Kể từ sau khi Liên bang Xô viết bị tãn rã tháng 12/1991, cựu Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô, vị Tổng thống đầu tiên và cũng là cuối cùng của siêu cường từng chiếm tới một phần sáu địa cầu Mikhail Gorbachev đã trở thành một gương mặt bị ghẻ lạnh nhất trên chính trường Moskva.
Nhiều người dân Xô viết cũ cho tới hôm nay vẫn không thể tha thứ cho ông ta cái tội đã làm “tan đàn xẻ nghé” những nước cộng hòa đã từng chung vai làm nên không gian sinh tồn quen thuộc của họ.
Thế nhưng, với bản tính “cà cuống”
của mình, Gorbachev vẫn không chịu náu mình nín tiếng mà vẫn thường xuyên tận
dụng những lúc “nhân thế lao xao” ở Moskva để tìm cơ hội buộc người đời phải
nhắc tới ông ta. Mới đây nhất, ngày 21/3, Gorbachev lại bất ngờ tuyên bố rằng
ông ta muốn hỗ trợ cho việc khôi phục lại đảng Xã hội - Dân chủ Nga mà ông ta
từng đứng đầu và đã bị giải tán từ năm 2007.
Nước đục, cò muốn béo
Chỉ còn gần hai tháng nữa tại LB Nga
sẽ diễn ra lễ bàn giao chính thức vị trí nguyên thủ quốc gia từ ông Dmitry
Medvedev cho ông Vladimir Putin, người vừa giành được thắng lợi trong cuộc bầu
cử Tổng thống ngày 4/3 vừa qua. Trong khoảng thời gian còn lại trong Điện
Kremli, ông Medvedev đã khởi xướng cuộc cải cách hệ thống chính trị khá rầm rộ,
mở đường cho các lực lượng chính trị khác nhau tìm chỗ đứng xứng đáng của mình.
Và cựu Tổng thống Liên Xô Mikhail Gorbachev nhìn thấy ở đó một sự “đục nước” có
thể giúp cho những “chú cò chính trị” trục lợi.
Ngày 21/3, Gorbachev tuyên bố với
báo giới: “Ở nước Nga hiện nay có rất nhiều rối lẫn trong sự xây dựng các đảng
phái, trong khi đó đảng Dân Xã hội - Dân chủ lại có thể liên kết được rất đông
các tầng lớp…”. Ông ta cũng nói thêm rằng: “Tôi tất nhiên sẽ không đứng đầu
đảng nhưng sẵn sàng tham gia tích cực vào việc xây dựng dự án khôi phục lại
đảng…”.
Nhìn lại quá khứ, đảng Xã hội - Dân
chủ Nga (SDPR) đã được thành lập ngày 24/11/2001 tại Moskva, do sự liên kết
giữa hai lực lượng chính trị là đảng Liên minh Xã hội - Dân chủ Nga (do
Gorbachev đứng đầu) với đảng Dân chủ - Xã hội Nga (do Konstatin Titov, nguyên
Thống đốc tỉnh Samara từ năm 1991 tới năm 2007 đứng đầu). Kết quả bỏ phiếu kín
đã đưa Gorbachev lên làm thủ lĩnh SDPR, còn vị trí Chủ tịch đảng được dành cho
ông Titov.
Tới tháng 5/2002, SDPR chính
thức được Bộ Tư pháp Nga công nhận. Tuy nhiên, trong những năm đầu, nội bộ đảng
này đã mất đoàn kết nghiêm trọng do các đảng viên ai theo chủ nấy nên bị chia
rẽ bởi hai người đứng đầu tương đối khác nhau là Gorbachev và Titov. Tình trạng
nội bộ lủng củng đã khiến SDPR không có được ghế nào trong Duma Quốc gia.
Có lẽ cũng vì chán cảnh “ông chẳng
bà chuộc” trong SDPR và cũng quá mâu thuẫn với Chủ tịch đảng Titov, nên tháng
5/2004, Gorbachev đã rời khỏi vị trí thủ lĩnh đảng (đây là lần thứ hai
Gorbachev đã “bỏ của chạy lấy người” để chính đảng do mình đứng đầu rơi vào vực
thẳm - lần trước là chuyện xảy ra với đảng Cộng sản Liên Xô). Từ đó, SDPR càng
trở nên rối lẫn hơn và rốt cuộc là tới trung tuần tháng 7-2007, SDPR đã bị Bộ
Tư pháp Nga xóa sổ vì không đủ điều kiện chủ quan để tồn tại như một chính
đảng.
