.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Wednesday, April 4, 2012

NHÀ THƠ PHAN HOÀNG: “CHẤT VẤN THÓI QUEN” HAY LÀ SỰ CHỐI BỎ CÁC KHUÔN MẪU


Phan Hoàng hiện là Chủ biên nguyệt san Đương Thời và website Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh (nhavantphcm.com.vn), Trưởng ban Nhà văn trẻ Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh. Anh được biết đến không chỉ trong vai trò một nhà thơ mà còn với bộ sách Phỏng vấn Tướng lĩnh Việt Nam được nhiều người tìm đọc.

Đầu năm 2012, Phan Hoàng cho ra mắt tập thơ mới có tựa đề “Chất vấn thói quen”, song song với đó anh nhận giải ba (về thơ) cuộc thi sáng tác thơ- nhạc “Đây biển Việt Nam” do Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp với báo điện tử Vietnamnet tổ chức. Kiệm lời, và dường như khó tính khi nói về thơ, Phan Hoàng tâm niệm: “Nhà thơ phải biết náu mình đi để cho vẻ đẹp thi ca lên tiếng”.

* Thưa nhà thơ Phan Hoàng, mỗi chúng ta trong cuộc đời đều sống với rất nhiều thói quen, và bằng lòng với rất nhiều thói quen. Còn anh lại dùng thơ để “chất vấn thói quen”. Vậy, mục đích cuộc chất vấn này của anh là gì?
- Đúng là chúng ta bằng lòng với rất nhiều thói quen. Có những thói quen tốt, cần phát huy. Nhưng cũng có nhiều những thói quen xấu, đến mức vô cảm, đang gặm nhấm tâm hồn chúng ta, giết lần giết mòn cảm hứng sống và những giá trị nhân bản. Khi bằng lòng với những thói quen tiêu cực, con người đang tự thủ tiêu dần ý nghĩa cuộc sống chính mình. Qua tập thơ Chất vấn thói quen, tôi muốn góp phần cảnh tỉnh sự tiêu cực ấy.
* Sau 10 năm, kể từ tập thơ Hộp đen báo bãoxuất bản 2002, anh mới cho ra mắt độc giả tập thơ mới. Như anh tâm sự thì anh đã “viết rất nhiều và tự xóa bỏ cũng rất nhiều”. Vì anh thấy mình không mới, hay là có lần anh đã muốn “đoạn tuyệt” với thi ca?
- Ai đã từng được trời cho cái “lộc” sáng tạo thi ca, tôi nghĩ khó mà dứt ra được. Có những nhà thơ xuất hiện thường xuyên trên báo chí hay in sách. Nhưng cũng có những nhà thơ vẫn sáng tác không ngừng, có điều họ chưa chịu công bố. Trong 10 năm qua, thi thoảng tôi còn in vài bài thơ lẻ, nghĩa là tôi chưa bao giờ có ý nghĩ “đoạn tuyệt” với nàng thơ. Có thể như chị nói, tôi cảm thấy mình không mới, nên không in. Và đó cũng chính là nỗi đau…
* Trong những bài thơ của anh, bạn đọc có thể cảm nhận rõ một cảm hứng rất mạnh mẽ, tạm gọi là cảm hứng “làm lại”, hướng tới sự thay đổi tư duy và chối bỏ những thói quen đã khép chúng ta vào những khuôn mẫu trong đời sống. Vậy xin hỏi anh, nhìn vào đời sống thơ ca hiện nay, thói quen nào của các nhà thơ, theo anh, là đáng sợ nhất, là cần phải “chất vấn” nhất?
- Một người cầm bút không gì đau khổ hơn là lặp lại chính mình và lặp lại của người khác. Để tránh cái lối mòn ấy, cái thói quen ấy, cần có sự dũng cảm. Thói quen lặp lại không chỉ đang chi phối đời sống sáng tạo thơ ca, mà nó còn hiện diện cả trong sách giáo khoa văn học lẫn phương pháp giảng dạy của giáo viên môn văn. Tôi gọi đó là thói quen không biết sợ hãi. Bởi nếu biết sợ hãi, ý thức về sự trì trệ của đời sống thơ ca, thì những người liên quan phải tìm cách thay đổi, để cái đẹp của thi ca và văn học sinh sôi nảy nở.
