.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Saturday, April 14, 2012

NHÀ THƠ NGUYỄN TRỌNG TẠO – RÚT TỪ TẬP “VĂN CHƯƠNG CẢM VÀ LUẬN”


NTT: Hiện nay có nhiều ý kiến về “cách tân thơ” khá trái chiều. Điển hình là sự phê phán hoặc chê bai mấy tập thơ đoạt giải thưởng của Hội Nhà Văn VN 2 năm qua. Vì vậy cần bình tĩnh để nhìn nhận vấn đề “cách tân thơ” một cách thật nghiêm túc, hướng thơ đi đúng bản chất của nó trong thời đại mới. Nhân đây, tôi xin đăng lại bài viết từ năm 1994 đề cập tới vấn đề này: 



THƠ CẦN CÓ CÁI NHÌN TÔN TRỌNG
Trên nhiều mặt báo từ Hà Nội tới thành phố Hồ Chí Minh gần đây đã giới thiệu hàng loạt bài “Trao đổi về thơ hôm nay” của khá nhiều nhà thơ, nhà phê bình văn học và cả của những độc giả yêu thơ là lính, công nhân, nông dân, v.v… Người tham gia nỗ lực nhất là nhà thơ Trần Mạnh Hảo, anh viết hàng loạt bài phê bình phê phán tập thơ Sự mất ngủ của Lửa của Nguyễn Quang Thiều (Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 1993) là “Thơ Tây giả cầy”, tập thơ Bóng chữ của Lê Đạt là “thi pháp ú ớ”, tập thơ Ô mai của Đặng Đình Hưng là không phải thơ, tập Người đi tìm mặt của Hoàng Hưng là “đánh đố người đọc”; anh lên án Phạm Xuân Nguyên là “Escoba sút bóng vào lưới thơ đội nhà”, dám trao “lá cờ máu của thơ ca cách mạng” cho nền Đệ nhất cộng hòa gồm Thanh Tâm Tuyền và nhóm Sáng Tạo; và anh đề cao đóng góp nhằm cách tân thơ ca của cả một đội ngũ đông đảo các nhà thơ chống Pháp và chống Mĩ trong hai cuộc kháng chiến của dân tộc. Một số người đã viết bài tranh luận với Trần Mạnh Hảo. Nhà báo Phạm Tường Vân đã làm một cuộc phỏng vấn Trần Mạnh Hảo (có băng ghi âm) với tiêu đề: “Tôi muốn làm thằng “phải gió” trong phê bình”.
Tôi là một người luôn thấy mình “yếm thế” trước các cuộc tranh luận lớn tiếng, cho nên chỉ dám đứng ngoài để làm quan sát viên, đặng rút được đôi điều bổ ích cho nhận thức về thơ và đời sống chung quanh mình. Và tôi thấy trong tranh luận thường xảy ra những bất đồng ngôn ngữ. Khi đã bất đồng ngôn ngữ thì tranh luận sẽ dẫn tới bất hòa. Và tôi chợt nhớ bài thơ Bất hòa của Vôzơnhêxenxki như một an ủi cho sự “yếm thế” của mình:
Không nhất thiết phải thanh minh
Đừng giận em ơi, ta đâu là đôi khỉ
Giải thích làm chi khi lí trí không thể hiểu
Và tâm hồn thì biết hết cả rồi, giải thích nữa làm chi
Vì vậy, tuy có một số ý kiến khác biệt với Trần Mạnh Hảo, tôi vẫn không thích tranh luận cùng anh. Mỗi người đều có quyền phát biểu chính kiến của mình, và Trần Mạnh Hảo đã nói rõ chính kiến của anh về thơ hôm nay. Là nhà thơ cùng thế hệ với Trần Mạnh Hảo, trong bài viết này, tôi chỉ xin trình bày vài suy nghĩ nhỏ của mình về thơ và phê bình thơ, với mong muốn mọi người cùng dành cho thơ cái nhìn cởi mở và tôn trọng.
