.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Tuesday, May 8, 2012

NHÀ VĂN VŨ NGỌC TIẾN BÀN VỀ: “LỐI RA NÀO CHO TAM NÔNG NƯỚC TA HIỆN NAY?” (BÀI 3)


Thưa bạn đọc quý mến, sau 2 bài lừng lững như Kim Tự Tháp, đậm đặc tính lý luận và thực tiễn về vấn đề tam nông ở nước ta của nhà văn Vũ Ngọc Tiến.
Nhiều bạn đọc VC+ vẫn còn thòm thèm loạt bài rất kungfu, đầy sức thuyết phục và lý tính này trên báo Văn nghệ trẻ. Mừng nào lại quá mừng này nữa chăng, khi nhà văn Vũ Ngọc Tiến vừa gửi mail đến VC+ và cho biết: Loạt bài tôi viết về tam nông năm 2008 là phục vụ cho Hội nghị Trung ương khóa 10 họp bàn ra nghị quyết về tam nông. Nay nhân Hội nghị Trung ương lần 5, khóa 11 vừa khai mạc có bàn về thu hồi đất nên tôi gửi tiếp bài viết "Lối ra nào cho tam nông...".

Mặc dù nhà văn Vũ Ngọc Tiến khá khiêm tốn khi viết: Có thể đây mới chỉ là ví dụ chưa thật đầy đủ của tư tưởng “lấy công hỗ nông”, nhưng nó cũng hé mở một lối ra cho tam nông cả nước trong quá trình phát triển.

Chúng tôi tin vào “những lối ra”, tin vào tấm lòng son đỏ của ông, tin vào tình yêu của nhà văn. Rộng và sâu hơn, như R.Tagore:  ...tôi tin ở tình yêu của con người/ đó là lời nói cuối cùng của tôi (Những con chim bay lạc Đào Xuân Quý dịch), Mình đã làm đồng thơm gió/ Chẳng còn ân hận điều chi”
(Nguyễn Thị Phước).
Văn chương + hân hoan giới thiệu bài viết của nhà văn Vũ Ngọc Tiến.
 


__________________________

LỐI RA NÀO CHO TAM NÔNG NƯỚC TA HIỆN NAY?

Năm 2008, thị trường nông sản thế giới đột ngột tăng giá là tín hiệu đáng mừng cho nông dân. Chỉ tính riêng 3 mặt hàng xuất khẩu nông sản chủ lực của Việt Nam trong 7 tháng đầu năm 2008 so với cùng kỳ năm 2007, ta thấy: lượng gạo xuất khẩu xấp xỉ 2,8 triệu tấn, ít hơn 7%, nhưng giá trị tăng 87%, đạt 1,8 tỷ USD; lượng hạt điều không tăng, nhưng giá trị tăng 50%, đạt 490 triệu USD; lượng café tăng 10%, nhưng giá trị tăng hơn 30%, đạt 1,4 tỷ USD. Song cũng vì sự tăng giá trị xuất khẩu này đã dẫn đến hiện tượng nông dân đồng bằng sông Cửu Long phá rừng tràm, lấp ao thả cá để trồng lúa, còn nông dân Tây Nguyên thì phá tiêu để trồng café, đủ thấy tính không bền vững trong quy hoạch, yếu kém trong quản lý nông nghiệp ở nước ta.
Lại nữa, đầu tư nước ngoài trong 7 tháng qua cũng đạt con số kỷ lục hơn 45 tỷ USD. Cứ đà này sẽ diễn ra quy mô và tốc độ thu hồi đất nông nghiệp tăng mạnh trong thời gian tới, kéo theo hàng loạt những thách thức về tam nông cần được giải quyết. Người viết muốn thử đi tìm lối ra cho tam nông hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

