.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Thursday, April 12, 2012

KIỀU CẨM TÚ – ĐỌC “ĐÔI MẮT ĐÔNG HOÀNG” CỦA UÔNG TRIỀU


Truyện của Uông Triều đậm màu sắc truyền kỳ (chiếm quá nửa số truyện ở đây); có truyện hay và lạ như một kịch bản dọn sẵn cho một phim ngắn với chất điện ảnh rất rõ (“Đêm Q.M”); có cái phong vị Tân cổ điển (“Vô thức”). Có lẽ chỉ một truyện (trong số11 truyện) là thuần bối cảnh ngày nay, thời nay (“Đi xem chuông”). Âu cũng là một cách khai thác mà chắc anh có lợi thế.

Không gian của tập truyện phần lớn và đậm đặc không khí vùng Quảng Ninh, từ Yên tử đến Hạ Long, từ Đông Triều đến Đông Hoàng. Ngào ngạt màu, vị, sức, cảm của đại dương và thiên nhiên vùng ven biển. Bối cảnh ở nông thôn, vùng sơn cước, thị trấn nhưng giọng văn rõ sắc màu thị dân. (Cũng chẳng lạ vì tố chất đô thị hóa hiện nay, tư duy thị dân có sức lan tỏa, xóa dần, xóa bớt những khác biệt một thời giữa thành thị và nông thôn).
Nhiều truyện ở tập này không có tứ, không hẳn đã có cốt, không có những phân tuyến nhân vật dẫn đến kịch tính hoặc có thắt nút, cởi nút kiểu kinh điển… Phần lớn giống những ký họa bút sắt, những ghi chép dọc đường. Chất truyền kỳ điểm xuyết cổ sử làm cho những bức tranh có vẻ hư hư, thực thực; giữa hư cấu và chi tiết thực nhiều lúc không phân ranh giới, nhòa xóa .
“Giọt sáng leo lét muốn tắt hút vì gió mạnh. Trời đặc như hũ nút, gió gào sầu oán, khóc lóc. Tiếng vượn kêu… như người hát khúc ai não đưa cố nhân về đất cũ.” - Những đoạn văn như thế xuất hiện khá nhiều, có chủ định, cân nhắc và khá cẩn trọng về chữ nghĩa. Cùng với đó là áp dụng một lối tu từ, chẳng hạn: “Trời cồn cào, vặn vã”; hoặc “… gió day dứt, quất siết bắt đầu giạt dụa, dềnh dang…” (“Đêm cuối cùng ở Ngọa Vân”). Giọng kể chuyện cố thể hiện một cách tự nhiên, nhưng tâm cảm tác giả nóng rực, tình cảm khó kìm nén, vì vậy thỉnh thoảng tác giả lại thẳng thừng can thiệp vào hành tiến cốt truyện, không có cái vẻ tưng tửng, lạnh lùng. Tuy nhiên giọng văn hơi già, có độ ngấu và từng trải của người đứng tuổi. Điều này chắc cũng dễ hiểu ở những người chín sớm, không nhất thiết phải quật quã, đi nhiều, mất thì giờ với những chuyện vô bổ, mà óc quan sát, thái độ nghiêm túc với từng tiểu tiết, nhìn được nhiều điều người khác không nhìn ra, cùng với óc tưởng tượng nhất định, làm nên độ ngấu, độ chín, thành lợi thế của nhà văn. Cùng với đó, chắc chắn tác giả là một người đọc nhiều và trải nghiệm sách vở góp phần không nhỏ vào thành công của truyện: già dặn nhưng không dạn dĩ, theo kịp những tố chất của thời đại nhưng không màu mè, làm duyên. Điều đáng nói là hơi hướng thị dân rất rõ, không hề khiên cưỡng, rất tự nhiên.