1. Tôi có anh bạn làm nghề bác sĩ, nhưng lại mê thơ đến nỗi anh nghĩ, thơ mới là cái nghiệp truyền kiếp của mình. Quan niệm thơ của anh trước hết phải là Thơ – Cá – Nhân – Công – Dân, nghĩa là thơ phải góp phần cải tạo và xây dựng Xã – Hội – Người. Do quan niệm đầy trách nhiệm ấy mà anh lao vào làm Thơ – Thế – Sự. Các quan điểm chính trị, xã hội trong thơ anh quá cởi mở, mạnh mẽ và táo bạo, đã khiến cho nhà thơ phê bình Ích Xì, một điển hình người yêu chế độ đến cuồng tín nổi giận, đánh một bài nặng chùy trên báo. Lại gặp phải cái thời báo đã đăng bài đánh thì không có bài đỡ, thế là anh bạn tôi phải mang án treo lở lửng. Những người yêu thơ (cũng cuồng tín) và đồng nghiệp trong bệnh viện nghiễm nhiên coi anh như một thằng dở hơi, phản động! Anh buồn lắm, định bỏ bút, nhưng khốn nỗi cái máu thi sĩ cứ sôi lên sùng sục, anh lại làm thơ. Rút kinh nghiệm lần trước bị đánh vì Thơ – Thế – Sự, lần này anh làm Thơ – Tình – Vĩnh – Cửu. Đã gọi là Thơ – Tình – Vĩnh – Cửu thì thời nào mà chẳng cần, vì nó là nhu cầu tự thân của loài người. Không ngờ khi Thơ – Tình – Vĩnh – Cửu của anh vừa đăng lên báo, lập tức anh bị nhà phê bình thân yêu ngay từ trong nhà là Bà Xã, đùng đùng nổi giận đánh cho một trận toe tua. Chưa đã, nhà phê bình thân yêu Bà Xã còn mở cả một chiến dịch truy tìm đối tượng của Thơ – Tình – Vĩnh – Cửu để đánh. May thay, bạn tôi là một người đàn ông đứng đắn nên cuộc truy tìm của Bà Xã không thành, nhưng bà ra lệnh cho chồng “muốn gia đình êm ấm thì phải tiệt cái nọc Thơ – Tình – Vĩnh – Cửu ấy đi”. Vâng lệnh nhà phê bình thân yêu, anh thôi làm thơ được mấy tuần liền. Nhưng cái máu thi sĩ quái ác nó không chịu cạn trong anh. Như nói ở trên, thơ đã là cái nghiệp truyền kiếp rồi thì làm sao mà đoạn tuyệt được, lần này thận trọng hơn, anh quyết làm loại Thơ – Nghệ – Thuật – Chữ. Chơi chữ là một nghệ thuật xưa nay khối người ưa thích. Mà còn Trọng nữa. Chả thế mà ở phương Tây người ta còn nói chắc: “Chữ bầu lên nhà thơ”? Thế là công cuộc Cách – Tân – Chữ của anh được xác lập, thu hút được không ít người mê chữ nghĩa. Nhà phê bình thân yêu Bà Xã vốn chữ nghĩa mới ở trình độ xóa mù nên không can thiệp gì vào đấy được. Còn nhà phê bình cuồng tín Ích Xí thì cho qua loại thơ này vì không thấy nó hàm chứa một quan điểm chính trị đáng ngờ nào. Tưởng thế là yên, nào ngờ phái Thơ – Nghệ – Thuật – Chữ của anh đã vô tình chạm phải gót chân A-sin của phái Thơ – Thành – Thật – Khai – Báo. Thế là thi đàn ầm ĩ cả lên. Phái Thơ – Thành – Thật – Khai – Báo vốn lâu nay ngự trị thi đàn cảm thấy bị xúc phạm nặng nề, liền tung ra mấy nhà thơ kiêm nhà phê bình Búa Tạ, tả xung hữu đột. Anh bạn tôi phát hoảng vì biết rằng, những con chữ thí nghiệm làm sao chống lại nổi búa rìu. Thôi thì “quân tử phòng thân”, một lần nữa anh đành dang dở với Nàng Thơ. Nhưng lần này thì anh ngán thật, anh quyết tâm bỏ bút để hành nghề Bác sĩ tư, một nghề cũng lương thiện không kém gì thơ, lại còn hơn cả thơ là kiếm được nhiều tiền để nuôi sống cả nhà.
