Từ cuộc gặp gỡ, trò chuyện với cụ Hoàng Nợ, một cận vệ từ xa của vua Bảo Đại, chúng tôi được rõ hơn về niềm đam mê săn bắn đến mãnh liệt của ông vua cuối cùng của triều Nguyễn. Nhưng điều lý thú vẫn chưa dừng lại ở đây. Ở lần gặp sau, cụ Hoàng Nợ đã có những chia sẻ, hồi ức ly kỳ về những lần tháp tùng Vua Bảo Đại cùng những mỹ nhân sắc nước nghiêng thành… lên rừng săn thú.
Bà Mộng Điệp cùng vua Bảo Đại trong chuyến đi săn ở Đăk Lăk. Ảnh tư liệu |
"Là mẹ vua, quyền cao chức
trọng muốn gì cũng được nhưng bà Từ Cung sống hiền lành, đơn giản, thương người
lắm" - cụ Nợ bật mí: "Tôi cùng nhiều anh em binh lính
không ít lần nhận được lộc của bà. Lộc của bà Từ Cung chẳng phải vàng bạc, châu
báu ngọc ngà nhưng xét ra còn quý hơn cả thảy. Những lần tôi được bà Từ Cung
ban lộc là thời điểm tôi được triều đình biên chế làm lính gác ở Thành Nội. Hồi
ấy tôi mới ngoài 20 tuổi. Bà Từ Cung có thói quen hay cúng vào ngày rằm. Và sau
khi nhang tàn, bà bao giờ cũng sai tỳ nữ mang bánh trái đến cho anh em binh
lính chúng tôi ăn lấy sức. Bà đối đãi với chúng tôi không phải kiểu của người
có quyền cao chức trọng với người hầu hạ, mà xem như con cháu, người
thân".
Căn cứ vào những tư liệu lịch sử của
triều Nguyễn và từ truyền tụng trong dân gian, mới biết cụ Nợ không quá lời khi
nhắc đến từ đức của bà Từ Cung. Là con của một quan tri huyện nhưng do cụ thân
sinh mất sớm nên từ nhỏ cuộc sống của Hoàng Thị Cúc (tên tục của bà Từ Cung)
rất khổ cực. Vì người anh trai là Hoàng Trọng Khanh đam mê tứ đổ tường nên gia
cảnh khánh kiệt, buộc Hoàng Thị Cúc phải đi làm thuê làm mướn để trang trải
cuộc sống và sau đó bị đưa vào cung làm cung nữ. Nhờ nhiều cơ duyên, Hoàng Thị
Cúc trở thành vợ Vua Khải Định.
Năm 1926, sau khi nối ngôi vua cha
là Hoàng đế Khải Định (băng hà năm 1925), Vua Bảo Đại đã phong cho mẹ mình là
Đoan Huy Hoàng Thái hậu, nhưng mọi người vẫn quen gọi là đức Từ Cung. Cụ Nợ cho
biết từ khi trở thành vợ Vua Khải Định hay lúc trở thành Hoàng Thái hậu, bà Từ
Cung luôn giữ tiết phong nhân hậu, thường đi chùa, sớm tối kinh kệ, niệm Phật,
thường xuyên ăn chay, chẳng màng đến sơn hào hải vị. Năm 1939, để tỏ lòng
hiếu thuận và vui lòng mẫu thân, vua Bảo Đại cho xây ngôi chùa đầu tiên ở Tây
Nguyên. Ông ghép 2 chữ đầu trong hiệu của vua cha (Khải Định) và mẹ (Đoan Huy
Hoàng Thái hậu) đặt tên cho chùa là Khải Đoan. Bà Từ Cung qua đời vào năm 1980.
Thời điểm này, Vua Bảo Đại đang sống lưu vong ở Pháp.
Chúng tôi hỏi cụ Nợ rằng đã bao giờ
bà Từ Cung cùng con trai là Vua Bảo Đại đi săn bắn hay bà có gây áp lực gì để
cản ngăn thú vui của con trai mà bà cho là sát sinh? Cụ Nợ trả lời chẳng chút
đắn đo: "Chuyện bà ngăn cản Vua Bảo Đại thôi lên rừng săn thú thì ai cũng
biết. Riêng chuyện gây áp lực thì tôi chưa nghe, chưa biết bao giờ! Bởi
từ hồi là lính gác ở Thành Nội đến khi theo Vua Bảo Đại rời kinh thành vào Nam,
lên Tây Nguyên, tôi với thân phận thấp hèn chỉ ở khoảng cách xa, có bao giờ
được gần vua hay gần Hoàng Thái hậu đâu mà biết rõ nhiều sự tình. Nhưng điều
tôi có thể khẳng định là bà Từ Cung không bao giờ rời khỏi Huế, dù rằng có
những lúc Huế chìm trong binh đao khói lửa…".
