.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Saturday, April 14, 2012

PHẠM KHẢI – “NHÀ THƠ HOÀNG NHUẬN CẦM: SÁU MẶT ĐỜI LẮC CẮC TIẾNG THƠ ANH”


Có thể nói, Hoàng Nhuận Cầm là nhà thơ của những trạng huống xao xuyến, bâng khuâng… rất khó biểu đạt. Thơ anh giàu nhạc tính, có sức ngân vang. Với anh, ngoài phần hình ảnh (là phần mà anh có nhiều tìm tòi) thì nhạc giữ một vai trò quan trọng, tạo nên sức nặng và sức chinh phục. Điều này lý giải tại sao, trong nhiều chương trình thơ, Hoàng Nhuận Cầm thường thích trực tiếp đọc thơ mình chứ ít chịu để người khác… ngâm vịnh.

Nếu ví một bài thơ như cái cây thì có cây - thơ chỉ quý ở phần củ xù xì nằm sâu dưới gốc, lại có cây - thơ đáng giá nhất là ở phần lá xanh trên ngọn. Nền thơ chúng ta từng có một số tác giả đã kết tinh trong thơ mình những suy ngẫm, triết luận sâu sắc. Đó chính là những tứ thơ quý giá ẩn sâu dưới những tầng rễ câu chữ mà người đọc phải dày công đào bới bằng những thao tác tư duy sắc nhọn mới tìm thấy được. Thơ Hoàng Nhuận Cầm ngược lại, như một thứ cành lá xanh tươi cứ mướt mát, rời rợi trên vòm cao vẫy gọi người đọc. Thi sĩ Tây Ban Nha Garcia Lorca từng nói: “Thơ là lửa và lửa thì rất khó giải thích”.
Với thơ Hoàng Nhuận Cầm, nhiều chỗ ta chẳng cần phải giải thích dài dòng mà chỉ đơn thuần đọc lên thôi - đọc đúng như giai điệu mà tác giả quy ước trong bài thơ của anh, là bạn đọc có thể cảm được cái hay, cái đẹp của nó. Với nội dung bay bướm, hướng về tuổi trẻ, cách diễn đạt nhuần nhị, trong sáng, cộng với cái du dương, quặn siết của giai điệu, thật dễ dàng để thơ Hoàng Nhuận Cầm chinh phục được đông đảo độc giả, nhất là độc giả thuộc lứa tuổi học sinh, sinh viên. Từng có thời, Hoàng Nhuận Cầm được coi là “ông vua thi sĩ” của tuổi học đường.
Cầm bút từ rất sớm song Hoàng Nhuận Cầm chỉ thực sự được bạn đọc biết đến rộng rãi kể từ lần anh đoạt giải nhất cuộc thi thơ của tuần báo Văn nghệ năm 1972 - 1973 với chùm thơ Nhật ký, Thư mùa thu, Nghe chim kể chuyện trên đồi chốt, Anh bộ đội và tiếng nhạc la. Cùng đoạt giải nhất với anh là các nhà thơ Nguyễn Duy, Nguyễn Đức Mậu, Lâm Thị Mỹ Dạ.  Những năm ấy, cuộc chiến chống Mỹ của chúng ta đang vào giai đoạn cực kỳ khốc liệt, vậy mà qua thơ Hoàng Nhuận Cầm, ta thấy một bầu không khí êm ả, thơ mộng, nhẹ nhõm vui tươi đến lạ. Đây là hình ảnh anh bộ đội trong phút trực chiến vẫn không quên lắng nghe tiếng chim:
Mũ tai bèo khẽ nghiêng nghiêng
Nghe lăn lăn những tiếng chim xuống hầm.
(Bài Nghe chim kể chuyện trên đồi chốt).
Và đây, hình ảnh người lính trẻ trên đường truy kích giặc:
Đêm Trường Sơn, ngôi sao như trong hơn
Cầm này lại đi, lại đi…thôi chào nhé
Ta chẳng còn bắt ve, ta chẳng còn thơ bé
Thay việc bắt ve, ta lùng bắt quân thù quanh mỗi gốc xà nu.
(Bài Thư mùa thu).
