(Đọc Thơ tình Nguyễn Ngọc Hạnh, NXB Hội nhà văn, 2012)
Thơ ca là hình thức tự do dân chủ nhất của cảm xúc, tư tưởng và chính vì thế, người thơ có cơ hội sống thật với mình. Con người luôn bận rộn với mũ mão cân đai cho những vai diễn, hiếm có phút giây được ngắm mình qua gương mà không hề son phấn. Thơ tình Nguyễn Ngọc Hạnh, theo tôi là chuỗi những khoảng lặng hiếm hoi như thế.
Nguyễn Ngọc Hạnh (trái) |
Lớp học nào lớp học đời tôi
Vắng một giây thôi sẽ không
là tôi nữa
(Điểm danh)
Câu thơ giản dị đến bất ngờ
từ chữ nghĩa đến hình ảnh. Nhưng cái điều anh trăn trở và gửi gắm là sự thao
thức của bao người. Điểm danh là cách con người ý thức dừng lại trước
đường ma lối quỷ.
Khoảng lặng của chữ chỉ là
thể thức của khoảng lặng tâm hồn. Thơ tình Nguyễn Ngọc Hạnh là khoảng
lặng của một tâm hồn cô đơn đến cùng cực.
Núi ngồi đợi đến tinh mai
Tôi ngồi một bóng bên ngoài
trùng khơi
Bóng trăng cùng với bóng
tôi
Khuất trong bóng núi gặp
lời cổ nhân
(Trăng và bóng)
Trăng và bóng và lời cổ nhân
là những thi ảnh giàu sức gợi tả, lãng đãng bóng dáng Đường thi với nỗí cô đơn
chất ngất của Lý Bạch khi độc chước vô tương thân, “Cử bôi yêu minh nguyệt/ Đối
ảnh thành tam nhân”, hay nỗi cô tịch của Trương Kế trước cảnh “Nguyệt lạc ô đề
sương mãn thiên”…
Đọc Nguyễn Ngọc Hạnh, ta dễ
dàng bắt gặp nhân vật trữ tình ở trong trạng thái một mình, lặng lẽ.
Phải chăng đó cũng chính là trạng thái, hoàn cảnh mà cái tôi trữ tình lên tiếng
để làm nên một cõi thơ lặng lẽ. “Tôi một mình lặng lẽ đôi khi/ Lặng lẽ với
giếng sâu/
Xin nối sợi dây gàu cho
lòng bớt cạn.”(Đôi
khi), “Chiều rơi nhỏ nhẹ/ Chiều trôi/ Mình tôi/
Đầy ắp khoảng trời không
em.”(Một
ngày)…
Khoảng lặng một mình trong
thơ anh như trái sim xa đồi hoa tím, lẻ loi bên đường nhiều ngả rẽ, hay trái
lòn bon lặng lẽ xa nguồn lênh đênh vô định những miềm sóng nước. Để rồi từ
những miền xa lạ ấy, hạt mầm bám đất trải nghiệm một sự tồn sinh trước gió mưa
viễn xứ. Dường như sự trôi chảy trong cô đơn là cơ may để anh nhận ra cái lẽ
của sự sống, ý nghĩa của sự tồn tại. Được mất ở đời chỉ là chỉ là giá trị ước
lệ tức thời, nhưng cũng là cách thức để tồn tại có ý nghĩa. “Khi tất cả đi
qua, dọc bờ sông phải xói mòn để giữ gìn vẻ đẹp của dòng sông. Mất mát là để
tồn tại theo cách của mình, để được là mình. Ít ai hiểu nỗi lòng ấy”(Hạnh
phúc lặng lẽ). Và thậm chí, đời riêng là gì khi “nấm mồ không còn riêng ai
cả”(Thơ đề trên mộ).
Ngẫm về cái chết là để soi
rọi vào cái sống, để sống sao cho tốt đẹp hơn. Mỗi người có một cuộc đời
để sống, thế sự trùng trùng dâu bể sống sao cho được là mình. Đó là khát vọng
thường trực, đau đáu trong đời, trong thơ của anh.
Tôi đến với dòng sông
Là đến với lòng tôi
Đời bao nhiêu dáng chảy
Sông chỉ một dòng thôi.
(Sông tôi)
Đôi khi để hoàn thành một
vai diễn con người ấy đã phải son phấn nụ cười lời nói, áo mũ lượt là chải
chuốt. Anh tự biết điều đó “Ai hay mưa nắng tình cờ/ Ai hay tôi cũng giả vờ
với tôi.”(Giả vờ). Đọc Nguyễn Ngọc Hạnh, trước hết, tôi trân trọng
một con người luôn ý thức về mình để không tự vượt đèn đỏ bản thân lao vào vòng
đời không lối thoát. Khả năng chế ngự bản thân sẽ đưa con người đến chỗ
toàn thiện. Và ở phương diện này, mỹ học trong thơ anh cũng chính là tiếng nói
của đạo đức học.
Lớp học nào lớp học đời tôi
Vắng một giây thôi sẽ không
là tôi nữa
(Điểm danh)
Trong Thơ tình Nguyễn
Ngọc Hạnh, tôi nhận ra một cõi riêng tư của cái bản ngã thiền định. Có những
câu thơ như những bài kệ anh dành cho mình. Được mất ở đời có gì đáng nói, chỉ
có sự vong thân là điều đáng tiếc hơn cả.
Đừng để khi trở về nơi vườn
hương cũ
Tiếng chim lạ rồi, mất
giọng thơ xưa.
(Giấc mơ)
Nửa đời phiêu bạt
Nhầm một câu thơ
Nhầm một dòng chảy
Tìm không thấy bờ
(Bài thơ chưa đặt tên)
Anh đón nhận ánh sáng từ bi
theo cách riêng của mình để sống, để làm thơ. Thiết nghĩ đó là giá trị cốt lõi
cho một đời sống trọn vẹn bản thể hồn nhiên, cho một đời thơ thành thật với
lòng.
Có ý kiến cho rằng thơ Việt
sính triết lý nhưng thiếu tư tưởng. Tôi không phủ nhận thực tế ấy, nhưng lại
suy nghĩ vấn đề theo hướng khác. Triết lý trong thơ Việt không phải thứ trang
sức, không hẳn cái mốt thời thượng; triết lý trong thơ trước hết là một sự
nghiệm sinh, một nhu cầu mà nhà thơ dành cho chính mình. Với Nguyễn Ngọc Hạnh,
những triết lý trong thơ dường như là hệ giá trị sống cho riêng anh chứ không
hề cao giọng với người. Do vậy, triết lý là cách để anh sống đường hoàng, tử tế
với mình, với người. Điều đó chẳng đáng trân trọng sao?
Đời người như đời sông, đâu
dễ gì tường tận. “Chưa đi qua hết đò ngang/ Làm sao hiểu đời sông dọc”(Hạnh
phúc). Đọc 43 bài thơ trong tập thơ Thơ tình của anh, buông mấy lời vào
sông nước, tôi thấy mình chẳng khác gì kẻ đi đò ngang. Dòng sông thơ ấy vẫn
đang âm thầm trôi chảy, bao nhiêu lớp sóng, bao nhiêu lở bồi, nông sâu, ghềnh
thác vẫn đang tồn sinh lưu chuyển và chờ người ở cuộc phiêu bồng đầu truông
cuối bãi.
Tháng Tư, 2012
NGUYỄN HỮU VĨNH
No comments:
Post a Comment