2. Câu chuyện chỉ có thế, lại được anh kể bằng cái giọng tiếu bẩm sinh làm mọi người cười đến… chảy nước mắt. Tôi cứ ngậm ngùi khi nghĩ về thân phận Người Thơ Dấn Thân luôn bị đe dọa từ mọi phía bởi các kiểu phê bình cuồng tín Ích Xì, thân yêu Bà Xã hay sát phạt Búa Tạ. Đã một thời đằng đẵng, thơ ta đã được “tiêu chuẩn hóa” trên một phương pháp sáng tác duy nhất là phương pháp hiện thực XHCN, với mục đích duy nhất là phục vụ đám đông quần chúng công nông binh. Văn nghệ phổ cập, đáp ứng nhu cầu dân trí thấp là cần thiết, nhưng không chỉ có phổ cập. Sự nhấn mạnh một nhu cầu đã bị ngộ nhận như một sự độc tôn đã kìm hãm sự phát triển phong phú và đa dạng của cả một nền nghệ thuật một thời. Hiện tượng một số nhà văn trong nhóm Nhẫn Văn – Giai Phẩm bị gạt bỏ suốt hơn ba chục năm dài đã được phục hồi trở lại là một bằng chứng nhỡn tiền. Phải nói họ cũng là những bậc tài danh của làng văn, họ tiến hành văn chương bằng chữ chứ không phải bằng nghị quyết. May thay, thời ấu trĩ ấy đã qua nhờ một công cuộc Đổi Mới diễn ra quyết liệt trên toàn đất nước. Văn nghệ nói chung và thơ nói riêng đang mở ra mọi hướng kiếm tìm. Những tập thơ quan trọng của Lê Đạt, Trần Dần, Đặng Đình Hưng, Hoàng Cầm… một nhóm thi tài của làng thơ cách đây 40 năm lại tự tin tái xuất. Họ tự tin vì họ tự tìm cho mình lối tới Đền Thơ khá riêng biệt, họ không đi theo lối Hàn Mặc Tử, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Nguyễn Bính hay Tố Hữu, bản lĩnh thơ của họ không bị dàn đồng ca đám đông chi phối, còn họ vào được Đền hay không lại là chuyện khác. Riêng tôi, tôi tôn trọng Bản Cách Dấn Thân của họ, tôi tôn trọng ngôi Đền lung linh trong tưởng tượng của họ. Và thời này, ai đó muốn làm một Erostrat – kẻ đốt – kể cũng khó lắm thay! Công bằng mà nói, Bóng chữ của Lê Đạt là một thể – nghiệm – chữ, những con chữ phát sóng hơi xa lạ, nhưng cũng khiến không ít người nhận bắt được những rung động sâu thẳm của nhà thơ; Bến lạ, Ô mai của Đặng Đình Hưng, người thích kẻ không âu cũng là lẽ thường, nhưng rõ ràng là chẳng giống ai. Cổng Tỉnh của Trần Dần lại là một kiếm tìm khác trong loại thể thơ – tiểu – thuyết mà không phải ai chủ quan múa bút cũng làm được… Và đặc biệt là tập thơ Về Kinh Bắc của Hoàng Cầm sắp sửa ra mắt trọn vẹn lần thứ nhất, dù nhiều người đã thuộc lòng nó từ mấy chục năm trước, khi còn là bản thảo. Tôi xin được mở ngoặc về tập thơ này một chút: Về Kinh Bắc Hoàng Cầm viết từ năm 1959 – 1962 sau vụ Nhân Văn, năm 1983 Hoàng Hưng muốn in cuốn này theo một cách nào đó, thế là cả hai ông Hoàng đều lâm nạn. Phòng giam số 18 Hỏa Lò là nơi thi sĩ Hoàng Cầm tá túc vừa được đập phá mà anh bạn nhiếp ảnh của tôi đã kịp thời ghi hình lại được, âu cũng nói lên ít nhiều vui mừng và chua xót. Năm 1988 tôi định in Về Kinh Bắc ở Huế, tác giả rất mừng, nhưng chưa kịp in thì nhận được điện của Hoàng xin dừng lại (dưới bức điện ông kí một chữ Hoàng chứ không dám kí Hoàng Cầm). Tất cả các cửa xuất bản đều khép trước Về Kinh Bắc. Và hôm nay, cửa đã mở cho nó bước vào ngôi Đền thơ ca đậm đà tính dân tộc của chúng ta. Sự thay đổi về tư duy phán xét các giá trị văn chương đã mở cửa cho nó bước vào ngôi Đền thơ ca đậm đà tính dân tộc của chúng ta. Sự thay đổi về tư duy phán xét các giá trị văn chương mở ra, làm giàu cho kho tàng văn chương của một dân tộc vốn giàu truyền thống nhân văn ngày càng phong phú, đa dạng, và hiện đại dần lên.
