.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Sunday, May 6, 2012

CÒN ĐÓ NHỮNG VẾT NỨT HỖN NHAM


(Ðọc Phù Hoa, truyện thơ Văn Cát Tiên - Nxb Văn Học, 2011)
Bìa truyện thơ “Phù Hoa” của Văn Cát Tiên
Thơ có thể là lời đồng vọng toát lên từ sâu thẳm tâm thức, biểu hiện bằng thứ ngôn ngữ đầy quyền năng để giải bày mọi xúc cảm của tâm hồn, ở chừng mực nào đó cũng là tiếng nói lương tri của thời đại. Và trong sự gặp những vần thơ được ươm mầm từ một xã hội đương phát sinh nhiều vấn đề “đáng báo động” về đạo đức, lối sống. Với lẽ đó, Phù Hoa của Văn Cát Tiên đã khơi gợi một không gian hiện tồn trong sự bát nháo của đồng tiền và những thói đời phù phiếm. Nhà thơ đã gửi gắm những tâm sự của mình qua cuốn truyện thơ Phù hoa dày dặn 4.306 câu, chia làm 40 chương. Phù Hoa đi theo lối truyện thơ cổ điển - một thể loại kể chuyện bằng thơ, biểu hiện ý nghĩ bằng ngôn ngữ đa hình ảnh, đầy chất tự sự, phê phán xoay quanh nhiều vấn đề bức xúc của xã hội. Tác phẩm bám theo lối diễn đạt kiểu hình thức cố sự của truyện kể dân gian, điểm xuyến thêm những chi tiết trữ tình làm giàu không gian thơ. Phù Hoa có sự tương đồng về mặt hình thức thể hiện của truyện Kiều (Nguyễn Du), Lục Vân Tiên (Nguyễn Đình Chiểu)… Câu chuyện thể hiện qua những vần điệu của thể thơ lục bát, diễn tả về lối sống, phẩm chất, số phận của nhiều hạng người trong xã hội
Qua hàng ngàn câu thơ, Phù Hoa đã khái quát rằng: “Đời nay chơi chữ dẻo mồm Văn chương đa dụng khôn buồn cổ nhân, có thể nói đó là lời tâm sự nhân tình thế thái của nhà thơ bộc bạch trong 40 chương sách. Mượn Phù Hoa để nói, để chỉ, để thấy bao vấn nạn, bao bộ mặt còn lẩn khuất dưới vô vàn cái vỏ hoa mỹ khó mà “gõ cửa làm phiền”: “Sông sâu tăm cá khôn dò Thời gian diệu vợi sảy đo lòng người”. Và cả những câu hỏi mang tính luân lí, phẩm cách đang là chủ đề nóng hổi hiện nay trong xã hội với giá trị: “Chữ trinh trong cõi đàn bà Biện rằng thanh khiết dăm ba bảy đường”. Bám vào chủ đề ấy, Phù Hoa đã bày ra một cảnh tượng hỗn nham của thế sự, đang chực “đạp đổ” các giá trị truyền thống; những “sợi dây đạo đức” đã bị tháo gỡ bởi những con người bon chen, hám lợi.
Câu chuyện khởi đi từ cuộc sống ở một gia đình trí thức họ Đàm, nơi xuất phát những bi kịch lớn, ngọn nguồn của những tai ương, đổ vỡ. Đàm từng là một quân nhân có công thời kháng chiến, sau trở thành một giáo sư, hiệu trưởng một trường đại học. Khi đã có công danh sự nghiệp vững vàng, được cất nhắc thăng tiến, Đàm đã dùng vị thế của mình để trục lợi “Nắm ngân sách tuyển sĩ hiền Vẫy tay kí toẹt nghìn tiền như chơi”. Sự thoái hóa, biến chất của một lớp người đã khiến tác giả vì thế mà thốt lên: “Nếp nhà rách toạc oai nghiêm/ Sợ thay đô thị đảo điên tình người”.

