.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Wednesday, April 4, 2012

NGUYỄN TRỌNG BÌNH – CHƯA HIỂU HẾT CHA ÔNG THÌ ĐỪNG TÍNH CHUYỆN “SOÁN NGÔI” THƠ


…Vấn đề ở đây không phải là chuyện “thơ khó hay độc giả khắt khe” (dẫu nếu có chuyện này đi chăng nữa thì đây cũng là chuyện rất nhỏ) mà vấn đề là tất cả chúng ta (cả người làm thơ và người thưởng thức thơ) đã chuẩn bị gì cho thơ, đã “thai nghén” và “nuôi dưỡng” thơ như thế nào để thơ được “sống”, được can dự vào sự tiến hóa chung của con người?
“Em bây giờ có lẽ
Toan tính chuyện lọc lừa…
Anh bây giờ có lẽ
Nên làm người tình thua…”
(Thơ Nguyễn Tất Nhiên)

1. Thật buồn cười khi biết rằng hiện nay người ta đem chuyện “thơ đương đại khó hay độc giả quá khắt khe” với nó ra mà bàn tán rôm rả. Sao lại đặt vấn đề như thế nhỉ? Không phải mọi người luôn bảo nhau rằng dù muốn dù không; dù “thơ khó hay độc giả khó” gì thì “thơ vẫn sống”, vẫn “tồn tại” đó sao? Thế thì bàn chuyện này cuối cùng sẽ mang lại kết quả gì? Lẽ ra, ở chỗ này nên luận xem thơ đương đại đang “sống” ra sao, “sống” như như thế nào; “sống” với bộ phận công chúng nào; “sống” tới bao lâu; và những người làm ra nó có thể cùng “sống” với nó để lưu danh hậu thế như cha ông thời trước không? Hay là thật sự nó “chết trong lúc đang sống” như cách nói của Nam Cao trong tiểu thuyết nổi tiếng Sống mòn viết cách đây hơn nửa thế kỷ?... Những vấn đề như thế này lẽ ra nên được “mổ xẻ” thì có khi là “hợp tình hợp cảnh” hơn chăng?
Chưa hết, càng buồn cười hơn nữa khi có không ít những người làm thơ đương đại hiện nay còn “úp mở” rằng đã đến lúc làm một cuộc “thay máu” cho thơ ca kiểu như các nhà thơ Mới thế hệ 1932-1942 đã từng làm trong lịch sử thơ ca dân tộc nữa chứ? Hèn gì mà có người không ngần ngại “giáo huấn” lại độc giả rằng “hãy thay đổi cách đọc thơ” đi. Làm gì mà phải thống thiết đến mức ảo tưởng và ngô nghê khi van nài như thế này: “nên chăng độc giả hãy cho thơ đương đại cơ hội được đọc, được hiểu như thơ Mới, tới lúc đó thơ đương đại không còn khó nữa?” [1]. Trời ạ, có ai cấm cản chuyện này bao giờ đâu mà bảo “cho hay không cho”. Tuy thế, nếu chỉ dẫn ra vài trường hợp thơ đương đại viết theo lối rất tự phát hiện nay để so sánh với cả một trào lưu thơ Mới rồi yêu cầu công chúng “ban phát cho một cơ hội” thì rõ ràng chưa phải lúc nếu không muốn nói là quá ảo tưởng?!

2. Đến nay phong trào thơ Mới 1932-1942 trở thành truyền thống thơ ca của dân tộc. Tuy nhiên, nếu chúng ta biết rằng để làm nên “một thời đại trong thi ca vừa đúng mười năm chẵn” này (theo cách nói của Hoài Thanh và Hoài Chân trong Thi nhân Việt Nam) thì cha ông ta đã mất đến 1000 năm để “chuẩn bị” (nếu làm tròn những con số kể từ khi chúng ta có nền văn học viết (thế kỷ X) đến thời thơ Mới - thế kỷ XX). Trong cái nhìn so sánh, nếu lấy mốc 1945 đến nay thì với khoảng trên dưới 70 năm thử hỏi những người làm thơ đương đại hiện nay đã có những bước “chuẩn bị” gì và chuẩn bị như thế nào mà đòi làm cuộc “nổi loạn” nhằm “tống tiễn thơ Mới” như kiểu các nhà thơ Mới trước đây đã tống tiễn thơ Cũ (thơ ca trung đại)? Hay nói cách khác, trong khoảng hơn nửa thế kỷ này, chúng ta đã hiểu cha ông ta chưa, hiểu như thế nào, hiểu đến mức nào… mà đòi làm cuộc “thay máu”?
