.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Wednesday, April 11, 2012

"HOAN CA" CỦA ĐỖ DOÃN PHƯƠNG: TẬP THƠ NGỌNG NGHỊU, SUY ĐỒI VỀ CHỮ NGHĨA


(Nhân đọc tập thơ “ Hoan ca” của Đỗ Doãn Phương-Giải thưởng của Hội
Nhà văn Việt Nam, năm 2011)

Trở lại với những bài thơ mang đậm màu sắc “cách tân” của Đỗ Doãn Phương, tự 
dưng tôi thấy hoang mang lo lắng về hướng đi tới của thơ Việt? Và tôi lại lẩn thẩn cho rằng: phàm những ai thường nghĩ ngợi quá nặng nề về cái chết, mê sảng nhiều về đường âm, gặp nhiều cơn ác mộng, lòng dạ luôn bất an,đêm ngày lo sợ những điều bất trắc ập đến với mình  thì ngôn ngữ luôn biểu hiện rối loạn...phát lộ sự không bình thường của sức khỏe tâm thần, dấu hiệu “bệnh hoạn” của người bệnh có trình độ học vấn cao?...
Tôi có những đứa em,đứa cháu ở quê với các tên gọi rất gần gũi ,thân thuộc : Cái Tý, cái Tẹo, cái Đào,cái Mận...nhưng từ buổi “làng” lên “phố” trong trào lưu “đô thị hóa” thì chúng nó ăn mặc ,nói năng đã đổi khác và nhất là cách nhìn nhận làng nước cũng khác trước rất nhiều, không còn giữ được cái nền nã khi xưa? Đến khi tôi đọc và nghĩ về tập thơ“Hoan ca” của Đỗ Doãn Phương trong trào lưu “ cách tân thơ” hiện nay thì tự dưng cũng có suy nghĩ na ná như thế, “Hoan ca” mà thành ra ảm đạm ,“Bi ca” vậy chăng?
Tôi đọc liền “Ba khúc niệm”: “Ngài ở trong ký ức tôi nhưng tôi không sao nhớ nổi mặt Ngài/Tôi nhận thấy đâu đó quanh tôi Ngài đang tồn tại/Tâm hồn tôi rối loạn/Khắp mặt đất chạy rông”( Khúc 1). “Bước chân trượt trên đá sỏi/Xuống sườn dốc lòng hồ/Nơi ấy nước nằm lõa lồ trên đất/Thèm được tan biến/Đồi nhả ra những viên đá/Và làm đau những đầu lưỡi sóng/Và làm rách toạc mặt nước”( Khúc 2),”Ngọn lửa nhú lên, hé mắt nhìn/Bốn phía thế gian ập vào nó/Không một tiếng kêu thét/Tắt phụt/Màu tro”( Khúc 3)-Ồ, đầu óc tôi u tối quá, đọc đi đọc lại mà không hiểu ‘Ba khúc niệm” kia nói cái gì?Ngài viết hoa đây là ám chỉ ai đấy nhỉ?Sao thơ bây giờ nó cao siêu thế? nó bí hiểm
thế?
Tôi đọc tiếp:“Hoan ca về đất”: “Đó là nơi bài ca cất lên sẽ lắng sâu xuống tận cùng/Và bầu trời thu lại thành nấm tròn”có lẽ là hình ảnh nấm mồ hoang lạnh giữa cánh đồng thơ “ Hoan ca” chăng? Tiếp theo sau là: “ Bóng nàng vừa khuất chân đồi/Sức nặng của con đường đã đè lên ngực/ Đồi dúi tôi xuống dốc”( Cửa sổ), “Một ý nghĩ khởi xuất/Kim đồng hồ chết giấc”( Giác ngộ), “Trên cầu nàng lao xuống/Hồ giờ xanh sâu thẳm/Như cái chết kín bưng”(Lòng hồ 2), “Tôi dưới hồ bước lên/Thì bóng tối đã đến/..Và trong tối thế kia/Chính em đã từng chết”(Lòng hồ 3),“Một đêm hai lần mơ thấy em/...Nếu em vừa chết thì thật ra có gì là phải đến chào/Từ lâu chúng ta đã chào nhau lần cuối”( Một đêm hai lần mơ thấy em)...Chao ôi!Cái chết đã xuất hiện trong tập thơ không ít hơn cả chục lần? Sau“cái chết”là những“ác mộng”,là“Lá và hoa tất cả đều rụng xuống/Trong buổi chiều sâu kín không tim”,là:“Trên một hàng cây già bạc phếch/Mưa ngấm dần thành vệt màu đen/ Mặt đường nhựa nhòe nhoẹt loáng lênh/Chầm chậm một chiếc lá nhễu giọt”( Không lời)...

