.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Tuesday, April 3, 2012

ĐỌC BẢN SONATE HOANG DÃ CỦA TRẦN NHUẬN MINH

Khát vọng về một tình yêu thần thánh
(Đọc Bản sonate hoang dã của Trần Nhuận Minh)

Đặng Văn Sinh
                                                           
Bản sonate hoang dã* là tập trường ca văn xuôi tản mạn về những quy luật được nhận thức dưới nhiều góc độ khác nhau. Đây là thư thơ “phản thơ” mà công năng của nó là phá vỡ cấu trúc tĩnh tại của mọi hiện tượng, phát hiện những mối tương quan phi logic trong bản chất vạn vật, xác nhận những cơ chế tiếp nhận, hình thành những khái niệm mới khác hẳn lối xây dựng hình tượng của mỹ học truyền thống. Tập thơ có phổ khá rộng, luận đủ về mọi thứ trên trời dưới biển, từ Đấng Sáng tạo toàn năng đến con sâu cái kiến, từ những hiện tượng tự nhiên như trăng sao, giông bão, sấm sét đến những biến thái vi diệu nhất trong ý thức, tiềm thức và cả tầng vô thức của con người thông qua cái tôi trữ tình.
Hình tượng quán xuyến toàn bộ tác phẩm là cái tôi trữ tình nhưng đây là cái tôi luôn biến động, lúc hữu hình, lúc vô ảnh, lúc là hiện thực khách quan, lúc chỉ là giả tưởng. Cái tôi ấy cố khi thăng hoa đạt đến “Đạo”, biến thành “vô vi”, bỏ qua mọi sự ràng buộc, đứng chênh vênh giữa giới hạn của hai bờ “sắc - không”. Song hành với cái tôi là Đấng Mê Tơi, một thứ quền lực tối cao, bí hiểm, có quyền năng sáng tạo và chi phối hành vi của vạn vật trong thế giới tự nhiên. Đấng Mê Tơi có khi hiện diện như là chúa tể muôn loài, lúc lại ẩn tàng trong phần vô thức của mỗi cá thể sinh vật. Phần vô thức này hầu như không lý giải được nhưng lại vô cùng nhạy cảm như là động lực của quá trình sáng tạo nghệ thuật. Nó biến dạng theo những quy luật đặc thù mà chỉ xuất hiện trong những khoảnh khắc nhất định. Quá trình vận hành của lối tư duy này là cùng một lúc cái tôi thâm nhập vào cả hai thế giới vĩ mô, tức vũ trụ và thế giới vi mô, tức tâm hồn con người để tìm ra sự liên hệ hữu cơ giữa những nấc thang giá trị, đồng thời trả lời cho được câu hỏi “Tôi là ai?”.
            Trật tự thế  giới tự nhiên được sắp xếp thành những dãy số huyền bí, là thứ quy luật vừa hợp lý,vừa không hợp lý vượt ra ngoài nhận thức lý tính. Ở đây, tác giả đưa ra những tiên đề và phản tiên đề. Các cặp “phạm trù” này luôn sóng đôi nhau trong suốt hành trình thơ. Đó là những cặp “phạm trù ngược”, những hình tượng siêu thẩm mỹ, gây ấn tượng nặng nề, bức bối :
             Ta vào chỗ không thành có
 Ta vào chỗ có thành không
 Này này
 Nhìn kỹ cá hóa chim
Lại nhìn kỹ hơn chim hóa cá
            Ta dễ dàng nhận ra, Bản sonate hoang dã có nhiều đoạn thơ cấu trúc bị đảo ngược thậm chí phi lý như là vũ trụ thuở hồng hoang qua cái nhìn cấu trúc luận. Hình như nhà thơ muốn kéo lùi thời gian trở lại tình trạng nguyên thủy, chẳng cần tư duy logic mà đào sâu vào tầng vô thức, tìm bản chất của thế giới tự nhiên trong cơn cuồng loạn sau “vụ nổ đầu tiên”. Ở nơi khởi nguồn ấy, dường như cái tôi nhận chân được sự sống vĩnh cửu là Im Lặng, vứt bỏ mọi khái niệm truyền thống, mọi mối liên hệ tuyến tính, các hệ quy chiếu và những quy ước giáo điều. Thế giới hình tượng ở đây là thế giới lưỡng phân, hai mảng sáng tối phân tầng và luôn được xem xét trong mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau. Từ học thuyết Âm Dương, tác giả mở rộng khái niệm luận về Quân tử- Tiểu nhân, Thánh hiền- Quỷ sứ, Nhà thơ- Kẻ trộm, Thiện – Ác…tất cả đều mặc