Giàu quá hóa hư, con gái Đàm Thục Song tỏ ra ăn chơi giữa chốn thị thành: “Áo thun quần sooc khơi khơi Cô kiêu hãnh giữa triệu người bon chen”. Thân gái dạt trôi, bị cào xé đến độ sau này sa đà trở thành món đồ chơi của sư Thích Thiếu Nhơn, gái karaoke, vũ trường: “Mơ màng nhạc vũ trường xoay Giường khuya trai lạ vui vầy tình suông”; rồi trở thành món hàng kinh doanh của bè lũ Phạm Nghi. Số phận éo le, trắc trở của Thục Song khiến nhà thơ phải “mượn đàn” mà rằng: “Lẩy ngâm đoản khúc trần ai Nhân gian ai đó thở dài mà trông”.
Vợ Đàm ngoại tình chỉ vì “Lấy chồng từ trước đến giờ Ái ân nào thỏa những mơ khát tình”, lại cặp bồ với Nguyễn Hoành là con Nguyễn Bân, bạn chí cốt của ông hiệu trưởng họ Đàm. Nhà thơ đã gióng lên một hồi chuông thế sự: “Vài năm đổi mới chưa lâu/ mà nền đạo đức bạc màu gớm ghê”. Những câu đúc kết từ hệ quả của lối sống: “Ở đời đem bán chữ tâm/ Cố mua cho được chữ tham đem về”. “Cầm dao sắc cũng có ngày/ chớ là cầm bút vụng xoay cửa ngoài” để kết luận cho một bi kịch của một gia đình trí thức sau khi họ Đàm bị tố cáo, vợ theo trai, con gái phiêu bạt.
Ấn tượng nhất là tuyến nhân vật phản diện trong Phù Hoa, là tập hợp những con người có vị thế trong xã hội, có công danh địa vị nhưng lại là những kẻ bạc ác, bụng dạ khó lường. Đó là cha con Phạm Hiền, Phạm Nghi, Kiều Xuân, Nguyễn Hoành, Đàm thị, sư Thích Thiếu Nhơn, Đào Ngọc Vinh, gã giang hồ Quách Bắc Giang...
“Ổ tha hóa” đầu tiên phải nói đến nhân vật Phạm Hiền hiện lên với dung dáng của một ông quan tham lam xấu tướng “Bụng to bệ vệ cổ tròn thắt nơ”, tóc tai chải chuốt bóng lộn đến nỗi “Ruồi con uổng mạng trượt chân té nhào”. Trong Phù Hoa, Phạm Hiền là một Cục trưởng hải quan, quyền uy đầy mình: “Lọng che vững chải trên đầu/ Ghế êm bợ đỡ ruồi bâu chật đường”. Thế nhưng nhân vật này lại là hạng quan tham, thu nhập chính là tiền hối lộ do các doanh nghiệp, con buôn muốn qua ải thoát thuế, nhập lậu. Quan tham gặp được gái “hồ ly” trải đời Kiều Xuân, người từng giành giải hoa khôi: “Thân hình bốc lửa mời xơi/ Trang bìa áo tắm mỉm cười thơ ngây”. Sự kết hợp “ngưu tầm ngưu” này là một cái mode trong đời sống thường ngày mà không ít bài báo đã nêu về mối quan hệ “cộng sinh” giữa người đẹp và quan chức. Tấn công vào cái “sào huyệt đen” này, tác giả Phù Hoa tỏ ra rất mạnh dạn, am tường những chi tiết đậm đặc tính “tả chân”. Nhưng Kiều Xuân lại là hạng đẹp người tà nết, trước yêu Phạm Hiền sau lại kết hôn với con trai của Phạm Hiền là Phạm Nghi, thạc sĩ du học Anh quốc. Phạm Nghi sau trở thành một tay kinh doanh “đen” nhiều mánh nhiều khóe: “Kịp theo đòi lối thương trường/ Ăn chơi quen nết chán chường bướm ong”.
