.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Wednesday, April 4, 2012

LÝ LAN: NHÀ THƠ NỮ QUYỀN


Hôm  28/3/2012, hầu hết các trang /báo/ tạp chí văn học Mỹ đều có bài viết trang trọng về nhà thơ nữ quyền - Adrienne Rich, người vừa rời cõi trần gian này ngày 27/3. Đối với người Việt, tên bà có lẽ hoàn toàn xa lạ. Nhưng chắc chắn Việt Nam (hay cuộc chiến tranh Mỹ tiến hành ở Việt Nam) là một trong những yếu tố có ý nghĩa trong cuộc đời và thơ văn của bà.

Bà Adrienne Rich được tôn xưng trên những tựa bài lớn trên các báo là “nhà thơ nữ quyền” với những  từ kèm theo như  “gây ảnh hưởng lớn lao”, “được trao nhiều giải thưởng”,  “tiên phong trong phong trào nữ quyền”, “một trong những trí thức hàng đầu”  với những trích dẫn từ các nhà phê bình văn học, như Helen Vendler, giáo sư trường đại học Harvard:  “Adrienne Rich có một đóng góp rất quan trọng cho thơ . Bà có khả năng thể hiện lương tâm Mỹ thời hiện đại. Bà có quyền năng điều khiển ngôn ngữ và hình ảnh để diễn đạt điều đó.”  Hay như Barbara Gelpi, giáo sư đại học Stanford: “Adrienne Rich là tiếng nói của phong trào nữ quyền khi phong trào này chỉ mới khởi đầu và chưa có tiếng nói.”

Nhiều bài viết tưởng nhớ bà nhắc đến những cuộc xuống đường và những bài thơ chống chiến tranh Việt Nam tạo được âm vang sâu rộng.  Chống chiến tranh Việt Nam, tranh đấu cho dân quyền và những tâm tư dằn vặt của một người đàn bà  là những chủ đề trong tập thơ được giải thưởng Sách Quốc Gia năm 1974  “Lao theo cuộc đắm tàu”. Thoạt đầu bà không muốn nhận giải thưởng, nhưng sau đó bà đã cùng hai nữ thi sĩ khác có tác phẩm đề cử tranh giải là Alice Walker và Audre Lorde nhân danh tất cả phụ nữ để cùng nhận giải thưởng.

Nếu kể những giải thưởng Adrienne Rich từng được trao thì nhiều lắm. Năm 22 tuổi, vừa tốt nghiệp đại học, bà đã được giải thưởng Nhà Thơ Trẻ Yale 1951 với tập thơ đầu tay “Một thay đổi của thế giới”. Ngay trong những bài thơ đầu tay này, Adrienne Rich đã tỏ rõ  xu hướng chính trị và xã hội sẽ được lập đi lập lại và đào sâu hơn trong cả sự nghiệp sáng tác sau này.  Ngoài các giải thưởng lớn nhỏ của Tạp Chí Thơ, Hội Thơ Mỹ, Viện Văn học Nghệ thuật Quốc gia, Hàn lâm viện các nhà thơ Mỹ, các giải thưởng mang tên Guggenheim, Shelley, Ruth Lily, Lenore MarshallL, MacArthur, Wallace Steven, Griffin, bà cũng được trao nhiều huy chương vinh danh tài năng nghệ thuật và đóng góp về thơ ca và tiến bộ xã hội. Hai trường đại học là Harvard và Smith đã trao bà bằng cấp Tiến sĩ danh dự. Bà nhận tuốt,  trừ huy chương Nghệ thuật Quốc gia do tổng thống Mỹ trao (1997) vì bà nói: “theo  tôi hiểu, ý nghĩa thật sự của nghệ thuật không tương thích với nền chính trị vô đạo của chính quyền này.”

