Người ta vẫn tiếp tục làm thơ tình,
làm những bản nhạc tình, viết truyện tình, thực hiện những kịch bản và phim
tình, tiếp tục hội họa với đề tài tình yêu. Bao lâu còn nhân loại thì vẫn còn
tình yêu, trong đó quần thảo những bản năng, tình cảm, lý trí, quyền lợi, danh
dự, ràng buộc xã hội, quy ước cộng đồng... Người ở trong và ngoài nước vẫn
không thể ngưng hẳn sáng tác loại thơ tình phổ quát đó. Bênh vực thực thể tồn
tại bền vững này, người ta sẽ nói về muôn thuở, bất tử, vượt thời gian, nằm
ngoài thế sự. Lời trong các bản nhạc tình cũng là thi ca, cho nên thơ là chính,
âm điệu chỉ chuyên chở cho lời đó lan rộng.
Chừng nào nhạc và lời là một, âm điệu và nội dung là một, tức là nhạc không lời, thì thơ mới chịu rút lui cho âm thanh tự mình lên tiếng. Vì vậy nói về nhạc chẳng qua muốn nhắc nhở thơ tình phổ quát vẫn được hát hoài quanh ta trong radio, truyền hình, máy điện tử. Ta đừng quên đó là thơ tình dù rằng do nhạc sĩ đặt lời. Ý ta muốn nói thơ tình phổ quát đang trọng tải nhưng không phải là quá tải, vì cỗ xe thưởng lãm của nhân loại không bao giờ khẩm đối với thơ tình, hay nói cho đúng hơn thì nhân loại không bao giờ mệt mỏi đối với chuyện tình. Đời sống không quá tải, nhưng văn học sử thì đã quá tải đối với nó. Còn có hay không một chương nữa cho thơ tình lãng mạn vì thời lãng mạn đã thủ xong vai trò lịch sử.
Riêng về văn học Việt Nam thời lãng
mạn thì Thế Lữ, Huy Cận, Xuân Diệu, Vũ Hoàng Chương, Hàn Mặc Tử, Nguyễn Bính,
Đinh Hùng, đã cung cấp cho ta đủ đầy chất liệu để trả lời thế nào là thơ tình
phổ quát. Và cũng không còn một chương nào nữa cho thơ tình bệ rạc bất chấp
cuộc đời, vì thời triết lý hiện sinh đã thủ xong vai trò lịch sử. Riêng về văn
học sử miền Nam Việt nam thời chiến tranh thì bộ môn thi ca hiện sinh lại khiếm
khuyết, nhường chỗ cho tiểu thuyết tình hiện sinh với Nguyễn Thị Hoàng, Nguyễn
Thi Thụy Vũ, Trần Thị NgH., Lệ Hằng, Chu Tử... Trong khi đó thơ mật ngọt tình
yêu của Nguyên Sa lại trái khoáy được giới trẻ yêu thích, phải chăng vì xã hội
tự nhiên có thái độ cân bằng với hiện sinh nổi loạn? So với văn học sử Pháp
(được biết qua nhờ các bài báo Việt ngữ đề cập thường xuyên trong thời Văn hoc
Miền Nam) thì sau Đệ nhị Thế chiến lần thứ hai, triết lý Hiện sinh hiểu theo
khía cạnh chán chường của Sartre đưa đến loại tiểu thuyết tình hiện sinh
Francoise Sagan, trong khi đó thì thơ tình mật ngọt của Jacques Prevert lại
được nhiều ảnh hưởng, tự nhiên xã hội Pháp như cũng tìm cách cân bằng với thất
vọng. Điều giống nhau này báo cho ta biết thơ tình phổ quát sẽ vãng lai quay
lại; tình buồn vui, đẹp xấu, mãi còn luân phiên ở với người; chỉ một đôi lần
thủ giữ vai trò trong văn học sử, nhưng trong đời sống thì sẽ xuất hiện vô hạn
kỳ. Bao nhiêu thi phẩm đã xuất bản ở hải ngoại, bao nhiêu bài thơ đã đăng báo
(tạp chí văn chương chuyên ngành hoặc nhật báo, tuần báo) làm sao không có
những bài thơ tình phổ quát xuất sắc.