Theo các nhà bình luận chính trị,
rất khó biết Gorbachev ở tuổi 81 tính toán như thế nào để lại một lần chòi mặt
ra chính trường với việc khôi phục lại SDPR. Xưa nay, chỉ một lần bất tín đã
vạn lần bị bất tin, đằng này Gorbachev đã hơn một lần không thể trung kiên với
lực lượng đã chọn của mình mà luôn theo chiều gió để thoát thân, bỏ các đồng
chí cũ ở lại “sống chết mặc bay”.
Nói theo cách của bình luận viên
chính trị nổi tiếng Gleb Pavlovsky, Gorbachev đã đặt ra “một nhiệm vụ khá oách”
nhưng ông ta không thể nào thực hiện nổi công việc này. Bởi lẽ, ông ta không
bao giờ được nhìn nhận như một người xã hội - dân chủ cả ở nước Nga lẫn ở
phương Tây, nơi ông ta còn được đánh giá ở một mức độ nào đấy vì đã “nối giáo
cho giặc” làm Liên bang Xô viết tan rã, giúp phương Tây thoát khỏi một đối thủ
nặng ký trên bàn cờ quốc tế. Và cũng chính ở phương Tây, ông ta cũng hầu như
chẳng có bầu bạn gì trong lực lượng Xã hội - Dân chủ sở tại. Trong bối cảnh đó,
không mấy ai tin vào Gorbachev như một chính trị gia có thể tạo dựng nên được
một chính đảng Xã hội - Dân chủ ở nước Nga hiện nay.
Tổng giám đốc Viện Thẩm định Chính
trị Quốc tế Yevgeni Minchenkov còn nặng lời hơn khi nhận xét về dự án của
Gorbachev liên quan tới việc khôi phục SDPR: “Gorbachev không thể có một cơ hội
nào. Danh tiếng của ông ta quá tiêu cực. Dù ông ta có đứng ra lập bất cứ một
chính đảng nào thì nó ngay từ đầu đã là một thây ma chính trị. Ở nước Nga về
chính Gorbachev thì cũng đã bị quên lãng từ lâu và ông ta không còn là một kỳ
thủ chính trị có tác động thực tế nữa”.
Bình luận viên Minchenkov cũng cho
rằng: “Gorbachev sẽ định dấy lên cái gọi là “Cải tổ” đệ nhị, tức là thêm một
lần phá vỡ xã hội từ bên trong. Tất cả những việc này chung luồng với làn sóng
biểu tình phản đối mới diễn ra gần đây. Ông ta càng hiện hình rõ hơn là một
chuyên gia có hạng trong việc làm tan rã quốc gia”.
Theo ông Minchenkov, tuyên bố vừa
qua của Gorbachev có lẽ để hướng tới các cử tọa ngoại quốc nhiều hơn để hỗ trợ
cho cái danh tiếng mang tính biểu tượng của mình ở phương Tây. Có không ít nhân
vật ở phương Tây vẫn tưởng Gorbachev đang giữ một vị trí đáng kể nào đó trong
tâm thức người Nga nhưng thực ra, theo ông Minchenkov, uy tín của ông ta
ở trong nội bộ nước Nga chỉ là con số không…
Không ngẫu nhiên mà lên tiếng ủng hộ
Gorbachev trong việc tạo dựng lại SDPR chỉ là cự phú Aleksandr Lebedev, một
doanh nhân vốn nghiêng về phía phản bác Điện Kremli và hiện đang gặp không ít
rắc rối trên thương trường. Lebedev hiển nhiên là muốn mượn tay Gorbachev để
giải tỏa bớt những ấm ức của mình đối với chính quyền đương nhiệm. Tuy nhiên,
như thực tế cho thấy, đội hình của ông Putin trong những năm qua đã tỏ ra rất
có hiệu quả trong những hoạt động chống lại sự lũng đoạn của các đại gia vào
chính trường theo hướng đi ngược lại đường lối an dân trị quốc chung. Nhìn từ
góc độ đó, Lebedev không phải là nguy cơ đáng kể đối với Điện Kremli ngay cả
khi đã liên kết với một “thây ma chính trị” như SDPR mà Gorbachev muốn phục
dựng…
