.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Monday, April 9, 2012

PGS TS NGUYỄN HỮU SƠN – THIỀN UYỂN TẬP ANH TRONG BỐI CẢNH VĂN HÓA – VĂN HỌC ĐÔNG Á

Tác phẩm Thiền uyển tập anh ( 苑集英) bằng chữ Hán, được khắc in vào năm Đinh Sửu (1337), tàng trữ nhiều giá trị thi ca từ đời Lý (1224) trở về trước, đồng thời cũng bảo lưu nhiều cứ liệu khoa học về diên cách địa lí, về đặc trưng văn - sử - triết bất phân, về mối quan hệ văn hoá - văn học dân gian, về tính chất hỗn dung thể loại: ghi chép biên niên sử - truyện kí - đối thoại thiền - thi ca... Tác phẩm trở thành đối tượng nghiên cứu không thể thiếu được với tất cả các nhà Việt học khi họ muốn tìm hiểu cội nguồn lịch sử và văn hóa Việt Nam giai đoạn đầu giành quyền độc lập, tự chủ (Nguyễn Hữu Sơn)
                                                                                                                             
1. Tác phẩm Thiền uyển tập anh bằng chữ Hán, được khắc in vào năm Đinh Sửu (1337), trong đó ghi chép 68 truyện tiểu sử thiền sư và tàng trữ nhiều giá trị thi ca từ khoảng thế kỷ VI đến hết đời Lý (1224), đồng thời cũng bảo lưu nhiều cứ liệu khoa học về diên cách địa lí, về đặc trưng văn - sử - triết bất phân, về mối quan hệ văn hoá - văn học dân gian, về tính chất hỗn dung thể loại: ghi chép biên niên sử - truyện kí - đối thoại thiền - thi ca... Tác phẩm trở thành đối tượng nghiên cứu không thể thiếu được với tất cả các nhà Việt học khi họ muốn tìm hiểu cội nguồn lịch sử và văn hóa Việt Nam giai đoạn đầu giành quyền độc lập, tự chủ.
Mặc dù Thiền uyển tập anh (Anh tú vườn thiền) có giá trị và vị trí đặc biệt quan trọng, lại xuất hiện sớm từ khoảng nửa đầu thế kỷ XIV, được dịch và phổ biến rộng ngay từ đầu thế kỷ XX, song chủ yếu mới khai thác trên các phương diện lịch sử tư tưởng – văn hoá và ý nghĩa “tàng trữ giá trị thi ca”. Trước đây, tập sách không mấy khi được nhìn nhận như một đơn vị tác phẩm hoàn chỉnh, độc lập. Tác phẩm đã không có tên trong những bộ sách lớn như Từ điển văn học, hai tập (1983-1984), không được xếp vào bộ Tổng tập tiểu thuyết chữ Hán Việt Nam, bốn tập (1997). Tuy nhiên, cùng với việc công bố các bản dịch hoàn chỉnh biệt tập Thiền uyển tập anh(1) thì ý thức về thể loại và loại hình sáng tác của tác phẩm cũng ngày càng trở nên rõ nét hơn. Nhận thức về điều này, nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Na xác định: “Đây là tác phẩm chức năng tôn giáo, được viết theo những công thức nhất định, như kiểu Việt điện u linh tập của Lý Tế Xuyên, nhưng cốt truyện phức tạp hơn, tình tiết đa dạng hơn” và ông đã tuyển chọn 11 truyện xếp vào hệ thống Văn xuôi tự sự Việt Nam thời trung đại(2). Đây cũng là định hướng nghiên cứu của chúng tôi trong những năm qua(3) và gặp gỡ với quan điểm của nhiều nhà Việt Nam học quốc tế cùng có mối quan tâm tới đề tài(4)... Tiến hành khảo sát cấu trúc tác phẩm Thiền uyển tập anh với 67 thiên truyện ghi chép về 68 vị thiền sư anh tú của hai dòng Vô Ngôn Thông và Tì Ni Đa Lưu Chi càng thấy nổi rõ vai trò “chức năng tôn giáo” trên cả hai phương diện: 1) Ghi chép tiểu sử thiền sư và lịch sử truyền thừa qua các thế hệ, đồng dạng với loại sách “Cao tăng truyện”; 2) Hướng tới mục đích tuyên truyền giáo lý, hoằng dương Phật giáo, có ý nghĩa tương đồng với mục đích “truyền đăng”.
2. Trước hết cần xác định các tác phẩm thuộc về loại hình tiểu truyện thiền sư - "cao tăng truyện" - truyện tiểu sử vốn có sự khác biệt tương đối so với hệ thống tác phẩm "truyền đăng" - ngữ lục - thuyết giáo. Đương nhiên trong loại hình tiểu truyện thiền sư vẫn bao quát cả nội dung thuyết giáo song cấu trúc mỗi tiểu truyện cụ thể về cơ bản vẫn là hình thức ghi chép tiểu sử, ghi chép các sự kiện theo dòng thời gian tuyến tính, trong đó bao gồm nhiều chi tiết, sự kiện hiện thực và cả những yếu tố kỳ ảo, "lạ hoá" khác nữa. Việc đi sâu xem xét phần "truyện - tiểu sử" ở các truyện thiền sư tiêu biểu nhất cho thấy cấu trúc chung của tác phẩm là đi từ sự ra đời đến quá trình hành đạo và cuối cùng là sự diễn tả khái quát về cái chết. Đây là đặc điểm nổi trội làm nên đặc trưng của loại hình truyện tiểu sử thiền sư.
Từ việc phân tích một số môtip tiêu biểu ở các tiểu truyện thiền sư trong tác phẩm Thiền uyển tập anh cho phép nhận diện rõ hơn đặc điểm tư duy nghệ thuật - đặc biệt về môtip khi ra đời, môtip "lạ hoá" trong cuộc đời hành đạo và môtip về sự qui tịch. Bằng cái nhìn duy vật có thể lý giải được các hiện tượng trên vốn in đậm cảm quan Phật giáo, thể hiện cách giải thích và cách hình dung của đạo Phật về đời người, về con đường hành đạo, về lẽ sinh tử. Rõ ràng cách dẫn giải việc các thiền sư được sinh ra như là kết quả của quá trình làm điều thiện, tu nhân tích đức gắn với điềm lạ, giấc mơ lạ hay cách diễn tả cái chết thường được đón nhận với tinh thần chủ động, an nhiên chính là biểu hiện nhân sinh quan "sống gửi thác về" (sinh ký tử qui) hoàn toàn thuộc về quan niệm Phật giáo. Những đặc điểm này biểu hiện sâu sắc trong đời sống văn hóa, phong tục và phát huy ảnh hưởng rộng lớn ở nhiều tác phẩm văn học dân tộc.