Thơ tình phổ quát xuất sắc, phân
loại đã định hình; ta chỉ việc sưu tầm đừng sai lầm do chủ quan có nghĩa xấu
như tâng bốc, thù tạc, bè bạn nhờ cậy, muốn làm người bề trên đỡ đầu, nể nang,
a dua nói theo; vậy thì sưu tầm do chủ quan có nghĩa tốt căn cứ trên cảm thức
chất thơ thực sự lay động tâm hồn mình, thành thật muốn làm người khám phá khẩn
trọng trước tài năng chứ không trịch thượng đỡ đầu (trường hợp với nhà phê bình
sáng tạo theo lý thuyết nào đó thì ngoại lệ: họ chỉ đọc thơ như một dịp chú
giải chủ đề triết lý đặt định trước, cho nên không cần xét chủ quan tốt hay chủ
quan xấu). Sưu tầm do khách quan thì dễ dàng hơn, vì thơ đã được đãi lọc tồn
tại qua thời gian, thơ đã được nhắc nhỡ do hiển nhiên độc đáo (không còn ai
thắc mắc được nhắc nhở là do mưu toan đánh bóng, lăng xê). Xin được nhắc lại
đây mới chỉ là sưu tầm thơ tình phổ quát, chưa phải là thơ tình hải ngoại. Tại
sao gọi là thơ tình hải ngoại, phân loại như vậy đã tự giơí hạn ra khỏi tính
chất muôn thuở của thơ tình. Nhưng giới hạn như vậy lại tránh được gánh nặng
trọng tải thơ tình phổ quát mà ta nghĩ là không còn chương nào nữa trong văn
học sử. Những chương mới trong văn học sử Việt Nam sẽ có sự dự phần của chương
Thơ Tình Hải Ngoại; chắc chắn sẽ được dành riêng vì vai trò đóng góp thế sự của
nó.
Mặc dù không thành một chương riêng,
nhưng ta không thể bỏ qua những bài thơ tình phổ quát xuất sắc, nên liền theo
sau chương thơ tình hải ngoại, ta sẽ mở thêm phần tuyển thơ làm tài liệu với
cái tên thật thích hợp: “ Những Người Muốn Tiếp Tục Bất Hủ Hóa Thơ Tình”. Nhưng
nội trong thơ tình phổ quát, ta cũng phải phân chia thành hai dạng, dạng trang
trọng với thơ tình và dạng cười cợt với thơ tình. Cười cợt mà ẩn chứa nỗi đau,
ta vẫn coi đó là thơ tình trang trọng vì cười cợt như vậy là sự đau buồn ẩn
đằng sau mặt nạ của tên hề, cười cợt như vậy cũng có khi đến giai đoạn chấm dứt
đau buồn mà ngó lại để tự hỏi tại sao trước đây mình quá hệ lụy. Chỉ sự cười
cợt để cùng nhau hả hê, cốt làm vui mà chẳng có gì ẩn chứa bề sâu thì ta mới
xếp vào dạng thơ tình nghiêng về màu sắc tiếu lâm, hay màu sắc đùa giỡn thanh
thoát; đối trọng với thơ tình trang nghiêm hoặc thơ hài thoát vòng tình lụy.
Đọc thấy trong báo chí hải ngoại cũng khá nhiều, các nhà thơ cười cợt xuất sắc.
Không thể trích dẫn nhiều vì khuôn khổ giới hạn của một bài báo, chỉ trích hai
bài thơ làm đại diện:
HỒNG QUẦN
Cô ba quá xá quần hồng
năm cô mười sáu có lần ngắm trăng
thấy gì? Cô nhớ hay chăng
thấy vườn anh Cuội mụt măng đâm
chồi.
Từ hôm cô ngó măng rồi
cứ đêm cô lại ra ngoài ngắm trăng
thấy gì? Cô nhớ hay chăng
thấy khi mây lấp cô Hằng bẻ măng.
Thì ra trên ấy cô Hằng
hồng quần quá xá cũng bằng cô ba.
( Đỗ Thì Kênh G, Tạp chí Hợp Lưu, số
49)
NẰM MƠ UỐNG NƯỚC DỪA XIÊM
Ví dầu ví dẫu ví dâu
Ăn trộm bẻ bầu, ăn cướp bẻ dưa
Ta ngồi
võng hạ đong đưa
Phất phơ quạt lá nắng trưa hiên
ngoài
Quầy trong tiếng bổ miệt mài
Mời ly trà đá: “Anh Hai tạm dùng”
Sáng ngày kể vợ giấc mòng
Đêm nằm mơ uống nước dừa xiêm lai.
