm tự hào của Thơ Huế.
Chính sức hút kỳ lạ của Huế như một trung tâm Thơ đã làm nảy
nở ở đây rất nhiều nhà thơ "Huế mà không sinh ở Huế". Những Nguyễn
Khắc Thạch, Ngô Minh, Lâm Thị Mỹ Dạ... không sinh ở Huế nhưng đã thành những
tên tuổi thơ từ Huế. Và những lớp nhà thơ trẻ đang từng ngày làm mới thơ Huế,
họ là những người có học, có trải nghiệm và đặc biệt yêu thương quê hương Huế
của mình, dù không phải tất cả họ đều sinh ra ở Huế.
Sức sống của Huế như một trung tâm Thơ ca của đất nước chính
là ở khả năng "hòa huyết", dung chứa được rất nhiều dòng thơ, nhiều
trường phái thơ, nhiều nhà thơ rất khác nhau về phong cách nhưng đều chọn Huế
như một bệ phóng cho thơ của mình.
Thanh Thảo
(Nhân dân)
No comments:
Post a Comment