.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Monday, April 9, 2012

MAI LỮ - TRƯỜNG VIẾT VĂN CỦA TÔI

     (Kỉ niệm gần một năm, ngày K10 tốt nghiệp)                                                  
(Mai Lữ)     
Bốn năm học trong trường, tôi không viết nổi dòng nào về “ngôi nhà văn chương” này dù cho ý nghĩ ấy đã nhiều lần lóe lên. Như vừa mới đây thôi, tôi chân ướt chân ráo vào nhập học, khuôn viên nhỏ bé, mơ mộng với những chậu cây bác bảo vệ vun trồng, mái ngói đỏ thẫm và kết cấu ngôi nhà (theo nhiều người kể lại) mang hình “con cá chép” ấy đã đánh thức biết bao ánh mắt tò mò. Giờ trở lại, bác bảo vệ đã nghỉ hưu rồi, trước mặt “ngôi nhà” của chúng tôi cũng không còn bức tường rêu cũ, thay vào đó là khoảng sân thênh thang đầy nắng, đầy gió, đầy người… kéo giãn không gian thêm hun hút, mơ hồ một nỗi buồn đến từ sự đổi thay.
Lớp K10 của tôi, năm thứ nhất, cứ bốn, năm anh em trong kí túc xá lại dùng chung một chiếc máy tính, đợi khởi động mất ba mươi phút. Đáng thương thay, cỗ máy già cỗi ấy trừ lúc chúng tôi lên lớp, còn thì chẳng bao giờ được nghỉ ngơi. Một đêm, anh em chia ra mấy “ca”, đứa này viết xong thì gọi đứa kia dậy viết. Đang viết, chuột chạy vướng vào dây điện, máy tắt nguồn là mất luôn bài, ngồi khóc hu hu. Tôi ít tuổi hơn mấy người học cùng lớp: Hoàng Chiến Thắng, Khúc Hồng Thiện, Tiến Cường… lại ở gần phòng trong kí túc xá nên thường nhõng nhẽo bắt các anh đọc bất cứ thứ gì mình viết ra. Nghe chê, nghe chửi chán rồi ôm mặt khóc, chạy về đóng sập cửa phòng. Vài ngày sau, các anh mang tác phẩm sang bảo đọc giúp, chẳng dám chê, chẳng dám chửi, cứ lắp bắp trong miệng. Mãi cũng quen. Nhưng những bài thơ, truyện ngắn đầu tiên tôi được đăng năm thứ nhất cũng chính bạn bè mang báo về tặng tôi, chính bạn bè chở tôi trên chiếc xe đạp cọc cạch đến tòa soạn lấy nhuận bút… 50.000 đồng về mua bánh kẹo trái cây khoe um kí túc! Ngày ấy, chúng tôi có thói quen đọc bài của nhau, tặng báo cho nhau, và vui niềm vui của nhau, sự đố kị, hờn ghen nhen nhóm rồi trong phút giây bỗng dưng vụt biến.
Ngoài việc đi thực tế chung với lớp, chúng tôi hay dành dụm tiền nhuận bút để đi riêng theo nhóm, gần chục người phóng xe máy đi khắp nơi. Dạo đi xa nhất là lên xã Phiêng Lằm cách thị xã Bắc Kạn gần 100 km đường rừng. Chúng tôi băng rừng vào giữa đêm khuya, hai bên đường từng vực đá trắng lốp, dựng ngược giữa khối màu đen đặc. Nơi ấy, là quê hương của cậu bé người Dao - Triệu Hoàng Giang lớp tôi. Từ nhỏ, Giang phải trèo đèo lội suối đi học, cấp hai đã ở nội trú, một năm về nhà vài lần. Khi Giang thành sinh viên đại học,  miền đất ấy vẫn nghèo khổ, chưa có điện sáng, chưa sóng điện thoại. Sau chuyến đi, nhóm chúng tôi giao nhiệm vụ mỗi người phải viết một vài bài. Sau loạt bài được đăng tải trên các báo, hôm nghỉ hè, tôi nhận được điện thoại của Giang: “Quê tao có điện rồi!”. Lại ríu ríu hẹn hò nhau một cuộc đi xa khác. Sinh viên Viết văn, mỗi người một quê, một hoàn cảnh, ngoài việc học tập, chúng tôi cố gắng đỡ đần, gánh vác nhau chuyện gia đình, cứ có đám ma chay cưới hỏi nhà nào anh em lại gác hết sách vở, khăn gói lên đường.