Không theo được thì chống
Trong bài trả lời phỏng vấn ngày
16/2/2012 cho đài Svoboda, Gorbachev đã phải cay đắng công nhận rằng, cùng với
sự tan rã Liên bang Xô viết, nỗi đau của ông ta không chỉ là đánh mất quyền lực
mà là mất cả nhân tâm. Mặc dù vẫn giữ cho mình ảo tưởng rằng, chính ông ta với
công cuộc cải tổ đã mang lại tự do cho cho không gian SNG nhưng đối với nhiều
người dân Xô viết cũ, cái gọi là tự do như thế chẳng có nghĩa gì khi tổ quốc
của họ không còn như họ quen nữa…
Nhìn chung, Gorbachev rất khó phục
dựng lại những gì mà ông ta đã có vì về bản chất, ông ta vẫn là một kẻ xu thời,
hoạt đầu, quen té nước theo mưa. Khi Vladimir Putin, cả ở trên cương vị Tổng
thống trước kia lẫn Thủ tướng hiện nay, đang trong thời thịnh trị, Gorbachev đã
không tiếc lời ca ngợi ông này. Thế nhưng, thời gian gần đây, cựu Tổng thống
Liên bang Xô viết đã đổi giọng rất quyết liệt. Ngay cả cách ông ta nói về ông
Putin với phóng viên Frank Nienhuysen của tờ báo Đức Sueddeutsche Zeitung (số
báo ra ngày 21/3) cũng dễ dàng bộc lộ ra thái độ quay quắt này: “Trong phần lớn
cuộc đời tôi đã có quan hệ bình thường với ông ấy (tức Vladimir Putin - TVT) và
ở mức độ nhất định nào đó tôi còn tin tưởng ở ông ấy. Thoạt tiên tôi đã cộng
tác với ông ấy, giúp đỡ ông ấy. Nhưng bỗng nhiên ông ấy gọi tất cả những người
đi phản đối ở quảng trường Bolotnaya và trên đại lộ Sakharov là kẻ thù. Quỷ
quái! Đó là nhân dân chứ!”.
Có thể kinh ngạc về sự thớ lợ và giả
dối của Gorbachev trong câu cảm thán này: có thể là bất kỳ ai chứ không phải
ông ta có quyền nói về nhân dân với giọng thương cảm như thế. Khi còn ở thế
thượng phong, ông ta đâu có quan tâm tới quyền lợi thực sự của người dân Xô
viết mà chỉ lo lắng cho cơ đồ chính trị của mình. Còn hiện nay, đơn giản là ông
ta muốn lợi dụng tâm lý bất mãn thực tại của một bộ phận nào đó trong người Nga
để may ra có thể vớt vát lại một phần những vốn liếng chính trị đã mất. Và vì
thế, ông ta sẵn sàng quay lưng lại những người mà ông ta đã rất mất công để lấy
lòng.
Gorbachev hiện đang rất muốn phong
trào phản đối Điện Kremli lan rộng hơn ở nước Nga vì chỉ như thế những chính
trị gia thất thế như ông ta mới may ra có cơ hội phục hồi. Thế nhưng, Moskva
vốn không tin vào nước mắt và lại càng không tin vào “nước mắt cá sấu”. Và chỉ
những ai thực sự dám đánh cược cả vận mệnh chính trị của mình cho quyền lợi
đích thực của nước Nga la tư mới may ra có thể chiếm lĩnh dược Điện Kremli để
thực thi công vụ, vì những mục tiêu dài hạn của một dân tộc do điều kiện lịch
sử, truyền thống văn hóa và yếu tố địa - chính trị của mình không bao giờ có
thể hòa tan với phương Tây được.
Trên bàn cờ chính trị thế giới, nước
Nga có một sứ mệnh riêng không thể chối bỏ để là một trong những yếu tố tối
quan trọng bảo tồn sự cân bằng đông tây cả ở thời nay và những thời sau nữa. Và
vì thế, những kẻ quen cõng rắn cắn gà nhà và vào hùa với những tiêu chí gọi là
dân chủ kiểu phương Tây chỉ để trục lợi cá nhân sẽ không bao giờ được người dân
Nga sùng tín.
Tống
Viết Trung
No comments:
Post a Comment