3. Điều nói trên nhắc chúng ta nhớ về một thế hệ thơ dấn thân khác, đó là lớp Người Thơ lớn lên và trưởng thành trong chiến tranh tàn khốc đầy bom đạn, chia li và chết chóc. Có thơ chống Mĩ, có thơ chống Cộng, và có cả thơ tình yêu lứa đôi và thiên nhiên đất nước, và có cả thơ phản chiến. Nếu nói thơ ca là sự phản chiếu lịch sử và khát vọng của nó thì thơ của thế hệ này đã bao chứa cả một giai đoạn hỗn mang của lịch sử với tâm trạng khát khao bình yên của cả một dân tộc suốt cuộc chiến tranh dài. Thơ “Việt Cộng” giàu hào khí hùng tráng, hừng hực một ngọn lửa chiến đấu mới, nhưng đơn điệu về phương pháp biểu hiện. Thơ “Sài Gòn” có vẻ “phức tạp” hơn nhưng nhìn chung sự kiếm tìm vẫn rơi vào vòng luẩn quẩn trong cái cũ ẩm mốc sướt mướt. Điều đó thật dễ thấy sau khi cuộc chiến tranh tàn khốc đã chấm dứt, chúng ta đọc lại nhau dưới con mắt chân tâm của người trong một nước nhằm gom nhặt những giá trị thơ ca còn óng ánh dưới tro than của cuộc chiến tranh lụi tàn. Đã là những giá trị thì đều là tài sản chung, cả dân tộc cùng nâng niu gìn giữ, không nên phân biệt con đẻ, con nuôi, bên này, bên khác. Tất cả đều là con của bà mẹ Việt đau thương và độ lượng. Tôi rất đau lòng sau khi chiến tranh chấm dứt đến vài chục năm mà vẫn có người còn cố tình phân chia ta – địch trong thơ ca của một giống nòi. Sự phân tuyến “quân ta” – “quân địch”, “ta thắng địch thua” ngày nay thật ngây thơ kiểu tư duy trẻ con vẫn thường làm. Những giá trị thơ ca đích thực do thế hệ này mang lại, dù là ở phía nào, đều góp phần xoá đi những mặc cảm lịch sử một thời. Hôm nay chúng ta nhắc tới vĩ tuyến 17 là để xây lại cầu Hiền Lương to đẹp vững chắc hơn chứ đâu nhằm khoét sâu thù hận? Thơ của những người tham chiến, dù là Phạm Tiến Duật, Thanh Thảo, Hữu Thỉnh, Nguyễn Duy, hay Nguyễn Bắc Sơn, Du Tử Lê, Nguyên Sa… nếu còn lại thì cũng chỉ còn lại những giọt máu thơ nhân bản mà thôi.
Có người cho rằng thế hệ thơ này vẫn cường – thi – lực trong các thế hệ thơ cùng có mặt hôm nay, vì sau chiến tranh họ biết “ăn trả bữa văn hoá”, chứ ít người mắc bệnh công thần, bệnh sĩ, xấu hổ vì phải cắp sách vào các trường đại học để chuốc lấy ẩn ức vô học. Cũng đúng thôi. Chính học vấn đã giúp cho văn hoá viết của họ được nâng cao, không bị tụt hậu trước thời đại. Nhưng một thế hệ khác, trẻ hơn, đã xuất hiện. Họ lớn lên và trưởng thành trong hoà bình, trong một xã hội mà nền kinh tế thị trường lan tràn từ thành thị tới thôn quê, trong một thời đại tin học bùng nổ. Họ tiếp nhận thế giới bằng con mắt tươi non. Và bởi vậy, thơ của họ “quậy” hơn lớp nhà thơ đàn anh nhiều. Thơ của họ đa kênh, đa hệ lạ lùng, khiến cho chiếc tivi đen trắng độc hệ cổ lỗ phải lúng túng không sao nhận bắt hết được. Nhưng họ biết, họ chính là thế hệ chuẩn bị cho những bùng nổ thi ca vào đầu thế kỉ tới. Tuy vậy, họ cũng biết ngay hôm nay họ chưa là gì cả: “Thà làm lạt buộc còn hơn – Làm kèo làm cột tre non sập nhà”.
