.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Tuesday, April 3, 2012

NGUYỄN THỤY KHA – NGÀY XUÂN VIẾNG MỘ CỤ CHỦ BÁO NAM PHONG


Ở ngoại ô Huế. Một sớm se lạnh sau Nguyên Tiêu. Chúng tôi cùng nhạc sĩ Phạm Tuyên tới chùa Vạn Phước. Nơi ấy, ở góc đồi xóm Bình An là nơi yên nghỉ đời đời của cụ Phạm Quỳnh-thân sinh nhạc sĩ và là chủ báoNam Phong xưa kia.


Ở đấy, dưới một hàng cây muối xanh mướt là nấm mồ lặng lẽ của một nhà văn hóa từng hết lòng vì quốc ngữ. Trước cửa và mộ của cụ có đôi câu tri ngôn của cụ viết bằng chữ Nôm “Truyện Kiều còn, tiếng Ta còn- Tiếng Ta còn, nước ta còn”. Có lẽ, mọi éo le trong cuộc đời trắc ẩn của nhà báo lớn này đều khởi nguyên từ cái sự quá yêu tiếng Việt ở trong ông. Ông đã tự nhận mình là người “cúc cung tận tụy với nền quốc văn”, nhiệt liệt ca ngợi Truyện Kiều và đề xướng phong trào học Kiều. Viết về thơ Tản Đà – Nguyễn Khắc Hiếu, ông cũng đắm đuối cùng tiếng Việt: “Tôi phục ông Hiếu là người làm văn có tài gẩy cây đàn độc huyền tiếng Nôm ta mà khéo nên được lắm giọng…”. Vì say mê với thư ngôn ngữ “độc huyền” này, sau khi tốt nghiệp trường Thông Ngôn (tiếng Pháp) và ra làm việc ở Viễn Đông Bác Cổ ít lâu, Phạm Quỳnh đã đứng ra chủ trì tạp chí Nam Phong từ 1/7/1917. Suốt 15 năm duy trì tạp chí (từ 1917 đến 1932)-bằng 15 năm lưu lạc nàng Kiều-Phạm Quỳnh lại dùng đúng tinh thần ngôn ngữ của Truyện Kiều để suy tôn và phát triển tiếng Việt với đầy nhiệt huyết.
Bộ Nam Phong tùng thư và Thượng Chi văn tập của ông là những công trình nghiên cứu đồ sộ mà ở đó, ông không ngớt ca tụng tiếng Việt. Trong cuốn Nhà văn hiện đại của Vũ Ngọc Phan, Phạm Quỳnh đã được ngợi ca: “Cái công Phạm Quỳnh khai thác lúc đầu cho nền quốc văn có ngày nay thật là một công không nhỏ.” Vũ Ngọc Phan còn viết: “nói như vậy không có gì quá đáng, vì nếu đem so tạp chí Nam Phong với những tạp chí xuất bản ở Pháp trong mấy năm gần đây (thời sau thế chiến I) như Revue de Paris, Grande Revue, Mercure de France, Nouvelle Revue Francaise, người ta đã thấy những tạp chí này đều thiên về một mặt văn học, thêm ít nhiều triết học và khoa học, còn không một tạp chí nào lại tham khảo được cả học thuật tư tưởng Đông-Tây mà chuyên cả về khảo cứu cùng biên tập thơ văn cổ kim như Nam Phong tạp chí…”.
Trước mộ Cụ Phạm Quỳnh (Nguyễn Thụy Kha, Phạm Tuyên, Nguyễn Trọng Tạo) - Huế 2007
Phạm Quỳnh từng tuyên bố ở Pháp: “Dân tộc Việt Nam chúng tôi không phải là một tờ giấy trắng. Chúng tôi là một quyển sách dầy đầy chữ viết bằng một thứ mực không phai từ mấy mươi thế kỷ nay. Quyển sách cổ ấy có thể đóng theo kiểu mới cho hợp với thời trang nhưng không thể đem một thứ chữ nước ngoài in lấp dòng chữ cũ”. Có lẽ vì quá yêu tiếng Việt, lo lắng cho sự giáo dục tiếng Việt ở trong nước, ông đã nhận lời làm thượng thư Bộ Quốc dân Giáo dục thời Bảo Đại, mặc dù rất nhiều bạn bè đã can gián. Và cứ thế, cuộc đời của một quan đương triều buộc phải trôi theo thời cuộc.
Vị sư chủ trì chùa Vạn Phước, nơi còn lưu giữ bảng chữ “Thổ nạp Âu Á” và nơi ông ngồi đọc sách khi xưa tại Huế những lúc rảnh rang, nói về cái thế đặc biệt của ngôi chùa này với chúng tôi. Đó là vùng đồi giáp ranh giữa đồng bằng thành phố và núi nên nơi đây luôn là nơi đi lại của những người hoạt động bí mật. Thời ta thì bảo nơi đây là nơi lén lút của bọn phản cách mạng. Thời ngụy thì bảo nơi đây là nơi ẩn náu, chứa chấp bọn cộng sản. Chỉ có đến hôm nay “Vạn Phước” mới thực là vạn phước chứ không vô phước như những năm tháng trước. Có khi vì cái duyên ấy mà đất bình an trở thành nơi yên nghỉ của một nhà báo mà Tây thì bảo là thân Cộng, còn Ta thì bảo thích Tây”
Nhưng mọi bi kịch trong lịch sử đều sẽ được hóa giải ở hôm nay. Năm 2002, kỉ niệm 110 năm ngày sinh Phạm Quỳnh, nhà xuất bản Văn học đã ấn hành cuốn Mười ngày ở Huế của ông. Những đóng góp và sai lạc của Phạm Quỳnh hẳn rồi sẽ được nhìn nhận công bằng. Niềm tin ấy dường như nằm trong đôi câu đối trên cổng con dốc vào mộ ông: “Vạn ức dòng sông nước chảy ra bốn biển biến nhơ thành sạch-Phước cho trăm họ nương về tam bảo bỏ dữ làm lành”…

NGUYỄN THỤY KHA

No comments:

Post a Comment