Trong không khí vui vẻ, chuẩn bị đón xuân 1965, nhà thơ Tố Hữu đến thăm
trường, trước lúc chúng tôi đi Nam.
|
Sau khi cung cấp một số tình hình chính trị - xã hội ở miền
Nam, đặc biệt, vấn đề văn hóa, văn nghệ các đô thị, Tố Hữu giới thiệu bài thơ
ông vừa sáng tác, trong bài thơ có câu:
Nghé con mầy đứng cho ngoan
Chớ ăn hết lá hàng xoan mới trồng.
Lúc giải lao, Tố Hữu gặp anh em, chuyện thân mật, xởi lởi,
chừng muốn nghe ý kiến về bài thơ đó. Lê Ái Mỹ, sau này là Đinh Thành Lê, báo Lao
Động, nói:
- Thưa anh, bài thơ hay, nhưng có một câu, theo chúng tôi
không đúng.
Tố Hữu điềm tĩnh hỏi:
- Như câu nào?
Lê Ái Mỹ liền đáp, vẻ khẳng định:
- Cái câu nghé ăn lá xoan đó. Nghé không bao giờ ăn!
- Vì sao?
- Lá xoan cay lắm. Xoan ở miền Nam gọi là cây sầu đông, hay
thầu đâu, rất nồng! - Anh giảng giải tiếp: Giống cây vừa nồng vừa nóng, người
ta hay dùng để dú trái cây, rất mau chín.
Sau hồi tranh luận, Tố Hữu nhẹ nhàng nói:
- Thôi, nghé không ăn thì tác giả ăn vậy.
Tất cả cười xòa. Lê Ái Mỹ liền ứng tác:
Tố Hữu bị bí vần oan
Nên đành để nghé ăn xoan mới trồng.
Tố Hữu gật gật, cười…
Vài năm sau, ở miền Nam, tình cờ chúng tôi bắt gặp bài thơ
đó được in trên một tờ báo khác, thấy câu thơ được chữa:
Nghé con mầy đứng cho ngoan
Chớ xô hàng chuối, hàng xoan mới
trồng.
Câu thơ Tố Hữu chữa lại, Đinh Thành Lê không được đọc thấy –
anh đã hy sinh ở chiến trường Khu V trước đó một tuần.
NGUYỄN TRUNG HIẾU
No comments:
Post a Comment