.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Wednesday, April 4, 2012

“DỊ NHÂN” VỚI KỲ CHIÊU ĐẠO VĂN DỄ DÀNG TÂNG BÓNG QUA ĐẦU CÁC THI THỦ Ở TẠP CHÍ THƠ – HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM !?


Thơ Nguyễn Thị Đạo Tĩnh bị bạn thơ “biến tấu”

Đạo văn, đạo thơ, đạo nhạc… đã từng được dư luận phê phán nhiều trên báo chí và các phương tiện thông tin. Những tác giả chân chính, khi buộc phải dùng lại dù chỉ một chữ của người khác trong tác phẩm của mình đều có chú thích cho bạn đọc biết, nếu không tìm được chữ khác tương đồng.
Trước Nguyên tiêu năm 2009 một tuần, tôi đọc Tạp chí Thơ ngay trong phòng của ban biên tập tạp chí này ở trụ sở Hội Nhà văn.Số 2- 2009, trang 12 có in bài thơ Hoài khúc tháng ba của tác giả Nguyễn Ngọc Hưng. Tôi ngờ ngợ, hình như đã đọc bài thơ giống bài thơ này của tác giả khác. Chưa tin hẳn vào trí nhớ tức thời của mình, đồng thời ý thức được vấn đề này nếu nói không đủ cơ sở, sẽ ảnh hưởng xấu đến danh dự của tác giả Nguyễn Ngọc Hưng; nên tôi không vội nói ngay với ban biên tập Tạp chí Thơ. 
Ngay khi về đến nhà, trí nhớ của tôi đã được khẳng định là có cơ sở. Tôi xin chép nguyên văn hai bài thơ để bạn đọc cùng xem xét.
Bài Khúc hát tháng ba của nhà thơ Nguyễn Thị Đạo Tĩnh viết tháng 3 năm 2003, in trong tập thơ Miền hoa dại, Nhà xuất bản Hội Nhà văn 2006:
Đào đã tàn từ lâu
Mà sen thì chưa tới
Ngoài khung cửa
một khoảng trời chới với
Tháng ba
Bông lựu đơn nở vội trước hiên nhà
Một chấm đỏ như lời yêu vừa chín
Ai đan áo Nàng Bân
Cho mùa đông bịn rịn
Chỉ một chút thôi
đủ để rét ngọt ngào
Mẹ ta ngồi vo gạo cầu ao
Tiếng vỗ rá nghe sao mà thân thuộc
Ta thương quá tháng ba ngày trước
Củ khoai gầy lát sắn mỏng thay cơm
Em ta giờ áo mặc đẹp hơn
Mắt lóng lánh nét cười rạng rỡ
Em không phải như ta xưa chăn trâu cắt cỏ
Chân lấm bùn đầu đội nắng trưa
Mẹ mừng thừa gạo trắng tháng ba
Lúa con gái đang thì thơm ngậy đất
Mẹ làm bánh trôi
Mẹ làm bánh chay
Mẹ làm bánh khúc
Kính cẩn dâng trời đất tổ tiên
Những cũ càng không thể gọi tên
Đã nuôi lớn bao cánh buồm trai trẻ
Dù đi muôn phương
Ta muốn được như ngày thơ bé
Trở về nhà bên mẹ
Sà vào khói bếp tháng ba
Mỹ Lộc 3 -2003
Còn bài Hoài khúc tháng ba của tác giả Nguyễn Ngọc Hưng viết ngày 22 -3 – 2008.
in ở trang 12, Tạp chí Thơ số 2 -2009 :
Đào lụi lâu rồi sen chưa tới
Một mình một ô cửa tháng ba
Thiết tha vừa chín hay nở vội
Lựu loe lửa đỏ trước hiên nhà
Lỡ giấc mùa đông chưa kịp áo
Vào giêng hai nắng đã ấm dần
Có phải thương người cam phận đắng
Tháng ba về rét ngọt Nàng Bân
Giấu nỗi gì tháng ba văn vắt
Như thể ao chờ bóng mẹ ta
Mỗi lần vo gạo người soi mặt
Khoe với rong rêu chút ngọc ngà
Bìu ríu đi qua ngày giáp hạt
Tóp teo lát sắn mỏng khoai gầy
Thương quá những tháng ba ngày trước
