Có rất nhiều gia đình nhiều đời làm nghệ thuật ở Việt Nam theo kiểu cha truyền con nối, và gia đình nhà thơ Lê Đại Thanh là một điểm sáng của nền nghệ thuật nước nhà. Sau này các con của ông như một lẽ tự nhiên trở thành những nghệ sĩ thực thụ. Trong số đó, có một người con gái đã sinh trong dòng họ này ba ái nữ xinh đẹp, nổi tiếng, tài năng: Lê Vân, Lê Khanh, Lê Vy…
Nhâ thơ Lê Đại Thanh |
Bố tôi là học sinh của Trường
Bưởi khóa 1927-1932, khóa đó tốt nghiệp ra trường những trí thức lớn của
Việt Nam đầu tiên như Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng
bí thư Trường Chinh, danh họa Nguyễn Gia Trí… và trong số đó có bố tôi - nhà
thơ Lê Đại Thanh. Bố tôi tuổi Đinh Mùi sinh năm 1907, bằng tuổi nhà thơ, kịch
sĩ Thế Lữ.
Tuổi Đinh Mùi đã được xác lập trong
tử vi chỉ có hoạt động trong lĩnh vực văn học nghệ thuật, nên sau khi ra trường
nhiều người theo con đường chính trị, nhưng như định mệnh, bố lại theo con
đường nghệ thuật, mặc dù năm 1946 ông đã là thành viên của Ủy Ban kháng chiến
lâm thời Hải Phòng. Có một bức ảnh vẫn được lưu giữ tại Bảo tàng Cách mạng, bố
tôi đại diện cho giới trí thức ở Hải Phòng, ông cao 1m80 mặc bộ đồ trắng đứng
cạnh Trung tướng Nguyễn Bình.
Bố tôi lấy mẹ tôi khi bà mới có 16
tuổi. Mẹ tôi trong vòng 15 năm sinh 10 người con. Ngày xưa ấy chỉ cần một cú
sốt dịch, một lần thương hàn là đã mất đi một con người. Tôi mất đi hai người
chị, hai người anh. Cho đến lúc tôi biết tất cả mọi sự thì tôi có tất cả 6 anh
em, bây giờ chúng tôi chỉ còn lại có 4 người.
Ở Hải Phòng, bố tôi thành lập đoàn
kịch và tập ngay trong gia đình tôi, vì nhà tôi có diện tích rộng, bố tôi vừa
là tác giả lại kiêm luôn công việc đạo diễn. Mẹ tôi là diễn viên. Chị Lê Mai
tôi cũng đóng trong đoàn kịch đó. Vì thế ban ngày mọi người tập ngay tại căn
phòng khá rộng của nhà tôi, đến tối lại sang diễn ở Nhà hát lớn Hải Phòng.
Trước năm 1960, không khí về văn
hóa nghệ thuật thật tuyệt diệu. Anh lớn tôi Lê Đại Châu tham gia vào viết
kịch, anh Lê Đại Chương đi vào đoàn kịch Cổ Phong. Chị Lê Mai lúc đấy chưa lên
Hà Nội, ở nhà diễn cùng với mẹ tôi. Kinh tế gia đình tôi lúc ấy cũng khấm khá,
mẹ tôi lại là người hiếu khách, rồi do bố tôi quảng giao quá rộng, nhà tôi trở
thành cái chiếu nghỉ, nơi giăng dít của những nghệ sĩ lớn của Hà Nội trên đường
xuống Hải Phòng đi Đồ Sơn hay đi Cát Bà, Cát Hải.
Tôi nhớ những ngày họa sĩ Dương Bích
Liên xuống và ở tại nhà tôi. Cứ buổi sáng anh Liên dậy tắm, nhà chúng tôi không
có máy nước nên tôi phải đi gánh nước về cho anh tắm. Anh chải tóc bằng dầu
bóng, sau đó anh cầm cái cặp vẽ của anh đi. Buổi tối, anh về và nói với mấy
thằng em bé xíu: "Này, hôm nay mình vẽ các em xem đi...". Nền nhà của
chúng tôi được trải rô ti trắng, anh Liên đặt những bức tranh trên cái nền rô
ti trắng đó. Chúng tôi xem tranh bằng đèn dầu thắp trên những cái đèn chai mà
chúng tôi tự chế tác, đốt bằng dầu mazuts. Thế rồi cũng có lúc nhà văn Nguyễn
Tuân, nhà thơ Chế Lan Viên, ông Tế Hanh qua lại, họa sĩ Bùi Xuân Phái qua
lại, và cứ ăn ở nhà tôi như thế.