Khảo sát từ góc độ loại hình có thể thấy rõ cấu trúc các tiểu truyện thiền sư thường tuân theo tuyến tính biên niên sử cuộc đời mỗi nhà sư. Song nếu nhìn từ góc độ văn hóa dân gian thì thấy các yếu tố, môtip này thể hiện sâu đậm hình thức tư duy dân gian và khả năng tích hợp các yếu tố folklore trong các tiểu truyện thiền sư. Với cùng một nguồn tư liệu tưởng như trùng hợp song đã được triển khai theo hai định hướng khác biệt nhau: một đằng là các yếu tố folklore được hiểu như là những thành tố, chi tiết và sự kiện đặc định của Phật giáo tham dự vào cấu trúc cốt truyện thiền sư; một phía khác là khả năng tích hợp, dung nạp các yếu tố folklore và bộc lộ một cách đậm đặc trong toàn bộ tác phẩm Thiền uyển tập anh. Đi sâu tìm hiểu có thể thấy rằng các yếu tố, môtip folklore này có khi có nguồn gốc sâu xa từ Phật giáo Ấn Độ và chuyển hoá qua Trung Quốc, có khi bắt nguồn từ tín ngưỡng bản địa, có khi lại giao thoa, tương đồng với tư duy thần thoại và hệ thống mô tip trong truyện cổ tích. Như thế, việc hướng tới khảo sát các yếu tố folklore ở bộ phận "truyện - tiểu sử" và đặt bộ phận "truyện - tiểu sử" này trong chỉnh thể loại hình tiểu truyện thiền sư cho phép thấy rõ hơn màu sắc văn hóa bản địa, mối quan hệ giữa tác phẩm với đời sống văn hóa - văn học dân gian cũng như chính hình thức tư duy nguyên hợp vốn phổ biến trong văn học giai đoạn cổ - trung đại. Thống kê trong sách chỉ thấy 7/68 truyện là không có bất kỳ một đoạn đối thoại hay bài thơ - kệ nào. Trong số 61 truyện còn lại thì 12 truyện chỉ gồm những câu, những đoạn vấn đáp văn xuôi mà không có một câu thơ - kệ xen vào. Các đoạn đối thoại này có độ dài ngắn khác nhau nhưng thường là những lời bàn luận với một nhân vật xác định (vua, sư thầy, đạo hữu, đệ tử, tăng chúng...), hướng tới một chủ đề xác định (phò vua dựng nước, lẽ sinh tử, phép tu hành, thuyết giảng về tri thức, tri kiến, Phật pháp, chân tâm, ngũ uẩn...). Về kết cấu, các truyện thiền sư này dài ngắn khác nhau, có truyện đã gần với một đoản thiên văn xuôi hoàn chỉnh – cá biệt như thiền sư Ma Ha(thế kỷ X-XI) in đậm sắc màu hư ảo đã phần nào mang dáng vẻ một truyện cổ tích hay truyền kỳ khá rõ nét. Cũng nhìn từ góc độ kết cấu tác phẩm có thể thấy những lời đối thoại này có sự ăn nhập, gắn bó chặt chẽ với tuyến sự kiện, cốt truyện. Ở tiểu truyện Thiền sư Ma Ha, cốt truyện về con người có phép bùa chú, tài năng phi phàm đã phần nào lấn át cách ghi chép tiểu sử theo thứ tự sự kiện, ngày tháng, hay nói khác đi là lời đối thoại tham dự vào phong cách truyện – văn xuôi đã lấn át phong cách ghi chép biên niên sử. Toàn bộ cốt truyện, khởi đầu từ việc Hộ pháp thiện thần phán quyết: “Dùng kiến thức ngoại học thì không thể thông nghĩa lý được đâu” khi sư đang ngồi dịch kinh lá bối khiến sau đó sư bị mù hai mắt; tiếp theo do không được lòng Lê Đại Hành nên nhà vua sai đưa đến chùa Vạn Tuế trong Đại nội đóng cửa lại, sai người canh giữ, nhưng sáng hôm sau đã thấy sư ở ngoài tăng phòng mà cửa vẫn đóng khoá như cũ; và cuối cùng là việc sư thực hiện các phép lạ như chữa bệnh cho người hủi và biến thức ăn mặn thành “thú đi vật chạy”... để thu phục chúng tăng. Song ngay ở đây lại cũng cần phân biệt giữa vai trò những lời đối thoại tham dự vào cốt truyện văn xuôi với bản thân các môtip, các chi tiết “lạ hoá”, kỳ ảo, siêu thực thể hiện như một phương thức tư duy nghệ thuật. Như thế, những lời đối thoại kể trên cũng có tính độc lập tương đối, có sự tăng tiến nhất định, có xu thế vượt qua những ghi chép tiểu sử đơn thuần và hướng tới cốt truyện văn xuôi khác biệt.
Nếu như khả năng tích hợp các yếu tố folklore là một thực tế thể hiện sâu đậm trong tác phẩm Thiền uyển tập anh thì việc tìm hiểu mối quan hệ giữa cốt truyện thiền sư trong Thiền uyển tập anh với các nguồn thư tịch cổ và kho tàng truyện cổ tích Việt Nam lại mở ra những chiều hướng nghiên cứu mới mẻ. Qua việc khảo sát con đường chuyển dịch cốt truyện và bút pháp một số tiểu truyện thiền sư tiêu biểu từ Thiền uyển tập anh tới các nguồn thư tịch cổ (chủ yếu là Việt điện u linh, Lĩnh Nam chích quái...) và sự hội nhập vào hệ thống truyện cổ tích có thể nhận ra một số đặc điểm của văn xuôi trung đại cũng như mối quan hệ giữa Thiền uyển tập anh với văn học dân gian và quá trình chuyển hoá thành một truyện cổ tích. Mới xem qua dễ nghĩ rằng những thiên truyện về sau này không mấy ăn nhập với cốt lõi vấn đề tiểu truyện thiền sư song chính việc khảo sát này cho phép soi sáng lại vấn đề văn bản gốc, mối quan hệ giữa các tác phẩm trong văn xuôi trung đại, mối quan hệ giữa văn học viết với văn học dân gian và chính những đặc điểm nghệ thuật của Thiền uyển tập anh.