nhiên tồn tại trong quỹ đạo của riêng mình và vận hành bởi mối quan tương hỗ. Khi lên sân thượng ngắm trăng, nhà thơ cảm nhận về ánh trăng trong một không gian thật lung linh, huyền ảo. Những dòng suy tưởng về trăng đầy vẻ hào hoa, sang trọng chứng tỏ cái đẹp có chức năng điều hòa những mối quan hệ đối nghịch. Thế nhưng, khác với ánh trăng trong Nhà thơ và hoa cỏ vốn dĩ hiền hòa, thanh khiết , ở đây tác giả đột ngột kết luận : Cái giả dối hào hoa của ánh Trăng/ đâu có bị cái thuần phác của Mặt Đất xua đuổi / và Cái Màn Đêm phản trắc đầy cạm bẫy, đâu có bị cái ánh Ngày chính trực anh minh ruồng bỏ.
            Vậy bản chất  của Bản sonate hoang dã là gì?  Ta tạm gọi đó là bản đại hòa tấu, phức hợp, nhiều bè, nhiều chất giọng của thế giới tự nhiên do Đấng Mê Tơi cầm đũa chỉ huy. Ở đó, con người chỉ là nốt móc kép nhỏ nhoi. Thế giới tự nhiên, muôn loài sống trong môi trường cộng sinh phụ thuộc và chi phối lẫn nhau, trong đó tồn tại cái Thiện và cái Ác như là chân lý vĩnh cửu.
            Ở hầu hết các đoạn thơ, cái logic và phi logic luôn sóng đôi bên nhau, chốc chốc lại vụt lên những hình tượng đầy ngẫu hứng. Trần Nhuận Minh luôn lật ngược, lộn trái các hiện tượng, sau đó cân đo định lượng và định tính bằng những nhận xét đầy trí tuệ. Hình tượng con ve sầu phủ định mùa xuân là một ví dụ. Đối với chúng, chỉ có mùa hè, còn Mùa xuân là cái Không Hề Có. Cũng như những tập đoàn độc tài theo chủ nghĩa cực đoan, luôn duy trì tình trạng một mình một chiếu tên sân khấu chính trị, ve sầu chỉ thừa nhận những gì phù hợp với tập tính của giống loài. Chúng thiếu hẳn một thứ luận lý đa nguyên mang tính phổ quát vốn là bản chất của Đấng Mê Tơi. Bàn về nghệ thuật, ta có thể gặp những đoạn tác giả suy tôn thơ là thứ báu vật của thần linh mà con người rình mò lấy trộm được. Vì là sản phẩm của Thượng Đế nên thơ cũng mang tâm hồn hoang dã. Theo ông, người không có ý làm thơ mà ngẫu nhiên thành thơ mới là thơ hay, tức là cái phần vô thức sinh ra, dù vậy, nó vẫn là thứ ánh xạ mờ nhạt của Đấng Tối Cao. Thơ hay phải tự nhiên như không, nghĩa là phải đạt đến độ không tuyệt đối, tiếp nhận dạng cấu trúc siêu ngôn ngữ được rút ra từ màu sắc, âm thanh của đất trời và vạn vật :
            Này đây, dòng máu tôi trong suốt chảy ngoằn ngoèo
 từ ghềnh đá suối Côn Sơn hoang lạnh tơi bời
            Khách khứa hai ngàn núi xanh
Này đây, quả tim tôi treo ở ngoài lồng ngực
Số phận chúng sinh làm nó tự
                                              binh bong…
            Những chất liệu truyền thống làm nên thơ hầu như bị loại khỏi cuộc chơi. Gió trăng và mây trắng trở nên vô nghĩa .Cái phi lý được xác lập hình thành nên một dải cấu trúc giả tưởng. Tính hệ thống bị phá vỡ, vì thế trật tự ngữ nghĩa cũng như nội dung thông báo đều được sắp xếp lại :
            Bây giờ tôi
            Tự treo ngược mình
                                         lên câu thơ đây
            Chân tôi giần giật suy nghĩ
            Tóc tôi chạm cỏ xanh
                                        nhàu nát như cỏ xanh
            Và tôi thấy quê hương tôi
Là ở trên trời…
Từ Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, tác giả khẳng định giá trị của thi ca. Thơ của những bậc “chân nhân” có sức tung phá như sấm sét nhưng lại hiền hòa êm dịu như ánh trăng. Đó là những câu thơ định mệnh, có thể làm quỷ khốc thần sầu. Viết về Ức Trai, nhà thơ ngậm ngùi :
Cụ đâu biết sớm mai
Cùng với mặt trời lên