Công bằng mà nói thì chúng ta có hiểu nhưng vẫn chưa hiểu hết; hoặc có những chỗ hiểu nhưng hiểu rất mơ hồ; hoặc có khi vẫn không thể hiểu nổi cha ông ta thời thơ Mới đâu. Thảo nào mà chúng ta chưa kịp hiểu hết cha ông, hoặc không hiểu cha ông nên mới đưa ra những cách so sánh ấu trĩ và buồn cười thế này:
“Nếu cái tôi thơ mới chỉ dừng lại là sự khẳng định cá nhân trong nỗi cô đơn, lạc lõng giữa thế giới: “ta là một, là riêng là thứ nhất/ không có chi bè bạn nỗi cùng ta (Hy Mã Lạp Sơn - Xuân Diệu) thì cái tôi cô đơn trong thơ đương đại lại là sự khẳng định cái cô đơn ngay giữa những người thân yêu nhất:
Bố
Mặt trời nóng rực và ồn ã
Con muốn gần ... lại sợ ...
tan ra…
Mẹ
Mặt trăng xa
Con ngần ngại cận kề
Con
Vì sao lạc giữa
Lớn lên và sáng bằng nước mắt
Bầu trời không ngừng bão tố
Sấm, sét chớp rạch đấy…
(Những đối lập - Vi Thùy Linh)” [2]
Có thật là “cái tôi thơ Mới chỉ dừng lại” ở “sự khẳng định cá nhân trong nỗi cô đơn, lạc lõng giữa thế giới” như cách nói của tác giả đoạn trích này không? Hơn nữa, nếu lấy cái tôi thơ Mới “cô đơn lạc lõng giữa thế giới” so với cái tôi của thơ đương đạicô đơn ngay giữa những người thân yêu nhất” (mà cô nàng “thi sĩ ái quyền” Vi Thùy Linh đang làm “đại diện”) thì cái tôi nào đáng thông cảm và chia sẻ hơn? Một đằng là lạc lõng giữa vũ trụ khôn cùng; một đằng chỉ là sự lạc lõng trong phạm vi của một gia đình thì liệu sự lạc lõng nào đáng thương hơn?
Nên nhớ rằng, suy cho cùng sự ra đời của thơ Mới nói chung hay các trào lưu văn học giai đoạn 1930-1945 về sâu xa đó còn là nỗi “bức xúc” của cha ông nhằm thoát ra khỏi sự “nô lệ văn hóa” (văn hóa Trung Hoa suốt 1000 năm Bắc thuộc) bên cạnh một nỗi “bức xúc” khác đó là sự nô lệ về cương vực, lãnh thổ (sự cai trị của thực dân Pháp). Cho nên, sự khẳng định “cái tôi” ở thơ Mới ở góc nhìn văn hóa, đó là một bước ngoặt cực kì quan trọng đối với vận mệnh dân tộc ở phương diện trình độ tư duy và nhận thức của mỗi cá nhân. Chúng ta hãy nghe Lưu Trọng Lư phát biểu về vấn đề này trong bài diễn thuyết ở Học hội Quy Nhơn năm tháng 6/1934 để hiểu rõ hơn sự thay đổi mang tính bước ngoặt về nhận thức và trình độ tư duy của cha ông ta như thế nào:
“Các cụ ta ưa màu đỏ choét, ta lại ưa màu xanh nhạt… các cụ bâng khuâng vì tiếng trùng đêm khuya, ta lại nao nao vì tiếng gà đúng ngọ. Nhìn một cô gái xinh xắn, ngây thơ các cụ coi như đã làm một điều tội lỗi; ta thì ta cho là mát mẻ như đứng trước một xanh đồng xanh. Cái tình của các cụ thì chỉ là sự hôn nhân nhưng đối với ta thì trăm hình muôn trạng: cái tình say đắm, cái tình thoảng qua, cái tình gần gũi cái tình xa xôi, cái tình trong giây phút, cái tình ngàn thu…” (Dẫn lại từ Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh, Hoài Chân).