3. Như một ước thúc của văn chương trung đại, đặc tính nguyên hợp "văn - sử - triết bất phân", dù mức độ đậm nhạt ở từng tác phẩm có khác nhau, song vẫn là nét phổ quát, và Thiền uyển tập anh cũng không đi ra ngoài thông lệ. Trong cách nhìn bao quát, có thể coi đây là một tập hợp, hợp tuyển, tuyển tập những phác thảo chân dung các vị thiền sư - những con người đã từng sống, tham gia truyền giáo và trực tiếp góp phần tạo nên diện mạo văn hoá Phật giáo dân tộc. Về hình thức thể loại, dễ thấy chúng gần gũi với các tác phẩm truyện ký hoặc liệt truyện, thực lục, bi ký, truyện danh nhân, thậm chí chỉ như một phác thảo lý lịch vắn tắt năm bảy dòng. Ở đây, mặc dù còn mang tính hỗn dung về mặt tư duy nghệ thuật (bao gồm cả phong cách chép sử, phong cách văn học viết và văn học dân gian, chất văn xuôi tự sự và thơ ca thuyết giáo, thơ ca trữ tình, đặc tính văn - sử và triết học...), hỗn dung về mặt thể loại (dấu ấn truyện ký và các thể từ khúc, thơ tứ tuyệt, ngũ ngôn và thất ngôn bát cú, đan xen giữa hình thức ghi chép tiểu sử với những lời thuyết giáo, truyền đăng...), song chính đó mới là những đặc trưng nghệ thuật tiêu biểu của Thiền uyển tập anh, khiến tác phẩm có một địa vị đặc biệt trong lịch sử văn học Việt Nam. Mặt khác, Thiền uyển tập anh là tác phẩm thuộc loại hình tiểu truyện thiền sư vốn rất phổ biến ở các nước chịu ảnh hưởng của cái nôi văn hoá Phật giáo Ấn Độ, đặc biệt ở Trung Quốc, Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc. Bên cạnh những vấn đề về tác giả, văn bản, niên đại, nội dung, nghệ thuật và vị trí tác phẩm Thiền uyển tập anh trong lịch sử văn học dân tộc thì việc khảo sát nguồn gốc tính tương đồng, sự ảnh hưởng và giao lưu văn hóa... cũng đang là chiều hướng mở cho những công trình nghiên cứu so sánh ở tầm khu vực Đông Á và quốc tế tiếp theo.
3.1. Đồng thời với việc phân tích và lý giải đặc điểm các nhân vật thiền sư được chép trong Thiền uyển tập anh, chúng tôi sẽ giới thiệu một hiện tượng đồng loại hình đã diễn ra trong lịch sử ghi chép các tiểu truyện thiền sư Trung Hoa, với các bộ sách tiêu biểu như Cao tăng truyện của Tuệ Hạo (đời Lương), Tục cao tăng truyện của Đạo Tuyên (đời Đường), Tống cao tăng truyện của Tán Ninh (đời Tống), v.v... Trong công trình nghiên cứu và dịch thuật Cao tăng truyện (Tuệ Hạo, đời Lương) do L.N. Mensikôp chủ biên (tiếng Nga) đã phân chia hệ thống truyện thiền sư theo 4 kiểu nhân vật: thiền sư truyền giáo, thiền sư có pháp thuật, thiền sư nhập thế và thiền sư ẩn dật(5). Công trình phiên dịch Thiền sư Trung Hoa, ba tập(6), giới thiệu 187 tiểu truyện, trong đó có nhiều truyện nói tới sự ra đời và tuổi ấu thơ của các nhà sư. Đơn cử các truyện như Thiền sư Hy Thiên (695-785): "Lúc thọ thai sư, mẹ thích ăn chay, không ưa đồ mặn. Khi còn hài nhi, sư tự hành động lấy, không phiền mẹ săn sóc"; Thiền sư Nghĩa Hoài (thế kỷ XI): "Mẹ nằm mộng thấy ngôi sao rơi trong nhà liền có thai sư. Khi sư sanh ra có nhiều điềm kỳ lạ. Thuở bé theo cha đánh cá, sư ngồi sau lái thuyền, cha được con cá nào trao cho sư xỏ mang cột lại. Sư không nỡ làm thế, lén cha thả hết, cha nổi giận đánh sư, sư vẫn an nhiên chịu đòn"; Thiền sư Phật Ấn (? -1098): "Khi sư sinh ra, hào quang toả sáng; tóc, móng tay đều đầy đủ, dung mạo đẹp đẽ khác thường. Lúc còn bé, sư nói ra câu nào cũng phù hợp kinh sử, mọi người đều gọi là thần đồng"… Như vậy, có thể thấy các môtip liên quan đến sự ra đời của các thiền sư Trung Hoa cũng giống hệt như đặc trưng "lạ hoá" về sự ra đời của các thiền sư Việt Nam được ghi chép trong Thiền uyển tập anh. Điều này có nghĩa là chúng đồng loại hình, tương đồng với nhau: khi các tiểu truyện có nói đến sự ra đời của các thiền sư thì sự ra đời đó bao giờ cũng có liên hệ tới môi trường Phật giáo, gắn với các hiện tượng lạ, những điềm lạ, giấc mơ lạ - nghĩa là gắn với phương thức tư duy "duyên khởi", tạo sinh kiểu Phật giáo.
Tính chất qui phạm truyền thống diễn tả cái chết của các thiền sư Trung Hoa cũng hết sức phổ biến. Xét trong tổng số 187 tiểu truyện trong Thiền sư Trung Hoa (ba tập) thấy có tới 152 truyện nhắc đến môtip "qui tịch" và cái chết (chiếm khoảng 80%).
Giới hạn việc xem xét cuộc đời các thiền sư ở thời đoạn từ SINH đến TỬ có thể thấy các tiểu truyện thiền sư Trung Hoa cũng thường mô tả cốt truyện tiểu sử theo phương pháp ghi chép biên niên sử, tuân theo diễn biến các sự kiện và theo tuyến tính thời gian, thuận chiều theo trật tự thời gian, năm tháng. Trong mỗi cuộc đời đi từ "sinh" đến "tử " đó lại chất chứa biết bao biến cố, sự kiện, tạo nên tính qui phạm cấu trúc loại hình tiểu truyện các thiền sư:
... KHI SINH (thiện nghiệp, giấc mơ lạ, điềm lạ, điềm lành...) - CUỘC ĐỜI (các môtip "lạ hoá", xu hướng "nhập thế" và "xuất thế", hình ảnh nhà tu hành, thuyết giáo...) - QUI TỊCH (qui hoá thuận lẽ tự nhiên, cái chết "trở về", "tái sinh", gắn với "thiên nhiên Phật"...)...
Điều đáng chú ý ở đây là bên cạnh việc khảo sát cuộc đời hành đạo của các thiền sư Trung Hoa, chúng tôi đặc biệt quan tâm tới hiện tượng ra đờimôtip "qui tịch", coi đó là những đặc điểm quan trọng phù hợp với tâm thức Phật giáo và chiều sâu tư duy nghệ thuật của tác phẩm. Tất cả những đặc điểm đó qui định cấu trúc các tiểu truyện thiền sư, tạo nên các mối liên hệ, tính đồng dạng, tương đồng và "sự phân định loại hình thể loại" sâu sắc. Đương nhiên sự mô hình hoá nói trên chỉ là thao tác lược qui các phương thức mô tả và biểu hiện tâm thức Phật giáo để làm rõ cấu trúc và tính loại hình các tiểu truyện thiền sư trong tác phẩm Thiền uyển tập anh cũng như truyện thiền sư Trung Hoa.