4. Một điều đáng lưu ý trong thơ hôm nay là hiện tượng xuất hiện thơ sex, thơ tình dục. Chúng ta nhớ lại trước đây vài chục năm, thơ tình (trai gái) bị các cửa toà soạn Hà Nội khép kín, đến nỗi thi sĩ của tình yêu Xuân Diệu có lúc phải chửi thề là: “Cái việc cần làm ở chỗ kín người ta lại làm giữa đường, còn cái việc cần tắm dưới ánh sáng người ta lại nhốt nó vào chỗ tối tăm”. Tình hình bây giờ khác hẳn, chúng ta không chỉ in thơ tình đến lạm phát, mà còn in cả thơ sex, thơ tình dục. Một số người đọc cảm giác buồn nôn, một số khác cho là lành mạnh, và một số khác nữa vô cảm. Theo tôi, sở thích là của mỗi người, không nên vì mình thích ăn chay mà phỉ báng người ăn thịt cá kiểu “lươn dài chê trạch ngắn đuôi”. Câu chuyện sex tình dục thời nay chẳng có gì xa lạ với con người qua đủ các loại hình nghệ thuật. Ở phương Đông nổi tiếng gia giáo, lễ giáo, vậy mà truyền hình Đài Loan vẫn có riêng một chương trình về “chuyện ấy”. Một sự kiện lớn đối với văn chương Nhật Bản gần đây là việc phát hiện ra tập thơ dục tính Những đêm của Kômati hay là thời gian của ve sầu gồm 99 bài nói về 99 đêm của cô gái xinh đẹp Kômati với thi sĩ Rubôkô Sô (980 – 1020): “Một lần nữa, bằng môi – Tôi chạy dọc theo đùi”. Hoá ra cả chục thế kỉ qua, văn minh Nhật đã quên mình cũng có một thi tác tuyệt vời mang tới người đọc những xúc cảm tinh tế, những niềm vui xác thịt của cuộc đời. Và ngay cả chúng ta, “Bà chúa thơ Nôm” họ Hồ sẽ còn gì nếu đuổi ra khỏi thơ bà những “Cột nhổ xong rồi lỗ bỏ không”, “Xin đừng ngó ngoáy lỗ trôn tôi”, và tuyệt  tác Truyện Kiều của thi hào họ Nguyễn sẽ còn gì là đời nếu vắng những “Nước vỏ lựu, máu mào gà” hoặc “Dầy dầy sẵn đúc một toà thiên nhiên”? … Khi sex, tình dục nằm trong một tổng thể nghệ thuật hoàn chỉnh thì nó đồng nghĩa với cái Đẹp. Mà cái đẹp thì thật khó khoanh định rõ ràng, chẳng thế mà người ta có cả một ngành nghiên cứu về cái Đẹp, đó là Mĩ Học. Mĩ Học không phải là một thứ bất biến mà vận động không ngừng. Muốn cảm nhận được thơ hiện đại cần có một mĩ học đổi mới. Tiếc thay, khi tiếp xúc với thơ sex, thơ tình dục vẫn có người nhìn nó dưới con mắt thẩm mĩ bó hẹp, và đã dùng ngón mẹo “điệu hổ li sơn” tách từng câu thơ ra khỏi tổng thể nghệ thuật để đánh đòn tùng xẻo, đánh đòn hội chợ. Tôi thấy kiểu này có gì thật bất nhẫn.
Nhân đây, tôi xin kể một câu chuyện thú vị thế này: Buổi sáng nghe nhà thơ Vũ Quần Phương phê phán thơ hôm nay bất nhã như người mặc quần đùi đi ra đường, thì buổi chiều tôi có việc đi qua bờ Hồ Gươm và bất ngờ gặp sáu cô gái xinh đẹp mặc quần soọc Jin ngồi trên ba chiếc xe DREAM để lộ sáu cặp đùi trắng trẻo khoẻ mạnh phóng như bay trên đường. Tôi bỗng thấy Cái Đẹp đang lướt bay giữa trung tâm thủ đô Hà Nội, Cái Đẹp mà theo tôi, Hà Nội xưa chưa từng có. Vậy thì mặc quần đùi cho đẹp đi ra đường thì có gì là bất nhã đâu? Chúng ta cần có con mắt nhìn nhận cái đẹp cởi mở hơn nhiều.
5. Hơn một lần, tôi nhớ về tháp Ep-phen, khi được dựng lên bằng hàng nghìn cấu kiện sắt thép vào cuối thế kỉ XIX, biết bao người tên tuổi đầy kính trọng đã lên tiếng chửi bới đòi tháo dỡ. May thay, người ta đã không nhẹ dạ làm theo những kiến nghị điên rồ ấy, và, nó uy nghi bước vào thế kỉ XX với tư cách là một kì quan thế giới. Với thơ hôm nay, bởi nó là một nghệ thuật phức tạp và tinh lọc, nên chúng ta không nên vội vã đối xử thô bạo với nó, mà trước hết, cần có một cái nhìn cởi mở, cái nhìn tôn trọng. Nàng Thơ đâu phải của riêng ai? Khi Nàng Thơ bị người này hoặc người khác độc quyền chiếm giữ, thì các nhà thơ khác buộc lòng phải giải nghệ? Bài học từ người bác sĩ bạn tôi là một bài học cay đắng nhỡn tiền. Nhưng khi bị cướp giật về thơ, anh còn có nghề bác sĩ để lui về, còn các nhà thơ? …
Hà Nội, 29 – 8 – 1994
NGUYỄN TRỌNG TẠO
(Rút từ tập VĂN CHƯƠNG CẢM VÀ LUẬN, Nxb Văn Hóa, 1998) 

No comments:

Post a Comment