Nhà tôi có bàn ăn lớn bằng gỗ sồi
có thể ngồi được 12 người. Tôi nhớ có những bữa ăn và chúng tôi cứ loanh
quanh để được nghe họ nói rất nhiều chuyện. Nhà thơ nói về thơ, họa sĩ thì nói
về hội họa. Mẹ tôi vừa yêu chồng thương con, vừa phải chiều bạn của chồng mình,
và phải chịu đựng những người bạn ấy trong cá tính riêng của họ. Ví dụ như họa
sĩ Hoàng Lập Ngôn, ông nói nhiều đến độ bố tôi thường ngày cũng là một người
hay nói, nhưng bố tôi phải ngồi im, không xen nổi một cái cắt ngang nào, thì mẹ
tôi có gọi Lê Đại Chúc với tôi ra: "Hai đứa ra đứng nhìn bố các anh im
kìa".
Bố tôi là người lịch lãm và vì tính
đào hoa đã làm khổ mẹ tôi trong một thời gian rất dài nhưng mẹ tôi chấp nhận.
Sau khi bố tôi mất, bản thảo của ông còn lại quá nhiều. Lúc sống ông viết như
một người mộng du, thậm chí chúng tôi nói rằng cho bố tôi ăn uống thật ngon,
mặc thật đẹp, không cho ông viết, không cho ông nghĩ thì chắc với ông là địa
ngục. Có bao nhiêu tiền là ông đi mua giấy, mua mực. Ông luôn dùng bút mực
chấm, nên quần áo của bố tôi dính nhiều mực.
Ông biết đến 7 ngoại ngữ do tự học.
Có một lần, ông nói: "Bố muốn đọc Lép Tônxtôi bằng nguyên bản".
Và ông quyết định tự học tiếng Nga. Ông mua cuốn từ điển cứ hai, ba ngày ông
lại xé vài trang từ điển bỏ vào cái túi của ông. Sau này ông viết tiếng Nga
theo lối sách in chứ không viết được theo chữ thường. Ông học vào tất cả
những lúc nào có thể học được. Mờ sáng, người ta đã nghe thấy tiếng ông rì rầm
đọc, cơ quan bên cạnh thốt lên: "Giời đất ơi! Ông cụ Lê Đại Thanh 4 giờ
sáng đã đọc tiếng Nga rồi!". Nhưng họ rất tôn trọng ông. Không có một lời
ta thán nào cả. Bởi vì họ biết bố tôi là ai. Người ta gọi bố tôi là cuốn từ
điển sống của Hải Phòng.
Gia đình bố không được giàu như gia
đình bên mẹ. Ông ngoại tôi là một người giàu có, đến mẹ tôi được gả cho bố tôi
còn giữ được cái mức của gia đình khá giả. Nhưng rồi theo thời cuộc có những
biến động. Năm 1957, một sự cố xảy ra và đổ ập lên đầu những người trong gia
đình. Chúng tôi lâm vào tình trạng khó khăn, thậm chí là thiếu ăn, thiếu mặc.
Từ năm 1957 cho đến 1979 là lúc tôi được đi học thì mất 22 năm. Cho dù
không có điện, không có nước, cả gia đình đói và ông cũng đói, thậm chí là đói
triền miên, nhưng ông không bộc lộ là ông đói và chúng tôi nhận ra được nghị
lực của sự chịu đựng trong con người ông.
Sau sự cố xảy ra, chị Lê Mai phải
rời Nhà hát kịch Việt Nam, anh trai tôi Lê Đại Chúc làm công nhân bốc vác ở
cảng Hải Phòng 2 năm, còn tôi đi đẩy xe bò, rồi làm công nhân sửa đường hơn một
năm, sau đó tôi lại thi tuyển vào Đoàn kịch Hải Phòng. Cứ thế dần dà anh em
chúng tôi thoát ra khỏi tình huống không ai mong muốn đó. Nhưng khi chúng tôi
nhìn vào nghị lực của bố mình thì như ông đang tiếp lửa cho mình..