3.2. Với Nhật Bản, đặt trong tương quan kiểu truyện thiền sư và văn hóa – văn học Phật giáo Đông Á, chúng tôi chọn tác phẩm Nhật Bản linh dị ký (tên đầy đủ là Nhật Bản quốc hiện báo thiện ác linh dị ký) để khảo sát và so sánh(7). Tác phẩm được Keikai (thế kỷ VIII-XIX) viết trong thời gian suốt 35 năm (787-822), được chia thành ba quyển, tổng cộng 116 truyện.
Trong phần giới thiệu Nhật Bản linh dị ký – Tác giả và tác phẩm, nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Oanh xác định: “Nhật Bản linh dị ký… là tập truyện cổ Phật giáo đầu tiên viết bằng chữ Hán của Nhật. Đây là tác phẩm nổi tiếng trong kho tàng văn học cổ điển Nhật Bản, phản ánh nhiều mặt của nền văn hóa Nhật Bản thời trung đại”(8), đồng thời đi sâu phân tích sáu vấn đề cơ bản: Câu chuyện thời thượng cổ và nhóm truyện chàng trai, cô gái khỏe (tr.27-32), Linh dị ký và những yếu tố dân gian (tr.32-35), Linh dị ký và các bài ca dao, đồng dao (tr.35-37), Linh dị ký và truyện chí quái, truyền kỳ Trung Quốc (tr.37-40), Sự hiện báo trong Linh dị ký và truyện kể Phật giáo Trung Quốc (tr.40-45), Linh dị ký và truyện thần kỳ, truyền kỳ Việt Nam (tr.45-52)… Qua sự phân chia này, Nguyễn Thị Oanh đã cho thấy tính phức hợp của Nhật Bản linh dị ký và xác định rõ đặc điểm, giới hạn, phạm vi so sánh cụ thể với tác phẩm Thiền uyển tập anh của Việt Nam: “Đi sâu vào Linh dị ký còn thấy nhiều nét tương đồng với truyện ký cổ Việt Nam do cùng chịu ảnh hưởng của tư tưởng Phật giáo. Ví dụ quan niệm về cây thiêng: Cây cổ thụ có đám mây lành che bóng (Thiền uyển tập anh) với trên cây có hình đức Quan Âm Bồ tát (Linh dị ký, truyện 8, quyển Hạ); Tục thờ cây thiêng: Lấy gỗ tạc tượng Phật (Thiền uyển tập anh) với Linh dị ký, truyện 5, quyển Thượng. Tục cầu đảo: Xin thần phù hộ đánh giặc (Thiền uyển tập anh) với Xin thần phù hộ cho bình yên trở về (Linh dị ký, truyện 17, quyển Thượng). Mô tip thai sinh, thác sinh cũng là minh chứng cho quan niệm luân hồi của đạo Phật, sự thác thai của Từ Đạo Hạnh làm con Sùng Hầu và trở thành vua Lý Thần Tông (Thiền uyển tập anh)… cũng tương đồng với sự thác thai chuyển hóa từ thiền sư Zenju làm con trai nhà vua và sau trở thành Thiên hoàng Saga (Linh dị ký)”(9)… Chính những nội dung trên đây cũng cho thấy cả sự tương đồng và khác biệt giữa kiểu truyện thiền sư và truyện cổ Phật giáo ở Nhật Bản Linh dị ký so với các truyện cùng hệ hình ở Trung Quốc, Việt Nam, Hàn Quốc. Điểm rõ nét trước hết là tính chất “truyện cổ” có phần lấn át tính loại hình “truyện tiểu sử - tiểu truyện thiền sư” (hay nói khác đi là đặc tính ghi chép tiểu sử thiền sư trở nên nhạt nhòa hơn so với màu sắc truyện cổ). Thứ hai, sắc thái Phật giáo cũng được mở rộng hơn, dung nạp vào đó nhiều thiên truyện gần với cổ tích, ngụ ngôn, thế sự, đời thường (mà biểu hiện cụ thể là có nhiều truyện hoàn toàn chỉ là “truyện cổ”, không có điểm nào liên quan đến Phật giáo – Chuyện bắt thần Sấm, Chuyện lấy vợ hổ sinh con, Chuyện người con gái khỏe tranh tài…). Thứ ba, trong số các truyện liên quan đến cảm quan Phật giáo “quả báo”, “nhân duyên”, “linh ứng”, “linh nghiệm”… lại xuất hiện khá nhiều nhân vật không phải thiền sư, không thuộc giới tăng lữ, chỉ là người thường như anh bán dưa cố tình hành hạ ngựa nên bị quả báo, người đàn bà tàn ác không cho mẹ đẻ ăn bị tội chết…). Thứ tư, cấu trúc các truyện kết hợp giữa việc coi trọng lối miêu tả ba chặng đường đời (Sinh – Hành đạo – Tử) với hình thức xây dựng những thiên truyện ngắn gọn, có chủ đề rõ ràng, cốt truyện hoàn chỉnh. Thứ năm, các truyện chủ yếu được thể hiện bằng hình thức văn xuôi, trong đó có cả hiện tượng “tàng trữ các giá trị thi ca”, cho thấy rõ đặc điểm sự đan xen, giao thoa, pha tạp, hỗn dung thể loại…
Từ sự khái quát các đặc điểm trên có thể đi đến nhận định rằng các truyện liên quan đến Phật giáo trong Nhật Bản Linh dị ký thường giản lược yếu tố cốt truyện tiểu sử và gia tăng sắc thái thế sự, đời thường. Chủ đề “quả báo” trở thành nỗi ám ảnh xuyên suốt các thiên truyện, chi phối tất cả các nhân vật, bất kể họ là thiền sư hay chúng dân. Điều này tạo nên tính chất “nhạt nhòa” của kiểu truyện tiểu sử thiền sư nhưng lại tô đậm chủ đề “quả báo”, tạo nên một thế giới nghệ thuật của những mối nhân duyên và các giá trị nhân văn, tác động mạnh mẽ tới đời sống tâm linh, khiến con người sống giữa cõi đời hôm nay còn cần biết đến ngày mai, sống vì mình và còn cần biết đến mọi người. Xin dẫn ba truyện minh chứng cho điều này.