Tôi tự an ủi mình và đọc tiếp những bài thơ không vần điệu,không tiết tấu , đương nhiên là không thể ngâm nga được câu nào và đọc cũng trúc trắc,nhiều bài còn thua xa cả những “tản văn” đăng trên báo chí hiện nay... Tác giả đã “cách tân” không những ở thể thơ “không vần”,“bố cục” dễ dãi,tùy tiện mà còn “cách tân” cả trong “lựa chọn chất liệu” đưa vào thơ: “Tôi nhận ra khuôn mặt em/Ở một tờ nhật báo trải ra tình cờ/...Ở miếng tôi ăn, ở bức tranh treo tường khỏa thân kích thích cơn thèm muốn/Ở phần háng, phần hông dậm rựt, ở vòm ngực muốn ghì...”( Tụng ca) hoặc: “ Số thập phân dài quá sau dấu phảy, có thể làm tròn/...Hai con thạch sùng làm tình không đủ làm ô uế bàn thờ/ Cởi truồng trước nghìn con mắt nhện không cảm thấy xấu hổ/...Dù đã trần truồng, làm tình,vào sống,ra chết/Quá khứ của chúng ta cũng sẽ được làm tròn” ( Làm tròn).
Trong bài thơ “Tặng con trai”, Đỗ Doãn Phương viết: “Cha dò tìm con từng ngày theo chu kỳ kinh/Cha tính tuổi con từng tuần từ kỳ kinh cuối”, thật thú vị, “kinh nguyệt” cũng vào thơ , cũng thành thơ! Còn nữa: “Ta lục lại túi trong, túi ngoài, rồi vào khỏa thân trong nhà tắm/Những ngày đó không nằm ở đâu trong mắt,mũi,môi, mông, bụng/Không có trong miệng khi tự khạc ra...”( Những ngày tháng ấy), ngôn ngữ thơ được gọi là “tinh tế” và “hướng nội” như vậy chăng?
Nhà thơ đã nói với con trai,khi đưa con đi lớp mẫu giáo: “Khi bố đi rồi, thế giới còn lại mình con/Con sẽ phải sống với những người hoàn toàn không hiểu con/Họ xa lạ, khó lường, có thể yêu con , hoặc ganh tỵ, thù ghét”(Bài ca đưa con đi mẫu giáo). Có thể tôi chưa hiểu tác giả định triết lý điều gì đằng
sau lời nói với con trai ở tuổi mẫu giáo nhưng dặn con như vậy thì thật rất kỳ lại rất “ nên thơ!”...
Thật sự đáng ái ngại khi đọc thơ của một tác giả thời @ ( A còng) với cách nói trắng phớ về “ tình dục”, về sự “lạm dụng” phồn thực và “Sex” ngay trên những trang thơ thâm thúy,sang trọng ? Phần lớn những bài thơ trong “Hoan ca” đều không vần điệu với những đoạn ghi chép kiểu nhật ký ,cách diễn đạt khó hiểu, chữ nghĩa rối rắm như là đánh đố, chơi chữ nên đọc thơ rất mệt mỏi và người đọc luôn phải nhíu mày vì một cảm nhận buồn tẻ,ảm đạm!Cho dù thật bình tâm, tỉnh táo cũng khó có thể tìm được một cảm giác tin tưởng,lạc quan từ những ý thơ, câu thơ trong“Hoan ca”!Nhiều người sau khi đọc“Hoan ca” đều thốt lên:-“Hoan ca” thực sự là những dòng suy tư ảm đạm của một nhà thơ trẻ tuổi! Tác giả của “Hoan ca” mới đang ở lứa tuổi ngoài ba mươi mà sao có cái nhìn đời sống thật tẻ nhạt và bất yên ? : “Những cây cắm xuống đất như đem chôn/Trong tĩnh lặng tột cùng”( Sinh) hoặc khi người thơ đứng trên gác thượng nhìn xuống đường thấy: “Nhìn rõ dòng người đang nuốt dần từng cá thể”( Tầng khác)?Trước thiên nhiên miền trung du “Làng hai vua” Đường Lâm quê hương, tác giả đã cảm xúc: “ Đồi nhả ra những viên đá/Và làm đau những đầu lưỡi sóng/Và làm rách toạc mặt nước”(Khúc niệm 2), “Từ đỉnh núi khô cằn/ tôi lao xuống khe trũng/Cuốn cây lá đá theo/Dòng bất an sôi sục”( Khúc niệm 3)...