( Huỳnh Mạnh Tiên, Tạp chí Hợp Lưu,
số 21)
Ấy là ta chưa đề cập đến loại thơ
tình không phải trang trọng, cũng không phải đùa cợt, mà là loại thơ cốt dùng
từ ngữ thô tục vì ý hướng thách đố với từ ngữ có chất thơ thuộc về mỹ cảm, vì
vậy tình trong đó chỉ là cái cớ. Chủ đích muốn làm cách mạng việc dùng từ ngữ
thi ca. Nên ta không kể đó là thơ tình. Tình dục cũng không phải, vì sau khi
đọc loại thơ này, độc giả không hề cảm thấy bị ám ảnh như khi đọc những bài thơ
bề ngoài thanh nhã nhưng phảng phất những hình tượng mờ ảo thật khả nghi. Về
thơ tình phổ quát loại trang trọng thì việc sưu tầm thật dễ dàng. Hầu như trong
tập thơ nào xuất bản tại hải ngoại, ta đều bắt gặp một đôi bài xuất sắc, trang
trọng với tình hoặc siêu thoát mang tiếng cười ra khỏi vùng hệ lụy. Những bài
thơ cùng loại đã xuất hiện trên báo cũng không ít nếu ta chịu khó sưu tầm. Ta
cần phân trần việc dành nhiều trang tuyển thơ cho phần phụ là thơ tình phổ
quát. Ta đâu có quên phần chính liên hệ đến giai đoạn văn học sử là “ Thơ Tình
Hải Ngoại”. Trong phạm vi một bài báo, xin trích hai bài thơ đại diện cho thơ
tình phổ quát và trang trọng; bài đầu tiếp nối dòng thơ tình lãng mạn, phảng
phất một chút Xuân Diệu với thứ tình đắm say như sóng biển mơn man mãi vào bờ
cát; bài sau là thứ tình đã nên nghĩa vợ chồng, dòng dõi đất đai được nhắc đến
để làm đẹp thêm cho chuyện tình riêng:
ĐÊM RA BIỂN VỚI ANH
Anh dắt em ra biển
Mặt trời đang tắt thở
Sóng chạy
xô vào bờ
Mang theo những chùm lửa
Em như con cá hồng
Quẫy đuôi tìm lên bãi
Anh là những sợi rong
Vướng giữa hàng vẩy cá
Em như con hào nhỏ
Ôm anh viên ngọc trai
Tình yêu nhả bọt nước
Rửa viên ngọc sáng ngời
Em như con tôm bạc
Co trong đại dương anh
Tóc em là tay sứa
Tung chiếc
lưới chỉ hồng
Anh là con hải mã
Em mượn hình nhân ngư
Trườn mình qua ngọn sóng
Theo vó anh lên bờ
Anh đứng che hướng gió
Sao hồn em vẫn rung
Ngực anh đằm biển muối
Cho em thở mặn nồng
Trần Mộng Tú – Tháng 6/1996
QUẢNG NAM
gió từ đèo Le gió về Trung Phước
mây từ Hoàng Sơn mây kéo Sơn Chà
ta từ Quảng Ninh ta vào Phan Rí
làm rể Quảng Nam cát mịn Tiên Sa
........
em dòng dõi Lê Duy Lương – Duy Mật
biết bao đời chống Trịnh, Nguyễn Tây
Sơn
cả dòng họ bị đày vào Ngũ Quảng
đem Lam Sơn thắp sáng nước non Chàm
ta ngừng đó một đời không đi nữa
từ thôn Nam Thọ nước Thu Bồn
cả dải đất Nông Sơn nhiều quặng mỏ
ngước nhìn lên sừng sững núi Cà Tang
gió Thái Bình Dương lùa qua Non Nước
mênh mang sương tỏa Cù Lao Chàm
lỡ mai sau quá yêu đời ta chết
cũng một lần là rể đất Quảng Nam.
Chu Vương Miện
(Tạp chí Thế Kỷ 21, số 171 – July
2003)
Như đã biện giải ở đoạn trước, thơ
tình phổ quát mặc dù vẫn muôn năm hiện hữu trong đời sống, nhưng văn học sử thì
đã quá tải với nó. Quá tải cho văn học người Việt ở ngoài nước mà thôi, vì thơ
tình phổ quát không phản ánh một giai đoạn nào tại đây. Trong nước thì khác, vì
sau năm 1975 là một khoảng trống về thơ tình phổ quát. Thời gian từ đó đến năm
1987 dành cho thứ thơ tình hạn chế, mặc dù vẫn là tình trai gái nhưng tạm gác
lại để gọi là lo cho việc chống giặc. Loại văn nghệ này có trước 1975 bây giờ
lặp lại cho cả miền Nam mới vừa được tiếp quản. Ta biết như vậy không do từ
nghiên cứu về thi ca mà biết qua các lời ca trong âm nhạc khi còn ở trong nước.