Thứ nhất, Chuyện kính tin tam bảo được báo đền. Ông Yasunoko sinh ra vốn là người ngay thẳng, lại sùng kính, qui y đạo Phật. Sau ông từng đi đến vùng biển và tham gia lấy cây quế hương tạc tượng Phật. Đến khi có kẻ bài xích Phật giáo, đốt chùa và truy tìm tượng Phật, ông kiên quyết cự tuyệt, không chịu đưa ra bất cứ pho tượng nào. Trải qua gian khổ, đất nước trở lại thanh bình, ông được phong Đại hòa thượng, sống thọ hơn chín mươi tuổi…
Thứ hai, Chuyện trong lúc phát nguyện xây tháp, sinh con gái trong tay nắm xá lị của Phật. Ông Otokami phát nguyện xây tháp Phật nhưng qua thời gian dài vẫn không đả động đến và việc này mãi dằn vặt ông. Khi ông 70 tuổi, vợ 62 tuổi mới sinh con gái. Chỉ có điều tay trái cô bé lúc nào cũng nắm chặt. Mãi đến khi lên bảy tuổi cô mới xòe bàn tay trái nắm chặt cho mẹ xem hai hạt xương Phật. Ông bà vừa mừng vừa lấy làm lạ đem chuyện khoe với bà con làng xóm. Mọi người ai cũng thấy mừng. Các quan trên huyện trên tỉnh cũng phấn khởi đứng ra cùng mọi người xây tòa tháp Phật bảy tầng, an trí cốt Phật, làm lễ cúng giàng. Sau khi xây dựng tháp xong, cô bé bỗng nhiên qua đời. Truyện đi đến lời kết: “Mới hay người cầu nguyện không thể không đắc nguyện. Người phát nguyện không thể không thực hiện ý nguyện là nói về chuyện này vậy”…
Thứ ba, Chuyện vị sư tăng tích đức, tạo tượng Phật lúc lâm chung, xuất hiện điều kỳ lạ. Vị sư già Kanki là người đắc nghiệp, am hiểu sâu sắc kinh điển, đồng thời vẫn làm ruộng, nuôi vợ con (như Việt Nam thường gọi là cư sĩ). Ông từng hoàn thành tạc pho tượng Thích Ca, Văn Thù và Phổ Hiền. Sau ông lại phát nguyện tạc tượng Quan Âm mười một mặt. Chỉ tiếc rằng ông mới xong nửa phần công việc thì già yếu nên không thể hoàn thành và qua đời khi hơn 80 tuổi. Một điều kỳ lạ xảy ra, hai ngày sau ông sống lại, gọi đệ tử đến và nhờ cậy Tarimaro – một người nổi tiếng trong các bậc đàn việt:
- Kanki tôi số trời ban cho ít, mệnh cũng đã tận, chưa tạo xong tượng Phật Quan Âm bỗng nhiên phải từ giã cõi đời này. Nay gặp vận may muốn thỏa ý nguyện xin được ban ơn hoàn thành pho tượng. Nếu như tôn chủ có thể đáp ứng được nguyện vọng đó thì có lẽ tôi sẽ được hưởng phúc nơi âm cung, việc hiện báo ở đời xin tôn chủ nhận lấy. Xin đừng từ chối lòng thành đó. Tôi trở về đời này lại còn đưa lời đề nghị vô lễ đó. Tôi thấy sợ hãi mà có lời thưa như vậy.
Tiếp hai ngày sau ông qua đời. Sự kiện “qui tịch” của ông cũng mang màu sắc ly kỳ và tương đồng với lối miêu tả về cái chết của các thiền sư trong Thiền uyển tập anh:
“Sư Kanki bảo đệ tử chuẩn bị nước nóng để ông tắm. Tắm xong, ông thay áo cà sa, quỳ xuống chắp tay khấn, rồi kính cẩn bê bát hương, thắp hương rồi ngồi quay mặt về phía tây. Đúng giờ Thân ngày hôm đó ông mất. Bậc thầy tạc tượng Tarimaro theo di chúc tạo tượng Phật Quan Âm mười một mặt làm lễ cúng giàng tâu trình. Hiện nay pho tượng vẫn được an trí ở chùa Noo.
Lời tán rằng:
                   Than ôi mừng thay,
                   Bậc Mimana no Kanuki đại đức.
                   Trong lòng Phật ngự,
                   Vẻ ngoài bình dân.
                   Dù vướng bụi trần,
                   Vẫn theo giới luật.
                   Trước lúc lâm chung,
                   Tây phương hướng mặt.
                   Nghĩ việc đã qua,
                   Gắng sức hoàn thành.
                   Linh thiêng hiển hiện (10) .
Mới hay đó là bậc Thánh, không phải người thường”…
Sách Từ điển Phật học Hán Việt xác định: “Quả báo. Vipaka (Thuật ngữ). Dịch nghĩa theo cách dịch mới là Di thục, xưa dịch là Quả báo; chỉ cảnh giới ngày nay của ta là kết quả của nghiệp nhân (không thiện, không ác) của kiếp trước, cho nên gọi là Quả. Lại là sự báo trả tương ứng với nghiệp nhân ấy, cho nên gọi là Báo. Nhưng dù nói Quả, nói Báo thì thể của nó vẫn là một. Nói tổng quát: hết thảy chúng sinh từ khi sinh ra đến khi chết, những sự lành, dữmà mình cảm thụ đều gọi là Quả báo”(11)… Rõ ràng cả ba thiên truyện trên đều đề cao chữ “tín” (tín tâm, tín sự) và đặc biệt đều nhấn mạnh khả năng hiện hữu của năng lượng “quả báo”. Mọi tâm thế, ý nguyện, việc làm hôm nay sẽ dẫn đến kết quả trong ngày mai; và ngược lại, kết quả trong ngày mai đều do sự chuẩn bị, tạo tác, tác nghiệp từ ngày hôm nay. Các kết quả tốt hay xấu đều phụ thuộc vào lực nghiệp được tạo tác từ quá khứ, chuẩn bị cho tương lai. Có thể khẳng định hầu hết các truyện liên quan đến Phật giáo ở các nước Đông Á đều coi trọng chữ “tâm”, tinh thần trung thực, hướng thiện, sống thủy chung, có trước có sau. Điều này tạo nên sắc thái riêng cho các truyện kể về nhân vật thiền sư trong Nhật Bản linh dị ký và kho tàng truyện cổ Phật giáo Đông Á nói chung…
Trên phương diện tư duy nghệ thuật, tất cả các nhân vật sống trong thế giới hữu hình hôm nay nhưng luôn luôn liên tưởng và đặt mình vào một kiếp đời vô hình ngày mai; luôn ám ảnh và thấu rõ rằng kiếp nghiệp ngày mai chính là do kết quả việc làm từ hôm nay tạo tác. Có thể thấy mối liên hệ duyên nghiệp “quả báo” này thực sự có ý nghĩa cảnh tỉnh, cảnh báo, răn dạy đạo lý và làm nên phẩm chất nhân văn trong Nhật Bản linh dị ký. Xa gần có thể xác định kiểu tư duy “lướt” này là đặc tính của tinh thần Nhật Bản, góp phần tô đậm bản tính đời sống Đông phương, tạo nên khác biệt với cái nhìn luận lý trong những hoạt động thực dụng kiểu Tây phương mà D.T. Suzuki đã khái quát và mở rộng so sánh Đông - Tây: "Ở Tây phương, "có " là "có" và "không" là "không"; "có" không bao giờ có thể là "không" và ngược lại. Đông phương cho "có" lướt qua "không" và "không" lướt qua "có"; không có sự phân chia cứng nhắc và chặt chẽ giữa "có" và "không". Vấn đề là như vậy chính trong bản tính của đời sống. Chỉ trong luận lý sự phân chia ấy mới thâm căn cố đế. Luận lý là do con người tạo ra để giúp đỡ trong những hoạt động thực dụng"(12)… Về hình thức nghệ thuật, chắc chắn có thể tìm thấy trong Nhật Bản linh dị ký nhiều yếu tố folklore, mô tip sinh nở kỳ lạ, cuộc đời hành đạo kỳ lạ và cái chết kỳ lạ, phù hợp với tâm thức “Sinh ký tử qui”, “Tu nhân tích đức”, “Ở hiền gặp lành”, “Ác giả ác báo” vốn phổ biến trong tác phẩm Thiền uyển tập anh của Việt Nam. Nhìn rộng ra, việc cấu trúc các thiên truyện thường được thể hiện theo thời gian tuyến tính, luôn chú trọng khế ước tiểu sử của nhân vật (có họ tên, tuổi tác, gia đình, quê hương rõ ràng) và đôi khi cũng đan xen, tàng trữ những bài tán, bài ca, thơ ca tương đồng với kiểu truyện thiền sư trong Thiền uyển tập anh của Việt Nam và khung cốt hệ hình truyện thiền sư Đông Á.