Phòng làm việc của thầy Văn Giá ở tầng một, chúng tôi ăn ở, học tập, sinh hoạt tầng hai, tầng ba. Tất cả những tranh luận, xích mích, cãi cọ ỏm tỏi của lũ sinh viên diễn ra ngay “trên đầu thầy”. Buổi sáng, trước giờ làm việc, cửa phòng thầy mở, trong giờ làm việc cửa đóng im ỉm. Có dạo, thầy học tiếng Anh, trước cửa phòng thầy luôn có cái biển bé bé xinh xinh, đề rằng: “Đang bận, không tiếp khách”. Chúng tôi đi ăn về, chỉ trỏ cái biển, không nói không rằng, lẳng lặng di chuyển cái biển sang… cửa phòng thầy Trần Đức Ngôn (nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Văn hóa) rồi co cẳng chạy. Lên đến phòng, chúng tôi vừa nhìn nhau vừa thở hổn hển bắt chước kiểu mắng học trò của thầy: “Thế này thì không được, nhờ! Thế này thì tệ quá, nhờ!” Nhưng bốn năm học, thầy cũng chỉ mắng chúng tôi đến thế thôi. Vừa mắng vừa che chở. Thỉnh thoảng, thầy lên sân kí túc xá đàn hát, uống rượu và nghe học trò… đọc thơ. Ánh mắt thầy ngời ngời niềm tin bắt đầu từ những vần thơ vụng dại. Rượu vào lời ra, thầy nói một sinh viên nói mười, tiếng cười, tiếng hát đều đều, rộn rã vang lên trong khu kí túc xá. Đôi khi cao hứng, thầy vào thăm nơi ăn chốn ở của sinh viên, chúng tôi ngượng nghịu nhìn nhau: Phen này thầy được một phen kinh hãi! Sách vở, đồ dùng chất đống ở bốn góc phòng, chỗ sinh hoạt của mỗi cá nhân thu về chiếc giường tầng nhỏ hẹp. Thầy vào chẳng biết mời thầy ngồi ở đâu. Thầy tiến đến những chồng sách, quan tâm xem chúng tôi đọc gì, rồi hỏi xem đang viết gì, rồi gật gù khích lệ. Những thầy cô giáo khác tới khoa giảng dạy cũng mang đầy “tinh thần Viết văn”. Các thầy cô sẽ không chịu nổi nếu cả lớp cứ im như thóc, thầy cô chỉ thích nghe chúng tôi “cãi”, tranh luận thật sôi nổi. Hết đợt dạy, thầy dắt díu đằng sau cả đám học trò đi ăn uống, đi thăm nơi này nơi kia, hẹn ngày tái ngộ.
“Ngôi nhà văn chương” cũng là nơi hội ngộ của nhiều văn nghệ sĩ trong cả nước, đặc biệt là các nhà văn, nhà thơ học khóa trước giờ đang công tác ở các cơ quan báo chí, văn nghệ. Mỗi dịp hội ngộ và mỗi lần truyền cảm hứng sáng tạo cho nhau. Để tỏ lòng “hiếu khách”, dân Viết văn thường có câu nói đùa với những vị khách tới thăm trường: “Chưa phải trèo tường thì xem như chưa vào khoa Viết văn”. Chuyện thật như đùa, nhà thơ trẻ Nguyễn Anh Vũ mấy lần vào chơi quyết tâm ngồi lại đến nửa đêm để xem “trèo tường” ở khoa Viết văn nó thế nào. Anh em hàn huyên thơ phú, chuyện nọ xọ chuyện kia tới gần hai giờ sáng. Lúc đó, Nguyễn Anh Vũ khấp khởi, đi nhẹ nói khẽ, men theo cửa sau định trèo tường thì giật nảy mình trước bóng người đen sì án ngữ ngay cánh cửa. Chưa kịp hoàn hồn đã nghe tiếng mở  ổ khóa lạch xạch, bác bảo vệ quay lại cười cười, bảo: “Không phải trèo, đi đường này để còn… đưa xe máy ra”. Lúc đó Nguyễn Anh Vũ mới tá hỏa, nếu mình trèo tường còn cái xe máy làm sao mọc cánh mà bay qua được!
Còn nhớ, trước hôm lớp tôi tốt nghiệp, lũ sinh viên chúng tôi tụ tập đàn hát, ăn uống và “chửi nhau” suốt đêm. Muốn khóc mà không sao khóc nổi. Chúng tôi mở máy tính, xem lại từng bức ảnh, từng gương mặt bạn bè, thầy cô đã in vào năm tháng, với biết bao kỉ niệm vui buồn. Buổi sáng tốt nghiệp, tuyệt nhiên không có cảnh khóc lóc muộn phiền chỉ có những nụ cười khoái trá chờn vờn trong ánh mắt ưu tư. Thầy Văn Giá lên phát biểu, cũng mở màn cũng bằng một nụ cười mà thầy đã không giữ được nó lâu hơn vài giây. Với chúng tôi, đó là nụ cười đầy ám ảnh lặp đi lặp lại mỗi khi lớp học trò nào đó ra trường. Thầy gọi từng cái tên, nhìn mãi từng khuôn mặt. Tất cả chúng tôi, khi ấy, chỉ muốn mình bé lại, để vòng tay thầy thật rộng, đủ ôm tất cả trong lòng.
---
MAI LỮ
Nguồn: Vietvan.vn

No comments:

Post a Comment