Cha làm quan, con doanh nhân tạo nên một bộ sậu thế lực đầy đủ cả quyền lẫn tiền. Phạm Nghi là một nhân vật lườn lách như rắn, khôn ngoan hiểm độc. Y tận dụng mọi thứ để kiếm tiền, trục lợi, buôn đỏ bán đen, kinh doanh đa ngành nhưng toàn là những thứ làm hại xã hội, ngay cả đám tang của chú Bác mình là Thứ trưởng Phạm Bách, Nghi cũng tìm mọi cách để kiếm lời. Ấy thế mà Phạm Nghi thăng quan tiến chức vùn vụt, có tiền thì mua bằng tiến sĩ, túi đầy mồm dẻo nên lại trúng cử đại biểu Hội đồng nhân dân. Trần gian tiêu khiển bao lạc thú nhưng vẫn tòm tem gạ gẫm người yêu của em họ Hải Thụy (con Phạm Bách) là Tố Quyên để tình duyên đôi bên hiểu lầm; lại đan tâm hãm hại Gia Hân, Thái Ngọc Thiều. Phạm Nghi băng hoại đến nỗi nhà thơ mượn cảnh huynh đệ Tào Phi – Tào Thực tương tàn mà than rằng: “Sanh ra cội rễ một nhành/ Đậu sôi bỏng lửa do cành đậu đun”. Phạm Nghi là nhân vật “bẩn” nhất về đạo đức trong Phù Hoa, về thứ bậc có thể sánh với Sở Khanh, Mã Giám Sinh trong Truyện Kiều, Trịnh Hâm, Bùi Kiệm trong Lục Vân Tiên.
Tác giả không ngần ngại tạo dựng nên những nhân vật điển hình của tệ đạo đức giả, tấn công vào những gương mẫu mực khi chính họ lại là biểu trưng của một hình tượng phẩm cách. Sư hổ mang Thích Thiếu Nhơn lộ ra: “Lạ cho chiếc áo cà sa/ Họ Trư khéo mặc cáo già chân tu”, kẻ đã hãm hiếp Đàm Thục Song khi cô bỏ đi bụi đời, dạt đến chùa Long Thiện, nơi đây là hang ổ của bọn háo sắc đội lốt thầy chùa. Những vết nứt của xã hội, lòng người cuốn hút xô bồ trong dòng chảy thác nộ của đồng tiền. Thế nhưng, trong sự hỗn nham đó, Phù Hoa vẫn ngời lên những con người, những tâm hồn sống trong bùn nhưng không bị nhiễm đen. Một gia đình Phạm Bách từ cha cho đến hai con là Gia Hân và Hải Thụy hiện lên là những con người công chính, biết ngọn nguồn đúng sai, hành xử luôn hợp lòng người. Bản thân Phạm Bách làm đến chức Thứ trưởng ngoại giao, suốt đời giữ mình trong sạch: “Bắn vào quá khứ u mê/ Tương lai đại bác dội về thì sao”. Và những chiêm nghiệm của một con người sống qua thời đất nước gian lao: “Chiến tranh khốc liệt thế nào/ Tự do phải đổi máu đào thắm sông”. Phạm Bách cho đến lúc chết vẫn giữ được khí tiết của một người làm quan mà lòng “sáng tựa sao Khuê”.