Cơm thường cõng củ, cá-rô-cây!
May được tháng ba thừa gạo trắng
Dậy thì lúa ngập gió đồng xanh
Bánh trôi bánh khúc dâng trời đất
Người kính tổ tiên đặng phước lành
Không còn phải chăn trâu cắt cỏ
Thì thụp lội bùn đội nắng trưa
Được phút thảnh thơi ngồi độc ẩm
Lại ngậm ngùi thương tháng ba xưa
Những muốn chạy ngay về với mẹ
Mẹ không còn nữa tháng ba ơi
Thanh minh lặng lẽ lên đồi vắng
Rưng rưng mây khói trắng mây trời
22/3/2008
Thử điểm theo thứ tự dòng và kết cấu hai bài thơ, sao có sự trùng lặp từng chi tiết đến vậy (để tiện theo dõi, bài Khúc hát tháng ba của Nguyễn Thị Đạo Tĩnh in chữ đứng, bài Hoài khúc tháng ba của Nguyễn Ngoc Hưng in chữ nghiêng )
Đào đã tàn từ lâu. Mà sen thì chưa tới —-  Đào lụi lâu rồi sen chưa tới
Khung cửa… Tháng ba       —– Ô cửa tháng ba
Bông lựu… Một chấm đỏ                   ——–  Lựu loe lửa đỏ
Nàng Bân… đủ để rét ngọt ngào   ——— Tháng ba về rét ngọt Nàng Bân
Mẹ vo gạo cầu ao              ——— Ao chờ bóng mẹ ta mỗi lần vo gạo
Ta thương quá tháng ba ngày trước —–Bíu ríu đi qua ngày giáp hạt
Củ khoai gầy lát sắn mỏng thay cơm —-Tóp teo lát sắn mỏng khoai gầy
Mẹ mừng thừa gạo trắng tháng ba   —-May được tháng ba thừa gạo trắng
Lúa con gái đang thì thơm ngậy đất  —-Dậy thì lúa ngập gió đồng xanh
Mẹ làm bánh trôi… Mẹ làm bánh khúc —-Bánh trôi bánh khúc dâng trời đất
Kính cẩn dâng trời đất tổ tiên  —-Người kính tổ tiên đặng phước lành
Em không phải như ta xưa
chăn trâu cắt cỏ   —-Không còn phải chăn trâu cắt cỏ
Chân lấm bùn đầu đội nắng trưa  —-Thì thụp lội bùn đội nắng trưa
…………
Cái giống nhau ở đây hoàn toàn có dụng ý được tác giả Nguyễn Ngọc Hưng gia công lại, nó đáng chê hơn một số trường hợp đạo thơ khác ( Do kém hiểu  biết, người ta lấy nguyên một câu, một đoạn, hay cả bài của người khác đề tên mình vào ). Nếu ví bài thơ Khúc hát tháng ba của Nguyễn Thị Đạo Tĩnh như một ngôi nhà, thì Nguyễn Ngọc Hưng chủ tâm dỡ ngôi nhà này ra, dùng tay nghề dựng thành một ngôi nhà khác. Nhưng tiếc thay từ cột, kèo, đòn tay, của chính, cửa sổ…còn nguyên dấu tích và xếp theo đúng thứ tự của ngôi nhà cũ. Chứng tỏ tác giả này không vô tình một chút nào khi biến cái của người khác thành cái của mình.
Công sức của Nguyễn Ngọc Hưng trong quá trình gia công này sẽ được sự thông cảm của bạn đọc nếu tác giả dũng cảm ghi dưới tên bài thơ Hoài khúc tháng ba dòng chữ: “Bài này được dịch từ bài thơ Khúc hát tháng ba cũng bằng tiếng Việt của nhà thơ Nguyễn Thị Đạo Tĩnh”.
Hà Nội 2 – 2 – 2009
ĐẶNG KHÁNH CƯỜNG


1 comment:

  1. Ăn cắp, ăn chộm là một sự khốn nạn nhất của dân Trung Quốc!!!! Chúng đã ăn cắp, ăn chộm, ăn cướp của dân Việt bao điều quý báu (Nỏ Thần chẳng hạn)...Nay thằng chó này học theo bọn Tầu ăn cắp văn của người khác chỉ còn cách là xử chảm

    ReplyDelete