Trở lại chuyện tháp tùng Vua Bảo Đại
lên rừng săn thú, chúng tôi hỏi cụ Nợ rằng Vua Bảo Đại thường đi săn một mình,
hay ông đi với các bà phi? Và có khi nào ông lên rừng đi săn cùng Hoàng hậu Nam
Phương? Cụ Nợ tuôn một mạch: "Nói thật bà Nam Phương tôi chẳng gặp bao
giờ. Tôi chỉ nghe nói bà như bà Từ Cung, không thích chuyện bắn giết nên không
hào hứng, cổ xúy gì chuyện lên rừng săn thú của Vua Bảo Đại. Mặt khác hồi Vua
Bảo Đại ở Tây Nguyên chuyên tâm lên rừng săn thú, bà Nam Phương khi ấy chừng
như đang ở Pháp. Sau này tôi được biết rằng bà Nam Phương sống không hòa hợp
với bà Từ Cung và mệt mỏi với tính trăng hoa của Vua Bảo Đại nên bà chẳng bận
tâm việc ông làm gì, sống với ai…".
Cụ Nợ, nhấn giọng: "Là tôi nghe
nói thế thôi, chứ sự thật thế nào thì sao mà biết được. Tôi chỉ biết trong
quãng thời gian 4 năm tôi theo Vua Bảo Đại, chỉ thấy ông đi săn với các bà khác
thôi. Còn Hoàng hậu Nam Phương và các con thì chưa bao giờ!".
- Cụ có thể nói rõ Cụ từng theo Vua
Bảo Đại đi săn cùng những mỹ nữ, người đẹp nào không?
- Tôi chỉ gặp các bà Mộng Điệp, bà
Phi Ánh, bà Jenny mà thôi!
Vua Bảo Đại có 8 người vợ cùng nhân
tình và 13 người con cả trai lẫn gái. Cũng nên nói rõ về 3 bóng hồng mà cụ Nợ
khẳng định từng theo chân ông vua cuối cùng của triều Nguyễn lên rừng săn thú.
Bà Mộng Điệp sinh năm 1924, người tỉnh Bắc Ninh. Khi đến với Vua Bảo Đại, bà
Mộng Điệp đã là gái có chồng, có con riêng. Biết là vậy nhưng vì không cưỡng lại
được nhan sắc chim sa cá lặn của "gái một con" mà Vua Bảo Đại đã ngất
ngây, quên lời hứa "một vợ một chồng" với Hoàng hậu Nam Phương sau
hơn chục năm chung sống và ngồi trên ngai vàng triều Nguyễn.
Bà Jenny (Hoàng Tiểu Lan, hay Jenny
Woong) là vũ nữ Trung Hoa lai Pháp. Tháng 3/1946, cùng phái đoàn Việt Nam Dân
chủ Cộng hòa sang Trùng Khánh thăm viếng Trung Hoa, không như các đại
biểu khác sau chuyến đi đã trở về nước, Vua Bảo Đại ở lại Trung Quốc. Trong
thời gian này ông sống túng thiếu và được bà Jenny yêu thương, chu cấp. Sau này
nhớ ân tình xưa, Bảo Đại đã đưa bà Jenny sang Việt Nam cùng hưởng vinh hoa phú
quý. Bà Phi Ánh được sử sách ghi nhận là người miền Trung, chỗ thân quen của
Thủ hiến Trung Kỳ Phan Văn Giáo. Là mỹ nữ sắc nước nghiêng thành nhất trong
nhiều giai nhân trong cuộc đời Vua Bảo Đại, bà Phi Ánh sinh cho Vua Bảo Đại 2
người con là hoàng nam Bảo Ân và hoàng nữ Phương Minh.
Chúng tôi tiếp tục trò chuyện với cụ
Hoàng Nợ về hành trình lên rừng săn thú của Vua Bảo Đại cùng những người tình:
"Trong 3 bà ấy, bà nào thường đi săn với Vua Bảo Đại nhất, thưa Cụ?
- Thường xuyên nhất là bà Mộng Điệp
(thọ 87 tuổi, mất tại Pháp). Bà ấy đẹp lắm, bà là người rất vui tính và rất
được Vua Bảo Đại cưng chiều. Sau bà Mộng Điệp là bà Jenny. Bà này ăn mặc rất
thoáng mà giới trẻ bây giờ gọi là "mặc mát mẻ", bà hay mặc đồ lụa
trắng và cưỡi ngựa rất giỏi. Tuy nhiên, mỗi năm bà Jenny chỉ được đi săn cùng
với Vua Bảo Đại 5 - 7 lần. Riêng bà Phi Ánh một năm chỉ được có 1 lần thôi!
- Cụ có biết vì sao bà Mộng Điệp lại
được Vua Bảo Đại cưng chiều và thường ban cho cùng đi săn với vua, không?
- Vì bà có cùng sở thích săn bắn,
biết san sẻ niềm vui, cổ vũ, hoan hô mỗi khi Vua Bảo Đại bắn trúng mãnh thú. Bà
Mộng Điệp còn biết lái xe hơi, biết cưỡi voi, biết săn thú nên rất tâm đầu ý
hợp với Vua Bảo Đại. Vì lẽ đó ông rất cưng chiều bà!