Thành công nhất của Phù Hoa ngoài việc tạo hiện nên một xã hội đầy rẫy những con người tha hóa, đốn mạt bỗng dưng hé nở “bông hoa tình yêu” Hải Thụy – Tố Quyên: “Sét trời vô ý làm chi Nổ toang tim lạnh mấy bề tương tư”. Một tình yêu sét đánh, bất ngờ với một cô gái rất thôn nữ, “Lòng em cửa đóng then cài Vườn hồng chẳng thiếu anh tài rắp ranh”. Giữa những bộn bề, nhốn nháo của một xã hội đang tất bật kinh tế thị trường, kiếm ra một tình yêu hương đồng gió nội như thế này đã khiến những đổ vỡ của phù hoa như dạt sang bên, nhường chỗ cho đôi uyên ương bước ra từ thi mộng. Văn Cát Tiên đã tạo dựng nên nhân vật Tố Quyên, một cô gái giàu ý chí, bị cuốn vào những tai vạ của đời nhưng vẫn giữ tâm hồn thanh sạch. Tố Quyên là một hình tượng nhân vật đoan trang, hiền thục, một thôn nữ đẹp người tốt nết, xuất hiện trong Phù hoa có lẽ là thuộc dạng hiếm. Ngay cả khi bị ruồng bỏ, lỡ mang bầu với Hải Thụy “dù mang tiếng xấu không cha còn hơn giết trẻ ruột rà dạ mang”. Tố Quyên không phải là một con người dễ bị vẩn đục giữa bùn đen mà thế lực xấu xa rắp tâm hãm đặt. Và hôn phu Hải Thụy cũng là một con người cũng rất đáng để học tập. Hải Thụy vốn tình tính hiền lành lại làm công tác thanh tra, nhiều lần bị mua chuộc, bị sa vào bẫy của tập đoàn Phạm Nghi nhưng rồi Hải Thụy đã đứng lên, từ bỏ mối quan hệ với thế lực bất chính. Anh yêu Tố Quyên bằng cả trái tim, hết lòng chăm lo cho người mình yêu. Nhưng tình yêu của họ lại lắm gian truân, trắc trở. Phạm Nghi xảo quyệt muốn gạ gẫm Tố Quyên đã bày kế chia lìa, khiến Hải Thụy ưu tư: “Nhìn mây bay gấp chạnh lòng/ Non xa khuyết bóng gió đông nặng nề”. Nhân vật này bị cuốn vào những trò lừa mưu mô của “tập đoàn kinh doanh đen” Phạm Nghi, lắm lúc làm những chuyện trái với lương tâm. Nhưng Hải Thụy đã sớm biết sám hối và thoát ra khỏi vòng xoáy “Cố không theo lối gian tà/ Hạnh phúc ngắn ngủi phù hoa lẽ nào”, để rồi đoàn viên với Tố Quyên bên đứa con thơ: “Con ơi con ngủ cho hiền/ Mẹ còn gánh mực tẩy phiền trần gian”.
Một thành công khác trong Phù Hoa đó là việc xây dựng những chi tiết xung quanh mối tình Gia Hân và Thái Ngọc Thiều. Phải nói là Gia Hân (em gái Hải Thụy) và Thái Ngọc Thiều là hai nhân vật có tính chất quyết định đối với cái kết của câu chuyện. Họ như những người hùng thực thi công lý, xóa bỏ những cái xấu xa, dối trá. Tác giả rất hợp lí khi đặt Gia Hân vào vai nhà báo, Thái Ngọc Thiều vào vai nhân viên điều tra, đây là biểu trưng của hai cánh tay đắc lực đại diện cho xã hội lương tri để thực thi công lý. Hai nhân vật này đã vạch mặt buộc tội tập đoàn Phạm Nghi ra ánh sáng. Tình yêu đôi lứa được ví von với phẩm hạnh: “Hãy yêu cho thật đậm đà/ Hãy chắc tay đấm xấu xa cuốn cờ”.
Những nhân vật khác như lão nông Nguyễn Bân (cha Nguyễn Hoành và Tố Quyên) chân chất một đời sống của người nông dân chân lấm tay bùn. Dù quá khứ bị cuốn xô vào những bi kịch nhưng Nguyễn Bân vẫn giữ vững đức tính của một con người hướng thiện: nuôi dạy con cái đàng hoàng, chống chọi với lâm tặc để bảo vệ rừng quê hương. Đàm giáo sư sau khi thất cơ lại về sum vầy nơi thôn Khâu với bạn chí cốt Nguyễn Bân, an vui cuộc sống điền viên. Sau này Đàm Thục Song cũng về đoàn tụ với cha, một kết thúc tốt đẹp cho một cuộc đời sóng gió bụi trần.