Đọc anh, tôi chợt liên tưởng tới một tác giả Hoa Kỳ mà tôi hằng kính trọng, Jim Thompson, với chất truyện pha lẫn trinh thám và kinh dị, kiểu Stephen King. Nhưng Thompson có một điểm mạnh, khác biệt hẳn, ấy là trong một lô tiểu thuyết không dài lắm (chỉ khoảng 200-250 trang), ông có lối kể chuyện theo cái lối nói thường, có truyện cũng không bố cục, kết cấu gì, đọc nhiều lúc rất sốt ruột và không biết sẽ đi đến đâu. Tôi rất thích cách kể chuyện và rất chịu ảnh hưởng phong cách này, nó giải phóng ta khỏi mọi câu thúc của chuẩn tắc. Dù những truyện ông viết đã cách nay hơn nửa thế kỷ, nhưng chất hiện đại thì các nhà văn hiện nay cũng không theo kịp. Điều đáng mừng là có rất ít nhà văn trẻ của chúng ta, không hiểu rõ vì lý do gì, giờ cũng viết theo xu hướng này (dẫu không xù xì, thô ráp, thái quá, tự nhiên chủ nghĩa một cách cố ý như ông). “Đêm Q.M” là một truyện điển hình của Uông Triều, có thể mạnh dạn nói, theo xu hướng này. Chuyện xảy ra ở một thị trấn vùng Đông bắc, Q-M, 32.000 người, có lịch sử hơn hai trăm năm. Bối cảnh là đêm. Nhân vật (nếu có thể gọi như vậy), họa sĩ, và những Tông xanh, Giày màu đen, Bóng ngắn, Bóng dài, Bóng thứ ba, hai váy ngắn, Taxi trắng, Ông trâu đá, Ông già. Ngoài những nhân vật đã được thống kê và một số chi tiết được định danh, định tính cho có vẻ thực, không tài nào tóm tắt được câu chuyện vì không biết bấu vào đâu để giải mã. Tất cả là hệ thống những hành động nối nhau của các nhân vật cùng bối cảnh đêm. Chỉ có cách đọc từ đầu đến cuối. Hệ thống các hành động được hình dung rõ ràng, chắc không phải thuyết minh. Và nó là một kịch bản phim câm. Thử đọc một vài “xen”:
“Phở P.
Bốn chiếc bàn nhựa, hai ghế gỗ dài. Tám cái chân ở dưới gầm bàn. Hai cặp chân ở giữa trắng nõn, lông mịn… Những bàn tay mềm mại, móng tay hồng, giữ rịt mép váy. Hai chân phía ngoài rậm rịt lông, bàn chân to, đi đôi tông xanh, móng chân màu đất. hai chân phía trong ngạo nghễ mũi giày đen, li quần phẳng lì, không thèm gây tiếng động...”
...
“Trên cầu… Có ba bóng người. Hai bóng… Một ngắn, một dài. Bóng ngắn tóc dài, Nhỏ-Mềm. Bóng dài đầu chôm chôm. Xương… Hai bóng ngắn dài, cứ ba phút tách, mười tám phút nhập vào nhau. Tách nhập - tách nhập… Có nghe thấy tiếng rao bán xôi vọng lên từ đầu cầu không… Hơi nước từ mặt sông bốc lên lạnh lẽo…
Bóng thứ ba đang đứng ở giữa cầu, cả vũ trụ im lặng đang rót vào chỗ ấy”
...
“Họa sĩ nhặt một mẩu gạch non… Hai váy ngắn. Một bóng cao, một bóng thấp. Một ông già, ông trâu đá dưới chân thành cổ, gã dép tông khi nãy, một xe ô tô. Dòng sông vặn mình… Cầu cong, sông thẳng, bóng người di chuyển lờ mờ như ma…”
Truyện “Vô thức” có cái khí vị của “Faust”. Chi tiết hòn đá là cha. Vô hình có yếu tố hoang đường, huyền thoại. Truyện cũng có hồn cốt của các cách ngôn. Cả truyện giống một bài thơ vô định, bằng văn xuôi, hơn là một truyện ngắn.
Truyện thứ 10 “Không có con gái đẹp” cũng là một truyện hay, lời kể khá tự nhiên, hấp dẫn, yếu tố dị đoan xuyên suốt và bố cục cũng khá mạch lạc. Hơi hiếm với Uông Triều (ít nhất ở tập này). Nghĩa là có cái cốt, có thể kể được.
Vì những gì đã nói ở trên, tôi thấy đây là một tập truyện thành công, thể hiện một xu hướng có lẽ rất đáng khuyến khích. Câu thường ngắn cùng hành động dứt khoát. Văn phong nghiêm chỉnh. Nhiều đoạn dụng công đã đạt đến mức khắc họa ấn tượng và vì vậy mà có sức ám ảnh. Có điều những đoạn đèm đẹp cũng không ít, thành ra đơn điệu. Có lẽ, đến giờ định rồi chăng (chữ của tác giả) với một tác giả mà bản lĩnh, phong cách, sức sống ngòi bút đã phát lộ?
Kiều Cẩm Tú

No comments:

Post a Comment