Bố tôi có một bài thơ rất nổi
tiếng là bài "Di chúc". Ông mất năm 1996 nhưng bài "Di
chúc" đã được ông viết năm 1965. Phải có tình huống về cuộc sống, về nghề
nghiệp, về niềm tin, nên bố tôi linh cảm viết bài "Di chúc" chăng?
Ông viết những câu chữ như được rút từ ruột, từ gan. Đặc biệt trong bài này ông
không có một lời nào oán thán bất kỳ một đối tượng nào của thi ca cả. Sau
khi bố tôi mất có khoảng hơn 20 tờ báo in lại bài "Di chúc" của
ông.
Khi tôi học lớp cao cấp chính trị
của Trường Nguyễn Ái Quốc thì bài "Di chúc" được một GS-TS - thầy
Phúc - Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng đã đọc lên trong lớp. Thầy Phúc nói trong
giáo án ông hướng dẫn về triết học và tư tưởng phương Đông thì ông thấy có bài
thơ rất gần với tư tưởng và tinh thần của triết học phương Đông, và ông đọc cho
cả lớp nghe. Ông đọc xong, tôi giơ tay xin phép thầy cho tôi được trao đổi. Tôi
có hỏi ông: "Thầy có được bài thơ này trong điều kiện nào?". Ông có
nói: "Bài thơ in ở trên rất nhiều báo và tôi đọc thì thấy rất gần
với chuyên luận, chuyên đề của tôi". Tôi bảo: "Đó là bài "Di
chúc" của bố tôi. Và xin phép thầy cho tôi đọc lại. Sau khi tôi đọc xong
thì rất nhiều người trong lớp học nói: "Chiều ngày hôm nay làm sao anh cho
chúng tôi mỗi người một bản để cho chúng tôi lấy đó làm lẽ sống".
“Nếu tôi chết hỡi những người thân
đừng nhỏ lệ/ Hãy ngâm với tôi một khúc ngắn thơ tôi/ Chết là trở về tinh thể
sao trời trả trái đất những gì vay mượn trước/ Chào những bộ hành tuổi xanh
xuôi ngược/ Tôi xuống ga đời trả lại vé quê hương/ Người làm thơ coi cái chết
bình thường vì cuộc sống chỉ là một hành trình có hạn”. Đấy là khổ đầu tiên, của bài "Di chúc".
Bài "Di chúc" có một số
phận rất thú vị. Câu chuyện xảy ra cách đây 3 năm. Một bài phóng sự điều tra
của Huỳnh Dũng Nhân trên Báo Lao động, viết hai ông già bị HIV giai đoạn cuối
nằm cạnh nhà thờ Đức Bà ở TP HCM. Hằng ngày có những chiếc xe đi qua, thanh
niên tình nguyện, xe y tế và nhưng không thấy một xe nào dừng lại. Tôi không
thấy một bàn tay nào đưa ra. Cho đến một buổi sáng anh ấy thấy một trong hai
người có tuổi đã nằm chết ở bên vệ đường và ai đó đã để lên tay chắp của người
ra đi ấy một nải chuối, để rồi ít thời gian sau xe đến đưa xác người xấu số đi.
Anh nhà báo quyết định tiếp cận với
ông già còn lại, tìm hiểu xem họ là ai. Thật bất ngờ ông già còn lại đó đọc cho
nhà báo nghe bài thơ tuyệt mệnh. Ngay sau đó toàn bộ bài thơ tuyệt mệnh đó được
in trên báo Lao động. Đó chính là bài thơ "Di chúc" của ông Lê Đại
Thanh. Nhà báo kia ngạc nhiên: Tại làm sao một con người lao động ấy ở một nơi
vạ vật mà lại có được bài thơ tuyệt mệnh hay đến như thế (?!).