Thế giới nhân vật trong Phù Hoa phân tuyến chính – tà rõ ràng; tà thì bị diệt, chính được tôn vinh. Phù hoa kết thúc bằng một cái kết có hậu theo quan niệm nhân quả, mang tính motip điển hình trong thể truyện thơ tự sự dân gian.. Phần Nguyễn Hoành sau khi cặp bồ với Đàm thị lập đường dây buôn bán thuốc tân dược giả, gây nên nhiều hậu quả nghiêm trọng cho xã hội, cuối cùng lại bị rơi vào bẫy Phạm Nghi, bị tố giác, chết một cách oan uổng.. Đàm thị hay tin cũng hóa điên theo. Phạm Hiền ăn chơi trác tán bị mắc bệnh HIV, Kiều Xuân cũng có kết cục tương tự. Tập đoàn Phạm Nghi đều bị đưa ra ánh sáng: Nghi bị kết án tử hình, Quách Bắc Giang lãnh án chung thân, Đàm Thục Song lãnh án mười năm. Âu là một cái hậu cho những kẻ gian thâm, hủ hóa. Lưỡi gươm công lí đã hành xử, cái xấu cái ác phải núp vào bóng tối, nhường chỗ cho ánh sáng của tình thương và lương tri.
Ngoài những chi tiết mang tính chất diễn tiến của câu chuyện, Phù Hoa còn sáng lên những câu lục bát đầy ắp thi ảnh: “Trăng thu bạc phếch trên ngàn/ Thông cao vi vút hổ than thở tình – “ Sương bồng bềnh, phố trưa im / Hoa mách lẻo nắng, thác kìm tiếng mưa” hay “Lô nhô núi xám in hình/ Nép trong lau lách gập ghềnh thác reo” trong những đoạn nói về tâm sự phiêu bạt của Đàm Thục Song (Chương 4).
Đẹp nhất, thơ mộng nhất có lẽ là những chi tiết hình ảnh về thôn Khâu, một vùng quê vốn dĩ yên bình trước khi bị làn sóng kinh tế thị trường hút vào guồng quay: “Nhành khô nảy nụ đầu mùa/ Hạt thóc thức rễ mộng ngô chõi mình” khi miêu tả cản lão nông Nguyễn Bân tất bật với công việc ruộng đồng (Chương 7). Hay hình ảnh: “Nắng thắp tơ lụa lên trời/ Lá đong đưa gió gọi mời ý xuân” nói về cuộc sống yên bình của cô thôn nữ Tố Quyên nơi thôn dã hữu tình (Chương 9). Thôn Khâu, một vùng quê bình yên hương đồng gió nội: “Vi vu gió lộng nâng diều/ Đường làng thôn nữ gánh chiều vàng lưng”, và “Nghé con nghển cổ đo sừng/ đồng xanh gù gụ cu cườm gáy ran”, làm thắm lên mối tình tươi đẹp Hải Thụy, Tố Quyên (Chương 13).
Đến cả những chi tiết đối sánh:“Khuôn trăng vắt vẻo đầu non/ Cao ốc sừng sững vô hồn nhân tâm” (Chương18). Trăng, biểu tượng muôn đời của thơ giờ đây lẩn khuất giữa cao ốc vô hồn, một hình ảnh xô bồ, làm mất đi vẻ đẹp truyền thống của thi ca. Đó là bức tranh đô thị nhốn nháo, ngược xuôi những đòi hỏi vật chất, lợi ích dẫn đến tình trạng “khánh kiệt tâm hồn”. Trong Phù Hoa có thể thấy tâm trạng nuối tiếc trước những đổ vỡ của công nghiệp hóa, đô thị hóa đang làm biến dạng những khung cảnh tươi đẹp, giờ đây chỉ còn thấy trong thơ.
Năm 2011 vừa rồi, được biết Văn Cát Tiên với tấm lòng tri ân, từ thiện đã dùng toàn bộ số tiền quyên góp được từ nhuận bút Phù Hoa để giúp đỡ các nạn nhân chất độc da cam ở hai địa bàn TT- Huế và Quảng Trị với con số lên tới cả trăm triệu đồng.
Thơ và đời, hai phạm trù song hành với nhau, làm được những điều ý nghĩa thực tế như Văn Cát Tiên âu là một phương pháp hữu nghiệm để lột đi cái vỏ phù hoa phiếm diễn trong thực tại của xã hội chúng ta.

TRÀNG DƯƠNG
(SH278/4-12)

No comments:

Post a Comment