Như đã nói, ta coi các lời ca trong những bản nhạc vẫn là lời thơ, vẫn là những
dấu mốc đáng tin cậy cho nghiên cứu văn học về một thời, khi ta thiếu tài liệu
về thi ca. Vẫn căn cứ bằng những phản ánh qua lời ca, ta biết sau năm 1987 (hay
1989? – tức là năm có nghị quyết cởi trói văn nghệ) loại tình ca phổ quát hay
thơ tình muôn thuở trong các bản nhạc tiền chiến trước 1945 được phép cho hát
công khai song song với loại “nhạc vàng” đang lưu hành lén lút trong xã hội
miền Nam tiếp quản. Sau đó nữa thì loại nhạc tình phổ quát mới sáng tác trong
nước từ từ nở rộ. Vậy thì thơ tình phổ quát – mượn tạm qua âm nhạc – vẫn là một
giai đoạn đáng nói trong văn học trong nước, “giai đoạn lãng mạn lần thứ hai”
sau giai đoạn văn nghệ xã hội chủ nghĩa. Thơ tình phổ quát ở trong nước chắc
chắn có nhiều chất liệu gợi hứng cho sáng tác, vì bi kịch tình yêu xảy ra
thường xuyên; chẳng hạn biết bao nhiêu cô gái trẻ đẹp vì nhà nghèo bị đưa đi
làm dâu mãi tận Đài Loan, hệ lụy đến bao nhiêu chàng trai thất vọng nơi thôn
quê; chẳng hạn bi kịch dằng co nên đi du học hay nên ở lại với người yêu đối
vói một số người khá giả nơi thành thị; chẳng hạn bi kịch phân biệt chênh lệch
giữa gia đình trai gái ngày thêm cách xa vì
xã hội thời kinh tế thị trường... Họ đang lặp lại thơ tình phổ quát,
viết thêm chương lãng mạn lần thứ hai, phản ánh giai đoạn xã hội chủ nghĩa áp
dụng một số mặt hữu hiệu của tư bản chủ nghĩa. Nhưng văn học của người Việt ở
nước ngoài thì thơ tình phổ quát đã quá tải, đã thêm một lần thời Văn Học Miền
Nam (thơ tình lãng mạn tiền chiến 1945 được coi như những giá trị thi ca đích
thực để đối lập với văn nghệ phục vụ chính trị theo quan điểm Xã Hội Chủ
Nghĩa).
Tư tưởng Hiện Sinh Tây phương được
phổ biến đồng thời với xã hội đảo điên thời chiến tranh, Văn Học Miền Nam sau
đó lẽ ra phải có mà lại khiếm khuyết là thơ tình hiện sinh (được trám chỗ bằng
tiểu thuyết tình hiện sinh và Thơ Tự Do chối bỏ thơ tình). Bây giờ ở hải ngoại,
thơ tình phổ quát hãy còn trong đời sống, nhưng “Thơ Tình Hải Ngoại” mới là
giai đoạn mới từ hải ngoại đóng góp vào văn học sử Việt Nam. Vậy thế nào là thơ
tình hải ngoại? Xin nói mau: Thơ tình hải ngoại là thơ tình có liên hệ đến lòng
hoài hương, có liên hệ đến sự hội nhập của thế hệ thứ hai, có liên hệ đến đất
mới của thế hệ thứ nhất, có liên hệ đến thảm trạng vượt biên xảy ra trên hải đảo...
