.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Saturday, April 14, 2012

CÁI THÚ Ở NHÀ TẮM CÔNG CỘNG


Tôi nghe nói bên xứ Thổ Nhĩ Kỳ có những nhà tắm rất hay ho các ngài ạ. Khi nào muốn tắm, ta cứ lừng lững đi vào, cởi hết quần áo, đút trong một ngăn tủ đặc biệt rồi cứ thế ung dung dội nước và kỳ cọ tha hồ. Không phải vừa tắm vừa lo ngay ngáy rằng đồ đạc quần áo của mình có thể bị đánh cắp hay bị thất lạc như ở nhiều nơi khác.



Nếu là người cẩn thận, ưa phòng xa thì chỉ cần dặn khẽ anh bảo vệ ngồi ngoài cửa một câu đại loại như thế này là đủ: “Làm ơn nhòm hộ cho tí nhé!”.Có thế thôi. Lúc tắm xong, bước ra thì quần áo đã được giặt giếc, ủi iếc tươm tất, đàng hoàng. Đôi vớ sạch trắng như bông, có khi còn trắng hơn bông. Sướng thật!
Ở xứ ta, các nhà tắm công cộng cũng được kể vào hạng khá, tuy chất lượng có kém đi. Nhưng chỉ kem kém ít thôi, vì dù sao cũng còn là những nơi đáng cho ta vào tắm qua một lần cho biết.
Chỉ bực về nỗi những cái thẻ! Hôm thứ bảy tuần trước, tôi đi tắm trong một nhà tắm công cộng của ta, vì thực ra các ngài cũng biết cho, chả nhẽ mỗi lần tắm các ngài lại bảo tôi phải cất công sang tận xứ Thổ Nhĩ Kỳ?
Thế là thoạt tiên người ta phát cho tôi hai cái thẻ. Thẻ thứ nhất là thẻ gửi quần đùi, thẻ thứ hai là thẻ gửi áo khoác và mũ. Lúc bấy giờ, tôi đang tô hô như nhộng, thành thử không biết cất hai cái thẻ vào đâu. Chẳng có cái túi cái tiếc nào! Nhìn lên cũng trùi trũi, nhìn xuống cũng trũi trùi, chỉ thấy trơ ra mỗi cái bụng và hai cái đùi trắng hếu. Thực là khổ vì thẻ! Treo nó vào râu ư? Ai lại treo như thế bao giờ?
Thôi thì đành buộc vào mỗi bên chân một cái, để đừng đánh mất. Buộc xong, tôi đi vào phòng tắm. Hai cái thẻ, theo nhịp bước, cứ đập lạch bạch vào chân. Tôi cảm thấy khó chịu quá, nhưng không có cách nào khác, vì lúc ấy tôi còn phải đi tìm chậu. Tắm mà không có chậu thì còn tắm thế nào? Khổ thực!
Thế là có màn bổ đi tìm chậu. Và ôi chao, may mắn chửa! Lúc tôi đang đảo mắt tìm thì vừa vặn gặp ngay một bố kia đang một mình chiếm lĩnh đến những ba cái chậu. Cái thứ nhất, hắn bước vào đứng gọn thon lỏn luôn ở bên trong, cái thứ hai hắn dùng vào công việc gội đầu, cái thứ ba hắn giữ chặt khư khư như giữ mả tổ, ý chừng sợ có người cướp mất.
Tôi liền xông lại, nắm lấy cái chậu thứ ba. Nhưng hắn nhất định không buông, đẩy tôi một cái và hét tướng lên:
- Này… này… định giở trò gì? Chôm chỉa phải không? Tớ lại đập cái chậu này vào mặt, gãy cha nó mấy cái răng khểnh bây giờ…
Đấy… những quân chưa chi đã giở giọng đểu cáng mất dạy. Ghét quá, tôi cũng không nhịn, bĩu môi:
- Ái chà… tưởng ghê gớm lắm phỏng? Đập chậu vào mặt người ta! Làm như còn ở chế độ Sa hoàng quen ngón áp chế không bằng!... Sao ích kỷ thế? Để người khác tắm với chứ! Nếp sống lịch sự văn minh đâu cả?!!
Thằng cha kể cũng trơ! Mặc cho tôi xỉ vả, hắn cứ tỉnh bơ như không, tiếp tục dội nước ào ào.
Lúc ấy, tôi nghĩ bụng: “Chả nhẽ cứ đứng đợi mãi ở đây? Tình hình này thì rất có khả năng là hắn sẽ tắm mãi đến ngày mai, đến ngày mốt, đến ngày kia cũng chả biết chừng!...”.
Nghĩ thế, tôi bèn bỏ đi nơi khác.
Độ một giờ sau thì… ơ… may quá! Một bố khác, hình như đã tắm quá lâu, đang ngủ gà ngủ gật và buông rơi đánh độp cái chậu xuống sàn nhà. Tôi không bỏ lỡ dịp tốt, lao vút đến, vớ lấy cái chậu và chạy biến ra xa.
Nhưng đến lúc đã có chậu rồi thì tôi lại phải đương đầu với vấn đề tìm một chỗ ngồi để tắm. Đâu đâu cũng chật ních cả. Mọi người chen chúc san sát vào nhau. Nghĩ tắm mà không được ngồi thì thực là mất thú. Rắc rối thế!
Nhưng tôi không còn biết làm thế nào hơn, đành tắm trong tư thế đứng, một tay nắm chặt cái chậu, một tay dội nước lên đầu. Ở bốn phía xung quanh, bên trái, bên phải, đằng trước, đằng sau tôi, người ta không tắm nữa mà cứ giặt, giặt tíu tít cả lên. Kẻ giặt cái quần dài, người cái quần ngắn, người khác cái khăn, và cứ thế lung tung, ồn ào như chợ vỡ. Tôi tắm vừa sạch được một tí thì đã bị bọt xà phòng, từ đâu không biết, bắn đến tung tóe khắp người.