Đó là thời gian Adrienne Rich làm những bài thơ trong tập “Cứu vớt nửa đêm” mà nhà văn Nam Phi Nadine Gordimer nhận xét: “Trong những bài thơ mới đáng kinh ngạc này, Adrienne Rich dám nhìn và mở rộng ngôn ngữ thơ của bà như nhân chứng đối với kho báu – Cứu vớt nửa đêm – mà chúng ta giải cứu từ nỗi sợ hải và vụn nát. Tác phẩm của Adrienne Rich từ lâu đã  thách thức những phi lý xã hội dựa trên bạo lực và quyền hành thối nát. Trong Cứu vớt nửa đêm bà tiếp tục sự tìm tòi đến tận cùng thế kỷ để, như bà nói, đương đầu với cái ghê sợ bằng niềm hy vọng, trong ngôn ngữ phức tạp khi cần thiết, dễ cảm thông khi có thể - một thi pháp có thể hiệu quả như thuốc giải độc cho thói tự mãn, tự quẩn trí, và tuyệt vọng.  Tôi muốn tạo ra một đại sân khấu các tiếng nói chứ không chỉ một cái tôi hạn hẹp.  Tôi viết cho cả những độc giả  tôi biết đang hiện hữu và những người  tôi tưởng tượng, tìm kiếm cái đẹp được cứu vớt của chính họ khi  tôi tìm được cái đẹp của chính  tôi.”
Từ khi tham gia phong trào dân quyền  từ những năm cuối thập niên 1950 và đầu thập niên 1960 (chống kỳ thị người da đen) Adrienne Rich cảm thấy được cởi trói và tìm được ngôn ngữ cần thiết cho thơ bà chống lại áp bức, bà không còn là  “gái ngoan” nữa, mà trở thành “người đàn bà nguy hiểm”. Từ đó thơ bà là những tiếng nói đấu tranh cho công bằng xã hội, dân quyền và nhân quyền cho những kẻ bị kỳ thị áp bức thiệt thòi: phụ nữ, người da đen, dân nhập cư, người đồng tính. 
Chào đời ngày 16/5/1929 ở thành phố Baltimore, bang Maryland, nước Mỹ, Adrienne Rich là con gái đầu lòng của một bác sĩ người Do Thái và một nhạc sĩ dương cầm đạo Thiên Chúa. Trong nhiều tác phẩm sau này bà thường bị dằn xé về cội nguồn văn hóa, nhưng cơ bản bà được sinh ra trong một gia đình khá giả, hưởng một nền giáo dục tốt, trưởng thành như một cô gái nhà lành, được cha mẹ khuyến khích làm thơ viết văn, và tập thơ đầu tay của bà được các nhà phê bình nhận xét là “trang trọng” , “thanh nhã”, và “tự kiềm chế”.  Nhưng từ khi tham gia phong trào dân quyền  từ những năm cuối thập niên 1950 và đầu thập niên 1960 (chống kỳ thị người da đen) Adrienne Rich cảm thấy được cởi trói và tìm được ngôn ngữ cần thiết cho thơ bà chống lại áp bức, bà không còn là  “gái ngoan” nữa, mà trở thành “người đàn bà nguy hiểm”. Từ đó thơ bà là những tiếng nói đấu tranh cho công bằng xã hội, dân quyền và nhân quyền cho những kẻ bị kỳ thị áp bức thiệt thòi: phụ nữ, người da đen, dân nhập cư, người đồng tính. 

Thơ không phải là chân lý, mà ngay cả “chân lý” cũng gây tranh cải ở hai sườn núi khác nhau. Thơ Adrienne Rich, cuộc đời và lý tưởng của bà, cũng có những nhận định và bình luận khác nhau. Nhưng hầu như các nhà phê bình  dù từ quan điểm nào cũng nhìn nhận thơ Adrienne Rich hay, đóng góp về thi pháp và ngôn ngữ của bà không ai có thể chối cải. Sau  83 năm trở trăn tìm kiếm để cứu vớt cái đẹp ở cõi người ta,  Adrienne Rich để lại khoảng 25 tập thơ cùng văn xuôi và một ảnh hưởng sâu sắc đối với nhiều thế hệ văn học và phụ nữ. Một số nhà phê bình không muốn gọi bà là nhà thơ phụ nữ (woman poet) vì cho rằng từ phụ nữ kèm theo sẽ giới hạn tầm cỡ của bà như một nhà thơ lớn, ngang ngữa với bất cứ nhà thơ lớn (đàn ông) nào.  Nhưng những người  viết bài tưởng nhớ bà hôm nay , những phụ nữ trẻ đang hưởng thành quả của phong trào nữ quyền, như Mary Rourke viết  trên Los Angeles Times,  Alison Flood trên The Guardian, Margalit Fox trên New York Times, Kate Waldman trên Paris Review,  (và nhiều nữa) đều trân trọng vinh danh bà như một nhà thơ nữ quyền (feminist poet).

LÝ LAN
Nguồn: báo Sinh viên VN

No comments:

Post a Comment