                        Câu thơ phải rơi đầu…
Thế giới hoang dã của Trần Nhuận Minh có những câu thơ khoa trương, đầy tính ước lệ mang âm hưởng anh hùng ca., kỳ vĩ, hoành tráng, thậm chí rùng rợn: Răng đá, miệng cây, quạ rít lưỡi trong chiều âm u, cái lạnh như lưỡi cưa xẻ chéo tầng đá xám…Cái tôi lúc này có vẻ như quá chật chội với những khái niệm mòn cũ. Nó đòi hỏi phải tìm ra một lời giải mới về sự tồn tại và không tồn tại cho dù  cái tôi ấy đã “bò toài trên mặt đất sáu mươi năm”.
Vạn vật phát triển trong một chu trình kín và đều bình đẳng với nhau nếu nhìn dưới con mắt Đạo. Đó chính là tư tưởng triết học của thế giới tự nhiên. Hình ảnh Đức Vua bị cầm tù trên ngai vàng bởi chính quyền lực của mình và kẻ Hành Khất được tự do bởi chính sự lang thang đói khát của anh ta là một luận cứ đầy sức thuyết phục. Cũng như vậy, cái mỏ chim, con sâu và mũi tên dưới bóng cây phản ánh mọi quá trình sống đều có sự liên hệ phụ thuộc lẫn nhau. Nắm được quy luật ấy, người ta sẽ an nhiên tự tại. Ông Vua và kẻ Hành Khất không thương nhau được bởi họ ở những vị trí khác nhau. Mối liên hệ giữa con sâu, cái mỏ chim và mũi tên chính là biểu hiện cụ thể, sinh động của quy luật sinh tồn. chúng tồn tại bằng ký ức truyền kiếp. Con người không nên nhân danh quyền chúa tể chiếm hữu tự nhiên, đối đầu với tự nhiên sẽ đến một lúc nào đó thiên nhiên sẽ trả thù bằng sự hủy diệt.
            Cái tôi ở đây không ít trường hợp bị tách ra làm hai, một cái tôi sinh vật và một cái tôi nghệ sĩ. Cái tôi sinh vật có khi nhếch nhác, hoang dã, nhưng cái tôi nghệ sĩ, khi tìm vào vô thức không hiếm trường hợp lại đẻ ra những kiệt tác. Hai cái tôi ấy không phải lúc nào cũng hòa hợp mà chưa biết chừng còn xung đột với nhau trong mối tương quan có vẻ như phi lý. Cái tôi ở đây hiện diện như một khái niệm lưỡng phân trong triết thuyết hiện sinh hoặc tính đa diện của bản thể luận, hình thành bởi một thế giới ảo :
            Tôi gõ vào vách đá,núi Bài Thơ
            …
            Cánh cửa đá đã mở
            Và bên trong
            Tôi thấy một thiếu nữ dịu dàng
            …
            Tôi gõ vào ngực tôi
            Tôi ơi, mở cửa ra
            Cánh cửa tôi đã mở
            Và tôi thấy chả có gì…
            Đối với người nghệ sĩ, tìm vào thế giới tự nhiên dường như lại dễ dàng hơn là đi tìm chính mình. Đó là thứ tìm kiếm nhọc nhằn nhất mà kết quả thường là thất bại.
            Bàn về quy luật tự nhiên, tác  giả còn có những dẫn chứng khá sinh động thông qua hình ảnh con cò, con ếch, con cua, con kiến…, sau đó làm một cuộc đối thoại tưởng tượng với Đấng Mê Tơi. Đây là một cuộc đối thoại mang tính biểu tượng. Đấng Mê Tơicái tôi vô thức có lúc nhập vào nhau, chứng tỏ, trong mỗi con người đều tiềm tàng một năng lực thần thánh. Đấng Mê Tơi trả lời không theo trình tự logic học mà bằng những khái niệm mơ hồ, tiên nghiệm hoặc tiên đề Như thế là như thế hoặc Như thế không phải là như thế. Tác giả bắt chước Tạo Hóa, dùng thứ triết lý dân gian nguyên thủy để diễn đạt các quy luật tự nhiên. Xuyên suốt toàn bộ tập thơ là những phạm trù, những khái niệm, những mâu thuẫn, sự đối lập, cái sống, cái chết và cảm quan yêu ghét…bằng một thứ ngôn ngữ đa nghĩa, nhiều tầng, khác hẳn một Trần Nhuận minh thế sự trong Nhà thơ và hoa cỏ.