Đổi mới luật đất đai và chính sách với nông dân 

Nhìn vào thực trạng tam nông nước ta như đã trình bày trong các bài viết trước (xem Văn Nghệ Trẻ số 26, 29, 30 bộ số 2008), có lẽ ruộng đất phải là khâu đột phá vừa quyết liệt vừa cần sự tỉnh táo trong toàn bộ các chính sách của Nhà nước đối với nông dân. Đặt vấn đề tam nông dưới góc nhìn về ruộng đất, tôi thấy có 3 điểm cốt lõi cần phải đổi mới:
Thứ nhất, Hiến pháp và Luật đất đai quy định đất đai là tài sản quốc gia, nhưng quyền sử dụng ruộng đất canh tác phải được luật hóa thành tài sản riêng, ổn định lâu dài trong tay người nông dân để họ yên tâm đầu tư hay tự do chuyển nhượng, tiến hành mọi giao dịch khác trong khuôn khổ Luật dân sự. Chỉ có như vậy mới hình thành nên một thị trường ruông đất công khai, minh bạch, tạo tiền đề cho quá trình tích tụ ruộng đất, ứng dụng tiến bộ khoa học, tiến lên sản xuất hàng hóa lớn ở nông thôn.
Thật ra, những điều vừa nêu vẫn chỉ là giải pháp tình thế. Nếu ta thật lòng và quyết tâm đổi mới thì phải sửa Hiến pháp và Luật đất đai sao cho ở nông thôn tách bạch ra hai loại đất công và đất tư như các nước văn minh trên thế giới. Đất công bao gồm đất cơ đê, đất hoang, hồ điều hòa, đất phi nông nghiệp… mới thuộc quyền quản lý của chính quyền cơ sở, còn đất ở và đất canh tác phải là sở hữu của hộ nông dân được pháp luật bảo hộ. Hơn 200 năm trước, các nhà khai sáng của nước Pháp khi bàn về xã hội công dân và Nhà nước pháp quyền đều khẳng định quyền tư hữu về tư liệu sản xuất là điều kiện cơ bản để thực thi quyền công dân, quyền con người. Nông dân không có quyền tư hữu về ruộng đất vẫn chỉ là kiếp nô lệ mà thôi!...
Thứ hai, khẩu hiệu “người cày có ruộng” trong đấu tranh cách mạng trước đây, giờ phải thay đổi tận gốc, mở đường cho tích tụ ruộng đất theo quy luật của kinh tế thị trường. Với 70 triệu mảnh ruộng nhỏ lẻ như hiện nay, dù có làm tốt việc dồn điền đổi thửa cũng vẫn chỉ là giải pháp tình thế ban đầu, chưa thể tổ chức sản xuất hàng hóa lớn được. Và vì thế, chính sách hạn điền trong tích tụ ruộng đất đặt ra ở đồng bằng sông Cửu Long, miền đông Nam Bộ là 6 ha, các nơi khác là 4 ha cũng cần phải được “cởi trói”. Thực tế ở đồng bằng sông Cửu Long đã từng có tích tụ hàng trăm ha, nhiều nơi khác cỡ hàng chục ha, song đó là tích tụ theo kiểu mua ngầm, bán chui nên người mua không dám yên tâm đầu tư lớn, còn người bán thường bị ép giá.