Tình nam nữ liên hệ vào bối cảnh đó thì mới gọi là thơ tình hải ngoại, vì lòng
hoài hương và sự hội nhập không nhất thiết liên hệ đến tình yêu trai gái thì
phải có những chương riêng, chẳng hạn chương “Hoài Hương và Hội Nhập”. Bi kịch
đổ vỡ gia đình khi ở đất mới, khi ảnh hưởng nếp sống văn hóa nhiều phần tiến bộ
khác với cổ truyền, thấy nói đến nhiều trong các truyện ngắn, phản ánh vào thơ
thì chỉ sưu tầm được cho đến nay độ bảy tám bài, có lẽ thi nhân nào đã ở trong
cuộc thì lại không muốn nhắc đến vì nó không đẹp, mà còn dường như đã làm họ tê
liệt xúc cảm. Hơi đâu mà làm thơ chua xót, chi bằng đi tìm giải trí cho khuây
khỏa. Xin trình diện một bài thơ trong số đó, nội dung buồn khổ nhẹ nhàng vì
lời thơ rất đẹp, nếu giận dữ cao độ thì hình ảnh phận làm dâu đâu có được tô
thắm mỹ miều để khuyến dụ những ai đã lãng quên:
THUYỀN QUYÊN
Cơn mưa nào rớt giữa hồn
Tháng giêng về muộn, nỗi buồn chung
thân
Mai em quẫy gánh chợ gần
Để cho mẹ thấy lại tần tảo xưa.
Huỳnh Liễu Ngạn
(Tạp chí Văn, Bộ cũ, số 77, tháng
11/ 1988)
Tập thơ “ Lãng Mạn Năm 2000” của nhà
thơ nữ Ngô Tịnh Yên là một trường hợp rõ ràng chứng tỏ các thi nhân có khuynh
hướng sáng tác thơ tình phổ quát hơn thơ tình hải ngoại. ‘’ Cuộc đời còn lắm
bạo tàn – Chút lãng mạn năm hai ngàn tặng nhau”, hai câu thơ trong thi phẩm
như lời tuyên ngôn muốn bất hủ hóa thơ tình, loại thơ tình muôn thuở, tuyên
ngôn khi đầu năm thiên niên kỷ thứ hai. Vì vậy, cả tập thơ chỉ có một bài là
thơ tình hải ngoại. Ngô Tịnh Yên sáng tác bằng thể thơ lục bát chủ tâm đứng
riêng biệt bởi có quá nhiều người thích làm thể thơ này, đó là cứ lặp đi lặp
lại một hai chữ trong câu thơ đầu tiên. Cách này không mới, nhưng nếu kiểu ấy
cứ tiếp diễn từ bài thơ này qua bài thơ khác, từ thi phẩm này qua thi phẩm
khác, thì cũng có thể gieo cho người đọc ấn tượng vẻ riêng biệt của một người
làm thơ, không phải muốn cách tân mà là muốn đứng riêng. Bài thơ tình hải ngoại
hiếm hoi trong tập có tứ thơ thật đơn giản, chỉ là thèm mong một lá thư tình
như đã có khi xưa mình đọc dưới ánh đèn dầu ngoại ô:
THÈM SAO MỘT LÁ THƯ NHÀU
Nơi đây
vắng tiếng tắc kè
Ánh sao đom đóm lập lòe trong đêm
......
Nơi đây
thừa nỗi lạnh lùng
Thiếu tình ấm áp bao dung thuở nào
.....
Nơi đây
thừa bạn thừa ta
Thiếu tình tri ngộ lấy mà đãi nhau
Thèm sao một lá thư nhàu
Nghiêng nghiêng dưới ánh đèn dầu
ngoại ô
Ngô Tịnh Yên
(Trích trong “ Lãng Mạn Năm 2000”,
Nhà xb. Đời, Cali. 1996)
Thế hệ thứ nhất lúc lìa khỏi xứ có
khi là chia tay vĩnh viễn với người yêu, lúc vượt biên có khi là chứng kiến bi
kịch làm hoen ố danh dự của người yêu mặc dù sau đó cố xua đuổi ám ảnh, lúc vào
ở các trại tỵ nạn Đông Nam Á có khi là mất trí vì người yêu đã chết trên biển,
lúc được định cư kẻ thành công người thất bại có khi là đường ai nấy đi. Trong
phần sưu tầm phải có những bài thơ tình hải ngoại này. Nhưng thế hệ thứ hai
cũng đã có thơ tình dành cho, mà chủ động lại do từ thế hệ thứ nhất viết khuyến
dụ về họ. Những cô gái lớn lên tại xứ
người được hỏi còn biết gì không quê hương mịt mờ của cha mẹ thuở xưa. Chắc thế
hệ thứ nhất chủ quan, quên đi là sau gần ba mươi năm, thế hệ thứ hai đã trưởng
thành, đa số đã học rộng và thành công đi vào dòng chính xứ người.
