"Thực tế lịch sử cho thấy, văn
hóa Việt Nam đã vận động và phát triển trong sự khoan hòa. Ý thức khẳng định,
tự tôn dân tộc gắn liền với sự tôn trọng, bình đẳng với nước khác; ý niệm tôn
vinh, gìn giữ bản sắc dân tộc đi liền với thái độ cầu thị tiếp nhận tinh hoa và
các giá trị văn hóa bên ngoài làm giàu có nền văn hóa dân tộc. Điều đó tạo nên
căn cước văn hóa vững chắc trong sự phát triển linh hoạt và chủ động của dân tộc
ta trong mối quan hệ giao lưu, đối sánh với các dân tộc khác trong khu vực cũng
như trên thế giới"
1.
Sách Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sĩ Liên chép lại một câu chuyện khá
thú vị liên quan đến hoạt động bang giao giữa Việt Nam và Trung Hoa vào khoảng
cuối thế kỷ X. Đó là cuộc xướng họa thơ văn giữa Lý Giác – sứ thần nhà Tống với
hai sứ giả nhà Tiền Lê là Pháp Thuận (tức thiền sư Đỗ Pháp Thuận) và Ngô Khuông
Việt (tức thiền sư Ngô Chân Lưu). Đầu tiên là bài thơ vịnh đôi ngỗng trên dòng
sông xanh của đồng tác giả Lý Giác – Pháp Thuận mà người đời sau vẫn
truyền tụng. Sau đó là bài thơ đáp tặng của Lý Giác dâng lên vua Lê Đại Hành và
cuối cùng là bài thơ tiễn sứ về nước của sư Khuông Việt (1)[i][1].
Những tình tiết cụ thể của câu
chuyện cũng như sự ra đời của các thi phẩm này được sử gia họ Ngô cẩn thận ghi
chép đem đến cho chúng ta nhiều suy ngẫm, trước hết là bài học và kinh nghiệm
bang giao. Điều mà chúng ta thấy hiển hiện rõ nhất trong câu chuyện này
chính là một cốt cách Đại Việt tuy nhỏ bé mà tự trọng, bản lĩnh mà thân thiện,
lịch duyệt mà chân thành... Nói cụ thể hơn, đó là cốt cách của một dân tộc có
văn hóa, được chiếu rọi qua tâm hồn, trí tuệ và nhân cách của những cá nhân cụ
thể, những nhân vật văn hóa của thời đại và triều đại. Câu chuyện trên cũng là
minh chứng sinh động cho một sự thật là không phải chỉ trong bối cảnh hội nhập
của thời hiện đại, khi sự giao lưu và tiếp xúc giữa các dân tộc ngày càng rộng
mở, đa dạng thì văn hóa đối ngoại, trong đó có vấn đề ngoại giao văn hóa mới
được đề cập như là một trong những phương châm
nhằm thực hiện những lợi ích tối cao của dân tộc.
Sự thật là ngay trong những thế kỷ
đầu tiên đặt nền móng xây dựng nền độc lập tự chủ thì văn hóa, với tất cả sức
mạnh và tính đại diện của nó đã được ông cha ta ưu tiên hàng đầu trong hoạt
động ngoại giao. Kết cục bất ngờ theo chiều hướng tốt đẹp của câu chuyện bang
giao thời Tiền Lê mà chúng tôi vừa đề cập ở trên cũng là chứng thực ưu thế
riêng của hoạt động ngoại giao văn hóa khi được lồng ghép nhằm phục vụ cho hoạt
động ngoại giao chính trị. Đó là sứ mệnh làm cho các dân tộc hiểu biết và
chấp nhận văn hóa của nhau, từ đó xích lại gần nhau hơn, xây dựng một nền hòa
bình thế giới vững chắc, lâu dài và quan hệ hữu nghị hợp tác cùng phát triển
giữa các dân tộc (2)
Câu
chuyện này cũng mở ra truyền thống bang giao với những nét đẹp đặc trưng trong
suốt thời trung đại, có ý nghĩa tiền đề cho văn hóa đối ngoại trong bối cảnh
hội nhập và giao lưu toàn cầu. Có thể khái quát truyền thống ấy qua ba đặc
trưng cơ bản sau:
Một
là: Ngoại giao gắn với chủ thể văn hóa
Hai
là: Ngoại giao lấy tinh thần khoan hòa
văn hóa làm phương châm
Ba
là: Ngoại giao thông qua con đường thơ
ca
2. Một trong những đặc thù của hoạt động bang giao ở
các quốc gia phương Đông thời trung đại là lấy ngoại giao chính trị làm cột
trụ. Điều này phản ánh đặc trưng của mô hình kinh tế - chính trị và văn hóa
phương Đông mà ở đó đã sớm hình thành ý niệm phân định đẳng cấp, thứ bậc cùng
những đặc quyền mang tính áp đặt giữa các nước lớn với các nước nhỏ từ lâu đời.