Trong cái nhìn này, có thể nói các cây bút thơ đương đại (nhất là các cây bút trẻ) chưa làm được những điều mà các nhà thơ Mới đã làm trước đó. Bằng chứng là các cây bút thơ đương đại nhìn chung vẫn viết theo lối tự phát (tôi muốn nói đến sự “tự phát” ở nghĩa rộng của từ này). Vì thế, tiếng nói của họ chưa đủ “sức nặng” để thuyết phục đại bộ phận công chúng vì một lẽ rất đơn giản đó không phải là “tiếng nói chung của một thế hệ”. Trong khi đó, với thơ Mới tuy mỗi nhà thơ là một cá tính nhưng gần như tất cả họ đều cùng chung một “chiến tuyến”, chung một mục tiêu là hướng đến việc thay đổi nhận thức nhằm góp phần “cải tạo văn hóa”; dẫn dắt dân tộc hòa nhập với những nền văn hóa khác trên con đường hòa nhập với thế giới.

3. Bây giờ chúng ta thử bàn thêm một vài nét cơ bản để xem cha ông ta thời thơ Mới đã có những bước đi và chuẩn bị gì về văn hóa như thế nào trong 1000 năm để đến năm 1932 mới bắt đầu chính thức làm cuộc lật đổ “thành trì” thơ ca trung đại trước đó?
Thứ nhất, làm nên thời đại thơ Mới là những tên tuổi cụ thể như Phan Khôi, Lưu Trọng Lư, Nguyễn Thị Kiêm, Thế Lữ, Vũ Đình Liên, Nguyễn Nhược Pháp, Huy Thông, Đoàn Phú Tứ, Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Hàn Mặc Tử, Nguyễn Bính… Tuy nhiên trước đó, để có được thành công của thơ Mới thì không thể không kể đến những người đã cất công “dò đường”, cất công “tiền trạm” tiêu biểu như “ông thần ngông” Tản Đà - người mà Hoài Thanh đã thành kính tri ân bằng việc rước “anh linh” về chứng giám trước khi cho “khai mạc Hội Tao Đàn thơ Mới”. Đó là nói về những người có công tham gia trực tiếp vào cuộc “nổi loạn” của thơ Mới còn như nói về những bước “chuẩn bị” sâu xa hơn nữa ở các phương diện như văn hóa, giáo dục, báo chí… có lẽ khó mà kể hết ra đây những tên tuổi đã gián tiếp góp phần vào cuộc cuộc “nổi loạn” này.
Thứ hai, nhận định về các khuynh hướng của thơ Mới, Hoài Thanh viết: “Mỗi nhà thơ Việt Nam hình như mang nặng trên đầu năm bảy nhà thơ Pháp”. Tôi muốn nhìn nhận vấn đề ở đây với ý nghĩa tích cực của nó đó là sự tác động và ảnh hưởng của quá trình giao thoa văn hóa - một thực tế đã diễn ra có tác động trực tiếp đến các nhà thơ Mới. Ở góc nhìn này, tôi cho rằng; để có thể hiểu cha ông - để có thể hiểu và “giải mã” những phong cách thơ như Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Bích Khê, Đinh Hùng, Vũ Hoàng Chương… dứt khoát chúng ta cần phải được “trang bị” tri thức văn hóa của nhân loại, nhất là trên phương diện triết học. Bởi với các nước phương Tây, gần như những trào lưu văn học của họ bao giờ cũng được “dẫn dắt” bởi một triết thuyết nào đó! Ở góc nhìn này, chúng ta cần nên thành thật với nhau là đến nay ta thật sự vẫn chưa hiểu hết những gì gọi là “thơ điên”, “thơ loạn” ở Hàn Mặc Tử, ở Chế Lan Viên….; hay chúng ta tuy cũng có nói đến “thơ tượng trưng”, nói đến “thơ siêu thực” trong phong trào thơ Mới nhưng để nói một cách “rốt ráo”, cho “ra ngô ra khoai” thì đó là vấn đề còn đang được các nhà nghiên cứu trao đổi, bàn bạc. Vì sao như vậy? Có rất nhiều lý do nhưng theo tôi có một lý do quan trọng nhất đó là do một thời gian dài chúng ta bị “ức chế” do thơ Mới bị loại ra khỏi đời sống văn học những năm cả dân tộc tiến hành “hai cuộc chiến sống còn” để thống nhất bờ cõi. Sự “ức chế” này không đơn giản chỉ là sự “ức chế” vì không được phép đề cập, không được bàn, không được ca ngợi thơ Mới mà quan trọng hơn nó là sự “ức chế triết học”; “ức chế về quan điểm và xúc cảm thẩm mỹ” vì đường hướng cách mạng dân tộc chỉ chấp nhận duy nhất một con đường, một hướng đi chung cả về “lý luận” lẫn “thực tiễn” trên tất cả mọi phương diện. Và chỉ từ khi sau đổi mới (1986), chúng ta mới bắt đầu tìm lại, xem lại, đọc lại, đánh giá lại thơ Mới cũng như những hiện tượng văn học khác mà một thời vì “hoàn cảnh” mà chúng ta xem đó là “những trường hợp phức tạp”. Thế nhưng, như đã nói với chừng ấy năm sau đổi mới thậm chí cho đến tận hôm nay, thử hỏi liệu chúng ta đã đủ thời gian để giải tỏa hết nỗi “ức chế triết học” chưa; liệu chúng ta đã hiểu hết cha ông ta thời thơ Mới chưa? Rõ ràng, chúng ta mới hiểu ở một vài phương diện nào đó; hoặc có khi vẫn chưa hiểu, không hiểu, hay hiểu rất mơ hồ… Như thế, thì liệu chúng ta làm sao đủ “vốn” để mà làm những “cuộc bạo động chữ nghĩa” hay “cách tân” gì đó?