Vậy là, thơ của ông đã đến được với
người cùng khổ. Đó chính là mục đích trong cuộc đời ông. Bố tôi có thể chỉ giữ
cho mình một bộ quần áo, còn bộ thứ hai sẵn sàng tặng người khác nếu như người
đó cần. Bố tôi có thể nhịn đói và đưa cho người khác những đồng tiền cuối cùng
của mình. Hôm bố tôi mất, tang lễ đang tổ chức thì có một người công nhân vạm
vỡ, mặt bặm trợn đi vào tay không và nói rất cộc cằn: "Cho xin hương
nào". Gia đình chúng tôi hơi sửng sốt. Anh ấy quỳ xuống vái trước quan tài
của bố tôi. Xong anh ấy đi ra, tôi hỏi chuyện: "Anh là ai?". Người ấy
bảo: "Tôi chả là ai cả. Nhưng với tôi có một câu chuyện với ông là thế
này. Ngày hôm đó, tôi đói, vợ tôi ốm, con tôi ốm, tôi định làm liều thì có một
người nói với tôi: "Từ từ, có cụ Lê Đại Thanh đang đi tới đấy. Cụ hay giúp
đỡ mọi người lắm, ra nói với cụ đi". Người công nhân đó đã đi ra nói với
bố tôi và anh ấy kể lại: Ông bố tôi nhìn anh, không nói gì cả, ông lấy tất cả
những đồng tiền cuối cùng trong túi áo, túi quần của mình và nói: "Tất cả
cái này là cho con, thôi con về mua cho vợ, cho con…".
Người công nhân đó nói với tôi nhờ
có số tiền của ông bố tôi cho, nên ngày hôm đó, anh không làm liều. Nếu anh ta
làm liều thì có thể rơi vào vòng lao lý. Và vì thế khi nghe tin bố tôi mất, anh
ấy vẫn nghèo, không hoa, không hương, đến quỳ xuống bên quan tài nấc lên khóc
kể cho tôi nghe lại câu chuyện đó. Cuộc đời của bố tôi rất nhiều chuyện
như thế.
Ông sâu sắc nhưng rất đỗi ngây thơ,
ông có câu rất ngây thơ trong bài "Ngây thơ". “Ú tim tôi đi nấp em
đi tìm/ Con người bên này bên kia trái đất/ Ta yêu con người ta mãi tìm nhau/Ú
òa! Em đi ra tôi đi vào bóng tối/ Mười ngón tay mành mành đan vội/ Tôi biết, em
mở mắt mà tôi không nói”. 70 tuổi ông viết bài thơ này. Ông tin vào
con người.
Tôi hiểu rằng bố tôi phải đau hơn vì
ông là trụ cột của cả gia đình. Anh em chúng tôi có một giai đoạn khá khó khăn.
Thậm chí vì sao tôi chỉ là Lê Chức thôi. Có lúc chính bố tôi nói: "Con bớt
đi chữ "Đại", chữ "Đại" hơi bị nặng con ạ, vì nó có dấu
nặng. Chữ "Đại" hiểu theo một nghĩa nào đó lại là chữ "To".
Đã to lại còn nặng". Nhưng tôi lại hiểu ông muốn có ai đó ít biết tôi là
con của ông Lê Đại Thanh. Tôi nhận ra được tình thương ấy, để bớt cho con mình
một cái gì đó. Ta cứ hình dung: "Thôi, con ơi, con đừng mang họ của bố
nữa, để cho con nhẹ hơn trong cuộc đời". Nếu nói thế mới thấy rằng ông
đúng là một người trí thức. Và định mệnh của ông cũng thế. Đến lúc này tôi trở
về chữ "Đại" như một sự biết ơn ông, vì thế sau 10 năm ông mất
tôi làm tập thơ "Lê Hoa" với tên của 3 bố con - Lê Đại Thanh, Lê Đại
Chúc, Lê Đại Chức.
Trong chúng tôi có ông Lê Đại Thanh.
Trong chúng tôi có bà Đinh Ngọc Anh (vợ nhà thơ Lê Đại Thanh - PV). Trong
chúng tôi có tất cả sự thành đạt và thất bại, những nỗi đau, sự thiếu thốn
và những gì đó gắng gỏi mà chịu qua thời cuộc của tất cả anh em
mình. Kể cả những điều như bố tôi nói: "Con đừng mang thêm chữ Đại
nữa". Không ruột thịt, không nhận thức được, không một người bố nào nói
với con mình như thế. Trong sự trưởng thành của anh em chúng tôi, lúc niềm tin
của mình với cuộc sống, với nghề nghiệp bị dao động, cả một gia đình lại hiện
lên. Trong con người của bố là thơ ca, là kịch, là đạo diễn và trong đó có cả
nhân cách sống, cả bản lĩnh của sự chịu đựng…
* Ghi lại theo lời kể của NSƯT Lê
Đại Chức, Phó chủ tịch Hội NSSK Việt Nam - người con út của nhà thơ Lê Đại
Thanh.
Trần
Mỹ Hiền
No comments:
Post a Comment