Đấy là giải thích của cụ Nợ. Còn
theo tìm hiểu của chúng tôi, sở dĩ bà Mộng Điệp thường sát cánh cùng Vua Bảo
Đại những lúc ông vua phong lưu này rong ruổi săn mãnh thú nơi rừng sâu bởi bà
là người biết cách chiều chuộng vua và bà Từ Cung, tận tụy với việc hương khói
cho tổ tiên nhà Nguyễn. Và trong quãng thời gian Vua Bảo Đại sống trên
đất Tây Nguyên, nay Đà Lạt, mai Buôn Mê, bà Mộng Điệp gắn bó với Bảo Đại
không rời bước, trổ tài quán xuyến mọi sự để ông được thỏa niềm đam mê ăn chơi,
săn bắn của mình. Thế nên việc bà Mộng Điệp được Vua Bảo Đại hết mực cưng chiều
là không có gì lạ.
Thấy cụ Nợ hào hứng khi kể lại
chuyện xưa, chúng tôi không bỏ lỡ cơ hội, hỏi tới: "Bà Mộng Điệp có
bao giờ trực tiếp lái xe chở Vua Bảo Đại đến điểm săn? Thường bà Mộng Điệp hay
các bà phi khác đến điểm săn như thế nào, đi cùng Vua hay cách nào khác?".
Cụ Nợ, hắng giọng: "Chuyện ấy tôi không bao giờ biết được. Thường thì trước
khi Vua Bảo Đại đi săn, chúng tôi nhận được lệnh lên đường làm nhiệm vụ rà
soát, kiểm tra, gác chặn… Khi mọi việc cảnh giới ổn thì Vua Bảo Đại cùng tùy
tùng mới đến!
Cụ Nợ lưu ý: "Trong 3 bà phi kể
trên, bà Mộng Điệp tuy không đẹp bằng bà Jenny nhưng bà là người cởi mở, sống
rất thoáng. Khi vào rừng gặp con suối đẹp, bà ấy không ngại chuyện “tắm tiên”…
Vua Bảo Đại cũng vậy. Hai người sẵn sàng cởi đồ trầm mình dưới suối, tắm xong
thì có người hầu lau chùi cơ thể kỹ lưỡng".
- Thường hay cùng Vua đi săn, vậy có
khi nào cụ thấy bà Mộng Điệp giương súng ngắm bắn thú không?
- Tôi chưa thấy bao giờ! Như tôi đã
nói, tôi chỉ thấy dáng bà ấy cũng như bà Jenny, bà Phi Yến từ xa thôi. Những
khi Vua Bảo Đại bắn được cọp, nai, tôi cùng những cận vệ khác đến khiêng con
thú vào trong cứ nhắm thẳng hướng mà đi, mắt không được phép láo liêng. Nên dù
rằng có lúc bà Mộng Điệp đứng sát Vua Bảo Đại, tôi cũng không dám liếc
mắt nhìn bà ấy, vì như vậy là phạm thượng! Nhưng tôi biết là bà Mộng Điệp là
người rất dạn dĩ, mạnh mẽ. Có những khi Vua Bảo Đại bắn được cọp, bà ấy không
như phụ nữ thường tình thấy là miệng xuýt xoa, tỏ rõ sự sợ hãi. Bà Mộng Điệp
thì bình thản lắm!
- Bà Mộng Điệp hay các bà Phi Yến,
bà Jenny có bao giờ ăn thịt những con thú mà Vua Bảo Đại bắn hạ không?
- Không bao giờ! Vua Bảo Đại không
ăn và các bà ấy cũng vậy!
Chúng tôi hỏi cụ Nợ có lưu giữ hình
ảnh nào liên quan đến những chuyến tháp tùng Vua Bảo Đại đi săn thú cùng mỹ
nhân, cụ lắc đầu với giải thích: "Tôi chỉ là lính, theo vua hầu được 4
năm, rồi sau đó bị số phận, thời cuộc dịch chuyển nên chẳng giữ được gì".
Thật may là khi biết được ý định của chúng tôi, một người bạn đã gửi tặng tấm
hình tư liệu chụp bà Mộng Điệp cùng Vua Bảo Đại trong một chuyến đi săn tại
Buôn Mê (Đắk Lắk) của nhà nghiên cứu Huế Nguyễn Đắc Xuân.
Trong tấm hình trắng đen này, Vua
Bảo Đại tóc để 2 mái, mặc đồ túi hộp, đang chăm chú xem báo. Bà Mộng Điệp dáng
đài các, tóc bồng bềnh như suối mây, bà mặc trang phục Tây, tay cầm chiếc nón
vải. Bìa trái là hình ảnh một cận vệ tay cầm súng, tay cầm con gà lôi hoặc chim
công giơ ra phía trước, chừng như để Vua Bảo Đại xem chiến tích của ông! Nhìn
kỹ người cận vệ, mới thấy đúng như chia sẻ của cụ Nợ, anh ta không dám nhìn
thẳng vào Vua Bảo Đại và bà Mộng Điệp, anh ta thẳng tay đưa con vật về phía nhà
vua cùng mỹ nhân, và mắt hướng nhìn nơi khác!
Thành
Dũng
Nguồn: ANTG
No comments:
Post a Comment