Thế là sau nhiều năm sưu tầm, chỉnh lý, đánh giá vừa cho công bố lần lượt trên văn đàn Bộ lịch sử các tác gia lý luận - phê bình văn học Việt Nam (Quyển NĂM trong Bộ Tổng tập văn học Việt Nam thế kỷ XX, do NXB Văn học ấn hành) đã đến với bạn đọc với 12 tập, in đẹp, bìa trang nhã được coi là một sự kiện lớn trong đời sống văn nghệ. Với trên 18,000 trang sách khổ lớn được tuyển chọn, phân bố trong vòng 10 năm (2004-2011), nhóm biên soạn do PGS. TS. Nguyễn Ngọc Thiện làm chủ biên đã phác thảo toàn cảnh bức tranh thể loại lý luận phê bình gồm 1.000 tác phẩm tiêu biểu của 300 lượt tác giả là một công trình khoa học công phu, nghiêm túc với sự hợp tác của hàng trăm tác giả - vốn là đối tượng khảo sát của công trình tập thể này.
Trong lịch sử nghệ thuật thế giới, ở
các nước lớn, khoa học cơ bản phát triển thì những bộ tổng tập, toàn tập, tuyển
tập của các nhà văn, nhà lý luận là công việc thường được coi trọng, nhiều tổng
kết qua từng giai đoạn lịch sử, thống kê sự kiện, đúc rút kinh nghiệm v.v… được
coi là ánh sáng soi đường cho thực tiễn sáng tác. Nhìn lướt qua 12 số, đọc kỹ
một số tập của bộ tuyển tập tôi xin có mấy nhận xét sau:
Những số liệu vừa nêu ở đầu bài viết
là những con số biết nói, chứng minh cho khối tư liệu đồ sộ và tài năng tuyển
chọn vừa đam mê vừa cần mẫn của nhóm các nhà tư liệu học, để hôm nay, người
đọc, nhất là các nhà văn trẻ, nhà nghiên cứu trẻ có điều kiện đi vào sự nghiệp
văn học, nghệ thuật của mình. Tôi nhớ, có lần, V.I. Lênin nói: Muốn
nghiên cứu tốt, có hiệu quả, cần có “khối tư liệu như núi”. Xây dựng một nền lý
luận - phê bình dân tộc - hiện đại mà chỉ dừng lại miêu thuật những hiện tượng
văn học Sử, liệt kê những tác gia tiêu biểu thì may lắm là con số cộng không
hơn không kém. Nó đòi hỏi phải được hệ thống hóa, thẩm định một cách khách
quan, vận dụng phép biện chứng và cao hơn là lập ngôn, lập thuyết.
Điều này đòi hỏi tư liệu phong phú
và chính xác. Ví dụ: Nửa đầu thế kỷ XX, như một ân huệ lịch sử, dòng chảy văn
hóa nước ta bước vào thời kỳ phục hưng, khi cánh cửa văn hóa Đông - Tây được mở
rộng: Những hiện tượng hiếm thấy trước đó là phong trào Duy tân, những
tuyên ngôn của Đông Kinh nghĩa thục trong tiểu luận Văn minh tân
học sách, những công trình của các nhà nho yêu nước, những nhà văn, nhà
báo, ký giả tiến bộ là những tư liệu đáng tin cậy giúp người đương thời xây
dựng một nền văn minh mới không bị lỗi nhịp, không chậm bước so với các nước.
Từ bấy giờ, dù là những chí sĩ yêu nước khăn đóng áo dài hay những văn nhân
compơlê - ca vat, dù là nhà văn hóa thâm nho đại bút hay thi sĩ Tây học, thì
tất cả đều tâm huyết, nhiệt huyết xây dựng một nền quốc học, quốc văn, quốc ngữ
mang tinh thần dân tộc trong thời văn chương nghệ thuật giao lưu, biến thông.