Ngoài ra, tiện thể cũng xin nói thêm, đến thời điểm này chúng ta vẫn chưa hiểu và khai thác hết cái di sản văn học nghệ thuật nói chung hay thơ ca nói riêng của cha ông ở “khu vực” mà các nhà nghiên cứu hiện nay vẫn gọi đó là “văn học đô thị miền Nam” trong những năm đất nước còn bị chia cắt. Trong cái nhìn cầu thị và chân thành nhất, riêng ở chỗ này chúng ta cũng lại chưa kịp hiểu hết những tâm tư, tình cảm, những trăn trở của cha ông trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc trên lộ trình đi đến ngày thống nhất. Có thể nói về điểm này, chúng ta vẫn chưa hiểu hết cha ông, nên đừng vội hát câu “Ví dầu tình bậu muốn thôi - Bậu gieo tiếng dữ cho rồi bậu ra”!

4. Làm nên phong trào thơ Mới cách đây hơn nửa thế kỷ, cha ông ta đã có những bước đi và những sự “chuẩn bị” về rất kỹ về văn hóa và tri thức. Nói cách khác, cha ông ta thời thơ Mới đã hiểu rất rõ cha ông ta thời trung đại trong suốt 1000 năm và họ thấy đã đến lúc phải làm cuộc “thay máu” và thực tế là họ đã đúng và đã làm được. Cha ông ta thời thơ Mới đã hiểu rất rõ cha ông thời trung đại bằng một con mắt tinh đời luôn “nhìn xa trông rộng” với một tinh thần tự giác và rất có trách nhiệm. Trên cơ sở ấy, họ mới dám tự tin làm nên cuộc “nổi loạn” nhằm giải tỏa những nỗi “bức xúc văn hóa” trong văn học nghệ thuật nói chung và thơ ca nói riêng.
Còn với chúng ta ngày nay - thử hỏi những nhà thơ đương đại đã hiểu cha ông ta (thời thơ Mới) đến đâu trong khoảng trên dưới 70 năm qua (tính luôn 41 năm bị gián đoạn từ 1945 đến 1986) mà đòi làm cuộc “soán ngôi” thơ? Thực ra, theo tôi thì chúng ta vẫn đang sống, vẫn đang được sưởi ấm bằng ngọn lửa âm ỉ cháy của cha ông ta từ thời thơ Mới mà có khi chúng ta đang cố tình tự lừa dối mình để không chịu thừa nhận đó thôi. Những cái mà chúng ta gọi là “thơ khó”, thơ “tân hình thức”, “thơ hậu hiện đại”… gì đó thì cha ông ta thời thơ Mới đã thử nghiệm hết cả rồi. Những phát ngôn theo kiểu “tôi viết những gì thuộc về chính tôi, viết cho riêng mình tôi” thì cha ông ta đã nói rồi. Thơ của Xuân Thu Nhã tập đây này:
“Lẵng xuân bờ giũ trái xuân sa
Đáy đĩa mùa đi nhịp hải hà”
Hoặc sau thơ Mới, thi sĩ Bùi Giáng “giả điên”, “giả cuồng” của chúng ta ít nhiều đã “đi” trước các nhà thơ đương đại ngày nay khá lâu rồi. Thử đọc 4 câu thơ sau của Bùi Giáng sẽ biết:
Người con gái lội qua khe
Bàn chân với nước lạnh đè lên nhau
Nỗi niềm tưởng lại xưa sau
Bàn chân với nước cùng nhau lại đè
(Gái lội qua khe)
Hay trong cái nhìn gần nhất, chúng ta thử so sánh thơ đương đại (các cây bút trẻ) với cây bút thơ “gạo cội” còn đang tại thế là Nguyễn Duy thôi sẽ thấy trình độ nhận thức và tư duy của họ với Nguyễ Duy là một khoảng cách rất xa. Ai không tin xin đọc lại Nguyễn Duy với “Nhìn từ xa… Tổ quốc” sáng tác năm 1988 thì rõ. Riêng bản thân tôi, thỉnh thoáng đọc lại bài thơ này mới biết Nguyễn Duy là một nhà thơ "cự phách". Càng đọc càng thấm thía. Ví như những câu thơ này:
“…Xứ sở cần cù
sao thật lắm Lãn Ông
lắm mẹo lãn công
Giả vờ lĩnh lương
giả vờ làm việc
Tội lỗi dửng dưng
lạnh lùng gian ác vặt
Ðạo Chích thành tôn giáo phổ thông
Ào ạt xuống đường các tập đoàn quân buôn
buôn hàng lậu - buôn quan - buôn thánh thần - buôn tuốt…
quyền lực bày ra đấu giá trước công đường
Ai ?