Thơ tình giữa thế hệ thứ hai với
nhau là thơ tình phổ quát, thơ tình muôn thuở. Thơ khuyến dụ – tạm gọi với cái
tên không ổn là thơ tình - do các tác
giả thế hệ thứ nhất viết ra cốt để nhắc nhở nguồn gốc và tâm hồn Đông Phương
cho các thiếu nữ trưởng thành thế hệ thứ hai, cũng mang dáng dấp là thơ tình
hải ngoại. Có lẽ loại thơ này ít được tiếp nhận vì thế hệ thứ hai chưa chắc đã
đọc và thấm nhuần kỷ niệm hình ảnh quê hương mịt mờ khi họ đã theo cha mẹ ra đi
lúc còn quá nhỏ, nhiều người còn được sinh ra tại hải ngoại. Một khi nó được
phổ vào nhạc, may ra tứ thơ mới đi vào tâm hồn thế hệ thứ hai:
CÓ BAO GIỜ EM HỎI
Có bao giờ em hỏi
Quê hương mình ở đâu?
Có bao giờ em đợi
Tháng mấy
trời mưa ngâu?
Có bao giờ
em nói
Câu tình tự ca dao?
Có bao giờ em gọi
Hồn ta về với nhau!
Mùi hương
nào gợi nhớ
Vườn trăng thoảng hương cau
Con diều nâu theo gió
Gợi nhạc sáo lên cao
Nhịp võng trưa mùa hạ
Ngày xưa ru ngày sau
Thi ca trên sữa lúa
Tiểu thuyết trên lụa đào...
Thơ Duyên Anh – Phạm Duy phổ nhạc
Lời ca này phổ biến tại hải ngoại
vào những năm gần đây, hình như từ năm 2001. Nếu bài thơ chỉ có ngần ấy thì
đúng là thơ tình hải ngoại; nhắc nhở kỷ niệm quê hương pha trộn một chút tình
cảm trai gái mới chớm, với các thứ gợi lãng mạn truyền từ thi ca tiểu thuyết.
Nhưng bài thơ còn tám câu thơ cuối làm ta phải xét lại, vì nội dung là ý tưởng
nói về tâm tình cô gái đã có người yêu mà phải đi lấy chồng nơi thành thị, tình
ý như thơ T. T. KH:
Em, bao giờ em khóc
Ngơ ngác vì chiêm bao
Chưa kịp mê tam cúc
Xuân hồng đã trôi mau
Chưa kịp hôn môi Tết
Tháng giêng son phấn sầu
Bây giờ em mới biết
Em đã chết từ lâu!
Tám câu đó, nếu ý tưởng như vậy thì
đâu phải thơ tình hải ngoại, nhưng khi nghe phổ biến trong cộng đồng xa xứ làm
ta đồng hóa ý hai đoạn trước vào cảnh mới tại đây. Bài thơ dưới đây mới chính
là thơ tình hải ngoại, không thể lẫn lộn từ tâm cảnh quê nhà thành tâm cảnh
trời viễn xứ. Nhân vật viễn xứ này không “ đánh bóng” mình là một kẻ thành công
ở xứ người trở về nối lại tình xưa với cố nhân, tự bộc lộ mình không đủ khả
năng bảo lãnh cho người yêu thoát cảnh nghèo khó, đành chỉ về thăm viếng rồi
lại ra đi. Bài thơ làm cho ta thương cảm những số phận nghèo vẫn hoàn nghèo sau
bao năm vật đổi sao dời, bao nhiêu người đã làm ăn thịnh vượng, đã chu du cùng
khắp thế giới, còn người xưa thì vẫn sống nơi xó xỉnh, vẫn ngày ngày vất vả.
Tác giả tự thấy mình bất nhẫn, nhưng ta đọc được trong đó một tình người. Lại
còn thêm bối cảnh miền xơ xác cỏ cháy, cát lòa Phan Rang – Tháp Chàm. Chỉ vào
đêm thì hồn quê cũ mới thức dậy gọi người đã ra đi hàng bao chục năm hãy nghe
lại tiếng thầm thì của những đồ vật nhỏ mọn tưởng rằng đã quên, tưởng đã mất
trí nhớ từ lâu về chúng. Ta không thể im lặng về cảm thức trước lòng hoài hương
của tác giả, nhưng như vậy là đã đi vào lãnh vực thơ hoài hương( sẽ bàn trong
một chương riêng), trong khi ở đây ta đang bàn về thơ tình hải ngoại. Bài thơ
tình hải ngoại của tác giả có những dòng thật cảm động:
PHỐ BỜ ĐÊ
......