Mặt khác, thời gian giao quyền sử dụng đất cho nông dân hiện nay quá ngắn (20 năm) là cực kỳ bất công, phi lý so với các ông chủ nước ngoài (thường là 50 năm trỏ lên). Người mua đất để đầu tư sản xuất lớn trong nông nghiệp thường là người có tiềm lực kinh tế và tài quản lý phải được pháp luật thừa nhận với tư cách là ông chủ doanh nghiệp nông thôn. Người bán có thể trở thành công nhân nông nghiệp, được Nhà nước bảo hộ về quyền lợi dưới hình thức buộc người sử dụng lao động trả lương thỏa đáng theo hợp đồng và đóng bảo hiểm xã hội cho họ như ở các công ty, xí nghiệp ở đô thị.
Cái khác nhau cơ bản giữa thân phận tá điền xưa và vị thế người công nhân nông nghiệp trong xã hội mới nằm ở những tiêu chí ấy ch đâu phải hô hào lương tâm chay. Tôi thật ngỡ ngàng, khó hiểu khi được biết năm 2000, một số địa phương báo cáo thành tích xóa đói, giảm nghèo bằng việc tìm mọi nguồn vốn cho nông dân vay để chuộc lại đất: Đồng Tháp cho 600 hộ vay 4,1 tỷ đồng, Trà Vinh, An Giang cho 1.350 hộ vay 14 tỷ đồng…! Tại cuộc hội thảo gần đây, TS Vũ Trọng Khải đã thẳng thắn nói: “Chúng ta sợ tích tụ ruộng đất sẽ làm nông dân nghèo mất đất, không có việc làm, tệ nạn xã hội… Đó là cái sợ không đáng có. Khu công nghiệp, sân golf đang tích tụ ruộng đất làm ly tán nông thôn, nông dân thất nghiệp bị bần cùng hóa sao ta không lo?” Lời nói ấy dường như đã gợi mở về sự giả dối, lừa mỵ của những nhóm lợi ích trong việc thu hồi đất vô tội vạ ở nông thôn hiên nay!...
Thứ ba, nên chăng bãi bỏ hẳn quyền định đoạt về ruộng đất ở cấp huyện trở xuống và hạn chế ở cấp tỉnh, đặc biệt là đối với ruộng trồng lúa. Ở Hà Nội, người ta lấn chiếm đất công, xây nhà ổn định từ trước năm 1993 sẽ được pháp luật mặc nhiên thừa nhận là tài sản của họ, Nhà nước đụng đến phải bồi thường hàng chục triệu đồng/m2, sao ở nông thôn, ruộng đất vốn là tài sản truyền đời thừa kế của nông dân hàng trăm năm, chí ít cũng là 50 năm sau Cải cách ruộng đất ở miền Bắc, nhưng giờ đây từ cấp thôn, xã đến huyện, tỉnh, ai cũng có quyền định đoạt? GS Nguyễn Lân Dũng cho biết, Trung Quốc có quy định ở cấp tỉnh muốn thu hồi 0,7 ha ruộng trồng lúa trở lên đều phải báo cáo Quốc vụ viện. Vậy còn ở Việt Nam ta thì sao?
Ba vấn đề cơ bản trên nếu đồng bộ đổi mới, chẳng những sẽ thúc đẩy nông nghiệp phát triển theo hướng hiện đại hóa mà còn là liều thuốc đặc trị với tệ tham nhũng. Theo tổng kết của Thanh tra Chính phủ, trong hơn 2 vạn vụ khiếu kiện kéo dài mấy năm qua thì 80% là khiếu kiện về đất đai ở nông thôn, hàng trăm quan chức cấp xã, huyện thậm chí cả cấp tỉnh, thành phố đã bị xử lý vì tội tham nhũng đất đai. 