Con đường đi từ sưu tầm, biên khảo,
chỉnh lý đến đánh giá, thẩm định theo phương châm: Dân tộc, Khoa học, Đại
chúng trong Đề cương văn hóa 1943 của Đảng cộng sản Đông Dương cho
đến đường lối đổi mới do Đảng cộng sản Việt Nam đề xướng và lãnh đạo (1986) để
xây dựng một nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc là một quá trình tìm
tòi, khám phá, cách tân, không phải lúc nào cũng bằng phẳng. Trong giai đoạn
lịch sử này, nhiều quan điểm chính trị, học thuật, mỹ học khác nhau, thậm chí
đối lập nhau. Ở đây chỉ xin nêu hai hiện tượng lặp đi lặp lại:
Đó trước hết là, mối quan hệ giữa
chính trị và văn nghệ. Chúng là hai hình thái ý thức có tính độc lập tương
đối. Trong bất cứ nền đại chính nào thì chủ thể lãnh đạo đều có ý thức coi
trọng văn nghệ, bởi văn hóa, văn nghệ không chỉ là mục tiêu, động lực của phát
triển, mà còn là lĩnh vực nhạy cảm, có sức giáo hóa tâm hồn, tình cảm con
người. Trong nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, Đảng lãnh
đạo luôn chăm lo, coi trọng giá trị tinh thần ngang bằng với giá trị vật chất.
Nếu không, thì văn hóa có cớ “trả thù” như đang diễn ra: (văn hóa đọc bị lép
vế, nghệ thuật truyền thống bị coi thường, tiền thù lao của ca sĩ trong một đêm
diễn có khi cao hơn tiền nhuận bút một cuốn sách của nhà khoa học có cỡ v.v…).
Chính trị thông minh phải soi đường cho văn hóa, là sự đỡ đầu của sáng tạo.
Chính trị hóa văn nghệ, lãnh đạo
không coi trọng đặc trưng thẩm mỹ của văn phẩm, hành chính hóa cơ chế quản lý
văn nghệ là sai lầm của một thời. Nhưng từ đó, gần đây, có người cho rằng, văn
kiện đường lối văn nghệ của Đảng không nằm trong khoa lý luận văn nghệ thì lại
là một sai lầm khác, là bước thụt lùi của tư duy tự coi mình là “cấp tiến”.
Đáng trách hơn là họ không chịu thừa nhận các tác phẩm của những nhà lãnh đạo
cấp cao vốn là những nhà văn hóa tầm cỡ. Việc nhóm biên soạn Tuyển tập
đưa những bức thư của BCH Trung ương gửi các đại hội văn nghệ, Thư và bài nói
của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hội nghị văn hóa, đại hội văn nghệ (tập VII),
những bài viết, tiểu luận của: Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Tố Hữu và nhiều nhà
lý luận mácxít (tập XII) là sự trả lời thông minh để trả lại sự công bằng,
khách quan cho các đối tượng được khảo sát. Hai là, Tự do và cá tính sáng
tạo trong tiến trình văn nghệ là tổng hòa hai lực đẩy: nỗ lực của người bơi
(nghệ sĩ) và sức đẩy của dòng nước (môi trường văn hóa). Liên quan tới vấn đề
học thuật này là văn hóa tranh luận.
Trước khi Đề cương văn hóa 1943
ra đời là sự xuất hiện khuynh hướng lý luận phê bình mácxít với tên tuổi của
Hải Triều, cùng các đồng sự, các tiêu phẩm Duy tâm và duy vật (1936), Văn
sĩ và xã hội (1937) là cơ sở cho nhiều cuộc tranh luận. Nhờ phép biện chứng
duy vật mà nhiều ngụy thuyết duy tâm, thần bí bị đánh lùi, khuynh hướng duy vật
thô sơ, máy móc mất đường tiến hóa. Những cuộc tranh luận về Truyện Kiều,
về duy tâm và duy vật, về nghệ thuật vị nghệ thuật, về thơ cũ và thơ mới, về
dâm hay không dâm trong văn Vũ Trọng Phụng v.v… đã làm dân chủ hóa đời sống
tranh biện, là cơ sở của tự do và sáng tác, để phân biệt giữa tiên tiến và bảo
thủ, dân tộc và vọng ngoại. Ngạn ngữ Pháp có câu: “Tranh luận tỏa ra ánh sáng”
(De la discussion jaillit la lumiére) thật đúng chỗ với phong trào học luận
nước ta thời đó.