Có điều đáng mừng là hiện có không ít nhà thơ xuất hiện sau ngày đất nước thống nhất, đang chấp nhận dấn thân, đối mặt trực diện với thực tại đời sống, để tìm cách đổi mới cảm hứng lẫn thi pháp sáng tạo.
* Trong tự bạch của mình, anh cũng có nói thơ là “nỗi sợ hãi lớn nhất” đối với mình. Người ta hoàn toàn có thể chạy trốn khi gặp phải nỗi sợ hãi, còn anh, vì sao lại cứ phải đối mặt, “như người leo núi có thể không đến được cái đích mình mơ ước, nhưng vẫn phải leo”? Điều này có gì mâu thuẫn không thưa anh?
- Không có gì mâu thuẫn cả. Trong đời thường, có những mối tình tuyệt vọng nhưng người ta vẫn theo đuổi, vì trong sự tuyệt vọng ấy người ta có thể tìm thấy cái đẹp. Trong không gian thơ riêng mình, nhà thơ cũng là người đang theo đuổi cái đẹp của sự tuyệt vọng. Tuyệt vọng của nhà thơ nhưng là cái đẹp, cái hy vọng của đời sống. Vì từ sự cô đơn của mình, từ giấc mơ của mình, nhà thơ có thể lắng nghe những điều kỳ diệu nhất của đời sống, văn bản hoá nó, và mang tới cho cuộc sống những giá trị tinh thần.
Tôi luôn muốn đối mặt với nỗi sợ hãi vì tôi muốn thay đổi, cho tôi và cho đời sống thi ca.
* Trong tập thơ mới của anh không hề thấy bóng dáng những bài thơ tình. Sự quan tâm của anh là những vấn đề mang nặng tính thế sự hơn? Phải chăng, mỗi giai đoạn trên đường đi của mình, anh quan tâm đến những đề tài khác nhau?
- Ở giữa tuổi 40 như tôi thì không còn trẻ nữa, dù trái tim vẫn cháy bỏng yêu thương. Nếu như độ ở tuổi 20 thì sự quan tâm của mỗi người thiên về tình yêu lứa đôi, còn ở tuổi 40 lại hướng về sự trải nghiệm của đời sống, ý thức trách nhiệm hơn về sự tồn tại của mình giữa nhân quần. Tôi vẫn làm thơ tình. Nhưng sự bộn bề của cuộc sống đang có sức thu hút tôi hơn. Thật không thể làm ngơ trước những giá trị bị đảo lộn đáng sợ: lãnh hải bị đe doạ, tham nhũng cửa quyền hoành hành, nông dân mất ruộng, những cánh rừng bị đốn trọc, di sản cha ông biến mất, sự lãnh cảm trước cái ác,... và trong mỗi gia đình thì còn đáng báo động: con giết cha, vợ đốt chồng, mẹ bán con,…
* Nhiều người nhận xét rằng những người viết trẻ hiện nay thường chỉ viết về những câu chuyện vụn vặt của riêng mình, họ ít chú tâm vào những vẫn đề lớn của quốc gia dân tộc. Với riêng anh, câu chuyện về cái tôi công dân của nhà thơ được hiểu như thế nào?
- Là một công dân, chúng ta không có quyền thờ ơ trước số phận của đất nước, nỗi bất hạnh của cộng đồng. Là một người làm thơ, chúng ta nên viết những gì mà mình am tường nhất, rung động nhất. Vì vậy, vấn đề quan trọng của nhà thơ không phải là đề tài mà làm sao văn bản của mình viết ra có giá trị. Một bài thơ viết về tình dục, nếu viết hay, sẽ giúp cái đẹp bản năng được thăng hoa. Còn ngược lại, nó sẽ trở nên phô, thậm chí rác rưởi.
* Là người làm thơ khó tính, với quan niệm mỗi lần xuất hiện phải mang đến một điều gì mới mẻ và khác biệt, anh chú trọng sự khác biệt ấy ở nội dung hay hình thức thể hiện nhiều hơn?