Không phải vô tình tôi trở lại đây
Cái xứ cát lòa, con người cùng khổ
Không phải vô tình Thạch ở lại đây
Bên phố bờ
đê, đếm mùa nước lũ
......
Trời xanh trong, trời nắng lửa Phan
Rang
Bốn mươi năm, phố bờ đê có nhớ
Đứa học trò nghèo thích đọc Hoa Vông
Vang
Yêu cô gái
mồ côi mà không dám ngỏ
Tôi về đây nghe chuột chí ban đêm
Nước mắm ngủ giữa muôn hồn chum vại
Những tàu dừa vẫn xào xạc gió đêm
Như Thạch ngồi kia suốt thời con gái
......
Tôi lên xe chạy trốn bóng mình
Phố bờ đê lại ngập òa ánh nắng
......
Vĩnh biệt bờ đê, chẳng ngó lại đằng
sau
Tôi không là Ronsard cho Helene bất
tử
Đành để Thạch già theo phố bờ đê
Ôi con phố những người không trí nhớ
......
Phan Rang ơi, tháp Chàm vương bóng
khói
Con chuồn kim tuổi dại biết về đâu!
Nguyễn Nam Trân – Tokyo, 05/ 03/
1997
(Tạp chí Hợp Lưu, số 71/ 2003)
Ta cần phải bàn thêm loại thơ tình
hải ngoại nhưng có tính chất lưu vong, nghĩa là có tính chất chính trị. Tình
trai gái ở đây là cái cớ để lồng vào trong đó ý tưởng chống đối chính quyền
hiện hữu tại Việt Nam, đại ý chung cho nhiều bài có vẻ giống nhau như nhắc nhớ
kỷ niệm xưa của đôi lứa trong thành phố chưa ở dưới chế độ mới. Người đang sống
trong nước, đang hợp tác với chính quyền như Trịnh Công Sơn thì lại nóí “Em
ra đi nơi này vẫn thế. Lá vẫn xanh trên con đường nhỏ. Vườn xưa vẫn có
tiếng ru. Vẫn có em trong tim của mẹ. Thành phố vẫn có những giấc mơ...”
Người cũng sống ở trong nước nhưng cảm tình với chính quyền “Việt Nam Cộng Hòa”
xưa như Nguyễn Đình Toàn trong bản nhạc “Sài Gòn Niềm Nhớ Không Tên” thì tình
gửi đến người thiếu nữ đang ở tại nước ngoài kèm theo nỗi buồn những đổi thay
hiện tại: “Sàigòn ơi! Ta mất người như người đã mất tên. Mất từng con
phố đổi tên đường. Sàigòn ơi! Tôi mất người như người đã mất tôi. Sáng
đời tươi thắm vạn sắc màu. Nay còn gì đâu! Như trời sâu đã bỏ đất liền. Còn gì
đâu!” (*). Cũng có thơ từ nội địa, nhưng chắc chỉ nhắn gửi người trong nội
địa, có vẻ là tình trai nơi xây dựng vùng kinh tế mới ở thôn dã gửi người con
gái thành phố đã quen nếp sống thành thị
trong chế độ cũ. Nhưng bản nhạc phổ lời thơ nghe ở hải ngoại đã đồng hóa tâm
cảnh ở trong nước thành tâm cảnh ở ngoài nước, nghĩa là như đang nhắn gửi người
em gái đang sống tại hải ngoại. Trường hợp lẫn lộn tâm cảnh này giống như
trường hợp bài thơ của Duyên Anh đã trình bày ở đoạn trên, chỉ khác là ở thơ
Duyên Anh trong bài ấy không ẩn ý chính trị như bài thơ dưới đây:
VỀ ĐÂY NGHE EM
Về đây nghe em
Về đây mặc áo the, đi guốc mộc
Kể chuyện tình bằng lời ca dao
Kể chuyện tình bằng nồi ngô khoai
Kể chuyện
tình bằng hạt lúa mới
Và về đây nghe lại tiếng nôi
thơ ấu khúc hát ban đầu
Về đây nghe em
Về đây thả ước mơ đi hát dạo
Để đời đời làm giọt sương mai
Để chào đời bằng lòng mới lớn
Để hận thù người người lắng xuống
Để tìm
nhau như tìm xót xa
lúc lệ đã đầy vơi...