Cái khác nhau về tự do và sáng tạo
thì rõ: Về nhận thức, quan điểm thẩm mỹ, phương pháp luận, nhưng phải thừa nhận
giữa họ có những kiến giải tương đồng như tầm nhìn văn hóa rộng, lòng yêu nước,
tình yêu quốc văn, quốc ngữ, sự tôn trọng nhân cách nhau. Nhà văn Hoài Thanh có
lần nhắn lại một câu nói của người bạn, sau khi xem Việt Nam văn hóa sử
cương: “Giá như bấy giờ người Tây về nước và họ mang theo tất cả những điều
đã được nghiên cứu, thì ta còn biết vớ vào đâu cho biết những điều cần phải
biết về xứ mình, nói giúp mình”. Những điều biết về xứ mình trong đó có văn
hóa tranh luận và các cuộc khai mở tự do tranh luận dưới ánh sáng trí tuệ
của Dân tộc thông qua các nhà mácxít chân chính, các bậc thức giả yêu nước đã
được “lưu trữ” nhiều tư liệu qua nhiều tập của Bộ Tuyển.
Lý luận - phê bình văn chương tiến
bộ miền Nam (trong vùng bị giặc xâm lược chiếm đóng 1954-1975) là một bộ phận
của khoa học văn học Việt Nam cũng được nhóm biên soạn quan tâm đúng mức. Mười
sáu tác giả được chọn đưa vào tuyển tập XI là những nhà lý luận, nhà văn, nhà
thơ tiêu biểu, tập trung khảo sát mấy đề tài lớn: Nguyễn Du, Truyện Kiều
và các khía cạnh nhân văn, về các văn nhân như: Tản Đà, Nguyễn Văn Vĩnh, Nguyễn
Bính, Lê Văn Trương, Nguyễn Nhược Pháp, Hồ Dzếnh, Bùi Giáng và về kỹ xảo nghề
văn.
Nhìn chung, quan điểm chính trị của
các cây bút lý luận - phê bình được thể hiện ở lòng yêu nước, tinh thần dân
tộc, quí trọng văn chương nước nhà, quan điểm học thuật tiến bộ thường được
tiếp cận với phương pháp nghiên cứu mở: vừa tiếp thu những cái hay
phương Tây vừa kế thừa những giá trị truyền thống dân tộc. Họ xứng đáng là
những nhà văn - công dân nước Việt trong thời buổi đất nước bị chia cắt,
trong phong trào “Bảo vệ văn hóa dân tộc” được dấy lên ở miền Nam tạm bị chiếm.
Sự hiện diện của đội ngũ lý luận -
phê bình văn học thế kỷ XX kể có đến hàng nghìn người. Nhưng trong phạm vi lựa
chọn cho 12 tập của Bộ Tuyển tập đã có công bố rút lại còn 300 lượt tác
giả (có tác giả hiện diện ở hai giai đoạn) với khoảng 1.000 tác phẩm tương đối
tiêu biểu) là một thành công của Bộ Tuyển tập. Trong số đó chúng tôi
phân hạng theo chức trách xã hội và lứa tuổi, gồm 4 nhóm sau:
- Các nhà lãnh đạo chính trị có am
hiểu về văn hóa, văn nghệ. Những bài nói, bài viết, tiểu luận của họ vừa có
tính định hướng mở, vừa mang tính học thuật cao, có yếu tố khám phá như những
văn phẩm của Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Tố Hữu, các nhà văn hóa trong nhóm
Văn hóa cứu quốc. Ngoài ra, tôi thấy một số tiểu luận, bài viết của các
đồng chí Lê Duẩn, Võ Nguyên Giáp về văn hóa Việt Nam, con người Việt Nam, về
các qui luật của văn nghệ, về các danh nhân văn hóa thời trước... cũng nên tìm
cách bổ sung khi Bộ Tuyển được tái bản.