Việc hệ trọng, nguy hiểm đến vậy mà cứ như trò chơi con trẻ - thật chẳng ở đâu việc bắt giặc dễ dàng hơn?! Đọc những câu thơ trên, nhà thơ Nguyễn Hoàng Sơn đã có một nhận xét vui: “Nguyên cái cách so sánh “lùng bắt quân thù quanh mỗi gốc xà nu” với việc “bắt ve” ngày thơ bé chứng minh anh là lính mới tò te”. Và Nguyễn Hoàng Sơn đồ rằng “cái cây xà nu của Cầm cũng là cái cây xà nu trong sách giáo khoa của Nguyên Ngọc, chưa phải cái cây thực anh gặp trên rừng?” (bài giới thiệu tập Hoàng Nhuận Cầm - thơ với tuổi thơ, NXB Kim Đồng, 2003).
Trước đây, Hoàng Nhuận Cầm từng có lần tâm sự rất thật với tôi: Ngay từ lúc được trao giải, anh đã hiểu rằng đấy là vinh dự mà lớp cha anh đã trao cho các anh, những cây bút trực tiếp cầm súng chiến đấu (khi ấy Hoàng Nhuận Cầm đang là bộ đội cao xạ). Bản thân nhà thơ Xuân Diệu, trước khi trích dẫn mấy câu thơ kết bài thơ Vào mặt trận lúc mùa ve đang kêu của Hoàng Nhuận Cầm đã phải thốt lên nhận xét, đó là “mấy câu thơ đại diện cho lứa trẻ anh hùng đi đánh giặc, họ đáng cho ta kính trọng ngàn lần và thương yêu vạn lần”.
Sau này, khi đã trải đời, đã tiếp cận được với “mặt sau” khắc nghiệt của chiến tranh, Hoàng Nhuận Cầm đủ tỉnh táo và dũng cảm để nhận ra: “Câu thơ cũ có gì không thực nữa/ Chớp qua hồn như pháo sáng mà thôi”, để rồi “Mùa xuân ấy dưới màu hoa rất đỏ/ Anh xếp ba lô, lặng lẽ đốt thơ mình” (bài Dưới màu hoa rất đỏ). Việc ban đầu Hoàng Nhuận Cầm có ý định lấy cái tên “Tái bút của người lính” để đặt cho tập thơ Xúc xắc mùa thu của mình (NXB Hội Nhà văn, 1992), cũng như việc anh thổ lộ trong bài phát biểu cảm tưởng tại lễ nhận giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam (năm 1993) cho tập thơ nói trên, rằng anh muốn “lấy giải thưởng để trả nợ giải thưởng” đã là một minh chứng cho sự trưởng thành về nhận thức của anh.
Quả thực, so với tập Thơ tuổi hai mươi in chung với Vũ Đình Văn năm 1974 (trong đó có chùm bài được giải báo Văn nghệ năm 1972-1973), thì ở phần thơ in trong Xúc xắc mùa thu, Hoàng Nhuận Cầm đã có cách phản ánh cuộc chiến thấu thị hơn. Nếu như ở tuổi hai mươi, Hoàng Nhuận Cầm từng viết: “Mùa khô ơi, mùa khô thân yêu/ Dẫu hòn bi lăn hết vòng tuổi nhỏ/ Nhưng trong những ba lô kia, ai bảo là không có/ Một hai ba giọng hát chú ve kim?” (bài Vào mặt trận lúc mùa ve đang kêu) thì ở phần “tái bút” này, ta lại gặp ở anh những câu thơ xa xót:
Nhớ thu đến - Hạ đi trong trống trận
Tiễn tuổi thơ không một tiếng kèn
Đó hoa phượng, ôi mười năm hoa phượng
Rơi ngút ngàn trên những hố bom đen. 
(Bài Dưới màu hoa rất đỏ).
Càng hiểu những hy sinh mất mát của thế hệ mình trong cuộc chiến, tác giả càng biết trân trọng giấc mơ con trẻ thời bình: “Này em/ Anh nhớ ngày mai quá/ Có thể là/ Con gái sẽ ngủ quên/ Trên cây đàn/ Chúng mình mua quá đắt/ Nhưng em đừng đánh thức/ Giấc mộng Su-man còn đắt hơn nhiều” (bài Nhớ ngày mai).
Thế hệ nào cũng có bi kịch của mình. Khá nhiều bài trong tập Xúc xắc mùa thu nghiêng về khai thác nỗi đau mất mát của tuổi học trò (có thể xem là thời hậu chiến): “Và như thế mười năm bớt dại/ Nỗi khôn ngoan ám sát tuổi học trò/ Cà phê rót đầm đìa qua phượng đỏ/ Ngày cuối cùng ta vứt hết ngây thơ” (bài Đêm nay).