            Liên hệ quy luật vận hành  kỳ diệu của thiên nhiên với bản thân cái tôi nghệ sĩ, anh xem đó như là định mệnh, một thứ bí mật di truyền trong bộ nhiễm sắc thể. Hình ảnh con đom đóm vụt bay ra từ tối sẫm ao bèo để khẳng định cái tôi ấy  dẫu có gan dám lục vấn Đấng Mê Tơi nhưng xét đến cùng, quy mô cũng nhỏ thôi. Một vấn đề luôn được nhắc đi nhắc lại như nỗi ám ảnh là cái tôi tồn tại trong trời đất với tư cách gì? Giá trị tự thân của nó được xác định bằng thứ đại lượng nào? Từ ý tưởng đó, anh làm một cuộc tổng kết cuộc đời, đó là những trải nghiệm vượt lên lên trên sự sinh tử, được mất :
            Tôi quẩy trĩu đôi bầu hoang tưởng
                        bên này hình sắc
                                    và bên kia không hình sắc
            Chúng chẳng cân nhau
                        Khấp khểnh đi
                                    bước thấp bước cao
                                                vừa trọn một vòng đời.
            Bản sonate hoang dã gần như từ bỏ thi pháp truyền thống, phát triển hành động theo trình tự tư duy phi logic xác lập một dạng cấu trúc mới theo lý thuyết tiếp nhận. Rất nhiều đoạn thơ được bỏ lửng có chủ ý, có những câu bắt buộc ta phải dùng phương pháp tư duy ngược, đi bằng đầu và suy nghĩ bằng chân :
            Vòm ngực em là hũ rượu thơm
Quỷ sứ rót đầy
Chưa uống đã trông thạch sùng hóa cáo
            …
            Cặp đùi em như hai lưỡi kéo
            Khép lại dịu dàng
            Có thể cắt đứt đời nhiều hảo hán…
            Cái tôi ở Trần Nhuận Minh có lúc tưởng như mâu thuẫn trong qúa trình nhận thức bản thể nhưng anh đã có những kiến giải khá thuyết phục bằng hàng loạt hình tượng thơ: Nước sông ra biển bằng xác, bay về rừng bằng hồn trong khi dòng sông chỉ là một. Cây cầu bắc qua sông làm nó mất giới tính, đất sắp xếp lại ý nghĩ còn các vòm cây điều chỉnh lại hướng nhìn. Cây cầu, một mặt có lợi cho dân sinh, nhưng mặt khác, nó phá vỡ hệ cân bằng, làm thiên nhiên bị tổn thương, vạn vật vì vậy phải có phản ứng tự vệ. Một yếu tố không kém phần quan trọng được đặt ra trong tập thơ là những quy luật sáng tạo nghệ thuật lại phụ thuộc vào quy luật vận hành của Tạo Hóa. Trái đất nghiêng 23 độ, câu thơ cũng nghiêng 23 độ, và cô gái ngả vào lòng người yêu trong đêm cũng là 23 độ. Bằng phương pháp lưỡng phân, tách đôi bản thể, đào sâu vào tầng vô thức, tác giả nhìn thấy cái tôi nọ chứng kiến cái chết của cái tôi kia. Cái tôi thứ hai trượt ra khỏi quỹ đạo sinh tử, cảm nhận về cái chết vừa thảm thiết vừa dửng dưng. Nó tìm được quy luật vàng : Sự chết là tươi đẹp:
            Nếu tất cả mọi người
            Từ thượng cổ
            Đều sống cùng chúng ta
            Thì thế giới này       
            Khủng khiếp đến nhường nào…
            Về thao tác nghệ thuật, Bản sonate hoang dã được hình thành trên những dạng cấu trúc mở với vô số hình ảnh, sự kiện được sắp xếp theo trật tự phi logic mà điểm nhấn của nó bao giờ cũng là tình yêu. Tình yêu tồn tại dưới nhiều dạng thức, không chỉ con người mà cả cây cỏ, hoa lá, ếch nhái, côn trùng…Đó là thứ tình yêu dịu dàng thần thánh luôn hàm chứa khát vọng hoang dã về một thế giới hài hòa tồn tại dưới sự bảo trợ vĩnh hằng của Đấng Mê Tơi.

                                                                                    Chí Linh, xuân Giáp Thân

                                                                                                    ĐẶNG VĂN SINH

                                                         Tuần báo Văn nghệ số 21 ( 22 / 5 / 2004)



* Bản sonate hoang dã, NXB Văn học, 2003

No comments:

Post a Comment