Phàm đã là công việc đi sứ, bang giao thường có liên quan đến sự an nguy, tồn
vong của cả dân tộc và triều đại. Vì thế người xưa thường có quan niệm phổ biến
đề cao người làm công việc ngoại giao: Không làm khanh tướng thì làm sứ giả. Tài
trai, nếu như không thể mài mực ở mũi lá mộc, truyền hịch định bốn phương thì
cũng phải cầm tiết ngọc, trên hai vai nặng trĩu sứ mệnh của nước nhà, như
Trương Khiên cưỡi bè sao thăm Ngưu Đẩu (3).
Sự hiện diện của Lý Giác năm 987
trên đất Đại Việt cũng như sứ thần hai nước trong suốt diễn kỳ trung đại không
nằm ngoài những vấn đề sự vụ đó. Tuy nhiên, đặc thù nói trên cũng đã dẫn tới
một lựa chọn khá đặc biệt tạo nên mô hình ngoại giao của Việt Nam thời trung
đại: mô hình tương hỗ giữa ngoại giao văn hóa và ngoại giao chính trị, trong đó
ngoại giao chính trị đóng vai trò trụ cột, ngoại giao văn hóa làm nhiệm vụ hỗ
trợ, thúc đẩy. Mô hình này tất yếu tạo nên những hình mẫu nhà ngoại giao thời
trung đại mà Pháp Thuận và Khuông Việt chỉ là hai trong số những đại diện tiêu
biểu nhất. Ở họ vừa hội tụ trí tuệ, bản lĩnh của một nhà chính trị, vừa có
phong thái, cốt cách của một nhà văn hóa.
Đó là những chủ thể văn hóa,
thông qua hoạt động và giao lưu tiếp xúc, biểu lộ các giá trị văn hóa, đem tới
sự hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau giữa các dân tộc. Không phải ngẫu nhiên vị
vua khai mở nhà Tiền Lê lại dày công bố trí, sắp đặt Pháp Thuận đón sứ thần nhà
Tống từ bờ Sách giang, đồng thời cho vời Khuông Việt từ Bổ Đà tự về kinh thành
cùng nghênh đón. Cũng không phải ngẫu nhiên Lý Giác từ tâm lý ngạo mạn, coi
thường Nam Việt chuyển sang khiêm nhường thừa nhận: Ngoài trời lại có trời
soi nữa. Rõ ràng ở đây vị sứ thần nhà Tống đã thực sự bị thuyết phục trước
những nhân cách và trí tuệ lớn, đại diện cho nền văn hóa Đại Việt đương thời.
Và với sự thừa nhận này, xét ở một góc độ nào đó, ông ta cũng là một sứ thần có
văn hóa.
Trong
lịch sử bang giao Việt Nam gần 10 thế kỷ trung đại, ở hoàn cảnh chịu nhiều o
bế, các sứ giả - nhà ngoại giao Việt Nam trong tư cách là những chủ thể văn hóa
đã góp công lớn thực hiện chiến lược ngoại giao mềm dẻo, mang lại nhiều lợi ích
cho triều đại và dân tộc. Họ cũng đồng thời là những nhân vật tiêu biểu của văn
hóa Việt Nam như: Trần Thái Tông, Trần Quang Khải, Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Trung
Ngạn, Phùng Khắc Khoan, Lê Quí Đôn, Ngô Thì Nhậm, Phan Huy Ích, Trịnh Hoài Đức,
Nguyễn Du, Nguyễn Văn Siêu, Cao Bá Quát....Câu chuyện về tài, trí, đức của
những nhà ngoại giao ấy nhắc nhở chúng ta nhiệm vụ xây dựng đội ngũ những cán
bộ, nhân viên ngoại giao nhắm đáp ứng yêu cầu đối ngoại trong thời kỳ hội nhập
mà ở đó, phẩm cách văn hóa luôn được đặt ra như một trong những tiêu chí hàng đầu.