Không chỉ có những mối tương đồng nhất định với Thiền uyển tập anh của Việt Nam, Nhật Bản linh dị ký còn mở rộng phạm vi bởi những tương đồng trong truyền thống văn hóa – văn học thời trung đại giữa hai nước. Giáo sư sử học Sakurai Yumio đã xác định: “Tác phẩm này nếu được xuất bản sẽ có ý nghĩa vô cùng to lớn với tư cách là một tác phẩm nghiên cứu Nhật Bản có tính cơ bản đầu tiên ở Việt Nam… Hơn thế nữa, tác phẩm này không chỉ có ý nghĩa đối với việc nghiên cứu Nhật Bản, nó còn có ý nghĩa vô cùng to lớn trong việc nghiên cứu lịch sử văn học so sánh ở Đông Á. Không biết có bao nhiêu truyện trong tác phẩm này có nội dung giống với truyện kể ở Việt Nam, chúng ta có thể hiểu được điều đó vì văn học cổ điển Nhật Bản và văn học cổ điển Việt Nam đều có chung một nguồn gốc là Trung Quốc, nhưng được mỗi nước phát triển phù hợp với điều kiện lịch sử và đất đai của nước mình”(13)
3.3. Qua những khảo sát bước đầu, chúng tôi nhận thấy con đường tiếp nhận, hưng thịnh, suy vong của tư tưởng Phật giáo và dần nhường địa vị cho Nho giáo giữa Hàn Quốc và Việt Nam có rất nhiều điểm tương đồng. Đặc biệt, thời điểm chung kết ảnh hưởng của đạo Phật với tư cách là Quốc giáo ở Hàn Quốc diễn ra ngay sau khi tướng Yi Song-gye lên ngôi vua vào năm 1392 thì đạo Phật Việt Nam cũng mất dần vai trò đúng khi vương triều Trần suy vi vào những năm cuối cùng của thế kỷ XIV. Tiếp sau đó, vai trò Khổng giáo được khẳng định và trở thành hệ tư tưởng chính thống ở cả hai nước.
Trên thực tế, truyền thống ghi chép truyện đời các vị thiền sư đã xuất hiện ngay vào giai đoạn đầu của nền văn học cổ Hàn Quốc. Về mặt số lượng, những ghi chép cuộc đời các vị thiền sư được tập hợp trong nhiều bộ sách như Những sự kiện thời Tam quốc,Những ghi chép tiểusử thời xưa, Truyện cuộc đời các đại thần và các thiền sư, Tiểu truyện cuộc đời thiền sư Kiônhô, Cuộc đời Chơkhve Chơkhvon, Truyện thầy Yxan truyền đạo,v.v…
Trong công trình Lịch sử văn học Triều Tiên từ khởi nguyên đến thế kỷ XIV, hai nhà nghiên cứu người Nga M.I. Nikitina và A.Ph. Trôxêvits đã phân chia các tiểu truyện thiền sư theo 3 kiểu loại truyện: truyện có môtip thần kỳ, truyện ghi chép và loại truyện mang tính sử thi(14). Khi khảo sát tiểu truyện Thầy Yxan truyền đạo và loại truyện thiền sư Triều Tiên trước thế kỷ XIV, hai nhà nghiên cứu đã đi đến kết luận: "Truyện thiền sư Yxan, cũng như các tiểu truyện thiền sư khác, không có cốt truyện. Nguyên tắc trình bày cốt truyện theo trật tự thời gian mà tác giả nêu lên ở đầu truyện đã không duy trì được đến cuối, vì vậy cuốn truyện này mới chỉ là một chuỗi các chi tiết riêng rẽ được nối với nhau bằng một nhân vật duy nhất... Cuốn truyện khép lại một cách trang trọng, trọng thể đúng như mọi truyện thiền sư khác: tác giả cho biết ông thầy có nhiều đệ tử, mỗi đệ tử đó đều là "người kế tục được thầy" và "có ghi chép tiểu truyện riêng". Kết thúc truyện thường là một số việc kỳ lạ do các học trò của nhà sư thực hiện, cũng như phép lạ mà chính ông thầy thể hiện trước sự chứng kiến của các đệ tử. Do đó, nguyên tắc kết cấu được tuân thủ ở loại truyện thiền sư rút cuộc chính là việc xây dựng các tình huống, chi tiết trọn vẹn, hoàn chỉnh”(15)...
Trong Truyện thiền sư Yxan, nhân vật thiền sư Yxan vừa là nhà tu hành vừa có sự gắn bó chặt chẽ với vương triều Shilla. Truyện kể về cuộc đời thiền sư Yxan là thí dụ cho thấy ý định của người viết sách nhằm kể lại công tích của nhà sư từ những nguồn tư liệu còn ít người biết đến và không được đưa vào các bộ sử ký chính thống do bá tước Chơkhve Chơkhivôn biên soạn. Vì thế người viết hướng đến chỗ viết một cuốn truyện đầy đủ về nhà sư, chứ không theo kiểu thu thập, ghi chép các tư liệu truyền miệng của văn học dân gian. Trên cơ sở đó, tác giả quan tâm chủ yếu đến những hoạt động chính thức của nhà sư Yxan với tư cách một bậc thầy truyền bá Phật giáo, đúng theo ý nghĩa của tên sách là “Thầy Yxantruyền đạo”. Nhưng tác giả không chỉ chú ý đến những hoạt động hoằng dương Phật giáo của sư Yxan mà còn mở rộng đến cả công lao của ông với vương triều và đất nước. Vào chính khi thiền sư Yxan theo học ở Trung Quốc thì quan hệ Trung Quốc – Shilla đang căng thẳng và các sứ thần Shilla bị giam giữ đã phái Yxan về nước với một sứ mệnh bí mật. Về sau này ông còn có công xây dựng chùa Pusôc “theo đúng ý định của triều đình”. Như vậy, những ghi chép ở truyện về thiền sư Yxan đã dựng nên hình ảnh một nhà sư yêu nước và gắn bó với vương triều. Nhưng công lao của thiền sư Yxan đối với Phật giáo không chỉ dừng lại ở đó mà chính bản thân ông đã là một tác giả của những bản văn ghi chép tiểu sử nổi tiếng và rồi lại được ngay người ghi chép tiểu sử ông đánh giá “chưa hề có ai khác viết được như thế”; đồng thời ông còn có quan hệ khá chặt chẽ với Phật giáo Trung Quốc qua việc ông từng là học trò, từng cùng bạn hữu là Phasizan thụ giáo với sư tổ Huan Tri - An. Tác giả Irion cũng đã đưa vào truyện nguyên vẹn bức thư do Phasizan gửi cho Yxan và cho biết thêm nhà sư Yxan đã cho chuyển số kinh sách do Phasizan gửi về tới hàng chục chùa cùng nghiên cứu, học tập.