- Hình thức đóng vai trò quan trọng, nhưng nội dung tư tưởng mới quyết định sự thành bại của bài thơ. Hình thức mãi mãi chỉ là phương tiện. Mỗi bài thơ có hình thức biểu hiện riêng. Tôi chú trọng sự khác biệt ở cả nội dung lẫn hình thức. Không thể có sự khác biệt về hình thức nếu bây giờ thơ cứ chăm chăm thể hiện bằng lục bát, song thất lục bát hay Haiku, thơ Đường, thơ Tống… Và cũng không có sự khác biệt về nội dung nếu bây giờ thơ cứ quẩn quanh mộng với mị, mây với gió, em với anh, thương với nhớ,…
* Cách đây mấy năm về trước, anh và một số bạn thơ đã thành lập Quỹ từ thiện Tình thơ nhằm giúp đỡ các nhà thơ gặp khó khăn. Hiện tại, Quỹ Tình thơ hoạt động ra sao, thưa anh?
- Gần 4 năm trước, nhà thơ- doanh nhân Lâm Xuân Thi muốn lập một quỹ hỗ trợ cho sinh viên nghèo mà trước đây thỉnh thoảng anh cũng giúp. Tôi bàn với anh, hiện có nhiều bạn thơ đang gặp khó khăn về đời sống cũng như in ấn xuất bản, anh em mình cũng làm thơ, nên hãy giúp đồng nghiệp. Còn sinh viên bây giờ không còn quá khó khăn như ngày xưa, lại có nhiều tổ chức giúp đỡ. Vì vậy, Quỹ Tình thơ ra đời. Chúng tôi mời thêm nhà thơ Hồ Thi Ca vào ban điều hành. Thời gian sau có thêm nhà thơ Chim Trắng làm cố vấn cho tới khi ông mất.
Đến nay chúng tôi đã hỗ trợ trên 300 triệu đồng cho bạn thơ từ Nam chí Bắc. Mỗi nhà thơ gặp bệnh tật hiểm nghèo hoặc đời sống khó khăn, được hỗ trợ 10 triệu đồng/1 người. Cũng có người đã được hỗ trợ 2 lần. Chúng tôi cũng mua các tập thơ mới xuất bản như một kênh hỗ trợ phát hành thơ đến tận tay bạn đọc yêu thơ. Kinh phí của Quỹ Tình thơ do ban điều hành tự nguyện điều tiết, chủ yếu trích từ phần lời của Công ty Xe đạp thời trang Martin 107 do anh Lâm Xuân Thi làm giám đốc. Quỹ này không vận động quyên góp.
* Thực tế thì thơ ca ngày càng ít được bạn đọc quan tâm hơn, so với nhiều lĩnh vực nghệ thuật khác. Trong sự thờ ơ của công chúng ấy, với tư cách nhà thơ, anh tin vào điều gì nhất, để có thể tiếp tục con đường của mình?
- Tôi tin vào cái đẹp cái thiện. Bởi thơ là hiện thân của cái đẹp cái thiện, của những giấc mơ mà con người hướng tới để sống và hy vọng, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Một người bị bệnh ung thư, trong cơn tuyệt vọng, nếu biết cảm nhận được bầu trời tinh sương buổi sớm hay một bông hoa rung nhẹ trước gió, thì nỗi đau sẽ vơi đi, niềm tin vào cuộc sống vẫn còn. Đó cũng là lúc thơ đang đến với họ. Một đại gia lắm tiền nhiều của, sau những cạnh tranh khốc liệt trên thương trường, cũng có lúc ngồi tư lự một mình để thư giãn bên ly cà phê của khu vườn mình, nghe tiếng côn trùng cất tiếng nỉ non. Đó cũng là lúc thơ đến với họ. Thơ không bao giờ chết. Thơ có mặt khắp nơi. Nhà thơ là người có trách nhiệm văn bản hoá những khoảnh khắc đẹp đẽ ấy, để giúp cuộc sống này thêm ý nghĩa và thăng hoa.
* Xin cảm ơn nhà thơ Phan Hoàng!
Theo Văn Nghệ Công an
số 172 (19.3-2.4.2012)

No comments:

Post a Comment