3.
Trong một chuyên luận mới đây của mình, cố GS Hoàng Ngọc Hiến khẳng định một
trong những đặc điểm có tính “minh triết” của văn hóa Việt. Đó là tinh thần
“khoan hòa văn hóa”. Theo Giáo sư, tinh thần này có cơ sở triết học ở ý thức về Người khác. Đó là ý thức tôn
trọng những khác biệt của kẻ khác, để kẻ khác tôn trọng những khác biệt của ta,
là khả năng định lại những dị biệt của ta, những điều làm cho ta khác người
khác, song vẫn tôn trọng những gì không giống ta mà vẫn bình đẳng với ta (4)
Từ quan niệm trên có thể thấy, khoan
hòa văn hóa có cơ sở từ mối quan hệ giữa ta với người. Mối quan
hệ đó tự bản thân nó, một mặt tiềm ẩn những nguy cơ xung đột khi bên trong mỗi
bên luôn nảy sinh ý thức/ý đồ so sánh song mặt khác lại tạo tiền đề cho sự bổ
sung, bồi đắp khi được dung hòa. Thực tế lịch sử cho thấy, văn hóa Việt Nam đã
vận động và phát triển trong sự khoan hòa. Ý thức khẳng định, tự tôn dân tộc
gắn liền với sự tôn trọng, bình đẳng với nước khác; ý niệm tôn vinh, gìn giữ
bản sắc dân tộc đi liền với thái độ cầu thị tiếp nhận tinh hoa và các giá trị
văn hóa bên ngoài làm giàu có nền văn hóa dân tộc.
Điều đó tạo nên căn cước văn hóa
vững chắc trong sự phát triển linh hoạt và chủ động của dân tộc ta trong mối
quan hệ giao lưu, đối sánh với các dân tộc khác trong khu vực cũng như trên thế
giới. Tinh thần khoan hòa thấm đẫm trong các ứng xử, ở nhiều bối cảnh và phương
diện của văn hóa Việt, đặc biệt là lĩnh vực ngoại giao. Ở phương diện này, câu
chuyện ngoại giao dưới thời Tiền Lê một lần nữa cho thấy tính khoan hòa trong
ứng xử của sứ giả Đại Việt. Hai câu thơ kết lại bài thơ vịnh đôi ngỗng trên
dòng sông của quốc sư Pháp Thuận là một chủ ý nhằm khẳng định tư thế độc lập,
tự chủ đầy mạnh mẽ, là ý thức về cái riêng biệt đầy kiêu hãnh của ta trước
người khác.
Cái riêng biệt được đặt trong mối
quan hệ bình đẳng, tôn trọng, không làm tổn hại lẫn nhau. Lý Giác không phải là
một nhân vật tầm thường. Việc thay đổi thái độ từ ngạo mạn, ỷ thế tới ngạc
nhiên rồi trở nên khiêm nhường, giữ lễ ở ông ta hẳn có nguyên nhân chủ yếu từ
việc thấu hiểu đạo lý này. Tinh thần ấy cũng là nét đẹp có tính truyền thống
của hoạt động bang giao trong suốt thời trung đại. Khảo sát phần thơ ca của các
sứ thần khi thực hiện nhiệm vụ ngoại giao, ở phần thơ xướng họa với sứ thần và
văn nhân các nước, chúng tôi thấy một đặc điểm rất thú vị. Đó là sự thể hiện
của cái tôi trữ tình – đạo lý với những đặc trưng căn bản:
- Cái tôi coi trọng tình bằng hữu và truyền
thống hòa hiếu với các dân tộc.
- Cái tôi khẳng định sự tương đồng của những
giá trị văn hóa chung giữa các nước.
- Cái
tôi khẳng định bản sắc và vẻ đẹp văn hiến riêng biệt, độc đáo của dân tộc.