Tiếng hét, tiếng gọi nhau, tiếng văng tục vang lên nhức óc, đến nỗi dù có nhiều thiện chí đi tắm đến đâu chăng nữa người ta cũng không tài nào tắm được. Trước đây, ở nhà, mỗi lần cầm mẩu xà phòng xát lên người tôi vẫn nghe có tiếng kêu sột soạt, ấy thế mà lúc ấy thì lại chẳng nghe thấy tiếng gì. Tai tôi ù, đầu tôi choáng váng. Và cuối cùng thì tôi tự bảo: “Mặc xác chúng nó chứ… Ông mệt lắm rồi! Tắm ở đây chả ăn được cái giải gì. Về tắm ở nhà cũng tốt…”. 
Tôi đi ra quầy gửi quần áo, đưa thẻ. Người ta mang các thứ ra trả lại tôi. Còn đủ cả, nhưng lúc tôi xem kỹ lại thì cái quần dài lại là quần của một người nào ấy.
Tôi nói:
- Quần của tôi, miếng vá nằm ở chỗ khác chứ không phải ở chỗ này…
Anh bảo vệ nhìn tôi, cau mặt:
- Này… này… Đừng có làm cho người ta mất thì giờ. Chẳng miếng vá miếng vung gì cả! Người có nếp sống văn minh lịch sự không ai lôi thôi như bác.
Thế là tôi tịt, đành mặc cái quần ấy. Mặc xong, tôi hỏi đến áo khoác. Lại phải chìa thẻ ra. Nhưng thẻ áo khoác tôi vẫn còn buộc ở dưới bắp chân. Phải cởi quần ra tìm thẻ. Lúc cởi được quần, tìm mãi, vẫn không thấy thẻ đâu. Sợi dây buộc còn lủng lẳng dưới chân nhưng thẻ thì đã biến mất đằng nào. À, thì ra lúc nãy tôi vô ý dội nước vào mảnh giấy đã rã nát ra như cám.
Tôi đưa mẩu dây cho anh bảo vệ. Anh ta lắc đầu, trừng mắt:
- Gì thế này?... Thẻ đâu?... Dây thì ai chả có, muốn cắt lấy bao nhiêu chả được… Nếu ai cũng như bác, không đưa thẻ mà chỉ đưa mẩu dây thì có mà loạn mất… Thôi, bác hãy thủng thẳng ngồi chờ. Lát nữa, lúc xong việc, nếu còn lại cái áo khoác nào thì là của bác. Tôi sẽ đưa cho.
Tôi đáp:
- Nhưng nhỡ chỉ còn lại mỗi cái khoác thổ tả, rách bươm như tổ đỉa thì sao? Lập luận như anh thực không có tí gì gọi là có tính cách văn minh lịch sự cả! Này nhé!... Tôi hãy tả để anh biết qua hình dáng cái áo của tôi. Trên áo có hai cái túi, cái thứ nhất có rách một mảng khá to, cái thứ hai thì từ lúc tậu áo đến giờ tôi chưa được trông thấy mặt mũi nó ra sao. Riêng về hàng cúc áo thì độc nhất chỉ có một cái ở bên trên. Những cái kia thì cứ kể là không có trong danh sách.
Cuối cùng, nói mãi, người ta cũng trả lại cho tôi, cả áo khoác, cả mẩu dây.
Tôi cầm lấy, mặc vào, chỉnh tề, tươm tất và bước ra đường. Bỗng tôi chợt nhớ là còn quên bánh xà phòng.
Tôi quay lại, nhưng anh bảo vệ không cho tôi vào nữa, viện lẽ là những ai muốn vào phải cởi hết quần áo ra trước đã.
Tôi nói:
- Nếu như thế chẳng hóa ra là trong một ngày tôi phải cởi quần áo đến những ba lần à? E rằng không hợp với nếp sống văn minh lịch sự. Thôi, tôi chỉ xin được hoàn lại một ít tiền. Tôi đi mua bánh xà phòng khác vậy.
- Không có chuyện hoàn lại tiền vô lý như thế được.
Nếu đã như thế thì tôi chỉ còn nước lủi thủi về nhà.
***
Đọc truyện này chắc sẽ có bạn tò mò muốn biết cái nhà tắm trứ danh được mô tả ở trên là cái nhà tắm nào, to hay bé, thuộc loại bao nhiêu sao và nằm tại quận nào trong thành phố.
Những câu hỏi ấy, thú thực là tôi không trả lời được, vì tôi hoàn toàn mù tịt. Tôi chỉ biết mỗi một việc là ở đấy lúc vào cửa, tôi đã phải mua cái vé đến những mười kôpếch.

MIKHAIL ZOSHCHENKO 
NGUYỄN MINH HOÀNG dịch
Mikhail Zoshchenko là một trong những nhà văn trào phúng lớn của Nga. Ông sinh năm 1895 tại Saint Petersburg, mất năm 1958. Hồi xảy ra thế chiến thứ nhất, ông tình nguyện tòng quân. Năm 1917, ông gia nhập Hồng quân. Khi xuất ngũ, ông làm rất nhiều nghề: dạy cơ khí ở một nông trại tập thể, làm thám tử, làm nghề gá bạc, làm thư ký đánh máy chữ… Cuối cùng, ông bước vào nghề văn với những truyện mô tả rất sinh động, dí dỏm những cảnh sinh hoạt trong đời sống hằng ngày.

1 comment: