Hữu Loan là khuôn mặt văn học đặc biệt trong nền thi ca Việt Nam đương đại từ
non 70 năm nay. Ông làm thơ hay, hiện đại, tân kỳ, nhưng tên tuổi thường xuất
hiện theo thời sự. Màu tím hoa sim, làm trong thời chống Pháp, 1949, là
bài thơ nổi tiếng nhất, nhưng nhiều người nhắc nhở, đôi khi không phải vì lý do
văn học, thậm chí còn làm nhiễu lý luận văn chương.
Khắc họa chân dung văn học chân chính và phức tạp của Hữu
Loan là việc khó nhưng trước sau cũng phải làm.
Ông tên thật là Nguyễn Hữu Loan, sinh ngày 2.4.1916, dường
như đúng là 1914, tại làng quê, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa, và qua đời cũng
tại đây, ngày 18.3.2010. Qua non một trăm năm dâu biển, sinh và mất cùng một
xóm quê, chỉ một việc ấy thôi, đã là nét đặc biệt, trong nhiều đặc biệt khác
của Hữu Loan.
Ông thường kể lại là mình xuất thân từ một gia đình nông dân
tá điền nghèo. Nhưng chắc là không nghèo lắm đâu, nên mới được học và đỗ tú tài
năm 1938. Thời đó bằng tú tài là học hàm cao : với văn bằng này Xuân Diệu
đã đi làm Tây Đoan, Vũ Hoàng Chương đi làm thanh tra hỏa xa, còn Hữu Loan thì
không dính dáng gì đến quan trường. Thỉnh thoảng giận đời - dăm ba lần trong
đời - ông đã bỏ bút mực về quê cầy ruộng, đánh cá, từ 1958 thì đi xe thồ chở đá
nặng nhọc. Cũng lại là điều không giống ai.
Ông cưới vợ giàu và gia thế, dù cho bà ấy có mất sớm, thì
nếu muốn nhờ cậy, ông vẫn có nơi nương tựa, nhất là nhờ vào « ba người
anh đi bộ đội », trước kia là học trò ông dạy kèm trong nhiều năm, về
sau hai người là chức trọng quyền cao. Cũng là nét đặc thù. Lại nhiều chi tiết
khác, tổng hợp lại, có thể vẽ lên chân dung Hữu Loan. Ông có chìm nổi, có gian
lao thật, nhưng là cuộc đời ông chọn lựa làm một « khúc gỗ vuông
chành chạnh »; lịch sử có eo ép thật, nhưng là lịch sử chung ;
hoàn cảnh riêng ông, có phần do ông tạo ra, không phải là quy luật hay định
mệnh.
Điều thiệt thòi cho ông là : khi nhắc đến Hữu Loan, ít
người quan tâm, bàn luận đến những đóng góp của ông vào nghệ thuật thi ca từ
thời 1945 đến nay. Ít nhiều cũng do chính bản thân ông không mấy quan tâm, dù
ông là một trong những người đi tiên phong trong việc cách tân thơ Việt Nam.
*
Bắt đầu là bài Đèo Cả , làm năm 1946 :
Đèo cả ! Đèo Cả
Núi cao ngút
Mây trời Ai Lao
Sầu
đại dương
Dặm về heo hút
Đá
Bia mù sương
Bên quán « Hồng
Quân » người ngựa mỏi
Nhìn dốc ngồi than,
Thương
ai lên đường !
Chầy ngày lạc giữa núi
Sau chân lối vàng xanh tuôn
Dưới cây bên suối độc
Cheo leo chòi biên cương
(…) Rau khe, cơm vắt
Áo phai màu sa trường
Ngày thâu vượn hú
Đêm canh gặp hùm lang thang
Trên báo Văn nghệ, Việt Bắc, số 7, tháng 12-1948,
trong mục Tiếng Thơ, Xuân Diệu đã giới thiệu trích đoạn này trong bài viết tại
Vĩnh Yên, ngày 23.11.1948 :
« Tôi yêu, tôi phục bài thơ hoang vu Đèo Cả. Một Đỗ
Phủ của thời mới đã gọi cái đèo chênh vênh ấy, đứng trong đất nước ta, đứng
giữa Phú Yên với Khánh Hòa, mà lại hóa thành heo hút quá. Vì bên này là ta, bên
kia là giặc. Nhất là khi chiến tranh chưa lan toàn quốc, từ Bắc Bộ, đi suốt vào
Đèo Cả, lên Đèo Cả thấy bên kia giặc rắc tai ương. Đèo Cả biên thùy, đứng trên
đầu bể thẳm đụng tới mây cao, Đèo Cả treo giữa biên thùy, mà cái đẹp trầm hùng
ngang với lòng chiến sĩ » (tr.35).
Xuân Diệu viết hào hứng, vì rung cảm trước bài thơ, chứng tỏ
giá trị nghệ thuật của tác phẩm. Ông không đề xuất tên tác giả, có lẽ vì bài
thơ không ký tên, được đăng trên báo Chiến Sĩ, của Quân khu IV, in tại
Vinh, số 8, năm1947 ; lý do không ký tên có lẽ vì chính tác giả Hữu Loan
làm chủ biên. Lại là một nét đặc biệt.
( Khi in lại bài này trong cuốn Tiếng thơ, tr 23, nxb
Văn Nghệ, 1954, Xuân Diệu nêu tên tác giả : Hữu, và thay « một
Đỗ Phủ của thời mới », bằng « một nhà thơ ». Vẫn
không nêu rõ danh tánh Hữu Loan. )
Bài Đèo Cả, làm trong chiến dịch Nam
Tiến ; không khí nhắc đến những bài thơ đồng thời, như Nhớ máu của
Trần Mai Ninh, làm xong ngày 9.11.1946 tại Tuy Hòa, hay bài Ngoại ô mùa đông
46 của Văn Cao, cùng đăng trên báo Văn nghệ, năm 1948.
Cùng một mạch thơ, khoảng cuối 1950, đầu 1951, Hữu Loan có
bài Tình Thủ đô được bè bạn ghi theo trí nhớ, và tác giả đã duyệt
lại :
Trên những chuyến xe bò
đi
về đường Trèm Vẽ
Việt Bắc âm u
Đường dài Thanh Nghệ
Người
Thủ đô tản cư
Đoàn xe bò
Chở
nặng tâm tư
Một góc nhà
Một
hè phố
Mắt em biếc
Một
chiều xưa
(…) Những người bắt sống Le Page
và Charton
Những chiến sĩ Cao Bằng - Đông Khê
Những binh đoàn biên giới
Đang
chuyển về Trung Du
Như đi từng dãy núi
Kẹp
vòng quanh ngoại vi Thủ đô.
(trích theo Dương Tường, phụ lục « Chỉ tại con chích
chòe », nxb Hội nhà văn, Hà Nội, 2009)
Bài này đã phảng phất ít nhiều hơi hướm, tình cảm lãng mạn,
như trong Màu tím hoa sim, viết về người thật và việc thật xảy ra trong
đời Hữu Loan : người vợ trẻ mới cưới, tên là Lê Đỗ thị Ninh, chết vì tai
nạn – té xuống sông Chuồn khi giặt giũ – ngày 25 tháng 5 âm lịch 1948 (theo lời
kể của Hữu Loan)
Nàng có ba người anh đi bộ đội
(…) Tôi người Vệ quốc quân
xa
gia đình
Yêu nàng như tình yêu em gái
Ngày hợp hôn
nàng
không đòi may áo mới
(…) Tôi ở đơn vị về
cưới
nhau xong là đi
Từ chiến khu xa
nhớ
về ái ngại
Lấy chồng thời chiến chinh
mấy
người đi trở lại
(…) Nhưng không chết người trai khói lửa
mà
chết người gái nhỏ hậu phương
Tôi về không gặp nàng
(…)
Sự việc, tự nó đã buồn. Nó còn bi thảm hơn nữa khi người đọc
tưởng tượng ra cảnh người vợ chết vì bom đạn, và qua lời thơ bi thiết :
Những chiều hành quân
qua
những đồi sim
Màu tím hoa sim
Tím
cả chiều hoang biền biệt
Nhìn áo rách vai
Tôi
hát trong màu hoa…
Cái chết ở đây là do tai nạn, thời nào, nơi nào, cũng có thể
xảy ra: nhưng đã xảy ra trong thời chiến tranh; và tác giả lại khéo lồng vào
khung cảnh khói lửa:
Ba người anh từ chiến trường Đông Bắc
Được tin em gái mất
trước tin em lấy chồng…
Do đó bài thơ có giá trị truyền cảm và biểu tượng mạnh mẽ,
giới văn học ngày nay gọi là « liên văn bản ». Điều này không loại
trừ chất nghệ thuật của tác phẩm và tài năng của Hữu Loan, nhưng thời đại cũng
đã góp phần hậu thuẫn cho tác phẩm. Chứ trong một chừng mực nào đó, màu tím
hoa sim ở đây là hồi quang của hai sắc hoa ti gôn, nổi danh một thời
của TTKh.
Riêng cái màu tím ấy, nó đi vào văn học từ bao giờ, bằng con
đường nào, vì lý do gì, thì cũng cần khảo sát, chưa chắc gì nó đã đến từ
« những đồi sim » trong thực tế. Nguyễn Du, quê vùng ấy, tự
xưng là « thợ săn » vùng ấy, trong truyện Kiều đã dùng nhiều màu,
ngoại trừ màu tím. Lưu Trọng Lư, cũng là người địa phương, nhiều lần mô tả rừng
sim, trái sim, mà không nói đến hoa sim. Bùi Giáng , trong nhiều năm, đã chăn
dê, chăn bò trong rừng sim vùng cận sơn, cũng không gợi lên màu « tím
chiều hoang biền biệt ». Đây là một đề tài văn học cần được khảo sát,
trước khi lớn tiếng tuyên dương bài thơ này, bài thơ kia là…hay nhất thế kỷ
(!!!).
Chưa kể là bài thơ Màu tím hoa sim, khi ra đời, đã bị
ngăn chặn, vì tính cách bi quan, « phản chiến » của nó, trong giai
đoạn chiến đấu quyết liệt. Bài thơ miêu tả sự thật mà bị cấm đoán thì càng được
truyền tụng, nhất là về phía « bên kia ».Ngay khi bài thơ ra đời,
1949 tại khu Bốn, Phạm Duy đã phổ nhạc, nhưng chỉ công bố tại Sài Gòn từ
1971 ; tại khu Năm, Phan Huỳnh Điểu cũng đã phổ nhạc, nhưng…dấu tiệt.
Bài thơ in lần đầu, theo trí nhớ của tôi, là 1955 tại Huế,
trong « Tuyển tập thi ca tranh đấu hòa bình », tôi có
đọc, nhớ mang máng đâu là nhà xuất bản Anh Minh, tại miền Nam thời đó. Đồng
thời đã được nhiều người (Dzũng Chinh, Duy Khánh, Anh Bằng…) phổ nhạc ca hát
tràn lan, và phái sinh một số sáng tác kiểu « Mùa hoa sim nở »,
1956, tập thơ của Đỗ Tấn (1927- 1984), mô tả tâm sự người vợ có chồng đi
tập kết ra Bắc (ghi theo trí nhớ) :
Lấy nhau vừa đúng mười hôm chẵn,
Và chỉ mười hôm, e thế thôi,
Độ rày sim nở,
Tím sim là tím làn môi,
Là tím cuộc đời trong giá,
Là tím tình ta đã lỡ rồi..
Ai người gây nên màu tím,
Tím sim trên núi trên đồi,
Tím sim cho lòng lạnh lắm,
Buồn vương hiu hắt mái gồi…
Anh có về không hở anh,
Chim không đậu nữa trên cành,
Bình hoa đổ nát,
Bên ngoài tiếng gió reo nhanh…
Hay bài thơ được phổ nhạc « hoa trắng thôi cài trên
áo tím » của Kiên Giang, cũng được diễn xướng tùm lum. Tại miền Bắc,
sau đó, dường như in trong một số báo Trăm Hoa, Hà Nội, 1956, do Nguyễn Bính
làm tổng biên tập. Năm 1990 đã được nhà xuất bản Hội Nhà Văn in trong một
tập thơ cùng tên « Mầu tím hoa sim » (Chữ Mầu có dấu mũ).
Trong nguồn thơ kháng chiến tiếp nối, tháng 12 năm 1956, Hữu
Loan có bài mừng xuân « Ôm Tết vào lòng », phấn khởi sau chiến
thắng và hòa bình, nhưng vẫn còn bầm tím vết tích của chiến cuộc :
Tết và mùa xuân
Như mắt người ứa lệ
Những người đầu tang còn
Rối tóc rối khăn
Ôm Tết vào lòng
Băng bó lại mùa xuân
Cùng nói lên
nói lớn
một lần
Không được giẫm lên mùa xuân
Không được giẫm lên Tết nữa
Không được
giẫm chân lên
lòng người.
(Giai Phẩm Xuân 1957, nxb Văn Nghệ, Hà Nộị)
« không được giẫm lên lòng người » là một
khuynh hướng trong tâm đạo Hữu Loan, thiết tha với tự do, thường xuyên phản
kháng. Ông can dự vào phong trào Nhân văn giai phẩm, và trên Giai phẩm mùa
thu, tập 2, ông có bài « Cũng những thằng nịnh hót », làm
tháng 9-1956 :
Một điều đau xót
Trong chế độ chúng ta
Trong chế độ Dân chủ Cộng hòa
Những thằng nịnh còn thênh thang đất sống
(…) Chúng nó ngụy trang
Bằng tổ chức
bằng quan điểm nhân dân
bằng lập trường chính sách
Chúng nó còn thằng nào
Là chế độ chúng ta chưa sạch
Phải làm tổng vệ sinh cho kỳ hết
mọi thằng.
Những người đã đánh bại xâm lăng
Đỏ bừng mặt vì những tên quốc xỉ
Ngay giữa thời nô lệ
Là người, chúng ta
không ai biết
cúi đầu.
Trên Giai phẩm mùa đông, tập 1, tháng 12.1956, ông
còn có truyện ngắn « Lộn sòng » mô tả những tiêu cực trong đời
sống khó khăn của giáo giới Thanh Hóa.
Thời điểm này, ông phải đi tham gia cải cách ruộng đất,
chứng kiến nhiều cảnh ngộ bất nhẫn. Bà vợ sau của ông, tên Phạm thị Nhu, con
nhà địa chủ lại là nạn nhân trực tiếp của chính sách, cùng ông kết hôn 1954.
Năm 1958, sau vụ án Nhân văn Giai phẩm, ông bỏ công việc
biên tập viên của nhà xuất bản Văn Nghệ, bỏ Đảng, bỏ Hà Nội, về Thanh Hóa sống
lao động lam lũ và vất vả : đốn củi, thồ củi, thồ đá bằng xe bò bánh gỗ và
bị đàn áp mọi mặt. Ông vẫn dũng cảm và kiên quyết sống bất khuất, nuôi nấng
mười người con.
Năm 1988, Hữu Loan lại xuất hiện trong thời sự văn chương và
chính trị, vì tham gia một chuyến đi xuyên Việt do một vài anh em văn nghệ tỉnh
Langbian tổ chức, để cổ động cho tự do, dân chủ, và có bài thơ Chuyện Di Tề :
Lịch sử là một
trò hề
diễn lại
diễn đi
chưa
có
gì
mới mẻ
chỉ có bọn
Trùm Hề
là
nhiều
ngón
bịp
mới hơn
Trong bối cảnh đó, ông tự chọn cách tồn tại :
Tôi là cây
gỗ
vuông
chành chạnh
suốt đời
đã làm thất bại
mọi âm mưu đẽo tròn
để muốn tùy tiện
lăn lóc thế nào
thì lăn lóc.
Chân
tính
đấy
Hỡi
Rìu
Bào
Phó mộc
Lưu ý : những chữ Rìu, Bào, Phó mộc viết hoa.
***
Người xưa có câu « cái qua định luận », đến lúc
đậy nắp quan tài mới đánh giá được một đời người. Ngày nay sự việc càng có phần
phức tạp hơn.
Nhưng với Hữu Loan qua cuộc đời dài non thế kỷ, sôi nổi,
khói lửa, truân chuyên, đánh giá kiểu gì đi nữa thì chúng ta đều phải ghi lại
hai điểm son : tài hoa và tiết tháo.
Làm nhớ đến một câu văn tế xa xưa :
Ngọc dầu tan,
vẻ trắng nào phai
Trúc dẫu cháy,
tiết ngay vẫn để./.
Orléans, vào Xuân 21.3.2010, đọc lại 30-3- 2012
ĐẶNG TIẾN
(Nguồn VCV)
No comments:
Post a Comment