          Xét trên phương diện tư duy nghệ thuật, trong Truyện thiền sư Yxan có nhiều chi tiết ảo hóa theo xu hướng tăng cường tính linh thiêng, thần bí khác thường ở nhà sư. Đó là đoạn mô tả cảnh tượng nhà sư Hàn Quốc này xuất hiện tại ngôi chùa bên Trung Quốc do thầy Huan Tri - An trụ trì. Vào trước ngày Yxan đến, thiền sư Huan Tri - An đã có một giấc mơ báo trước: “Đêm hôm trước, thiền sư Tri - An chợt mơ thấy có một cây cổ thụ mọc lên từ mạn biển đông. Cành lá của cây tỏa bóng che rợp cả đất Trung Quốc. Trên ngọn cây có một tổ chim phượng. Thầy Tri - An trèo lên cây, nhìn vào tổ chim thì thấy ở đấy có viên ngọc Mani. Viên ngọc tỏa ánh hào quang rất xa. Nhà sư Tri - An thức dậy và rất lấy làm ngạc nhiên. Ông bèn vẩy một ít nước, quét dọn nơi ở và bắt đầu ngồi đợi. Vừa khi ấy thì thiền sư Yxan đến”... Điều này cũng có nghĩa là tài năng và đức độ của Yxan đã có “cảm ứng”, có “nhân duyên” với thầy Huan Tri - An ngay từ trước khi hai người gặp nhau. Tiếp đó là đoạn kể về việc thầy Tri - An đón tiếp vị khách rất trọng thị và đặc biệt thán phục sự hiểu biết sâu rộng của người đệ tử Yxan. Vậy là giấc mơ lạ trên kia có mối liên hệ chặt chẽ và dự cảm chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ tốt lành giữa hai thầy trò, hay nói khác đi thì giấc mơ là sự “gieo hạt” trong tâm thức và sự gặp gỡ là hoa trái trong hiện thực. Đương nhiên, trong cách nhìn của người hiện đại, dẫu không có giấc mơ dự báo kia hẳn vẫn có sự gặp gỡ này!
          Xét trên phương diện kết cấu tác phẩm, cũng như ở nhiều tiểu truyện thiền sư khác, Truyện thiền sư Yxan hầu như không hình thành một cốt truyện rõ ràng. Nguyên tắc cao nhất ở đây là trình bày tư liệu theo trật tự thời gian, song bản thân các tư liệu đó thường là một chuỗi các chi tiết được liên kết, nối ghép với nhau tuân theo các sự kiện xảy ra trong cuộc đời vị thiền sự. Mặt khác, có thể thấy rằng các chi tiết đó thường mang tính nghi lễ qui phạm hướng về Phật giáo chứ chưa phải lối sáng tạo của tiểu thuyết sau này. Cuốn truyện khép lại một cách trang trọng đúng như ở mọi truyện thiền sư khác: tác giả cho biết ông thầy có nhiều đệ tử, mỗi đệ tử đó đều là “người kế tục được thầy” và đều “có ghi chép tiểu truyện riêng”… Do nguyên tắc kết cấu được tuân thủ ở loại truyện thiền sư rút cuộc chính là việc xây dựng các tình huống, chi tiết trọn vẹn và nối kết lại theo thứ tự tuyến tính thời gian cuộc đời của mỗi nhân vật thiền sư đó.
Đến đây xin dẫn giải thêm về tác phẩm Hải Đông cao tăng truyện. Theo nhà nghiên cứu Hàn Quốc Jung Min: “… năm 1215, Giác Huấn cũng đã hoàn thành cuốn Hải Đông cao tăng truyện (…). Hải Đông cao tăng truyện không những không có đầy đủ toàn bộ mà các câu chuyện chỉ giới hạn trong phạm vi liên quan đến Phật giáo và sư sãi”(16). Sách chia thành hai quyển, viết về các thiền sư tiêu biểu như Thuận Đạo, Vong Danh, Nghĩa Uyên, Đàm Thủy, A Đạo, Huyền Chương, Pháp Không, Pháp Vân, v.v…
          Xét về truyền thống ghi chép truyện đời các vị thiền sư ở Hàn Quốc có thể thấy cũng giống như ở Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản và Việt Nam. Điều này cho thấy sự tương đồng, thống nhất về loại hình truyện tiểu sử thiền sư in đậm dấu ấn văn học trung đại Đông Á vốn cùng chịu ảnh hưởng tư tưởng Phật giáo. Chắc chắn loại hình tác phẩm ghi chép truyện đời các vị thiền sư kiểu này khởi nguồn chính từ nguyên mẫu những ghi chép về tiểu sử đức Phật Thích-ca Mâu-ni (Sakyamuni, 563-487 trước CN) kể từ khi sinh, những năm tháng tu hành cho đến khi viên tịch.
          4. Kết luận
Đến nay, tác phẩm Thiền uyển tập anh của Việt Nam đã được dịch, giới thiệu, phổ biến khá rộng và được nhiều nhà Việt học ở các nước Pháp, Nga, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… cùng quan tâm nghiên cứu. Từ nhiều điểm nhìn khác nhau, các nhà nghiên cứu đã thống nhất xác định Thiền uyển tập anh thuộc loại hình truyện tiểu sử thiền sư, tương đồng như kiểu liệt truyện nhà nho hay truyện tiểu sử các thánh (thánh tích) ở phương Tây. Đặt trong tương quan chung có thể xác định được những tiêu chí, đặc điểm cơ bản của loại hình truyện thiền sư Đông Á cả về nội dung, cấu trúc cốt truyện và hình thức nghệ thuật. Khi lấy Thiền uyển tập anh của Việt Nam làm hệ qui chiếu cho những tác phẩm đồng loại hình trong bối cảnh văn hóa - văn học Phật giáo Đông Á sẽ thấy rõ hơn mối quan hệ giao lưu, tiếp nhận, ảnh hưởng trực tiếp cũng như tính tương đồng giữa các tác phẩm. Thực tế này cho thấy tính đặc sắc, phong phú, đa dạng của mỗi nền văn hóa bản địa - dân tộc trong quá trình tiếp xúc và phát triển văn hóa - văn học Phật giáo. Việc nghiên cứu so sánh, xác định những điểm tương đồng, khác biệt và vị trí Thiền uyển tập anh với các tác phẩm khác cùng loại hình sẽ góp phần soi tỏ hơn đặc điểm các kiểu loại truyện thiền sư mỗi dân tộc cụ thể cũng như tính cộng đồng của các mối quan hệ văn hóa – văn học Phật giáo trong khu vực Đông Á và phương Đông nói chung.

