Huỳnh Hữu Ủy
Trường
Mỹ Thuật Đông Dương được thành lập năm 1924 ở Hà Nội, chỉ trong một thời gian
ngắn chừng hơn mươi năm, đã đặt nền tảng cho một nền nghệ thuật mới hình thành
và phát triển. Nếu Trường Mỹ Thuật Hà Nội không được thành lập thì có lẽ ngày
nay Việt Nam vẫn chưa có một nền nghệ thuật hiện đại, và mỹ thuật Việt Nam vẫn
bị chìm lấp, lