.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Saturday, April 14, 2012

ĐÓN ĐỌC TẠP CHÍ LÝ LUẬN, PHÊ BÌNH VĂN HỌC NGHỆ THUẬT SỐ ĐẦU TIÊN


Tạp chí Lý luận, phê bình VHNT ra số đầu vào ngày 21-6


Tạp chí Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật sẽ phát hành số 1 đúng vào dịp kỷ niệm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6/2012 và phải tạo ấn tượng ngay, tiếp đó có kế hoạch nuôi dưỡng, phát triển Tạp chí với nhiều bài viết chất lượng.
Sáng 11/4, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương đã tổ chức kỳ họp thứ ba, trọng tâm là triển khai cụ thể Đề án khoa học cấp Nhà nước “Xây dựng hệ thống lý luận văn nghệ Việt Nam”. Tới dự có đồng chí Vũ Ngọc Hoàng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương.

Sau kỳ họp thứ hai (diễn ra vào tháng 12/2011 tại TP. HCM), Thường trực Hội đồng đã có nhiều cuộc làm việc xin ý kiến của Thường trực Ban Bí thư, lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, lãnh đạo Ban Tổ chức Trung ương, trong đó có nội dung về bổ sung, kiện toàn nhân sự, tổ chức bộ máy của Hội đồng nhiệm kỳ 2011 - 2015.
Thực hiện Chương trình "Tặng thưởng các công trình lý luận, phê bình văn nghệ tiêu biểu năm 2011 - 2012", Hội đồng đã tập hợp, thẩm định, phân loại các tác phẩm lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật và xây dựng kế hoạch trao thưởng được tổ chức vào cuối năm nay. Theo đề nghị của Hội đồng, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ra quyết định cho phép nâng Bản tin của Hội đồng thành Tạp chí Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật.
Một nội dung quan trọng được các thành viên Hội đồng thảo luận kỹ tại kỳ họp lần này là kế hoạch và các bước triển khai Đề án “Xây dựng hệ thống lý luận văn nghệ Việt Nam” do Hội đồng chủ trì. Mục tiêu tổng quát của Đề án là trên cơ sở tổng kết, sẽ đánh giá toàn diện quá trình hình thành, phát triển, thành tựu, hạn chế và những vấn đề đặt ra trong lý luận văn nghệ Việt Nam từ đầu thế kỷ XX đến nay; đề xuất và hoàn thành một công trình về lý luận văn nghệ Việt Nam, đáp ứng yêu cầu nghiên cứu, giảng dạy, học tập và vận dụng trong đời sống văn học, nghệ thuật Việt Nam thời kỳ mới…
Đề án được triển khai theo 2 giai đoạn: Xây dựng định hướng và những nội dung cơ bản trong hệ thống văn nghệ Việt Nam (2012-2015) và hoàn thành việc xây dựng hệ thống lý luận văn nghệ Việt Nam (2016-2020), có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự nghiệp văn học, nghệ thuật nước ta trong thời kỳ CNH-HĐH đất nước.
Từ trước đến nay, chưa có một công trình nào bàn về lý luận mỹ học (cả văn học và các loại hình nghệ thuật) mà chỉ có các cuốn sách riêng về lý luận văn học cho các nhà trường. Những vấn đề lý luận về các loại hình nghệ thuật hầu như chưa được bàn đến. Trong khi đó, lĩnh vực lý luận văn nghệ có vai trò rất quan trọng, trực tiếp tổng kết thực tiễn, chỉ ra những quy luật của sự phát triển văn học, nghệ thuật. Từ đó, góp phần định hướng, điều chỉnh sáng tác văn học, nghệ thuật của một quốc gia, một dân tộc.
Hầu hết ý kiến của các thành viên Hội đồng đều cho rằng, xây dựng hệ thống lý luận văn nghệ Việt Nam là một công việc vô cùng khó khăn, cần phải huy động trí tuệ của các nhà nghiên cứu, các chuyên gia đầu ngành. Trong thời buổi công nghệ thông tin, phải tận dụng những thành tựu của khoa học công nghệ để vừa phát huy mọi nguồn lực, vừa tiết kiệm các chi phí.
Một số ý kiến khác cho rằng, Đề án phải mang tính thời đại, nếu không sẽ lỗi thời. Cần có những cuộc khảo sát, tập hợp ý kiến của các chuyên gia trước khi đưa ra những giải pháp thích hợp. Thường trực Hội đồng cần chỉ đạo sát sao và tập hợp những người thật sự có năng lực để Đề án hoàn thành đúng tiến độ.
Phát biểu tổng kết kỳ họp, PGS.TS Nguyễn Hồng Vinh, Chủ tịch Hội đồng lý luận phê bình VHNT Trung ương khẳng định: triển khai Đề án “Xây dựng hệ thống lý luận văn nghệ Việt Nam” là một việc phức tạp, nặng nề, nhưng vẫn phải làm. Ban Bí thư Trung ương Đảng giao cho Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương thực hiện Đề án này là đúng người, đúng việc. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện Đề án cần phải tuân theo một lộ trình nhất định và sẽ hoàn thành vào năm 2015. Hội đồng khóa sau sẽ tiếp tục bổ sung, hoàn thiện.
Về những nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới: Tạp chí Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật sẽ phát hành số 1 đúng vào dịp kỷ niệm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6/2012 và phải tạo ấn tượng ngay, tiếp đó có kế hoạch nuôi dưỡng, phát triển Tạp chí với nhiều bài viết chất lượng.
Ngay sau thành công của Hội thảo khoa học “Nâng cao chất lượng, hiệu quả phê bình văn học”, Hội đồng sẽ tổ chức tiếp các cuộc hội thảo, tọa đàm để nâng cao chất lượng, hiệu quả lý luận, phê bình ở các chuyên ngành nghệ thuật khác, tạo tiền đề cơ bản cho việc xây dựng một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Đồng chí Vũ Ngọc Hoàng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo TW phát biểu: Đây là một công việc hết sức có ý nghĩa, liên quan đến con người, là yếu tố hình thành nhân cách con người. Công việc này hoàn thành hay không phụ thuộc vào phương pháp tổ chức của Hội đồng vì Hội đồng là cơ quan có đủ điều kiện tập hợp trí tuệ xã hội mà những cơ quan chuyên môn khác không có. Tuy nhiên, cần đẩy nhanh tiến độ hoàn thành đề án và nên kết thúc vào đúng nhiệm kỳ của Hội đồng.
Trong các phương pháp nghiên cứu, nên chú trọng phương pháp chuyên gia rồi giao cho một số người chắp bút. Bên cạnh đó, cần tổ chức các buổi tọa đàm hẹp ý nghĩa hơn các cuộc hội thảo lớn, có thể dùng chính Tạp chí của Hội đồng để làm diễn đàn trao đổi và Ban Tuyên giáo Trung ương sẽ luôn đồng hành cùng Hội đồng trong quá trình triển khai thực hiện Đề án.

NGUYỄN TUẤN
Nguồn: CAND

1 comment:

  1. Hội đồng này là Hội đồng theo dõi các nhà văn, ép cho họ đi đúng lề phải. Đây là Hội đồng lý luận trung ương 2.

    ReplyDelete