Thay đổi tầm nhìn, cách quản lý đối với nông nghiệp

Chúng ta thường tự hào với vị thế là nước xuất khẩu gạo nhất nhì thế giới. Đó phải chăng cũng là một thứ bệnh thành tích đã ăn sâu vào tầm nhìn, nếp nghĩ của các nhà quản lý. Đã đến lúc cần tỉnh táo nhìn ra nhiều nước phát triển trên thế giới (Mỹ, Canada, Úc…) để thấy họ có dư thừa tiềm năng xuất khẩu lương thực hơn ta gấp nhiều lần, nhưng họ giữ lại trong nước phần lớn làm nguyên liệu đầu vào cho công nghiệp chế biến ra thức ăn cao cấp cho người và gia súc, phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Muốn vậy, cơ cấu cây lương thực có hạt, có củ và cây thực phẩm có dầu phải được thay đổi theo thế mạnh của từng vùng lãnh thổ. Nhìn về lâu dài, sản xuất lúa gạo cần nhắm tới mục tiêu đảm bảo an ninh lương thực theo nhịp tăng dân số là chính và chỉ xuất khẩu loại gạo chất lượng cao, giá trị lớn với sự hỗ trợ của công nghệ cao.
Cho đến nay 90% sản phẩm nông nghiệp Việt Nam còn được bán ra ở dạng thô và 60% sản phẩm bị bán ép với giá thấp trên thị trường thế giới. Chúng ta cũng cần có được một cuộc cách mạng xanh thực sự trong nông nghiệp như Ấn Độ vào những năm 80 của thế kỷ trước. Hồi đó, bà cố Thủ tướng Indira Gandhi đã đích thân lặn lội đến từng vùng nông thôn hẻo lánh vận động nông dân hưởng ứng cuộc cách mạng xanh. Ở Việt Nam, để làm việc này, Nhà nước cần có chính sách đặc thù, đầu tư thích đáng cho công nghệ sinh học và phổ biến rộng rãi kiến thức cho nông dân một cách thiết thực, không hời hợt hoặc bốc đồng chạy theo thành tích như một số địa phương đã làm.
Vua Thái Lan từng có sáng kiến làm 500 cuốn sách về nông học, đích thân ngài làm chủ nhiệm chương trình, giao nhiệm vụ cho các giáo sư sinh học nổi tiếng ở trường đại học viết sách cho nông dân. Gần đây, GS Nguyễn Lân Hùng cho biết, từ 8 năm nay ông kêu gọi các nhà khoa học trong ngành sinh học, thậm chí cả nông dân giỏi cùng tham gia viết sách dạy nghề cho nông dân. Ông dự kiến đến năm 2009 sẽ có 100 cuốn sách (đã lên danh mục được 50 cuốn sách), mỗi cuốn chuyên dạy một nghề nông dễ hiểu, dễ làm, nhưng hàm lượng chất xám công nghệ sinh học cao.
Chi phí cho kế hoạch vừa nêu rất thấp, chỉ khoảng 3,1 tỷ đồng, nhưng GS Nguyễn Lân Hùng tin tưởng  40 triệu nông dân sẽ đọc sách, lựa chọn học nghề theo sách. Tôi thiết nghĩ, mỗi vùng chọn 20- 30 nghề, mỗi hộ chọn 1 hoặc 2 nghề cũng đủ làm nên cuộc cách mạng trong nông nghiệp. Tiếc rằng các nhà quản lý có trách nhiệm vẫn đang im lặng trước lời thỉnh cầu của ông!... Lại nói về quy hoạch ở tầm vĩ mô trong nông nghiệp rất cần sự đổi mới. Theo dự án VIE 1993, do Bộ Kế hoạch- Đầu tư phối  hợp với Ngân hàng thế giới (WB) thực hiện đã chia Việt Nam thành 7 vùng chiến lược kinh tế: đồng bằng sông Hồng, đồng bằng sông Cửu Long, vùng núi phía Bắc, vùng Thanh- Nghệ- Tĩnh, vùng ven biển miền Trung, Tây Nguyên và vùng đông Nam Bộ. Lẽ ra ngay sau dự án VIE 1993, phải có nhiều công trình nghiên cứu chuyên sâu về nông nghiệp, phục vụ cho công tác quy hoạch phát triển vùng, nhưng ta đã để ngỏ nhiều năm.
Kinh nghiệm từ Ấn Độ, Braxin cho thấy, mỗi vùng nêu trên cần có một học giả uyên bác, uy tín cao làm “tư lệnh” nông nghiệp cho cả vùng, khởi thảo quy hoạch và phối hợp với các cấp chính quyền hướng nông dân làm theo quy hoạch bằng lợi ích do quy hoạch mang lại chứ không bằng mệnh lệnh hành chính. Gặp khi thị trường thế giới có những biến động theo chiều hướng tiêu cực thì Nhà nước phải có quỹ lấy từ lợi nhuận hàng năm của các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu nông sản để bao tiêu cho nông dân, đảm bảo quy hoạch vùng không bị họ tự phát thay đổi làm cho đổ vỡ. Luật dân sự phải được bổ sung những điều khoản đủ đảm bảo cho nông dân khi ký hợp đồng với doanh nghiệp thu mua nông sản không còn ở thế “kèo dưới”, luôn thua thiệt nếu có rủi ro xảy ra như hiện nay. Có lẽ cung cách quản lý đổi mới như vậy sẽ đảm bảo tính bền vững của quy hoạch, nông dân mới phấn khởi và tin tưởng, yên tâm làm giàu theo sự hướng dẫn của chuyên gia và chính quyền địa phương.

