.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Thursday, April 12, 2012

HIỀN NGUYỄN – VÀI NHÌN NHẬN HÔM NAY VỀ THƠ MỚI


(Toquoc)- Sáng 9/4 tại Viện Văn học Việt Nam đã diễn ra Toạ đàm khoa học nhân 80 năm Thơ mới. Nhiều nhà nghiên cứu, khoa học đã đưa ra những vấn đề gợi mở, đáng phải cân nhắc khi tiếp cận một hiện tượng thơ ca của thế kỷ XX đã qua.
Thơ mới xuất hiện từ khi nào?
Theo ý kiến của giáo sư Hà Minh Đức, thế kỷ XX có hai hiện tượng thơ đáng chú ý là Thơ mới và Thơ Cách mạng.
Trước nay, chúng ta đều nghĩ Thơ mới xuất hiện vào năm 1932 với bài thơ Tình già của Phan Khôi xuất hiện trên báo cùng với bài giới thiệu mang tên Một lối thơ mới trình chánh giữa làng thơ đã có tiếng vang mạnh mẽ, được xem là bài thơ mở đầu cho phong trào Thơ mới.
Và cho đến nay, dấu mốc văn học 1932 vẫn được xem như thời điểm ra đời của Thơ mới. Năm 2012 - đúng vừa tròn 80 năm, tại Ngày thơ Việt Nam lần thứ X, Hội Nhà văn Việt Nam cũng có triển lãm các nhà thơ trong phong trào Thơ mới đánh dấu 80 năm sự kiện này ra đời.
Thế nhưng, tại Toạ đàm do Viện văn học tổ chức thì nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân, bằng những tài liệu của quá khứ đã chỉ ra rằng, bài thơ Tình già của Phan Khôi xuất hiện năm 1928 và được in ở báo Hà Nội. Sở dĩ khi in ở Hà Nội trước đó chưa gây được tiếng vang cũng như tạo được chú ý dư luận vì đấy là tờ báo nhỏ. Song thực tế, phong trào Thơ mới một năm sau đó mới bùng phát mạnh mẽ ở cả ba miền.
Sở dĩ Phan Khôi hô hào phong trào Thơ mới là do dụng ý của ông, đưa chủ trương duy tân vào văn học. Dù được coi là người có tác phẩm mở đầu cho phong trào Thơ mới nhưng Phan Khôi tự thấy mình không trở thành nhà thơ của Thơ mới được và cũng không sáng tác Thơ mới, không đăng Thơ mới trên bất kỳ tờ báo nào.
Xem xét về hiện tượng Phan Khôi, Lại Nguyên Ân khẳng định: Phan Khôi không phải là nhà thơ Mới mà đó là hoạt động của một nhà văn hoá tác động phong trào, khởi phát của phong trào Thơ mới.
Như vậy, nếu căn cứ vào mốc thời gian thì Thơ mới xuất hiện đã trên 80 năm. Và nếu vẫn lấy căn cứ vào bài thơ Tình già của Phan Khôi thì ít nhất đó phải là năm 1928.
Đồng tình với quan điểm Thơ mới không phải bắt đầu từ năm 1932 của một số nhà nghiên cứu, Giáo sư Mã Giang Lân còn cho rằng Thơ mới phải tính từ đầu thế kỷ XX và bắt đầu từ năm 1907, 1908 với chu kỳ 12 năm có một giai đoạn phát triển theo hình sóng. Đầu thế kỷ XX là giai đoạn 1, năm 1932b là giai đoạn 2, năm 1944 là giai đoạn 3, năm 1956 là giai đoạn 4… Phải đặt Thơ mới trong bối cảnh đầu thế kỷ chúng ta mới nhìn rõ diện mạo Thơ mới Việt Nam ở cả ba lĩnh vực là sáng tác, lý luận phê bình và dịch thuật.
Theo ý kiến của tác giả trẻ Nguyễn Thanh Tâm thì sự xuất hiện của Thơ mới không phải ngẫu nhiên mà là một quá trình tích luỹ “chất sống mới”, đến thời điểm “chất sống mới” đã hình thành thì nó sẽ xuất hiện. Đó cũng là sự tương đồng giữa Thơ mới và thơ hiện nay.
Việc cho rằng Thơ mới có một giai đoạn coi như bước đệm trước năm 1932 (hoặc 1928) xem ra không phải không có lý khi nhìn lại một tiến trình phát triển của giai đoạn thơ ca, đặc biệt là Thơ mới. Nếu nghiên cứu vấn đề này, có lẽ các nhà nghiên cứu - từng gắn bó, từng biết tới Thơ mới mà hiện giờ không nhiều nên đặt nền móng đầu tiên.