Bài
thơ Đáp vấn (trả lời các câu hỏi) của sứ thần Đoàn Nguyễn Tuấn là một ví
dụ:
Khách hỏi phong cảnh nước An Nam như thế
nào?
Phong cảnh nước Nam khác Trung Hoa
Bụi nhỏ không động, núi sông trong sáng
Tám tiết đều như mùa xuân, cây cỏ tươi đẹp
Bữa ăn, ít thức độn, nhiều thóc gạo
Đồ mặc, xem nhẹ áo lông, áo da, chuộng hàng
lượt là
Tuy vậy có chỗ rất giống nhau
Văn chương lễ nghĩa như một nhà
Đó
là cái tôi mang tinh thần khoan hòa văn hóa. Tinh thần ấy dẫn tới sự bao dung
và cởi mở trong mối quan hệ giữa sứ thần các nước. Nó vượt lên những định kiến
hẹp hòi để hướng tới những lợi ích thực sự và tối cao của dân tộc.
4.
Với ý nghĩa thúc đẩy tạo nên sức mạnh mềm nhằm hóa giải những xung đột
và tạo dựng quan hệ hữu nghị lâu bền với các nước, hoạt động ngoại giao văn hóa
đang được nhắc tới như một trong ba trụ cột chính (bên cạnh ngoại giao chính
trị và ngoại giao kinh tế) của ngoại giao Việt Nam trong thời kỳ toàn cầu hóa.
Hai nhiệm vụ và đặc trưng căn bản của Ngoại giao văn hóa là:
-
Sử dụng các giá trị văn hóa, hình
thức văn hóa, lợi thế văn hóa để thúc đẩy quan hệ với các quốc gia khác.
- Sử dụng nội dung ngoại giao, quan hệ ngoại giao
để tôn vinh giá trị văn hóa dân tộc; giao lưu, trao đổi để các quốc gia, các
dân tộc ngày càng hiểu biết và tôn trọng các giá trị văn hóa và bản sắc của
nhau (5).
Trong
những diễn giải rất cụ thể này, có thể nhận thấy mục tiêu chung của hoạt động
ngoại giao văn hóa. Đó là thúc đẩy mối quan hệ bền vững giữa các dân tộc dựa
trên sự hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau. Ở phương diện này chúng tôi muốn nói
tới một đặc điểm khá độc đáo trong cách sử dụng các giá trị văn hóa, hình
thức văn hóa, lợi thế văn hóa để thực hiện nhiệm vụ bang giao của ông cha
ta trong quá khứ. Đó là con đường ngoại giao bằng thơ ca. Trở lại câu
chuyện ngoại giao thời Tiền Lê, chúng ta thấy rõ sức mạnh hóa giải và kết nối
của thơ ca với các cá nhân đến từ những nền chính trị và văn hóa khác biệt.
Khảo sát dòng thơ sứ trình thời trung đại, chúng tôi cũng nhận thấy một điều
rất thú vị: trong những thời khắc quan trọng và khó khăn nhất, các sứ thần bao
giờ cũng tìm đến thơ ca và nhận thấy ở đó những giá trị, hình thức và lợi thế văn hóa cần thiết cho công việc ngoại giao
của mình.
Trong các thi tập sứ trình thời kỳ
này, phần thơ xướng họa chiếm số lượng đáng kể. Đó là những bài thơ viết để
đáp, tặng quan lại Trung Hoa và sứ thần các nước khi có dịp diện kiến. Đây là loại thơ mang tính xã giao nghi lễ
nhằm mục đích bang giao nên thường được viết theo qui cách, công thức nhất
định. Tuy nhiên do đặc điểm của đối tượng xướng họa (các sứ thần – văn nhân)
nên việc xướng họa thơ văn cũng là dịp để các sứ thần – văn nhân Việt Nam khoe
tài và bày tỏ tình cảm của mình với văn nhân các nước: niềm cảm mến tài năng và
nhân cách, ý thức về vẻ đẹp văn chương.