Điều hòa mục tiêu tăng trưởng với phát triển bền vững

Tôi rất tâm đắc với lời phát biểu của GS Võ Tòng Xuân: “Tăng trưởng nóng các khu công nghiệp là đốt cháy tam nông”. Chúng ta không thể tiến hành công nghiệp hóa bằng mọi giá, buộc nông nghiệp và nông dân hy sinh cho công nghiệp để đạt thành tích tăng trưởng GDP như thực tế diễn ra trong 10 năm lại đây. Đó là cách làm ngược. Lấy thành quả tăng trưởng đầu tư trở lại cho nông nghiệp và nông thôn, lấy “công hỗ nông” mới là bước đi đúng hướng của mọi quốc gia đi lên từ nông nghiệp. Về mặt này, tỉnh Vĩnh Phúc trong 5 năm qua có nhiều bài học kinh nghiệm đáng để các nhà hoạch định chính sách tam nông tham khảo và nhân rộng.
Tư tưởng “lấy công hỗ nông” và mô hình đổi đất lấy nghề dịch vụ cho nông dân quanh khu công nghiệp (KCN) một cách công khai,minh bạch là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong quá trình công nghiệp hóa của tỉnh Vĩnh Phúc. Hiện tỉnh có 7 KCN đang hoạt động, 5 KCN đang hình thành và 30 cụm CN khác đang quy hoạch. Dự kiến đến năm 2010, diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi là 4.500 ha, khoảng 10.000 hộ dân với 40.000 nhân khẩu sẽ bị ảnh hưởng bởi thu hồi đất.
Để đảm bảo cho nông nghiệp trong tỉnh duy trì sự ổn định và phát triển song hành cùng công nghiệp, lãnh đạo tỉnh đặt quyết tâm hạn chế tối đa việc thu hồi đất ở những diện tích màu mỡ mà tập trung vào các vùng gò đồi khó canh tác, đồng thời buộc các chủ đầu tư xuất tiền xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn trong vùng bị thu hồi đất và cả vùng lân cận, tạo điều kiện tốt cho họ phát triển nghề phụ. Các KCN đều được quy hoạch xa mặt đường quốc lộ, tiến sâu vào vùng dân cư vốn gặp nhiều khó khăn, đất đai khô cằn, điển hình là KCN rộng hơn 300 ha tại vùng đất đồi Bá Thiện, thuộc huyện Bình Xuyên, cách quốc lộ 2 gần 20 km. Làng, xã nào bị thu hồi nhiều đất canh tác, tỉnh đều có chính sách hỗ trợ đặc biệt, đảm bảo cho nơi đó có điều kiện phát triển tương xứng với thua thiệt vì mất đất. Hiện tỉnh đang khẩn trương xây dựng 20 khu dịch vụ khang trang, liền kề với KCN, KĐT để thực hiện phương thức đổi đất lấy dịch vụ cho nông dân bị thu hồi đất.
Theo đó, mỗi hộ dân bị thu hồi nhiều đất canh tác sẽ được mua giá rẻ một cửa hàng kinh doanh dịch vụ cỡ 50- 100 m2 bằng tiền đền bù đất làm phương tiện kiếm sống cho các đối tượng lao động từ 35 tuổi trở lên. Đối với lao động trẻ dưới 35 tuổi, tỉnh có kế hoạch đào tạo nghề rất cụ thể. Mục tiêu của Vĩnh Phúc là đến năm 2010 sẽ đào tạo và giải quyết việc làm cho 200.000 người, phục vụ lấp đầy và mở rộng các KCN. Mức hỗ trợ cho học viên  trong thời gian học nghề khá cao, cỡ 250.000 đồng/người/tháng.
Cách làm của tỉnh Vĩnh Phúc thể hiện sự tôn trọng quyền lợi chính đáng của nông dân, đồng thời giằng buộc trách nhiệm hỗ trợ nông nghiệp và nông thôn đối với các chủ đầu tư vào KCN khá cụ thể, minh bạch. Nhờ thế, 5 năm qua GDP của Vĩnh Phúc liên tục tăng trưởng với tốc độ nhanh, nhưng nông nghiệp vẫn duy trì sự ổn định, đời sống nông dân được cải thiện, bộ mặt nông thôn cũng đổi mới theo đà tăng trưởng GDP.
Có thể đây mới chỉ là ví dụ chưa thật đầy đủ của tư tưởng “lấy công hỗ nông”, nhưng nó cũng hé mở một lối ra cho tam nông cả nước trong quá trình phát triển.

Hà Nội 26/7/2008
Nhà văn VŨ NGỌC TIẾN
Nguồn: Báo Văn nghệ Trẻ số 31 (3/8/2008)

No comments:

Post a Comment