Thơ mới - còn nhiều vấn đề dang dở
Thơ mới là một hiện tượng không chỉ ở Việt Nam mà mang tính khu vực, nhưng Việt Nam là nơi Thơ mới có được thành công đáng kể. “Đó là cuộc Cách mạng trong thi ca, một cuộc Cách mạng triệt để” - nhà lý luận phê bình Nguyễn Đăng Điệp khẳng định.
Khi Thơ mới chưa ra đời, chúng ta chủ yếu làm thơ chữ Hán theo thể thơ Đường. Sau đó tiến triển thêm một bước là thơ Nôm. Ở các thể thơ này người làm thơ phải phụ thuộc và tuân thủ niêm luật, giọng điệu, cân nhắc chữ nghĩa. Và dù sáng tạo nội dung thế nào đi chăng nữa thì hình thức vẫn là phụ thuộc, vay mượn.
Chỉ đến khi Thơ mới xuất hiện chúng ta mới độc lập hẳn và thoát khỏi Thơ Đường, tạo nên một truyền thống mới của Thơ Việt Nam - Giáo sư Trần Đình Sử nhấn mạnh.
Mặc dù đánh giá cao vai trò của Hoài Thanh - Hoài Chân trong thi nhân Việt Nam, nhưng giáo sư Trần Đình Sử cho rằng, đặt trong bối cảnh hiện nay, ông chưa thật đồng tình một số nhận định của Hoài Thanh - Hoài Chân. Ví dụ như nhận định Thơ mới không chống thơ cũ, chỉ chống thơ dở. Theo giáo sư thì không có một thời đại thơ ca nào chống lại thơ dở… Thơ mới là phong trào muốn tự do và thành thật.
Không chỉ những nhận định trong Thi nhân Việt Nam, mà còn nhiều đánh giá về Thơ mới, những bước thăng trầm của Thơ mới đặt trong bối cảnh hôm nay cần làm sáng tỏ.
Thơ mới trước Cách mạng tháng 8 được đánh giá cao, nhưng sau Cách mạng tình hình lại ngược lại. Phải đến gần 60 năm sau, từ đại hội Đảng lần thứ VI Thơ mới mới được đề cao trở lại.
Theo lời kể của Hà Minh Đức thì “Xuân Diệu là người hậm hực nhất vì Thơ mới không được đánh giá cao”. Đến khi Thơ mới được “minh oan” thì Xuân Diệu không được chứng kiến thành quả đó.
Việc đưa Thơ mới vào chương trình sách giáo khoa cũng là vấn đề đáng tranh luận. Trong khi sách giáo khoa của miền Bắc chỉ học Thơ mới thì sách giáo khoa miền Nam lại chỉ có Tự lực văn đoàn.
Lựa chọn tác phẩm trong sách giáo khoa mặc dù đã được hội đồng biên soạn cẩn trọng nhưng vẫn có tranh luận, chưa có sự thống nhất về tác phẩm đặc sắc, đỉnh cao nhất của từng tác giả. Qua cuộc toạ đàm này, PGS Đỗ Ngọc Thống mong muốn nhận được ý kiến và lựa chọn nên đưa những tác phẩm, tác giả nào vào chương trình học sách giáo khoa tới đây.
Giai đoạn Thơ mới còn xuất hiện kịch thơ với nhiều thành tựu đáng kể. Tuy nhiên sự tồn tại của kịch thơ khá ngắn ngủi và kịch tự sự thay thế như một tất yếu. Vai trò của kịch thơ có ý nghĩa như thế nào với Thơ mới cũng như đời sống đương thời còn là câu hỏi cần được nhìn nhận và đánh giá lại thấu đáo.
Thơ mới mặc dù là một thành tựu của quá khứ nhưng giá trị và ảnh hưởng của nó vẫn còn đến tận hôm nay. Công việc dang dở của Thơ mới hôm qua đòi hỏi “ứng xử” của hôm nay.
Hiền Nguyễn
Nguồn: VHQN

No comments:

Post a Comment