Trong “ Hoan ca”, Đỗ Doãn Phương viết về: “Bức tranh làng cũ”, “Thăm vườn nhà cũ”...và, có bài: “Bài hát cũ”: “Bay lượn trên đầu lưỡi chúng ta/Một bài hát rất cũ/Được phổ nhạc từ mùa Xuân/Được hát lên từ mùa Hạ/Người nhạc sỹ đã chết/Người hát và hát theo nó cũng không còn.../ Ôi, bài Hoan ca tôi khao khát hôm nay”...Bài hát nào đây? Ai đã phổ nhạc? Ai đã hát và đặc biệt là những ai đã hát theo?Tất cả đều đã chết ?Vậy tại sao “Bài hát cũ” ấy vẫn cứ “ bay lượn trên đầu lưỡi chúng ta”?- Nhà thơ dùng chữ: “Đầu lưỡi” ở đây thật là ý tứ, nếu không nói là ngạo mạn, mập mờ?Vậy thì bài
hát Mới- “ Hoan ca” liệu đã thay thế cho bài hát cũ được chăng?Tới đây, ai sẽ “phổ nhạc”, ai sẽ “hát” và những ai sẽ “hát theo” “Hoan ca”? Câu hỏi cũng tương tự như vậy đối với bài: “Ghi ở triển lãm sắp đặt”: “Khi nghệ thuật đã bị vật chất sắp đặt/Mọi người cũng bị xích chân vào vị trí của mình/Một trường phái mỹ thuật mới ra đời/Cái đẹp được sắp xếp lại một cách vững chắc/Điều đó chỉ chứng tỏ nó chưa bao giờ lộ diện/Nó bước qua và làm lộn xộn đổ vỡ/ Các căn phòng xếp đặt của chúng ta”.Xin thưa nhà thơ trẻ, sao bạn lại lo “bị xích chân”,rồi lại còn lo “lộn xộn, đổ vỡ”?Cuộc sống luôn vận động, chúng ta luôn vận động để đổi mới không ngừng, miễn là sau cuộc cách mạng ấy, sau sự “ cách tân” ấy ta có một thực tại tiến bộ hơn, dân chúng đông đảo được thụ hưởng hạnh phúc!Nhà thơ công dân phải có trách nhiệm công dân và hơn thế nữa, phải có trách nhiệm, nghĩa vụ với mọi công dân- những người đã đổ mồ hôi sôi nước mắt làm ra cơm áo nuôi sống toàn xã hội ,trong đó có những nhàthơ!
Công bằng mà nói,trong tập “Hoan ca” không có bài thơ nào được xếp vào hạng bài thơ “mẫu”,xếp vào tinh hoa của “cách tân” thơ , chỉ có hai bài đọc được là: “ Ngày cô mất” và “Lại chiêm bao thấy bà ngoại”: “Từ nhà ra cánh đồng/Là cánh đồng ngày nào cô tôi cũng đi làm lụng/Bây giờ là quãng
đường dài nhất/Mọi người giúp cô tiền đò, tiền đường và bắc những cây cầu bằng vải đỏ”.. “ Những người quá cố đi lại trò chuyện nói cười/Khi trò chuyện vô tình họ làm sống lại những người đã sống khác/ Trong hồi tưởng của họ- không bao giờ chết”( Ngày cô mất). “Thường thấy bà áo manh nón
lá/Khuôn mặt già tiều tụy khổ sở/Lần nào cũng khóc lóc , thở than/Lần xin quần áo, lần kêu đói...”( Lại chiêm bao thấy bà ngoại). Có lẽ cái “tạng thơ” của Đỗ Doãn Phương phải là như thế,với những ý thơ dứt ruột, ám ảnh người đọc! Có lẽ khi viết những câu thơ này tác giả ở trong trạng thái tĩnh tâm
nhất,ngòi bút không bị sự “cách tân” hối thúc?
Trở lại với những bài thơ mang đậm màu sắc “cách tân” ở trên đây,tự dưng tôi thấy hoang mang lo lắng về hướng đi tới của thơ Việt? và lại lẩn thẩn cho rằng ,phàm những ai thường nghĩ ngợi quá nặng nề về cái chết, mê sảng nhiều về đường âm, gặp nhiều cơn ác mộng, lòng dạ luôn bất an,đêm ngày lo sợ những điều bất trắc ập đến với mình và ngữ ngôn thì luôn biểu hiện rối loạn...thì đều là sự phát lộ không bình thường của sức khỏe tâm thần?là dấu hiệu “bệnh hoạn” của người bệnh có trình độ học vấn cao?...