không ai
Vết bầm đen nhún vai”…
Hay:
"Ðổi mới thật không hay giả vờ đổi mới?
Máu nhiễm trùng ta có thể thay chăng?".
Và còn nhiều câu, nhiều đoạn khác nữa! Có thể nói, Nguyễn Duy chính là “thi bá” trong hàng ngũ các nhà thơ Việt hiện nay. Các nhà thơ trẻ đang trên đường “cách tân”, muốn “nổi loạn” ư, theo tôi, nếu chưa vượt qua “thi bá” Nguyễn Duy thì đừng có mà mơ mộng viển vông! Mới hay, không hiểu hoặc chưa kịp hiểu cha ông đó là một cái tội. Mặt khác, không hiểu hay chưa hiểu cha ông ở phương diện nào đó cũng tức là không hiểu hay chưa hiểu chính bản thân mình. Mà mình không hiểu chính mình thì sao làm việc có hiệu quả? Cho nên, đừng có mượn danh nghĩa “tân hình thức” hay “hậu hiện đại” gì đó để tự lừa gạt chính bản thân mình và công chúng khi chưa thật sự ý thức rõ về nó?
***
Cuộc đời vốn rất công bằng, ai có tài năng và tâm huyết nhất định sẽ được cuộc đời vinh danh. Chúng ta không bi quan vào sự vận động và phát triển của thơ ca dân tộc trong thời điểm hiện nay. Tuy nhiên, có lẽ cũng không nên quá nôn nóng nghĩ đến chuyện phải làm cuộc “soán ngôi thơ” gì đó trong lúc này. Hãy dũng cảm nhìn vào một sự thật là chúng ta vẫn còn đang nợ cha ông ta rất nhiều. Bởi những di sản cha ông để lại chúng ta vẫn chưa chưa “tiêu hóa” nổi và “xử lý” xong. Tôi cũng tin rồi đây sẽ có một cuộc “thay máu” nữa cho thơ ca cho dân tộc. Nhưng chắc chắn đó là chuyện của tương lai có thể rất gần mà cũng là rất xa. Cho nên, theo thiển ý cá nhân, người viết cho rằng nếu thật sự có trách nhiệm với thơ, thật sự yêu và kính trọng thơ, nên chăng chúng ta cần có những bước “chuẩn bị văn hóa” thật tốt cho con cháu mai sau. Biết đâu khi ấy cuộc đời sẽ lại vinh danh chúng ta như một người có đã công “tiền trạm” kiểu như thi sĩ Tản Đà trước đây. Được như thế, thiết nghĩ cũng đã là may mắn lắm rồi.
Nói tóm lại, vấn đề ở đây không phải là chuyện “thơ khó hay độc giả khắt khe” (dẫu nếu có chuyện này đi chăng nữa thì đây cũng là chuyện rất nhỏ) mà vấn đề là tất cả chúng ta (cả người làm thơ và người thưởng thức thơ) đã chuẩn bị gì cho thơ, đã “thai nghén” và “nuôi dưỡng” thơ như thế nào để thơ được “sống”, được can dự vào sự tiến hóa chung của con người?
Cần Thơ, 4/3/2011
Nguyễn Trọng Bình
------------------
Chú thích:
[1]; [2]: Bài viết “Thơ đương đại, thơ khó hay người đọc khắt khe” của Trần Thư được chúng tôi dẫn lại từ báo Văn nghệ Trẻ số ra ngày 26/2/2012

No comments:

Post a Comment