- Ba mươi năm đầu của thế kỷ XX, người đọc tìm thấy trong các tập II, III, IV những học giả là sĩ phu trong Đông Kinh Nghĩa thục, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Võ Liêm Sơn, các nhà báo - ký giả, nhà văn Phan Kế Bính, Phan Khôi, Tản Đà, Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Ngọc, Dương Quảng Hàm. Quan điểm học thuật của họ không giống nhau, phương pháp tiếp cận đối tượng khảo sát khác nhau, nhưng họ có chung một mục đích: Xây dựng nền văn hóa dân tộc trên tinh thần cách tân, hiện đại hóa tương ứng với sự biến đổi của thời cuộc.
- Ba mươi năm đầu của thế kỷ XX, người đọc tìm thấy trong các tập II, III, IV những học giả là sĩ phu trong Đông Kinh Nghĩa thục, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Võ Liêm Sơn, các nhà báo - ký giả, nhà văn Phan Kế Bính, Phan Khôi, Tản Đà, Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Ngọc, Dương Quảng Hàm. Quan điểm học thuật của họ không giống nhau, phương pháp tiếp cận đối tượng khảo sát khác nhau, nhưng họ có chung một mục đích: Xây dựng nền văn hóa dân tộc trên tinh thần cách tân, hiện đại hóa tương ứng với sự biến đổi của thời cuộc.
- Đội ngũ các nhà lý luận - phê bình
đông đảo hơn cả là ở giai đoạn 1945-2000. Phần lớn họ được đào tạo cơ bản tại
các trường Đại học danh tiếng ở trong nước và nước ngoài dần dần trở thành
những nhà lý luận phê bình chuyên nghiệp, trong số đó nhiều vị được tặng giải
thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước. Xuất thân là nhà quản lý văn nghệ,
nhà báo, nhà hoạt động văn hóa, giảng viên các trường Đại học, cán bộ nghiên
cứu ở các viện khoa học xã hội và nhà văn, tất cả họ đều đã có nhiều tác phẩm
đứng tên riêng hoặc chủ biên các công trình khoa học tập thể. Tên tuổi họ
thường hiện diện trên văn đàn, tạp chí chuyên ngành; họ tham gia đào tạo sau
đại học cho thế hệ kế cận v.v... Lực lượng này hiện là “đội quân chủ lực” của
đời sống lý luận văn nghệ, có những đóng góp xuất sắc, có ảnh hưởng không chỉ
cho tiến trình phát triển khoa lý luận, đường lối văn nghệ mà còn có ý nghĩa
thực tiễn đối với đời sống sáng tác văn chương, nghệ thuật, khi văn hóa đọc
đang có bước thụt lùi trong một thế giới đầy biến động nghịch lý. Nhược điểm
chính, kéo dài của một bộ phận trong đội ngũ này là sự thiếu hụt ngoại ngữ dẫn
đến sự hạn chế thông tin tri thức, và sự lựa chọn phương pháp luận còn mơ hồ.
Dân tộc ta có nhiều kho báu. Nguyễn
Du và Truyện Kiều chưa phải là tất cả. Vả lại Truyện Kiều cũng
chưa phải trọn vẹn. Từ văn thơ thời Lý Trần, Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Lê
Quí Đôn cho đến văn thơ, nghệ thuật truyền thống thời trung cận đại là cả một
rừng, biển vàng bạc. Vấn đề là sự khai thác, sự chọn lọc tinh hoa, sự thẩm định
khối kiến thức đồ sộ nằm rải rác, chìm sâu trong các cánh đồng lịch sử.
Một chính khách thời nay, ông Bill
Gates nói đúng: “Kiến thức là sức mạnh” (Knowledge is power). Kiến thức hôm qua
còn được hữu ích cho hôm nay hay không chính là nhờ những hoạt động nhiệt tình,
hào hiệp như công việc đang làm (và tiếp tục làm) của nhóm những nhà khoa học ở
Viện văn học với Bộ lý luận - phê bình văn học thế kỷ XX. Thật đáng tự
hào và khâm phục thay !
Mùa thu Tân Mão 2011
H.S.V
Nguồn tin: TCNV 04-2012
No comments:
Post a Comment