Thú thật,đôi lúc tôi cảm thấy nghi ngờ chính mình? Hay là vì tuổi tác mà mình không cảm nhận được, không theo kịp được lỗi diễn đạt của “Thơ cách tân”? Tôi bèn cất công đi tìm đọc những bài viết đánh giá,phê bình về tập thơ “ Hoan ca” để may ra có thể tự lý giải cho sự băn khoăn lâu nay của
mình về thơ và đích đi đến của “ Thơ cách tân”:...Với Nhà thơ Hữu Thỉnh- Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam đã nói: “Không dám khẳng định những tác phẩm đoạt giải(có“Hoan ca”)sẽ sống mãi trên văn đàn nhưng ít nhất cũng có thể trụ vững trong vòng 5 năm, 10 năm nữa...”
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều- Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam: “Các tác phẩm đạt giải thưởng Hội Nhà văn năm 2010 và 2011 bao hàm cả hai yếu tố quan trọng, đó là : sự khẳng định và sự phát hiện”
Nhà thơ Nguyễn Hữu Quý: “Trường hợp Đỗ Doãn Phương(“Hoan ca”),khen quá lời!”và:“Thơ Đỗ Doãn Phương thủ tiêu tiết tấu, âm điệu thành ra kiểu thơ nói, ngang ngang. Thơ chỉ có ý chứ không nghe được“điệu tâm hồn” đâu cả...Đại trà dạng“thơ”kể lể gần giống sự sao chép hiện thực...Cảm
giác đọc thơ dịch, giông giống một đôi ai đó cứ hiện rõ dần trong tôi khi đọc thơ Đỗ Doãn Phương”...Tuy nhiên, sau khi đọc Phương, tôi có cảm giác anh như con chim vỗ cánh rầm rập, ầm ã trên mặt đất đầm đẫm nắng mưa nhân thế nhưng chưa bay lên được.Bầu trời cao xanh còn xa tít, xa vời với người làm thơ trẻ ấy.Anh vẫn chưa “vượt thoát”được khỏi không gian thơ chật chội và sự quẩn quanh đến ngột ngạt trong đám ngôn từ ít phát sáng...”
Nhà văn Nguyễn Khôi: “Cùng một số Nhà thơ trẻ vừa được giải thưởng Hội Nhà văn...đang được cổ vũ cho cách viết kiểu“Sự mất ngủ của lửa” của Nguyễn Quang Thiều-“ văn xuôi hóa thơ”...
Nhà thơ Đặng Huy Giang: “Không phải ai cũng có tâm trạng mang màu sắc thái độ như Đỗ Doãn Phương :Thân thiết đến mức tôi tưởng tôi không phải từ ai hết/Rườm rà đến mức làm tôi chán ngắt.Không phải không có lúc, Đỗ Doãn Phương( hoặc nhìn thấy)sự bất an, bất yên của đời sống, nhưng chính ngọn đèn trên khung cửa của tình yêu đã giúp anh đẩy lùi cái chết( có thể là đẩy lùi tất cả) ra ngoài cửa chính đã đóng chặt...Thơ Đỗ Doãn Phương là thơ hướng nội, hanh thông, nhất quán về giọng điệu, khiển ý,dựng tứ và có chiều sâu”...
Nhà thơ Đỗ Ngọc Yên: “Đọc cả 4 tập thơ được giải, tôi nhận thấy một điều rất rõ là dường như tất cả họ đều có chung một phong cách thơ “ phi truyền thống”....Điều đáng nói là những bài thơ theo lối trẻ em “ tập viết” như thế này trong” Hoan ca” của Đỗ Doãn Phương rất phổ biến!”
Nhà thơ Đỗ Hoàng: “Tập“Hoan ca”của đỗ Doãn Phương nên cho điểm zê rô( Dưới điểm1)...Tôi có lướt qua nội dung, nó cũng là một loại Vô lối đang thịnh hành, tất nhiên hơn các cây Vô lối khác một chút...”, Tập“ Hoan ca” của Đỗ Doãn Phương không nên in vì nó làm hỏng Tiếng Việt và Thơ Việt...
Tôi xin tạm dừng ý kiến ở đây, chỉ muốn chúng ta hãy cùng nhau đặt tâm trả lời một câu hỏi,rằng:
- Phải chăng những nỗ lực cổ vũ, khuyến khích và phát hiện những hiện tượng “cách tân” thơ như hiện nay là để thể hiện sự cố gắng vươn lên bắt kịp trào lưu thơ thế giới?là góp phần phát huy và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc?
Nguyễn Khắc Kình
----------------------------------------------------
Địa chỉ liên lạc:
Nguyễn Khắc Kình- Tổ Hưu trí số 4, Phố Ao Sen
Phường Mộ Lao-Quận Hà Đông- Hà Nội.
Email: Lynguyenlien1946@yahoo.com
ĐT: 0904 32 36 33C

No comments:

Post a Comment