Việc đối thoại dẫn đến hiểu biết, cảm mến lẫn nhau của quan lại, sứ thần các
nước thông qua con đường văn chương phản ánh đặc điểm độc đáo của hoạt động
bang giao thời trung đại. Câu chuyện về mối thâm giao giữa sứ thần Việt Nam
Nguyễn Kiều, Nguyễn Tông Khuê, Lê Quí Đôn....với các sứ thần Trung Hoa và Triều
Tiên như Trác Sơn Thị, Hồ Tú Tài, Doãn Đông Thăng, Lý Huy Trung, Hồng Khải
Hy.... đã chứng minh ý nghĩa to lớn của thi ca bên cạnh những hình thức và lợi
thế ngoại giao khác.
Ngay cả trong thời hiện đại, với sự
phát triển của nền văn minh công nghiệp, sự bùng nổ của các phương tiện kỹ
thuật và hình thức giao lưu nhằm mục đích tối đa hóa đối thoại giữa con người
với con người, thơ ca cũng chưa bao giờ đánh mất uy thế của một sứ giả văn hóa
trong sứ mệnh kéo gần khoảng cách giữa các dân tộc. Với ý nghĩa đó, câu chuyện
ngoại giao trong quá khứ dẫn ra trên đây vẫn luôn là bài học khiến chúng ta
phải suy ngẫm.
---
ĐỖ THU THỦY
(Bài đã in trong kỷ yếu hội thảo Văn
hóa đối ngoại thời kỳ hội nhập – Trường ĐHVH HN tháng 11/2011)
______________________________
Chú thích:
(1)
Đại Việt sử ký toàn thư, khảo cứu và giới thiệu bởi nhiều tác giả, Nxb
KHXH –Ns Đông A, H.2010, tr 137 – 138
(2)
Từ
ttp://www.mofa.gov.vn/vi/vd_quantam/nr090310093719/nr090331155753/ns090401170845.
(3)
Nhiều tác giả, Thơ đi sứ, Nxb KHXH, H.1993, tr8 – 9
(4)
Hoàng Ngọc Hiến, Luận bàn minh triết và minh triết Việt, Nxb Tri thức,
H.2011
(5) Dẫn theo Xuân Hòa, Ngoại giao văn hóa
[i][1] Theo Đại Việt sử ký toàn thư: Năm 987, nhà Tống sai Lý Giác sang sứ. Khi đến chùa Sách giang, vua sai pháp sư tên Thuận giả làm người coi sông ra đón.Giác rất thích nói chuyên văn thơ. Lúc ấy nhân có hai con ngỗng lội trên mặt nước, Giác vui ngâm rằng:
Nga nga
lưỡng nga nga
Ngưỡng diện
hướng thiên nha
(Ngỗng ngỗng
hai con ngỗng
Ngửa mặt
nhìn chân trời)
Pháp
sư đương cầm chèo, theo vần làm nối đưa cho Giác xem:
Bạch mao
phô lục thủy
Hồng trạo
bãi thanh ba
(Nước lục
phô lông trắng
Chèo hồng
sóng xanh bơi)
Giác càng lấy làm lạ, khi về đến sứ quán làm bài
thơ gửi tặng:
May gặp thời
bình được giúp mưu
Một mình hai lượt
sứ Giao Châu
Đông Đô mấy độ còn
lưu luyến
Nam Việt nghìn trùng vẫn ước cầu
Ngựa vượt khói mây
xuyên đá chởm
Xe qua rừng biếc
vượt dòng sâu
Ngoài trời lai có
trời soi nữa
Sóng lặng khe đầm
bóng nguyệt thâu
Thuận đem thơ
này dâng lên. Vua cho gọi sư Khuông Việt đến xem. Khuông Việt nói:
thơ này tôn bệ hạ không khác gì vua Tống. Vua khen ý thơ, tặng cho rất hậu. Khi
Giác từ biệt ra về, vua sai Khuông Việt làm bài hát để tiễn, lời rằng:
Nắng tươi gió thuận
cánh buồm giương
Thần tiên lại đế
hương
Vượt sóng xanh
muôn dặm trùng hương
Về trời xa đường
trường
Tình thắm thiết,
Chén lên đường
Vin xe sứ vấn
vương
Xin đem thâm ý vì Nam cương
Tâu vua tôi tỏ tường
Giác lạy ra về.
Năm ấy được mùa to
No comments:
Post a Comment