Đọc thơ Hoàng Nhuận Cầm, ta thấy hiện ra nhiều những hình ảnh gắn với lứa tuổi học sinh, sinh viên, những “mực tím”, “giấy trắng”, “chiếc khăn quàng mang màu than đỏ cháy”, “hoa phượng mùa thi”; những cô gái đang độ “Trăng lên tuổi mười sáu em/ Tóc bay ngang qua đèo gió hú”… với giọng thơ nhiều luyến tiếc. Nói chung, hướng về lứa tuổi này là anh hướng về những tâm tình còn ngây thơ, trong sáng, trong đó các bài Chiếc lá đầu tiên, Những thời vô tội, Xúc xắc mùa thu… là tiêu biểu hơn cả.
Như trên đã nói, là thi sĩ của tuổi học trò (trước nhất của tuổi học trò), Hoàng Nhuận Cầm đã mang trong mình những đặc tính của lứa tuổi này: Mộng mơ và tinh nghịch. Ngay cả cái tên Xúc xắc mùa thu, nghe vừa mơ màng cổ điển vừa có vẻ gì tung tẩy, phá cách. “Nếu tôi chết - rượu buồn hãy cạn” trang nghiêm đấy thì “Thôi lạy người! Uống hộ một ly” lại có vẻ cợt đùa rồi. Thơ Hoàng Nhuận Cầm cứ đan xen như thế. Anh không ngần ngại đưa những chữ như “cướp”, “ám sát”, “khốn nạn”… vào trong thơ. Bên cái mượt mà, thánh thót của pianô, thỉnh thoảng ta lại giật mình bởi tiếng thình thình của trống đệm.
Thơ Hoàng Nhuận Cầm cứ nửa “truyền thống”, nửa “hiện đại” như vậy. Âu đó cũng là cái duyên riêng góp phần làm nên sức hấp dẫn của thơ anh. Kể cả trong những buồn đau, Hoàng Nhuận Cầm vẫn luôn tìm cách khai thác vẻ đẹp của nó. Anh tài hoa và anh làm dáng. Điều này cũng dễ hiểu.
Bỏ qua những câu thơ mạ vàng mạ bạc: “Tiếng chim kêu óng ả trước hiên nhà”, những “đục đẽo” kỳ khu: “Cây tương tư khốn khổ trổ thêm cành”, ta sẽ gặp trong thơ anh không ít những câu giản dị mà lay động: “Đây mười ba bậc cầu thang/ Bàn chân Cầm xéo vội vàng vào chân” (bài Nhớ Vũ Đình Văn); “Ta đã đi như mèo trên phố vắng/ Gọi tên con như gọi các thiên thần/ Có một nốt không bao giờ con biết tới/ Là nốt buồn cha đã nuốt thay con” (bài Nhớ ngày mai); “Hò hẹn mãi cuối cùng em đã tới/ Như cánh chim trong mắt của chân trời/ Ta đã chán lời vu vơ, giả dối/ Hót lên! Dù đau xót một lần thôi” (bài Hò hẹn mãi cuối cùng em cũng đến); “Đường cha bước đây ngày hoa đỏ thắm/ Rơi như mưa, như máu đổ bên đường/ Môi đã đến tìm môi sau khói súng/ Cảm ơn Đời, kinh thánh cuộc hành quân” (bài Nhớ ngày mai). Đọc đoạn thơ này, trước mắt ta như đang hiện lên một trường đoạn trong tiểu thuyết Một thời để yêu, một thời để chết của nhà văn Đức Erich Maria Remarque vậy.
Có thể nói, Hoàng Nhuận Cầm là nhà thơ của những trạng huống xao xuyến, bâng khuâng… rất khó biểu đạt. Thơ anh giàu nhạc tính, có sức ngân vang. Với anh, ngoài phần hình ảnh (là phần mà anh có nhiều tìm tòi) thì nhạc giữ một vai trò quan trọng, tạo nên sức nặng và sức chinh phục. Điều này lý giải tại sao, trong nhiều chương trình thơ, Hoàng Nhuận Cầm thường thích trực tiếp đọc thơ mình chứ ít chịu để người khác… ngâm vịnh. Mà quả thật, với lối ngâm nga tẻ nhạt như một số người hiện nay vẫn làm, tức là bài nào họ cũng “phổ” cho một “điệu nhạc” có sẵn, thì sẽ ra sao một bài thơ như “Năm nốt bâng quơ trên một cây đàn”, nhất là ở những khúc 3,4,5, những khúc mà tác giả dụng công bố trí toàn thanh bằng ở cuối câu, tạo nên một âm hưởng ngân nga, hoài niệm? 
Một điều đáng nói nữa, trong sự nâng lên, đặt xuống của nhịp điệu từng khổ thơ, Hoàng Nhuận Cầm rất chú ý lựa chọn… điểm rơi của ý tưởng. Nói một cách hình tượng thì nếu ví một khổ thơ như một cánh tay, thì khi cánh tay ấy hạ xuống cũng là lúc nó phải để lộ ra một món quà bất ngờ ẩn giấu trong đó. Những câu kết của bài Tốt hơn, đừng chết là những câu như thế: “Nếu tôi chết, hãy tìm tôi nhé/ Một tối nào như tối mùa Đông/ Chiều thứ bảy quán cà phê vắng/ Chủ quán buồn, hỏi: Có buồn không?”. Chao ơi, chiều thứ bảy, quán vắng, đã buồn rồi, chủ quán còn hỏi khách “Có buồn không?” thì cô đơn quá… Câu thơ nằm trong một bài thơ có giọng điệu hơi hài hước, song vẫn bâng khuâng thế sự.
Ở trên, tôi có nhắc tới một bài thơ Hoàng Nhuận Cầm viết về chủ đề cái chết. Trong thơ Hoàng Nhuận Cầm, số bài đề cập tới chủ đề thuộc diện “nhạy cảm” này khá nhiều, nhiều tới độ ở bìa cuối tập thơ Xúc xắc mùa thu, tác giả phải cho in tấm ảnh hồi anh chưa đầy tuổi, đang nằm…chỏng “cần câu” trên một chiếc chiếu với mục đích “giải hạn”, lấy sự sinh đối chọi với sự chết. Cũng vậy, ngoài bài Thêm một vì sao (viết về cái chết), Hoàng Nhuận Cầm còn viết thêm bài Tốt hơn đừng chết, với câu cuối có chữ “phục sinh”: “Ai đã phục sinh Em... trong những tối không chồng” cũng là với mục đích để… giải hạn. Sinh thời, nhà thơ Thổ Nhĩ Kỳ Nazim Hitkmet từng tâm sự rằng, với ông, cuốn sách lớn nhất chính là cuốn sách hướng về cái chết. Những bài thơ viết về cái chết cũng là một mảng sáng tác đặc sắc của Hoàng Nhuận Cầm. Qua đó, anh vừa thể hiện được nét hào hoa trong hồn thơ của mình vừa thể hiện được sự tài hoa trong việc tung hứng, sử dụng ngôn từ:
Một mai chết thật âm thầm
Mấy cành cỏ dại khẽ trầm ngâm ru
Một mai chết hết hận thù
Mắt chầm chậm khép tay từ từ xuôi.
(Bài Một mai).
Sinh thời, nhà thơ Xuân Diệu từng viết rằng, ông thích thứ thơ để người ta yêu hơn là để người ta phục. Đọc thơ Hoàng Nhuận Cầm, về tài nghệ có bài tôi phục, rất phục, song phần lớn phải nói là đáng yêu. Và tôi nghĩ, đây cũng chính là một nét lớn của hầu hết các nhà thơ tên tuổi của chúng ta…
Trong một bài viết về thơ Hoàng Nhuận Cầm in trên Báo Hà Nội mới số ra ngày 22/11/1993, tôi đã từng nêu cảm tưởng, với Hoàng Nhuận Cầm “một chặng hành trình được gắn huân chương và bắt đầu khép lại”. Biết làm sao được, cái “tạng” của Hoàng Nhuận Cầm là vậy. Anh không thể viết xô bồ, ồ ạt. Thơ anh là “sự trong trẻo khó giữ, là cái đẹp mảnh mai không trường sức”. Đến nay, gần 20 năm trôi qua, tôi thấy ý kiến của tôi đã được chứng minh trên thực tế…
(Viết lần đầu năm 1989, bổ sung và hoàn chỉnh ngày 5/4/2012)
PHẠM KHẢI
Nguồn: ANTGCT

No comments:

Post a Comment