Thơ A Khuê
(Trần Quang Lộc phổ nhạc)
Nhưng các lời thơ trong những bản
nhạc trên mới là thơ từ nội địa nhắn gửi người em gái đã ra đi, chưa phải là
thơ tình hải ngoại có màu sắc chính trị từ nước ngoài hay từ các trại tỵ nạn
thời di tản, thời vượt biên. Lời thơ trong các bản nhạc của Nam Lộc và Ngô Thụy
Miên một thời phổ biến rộng rãi nhờ các nhạc điệu hay nên đã hoàn toàn đại diện
cho thi ca, phần sưu tầm về loại thơ tình này đang thiếu sót: “... Chiều nay
có một người di tản buồn. Nhìn xa xăm về quê hương dấu yêu. Chợt nghe tin Việt
Nam ôi thiết tha...Cho tôi xin lại nụ cười, nở trên môi người yêu dấu. Cho tôi
yêu lại từ đầu, khi vừa chớm biết thương đau...Chiều nay có một người di tản
buồn. Gọi anh em còn ai hay mất ai. Và bao nhiêu nằm trong những lao tù...” (
Trích bài hát “Người Di Tản Buồn”
của Nam Lộc). Lời trong bản nhạc của Ngô Thụy Miên thì không phải gửi người còn
ở lại trong nước, mà là nhắn người em gái đã ra đi cùng ở nơi hải ngoại hãy nhớ
không ở đâu kỷ niệm bằng Sàigòn, lời lẽ xác định rõ thơ tình hải ngoaị mang maù
sắc lưu vong chính trị: “ ... Trời Sàigòn chiều hôm nay còn nhiều mây bay,
nhiều niềm đau thương bi hận tràn đầy. Gượng nụ cười giọt lệ trên môi nhìn đất
nước tơi bời một thời em có hay. Những thành phố em sẽ đi qua, đây Ba- Lê, đây
Luân- Đôn, đây Vienne, nhưng có đâu bằng Sàigòn hôm qua, nhưng có đâu bằng
Sàigòn mai sau, em có mơ ngày hát câu hồi hương...” (Trích bài hát “Em Có
Nhớ Mùa Xuân” của Ngô Thụy Miên)*.
Như vậy thì thơ tình hải ngoại lại
phân thành hai dạng: Thơ tình trai gái thuần túy với đôi nét tâm cảnh khi đang
ở ngoài nước; dạng thứ hai là thơ tình trai gái với đôi nét đan chen lập trường
chính trị. Gọi là đôi nét để phân biệt với thơ lưu vong hoàn toàn chính trị,
thuộc một chương riêng. Cũng vậy, gọi là thơ tình hải ngoại với đôi nét liên hệ
đến bối cảnh xa quê hương để phân biệt với thơ về lòng hoài hương có tính chất
tổng quát bao trùm nhiều phương diện, không chỉ loay hoay chuyện đôi lứa.
Và thật là bất công khi ta biện biệt
chỉ có thơ tình hải ngoại – chứ không phải thơ tình phổ quát – mới được dành
cho một chương mới trong văn học sử Việt Nam, trong khi số lượng thơ tình hải
ngoại chẳng dồi dào bằng thơ tình phổ quát. Hơn nữa, thơ tình mang màu sắc
chính trị chỉ mới được dẫn chứng nhờ lời ca trong vài bài hát, chưa sưu tầm
được chính phần thi ca thực sự.
Xét ra thì có lẽ đúng cần phải có
những đóng góp mới vào văn học, vì văn học sử vốn khắc khe: chấp nhận những gì
chỉ có một lần, không đồng dạng, không lặp lại; hoặc phải là tiếng nói đặc thù
cho tâm cảnh một thời kỳ mà thôi.
Walnut, California
TRẦN VĂN NAM
*Ghi chú: Màu sắc chính trị
dường như dần dần được cởi mở cho phần đóng góp của nghệ thuật, vì ta thấy hiện
nay các bài hát “Sài Gòn Niềm Nhớ Không Tên” và bản nhạc “Em Có Nhớ Mùa Xuân”
thỉnh thoảng được làm lời hát nền hoặc nhạc đệm cho những DVD quay cảnh sinh
hoạt ở Sài Gòn (không rõ do tư nhân sản xuất hay do cơ quan nhà nước).
No comments:
Post a Comment