Nguyễn Hữu Sơn 
 Nguồn: VVH

Chú thích:
(1) Thiền uyển tập anh (Nghiên cứu và dịch của Lê Mạnh Thát). Tu thư Phật học Vạn Hạnh, Sài Gòn, 1976; 320 trang. In sách Nghiên cứu Thiền uyển tập anh. Nxb. Tp. Hồ Chí Minh, 2000; 846 trang.
            - Thiền uyển tập anh (Ngô Đức Thọ – Nguyễn Thuý Nga dịch, giới thiệu). Phân viện Nghiên cứu Phật học và Nxb. Văn học, H., 1990; 254 trang.
(2) Nguyễn Đăng Na: Văn xuôi tự sự Việt Nam thời trung đại – Truyện ngắn, Tập I. Nxb. Giáo dục, H, 1997; tr.59.
(3)   Xin xem Nguyễn Hữu Sơn:
            - Tìm hiểu những đặc điểm nghệ thuật của Thiền uyển tập anh. Tạp chí Văn học, số 4-1992; tr.57-59.
            - Mấy ý kiến về sách Thiền uyển tập anh. Nghiên cứu Phật học, số 4-1995; tr.48-50.
            - Đặc điểm mối quan hệ giữa phần “truyện – tiểu sử” và việc “tàng trữ giá trị thi ca” trong Thiền uyển tập anh. Tác phẩm mới, số 8-1996; tr.68-74.
- Thiền uyển tập anh – tác phẩm mở đầu loại hình văn xuôi tự sự Việt Nam thời trung đại. Tạp chí Văn học , số 8-2001, tr.59-63. In trong Tự sự học – một số vấn đề lý luận và lịch sử. NXB Đại học Sư phạm, H, 2004, tr.246-255.
            - Loại hình tác phẩm Thiền uyển tập anh (Chuyên khảo). Nxb Khoa học xã hội, H., 2002, 372 trang. Tái bản, 2003.
            - Chương IV: Thiền uyển tập anh, trong sách Truyện ngắn Việt Nam (lịch sử - Thi pháp - Chân dung). Nxb Giáo dục, H., 2007, tr.140-158.
(4) Xin xem Tuyển tập bài viết về tư tưởng truyền thống Việt Nam, thế kỷ X - đầu thế kỷ XIII (M.T. Xtêpanhianx chủ biên). [1] Tuyển tập bài viết về tư tưởng truyền thống Việt Nam - thế kỉ X  - đầu thế kỉ XIII (M. T. Xtêpanhianx chủ biên). Viện Triết học xuất bản, Mátxcơva, 1996, 242 trang. (Tiếng Nga).
            - Nguyễn Tự Cường: Zen in Medievan Vietnam: A study and transtation of the Thiền uyển tập anh (Thiền thời trung đại Việt Nam – nghiên cứu và dịch bản Thiền uyển tập anh). Honolulu, 1997; 484 trang (Tiếng Anh)...
(5) Tuệ Hạo: Cao tăng truyện. Tiếng Nga. Nxb. Khoa học, Mátxcơva, 1991, tr. 82-94.
(6) Thiền sư Trung Hoa (Thanh Từ soạn dịch), Tập I . Thành hội Phật giáo Tp. Hồ Chí Minh xuất bản, 1990, 408 tr.
(7) Keikai: Nhật Bản linh dị ký (Nguyễn Thị Oanh dịch, giới thiệu; Onishi Kazuhiko và Okada Takeshi hiệu duyệt; Nguyễn Huệ Chi đọc duyệt bản tiếng Việt). Nxb Văn học, H., 1999, 540 trang. Các trích dẫn liên quan tác phẩm đều theo sách này.
(8) Nguyễn Thị Oanh: Nhật Bản linh dị ký – Tác giả và tác phẩm, trong sách Nhật Bản linh dị ký. Sđd, tr.11.
(9) Nguyễn Thị Oanh: Nhật Bản linh dị ký – Tác giả và tác phẩm, trong sách Nhật Bản linh dị ký. Sđd, tr.51.
(10) Nguyên văn: Ta hô khánh tai/ Mimana no Kanuki chi thị đại đức/ Nội mật thánh tâm/  Ngoại hiện phàm hình/  Trứ tục dung sắc/ Bất nhiễm giới châu/ Lâm một hướng tây/ Tẩu thần thị dị/ Thành tri thị thánh/ Phi phàm hĩ
(11) Từ điển Phật học Hán Việt (Kim Cương Tử chủ biên), Tập II. Phân viện Nghiên cứu Phật học xuất bản, H., 1994, tr.1208.
(12) D.T. Suzuki: Giảng thuyết về Thiền, trong sách Thiền và Tâm phân học (Như Hạnh dịch). Kinh Thi xuất bản, Sài Gòn, 1973, tr. 32.
 (13) Keikai: Nhật Bản linh dị ký. Sđd,tr.7-8.
(14) M.I. Nikitina - A. Ph. Trôxêvits: Khái luận lịch sử văn học Triều Tiên đến thế kỷ XIV. Nxb Khoa học, Mátxcơva, 1969, tr.178-210. Tiếng Nga.
(15) M.I. Nikitina - A. Ph.Trôxêvits: Truyện thiền sư Yxan (Nguyễn Hữu Sơn dịch). Tạp chí Văn học, số 10-1995, tr.59.
-  Xin xem M.I. Nikitina - A. Ph.Trôxêvits: Tiểu truyện các thiền sư Triều Tiên (Nguyễn Hữu Sơn dịch). Tạp chí Văn học, số 8-1995, tr.14-15.
 (16) Jung Min: Tam quốc di sự và Thù dị truyện – Văn học truyện cổ tích, những câu chuyện thích thú và thần kỳ, trong sách Văn học sử Hàn Quốc từ cổ đại đến cuối thế kỷ XIX  (Jeon Hye Kyung - Lý Xuân Chung biên dịch và chú giải). Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2006, tr.77-78.
- Xin xem: Hải Đông cao tăng truyện (Lý Bỉnh Huân soạn). In lại. Viên Quang Đại học – Hàn Quốc, 1980, tr.125-180.

No comments:

Post a Comment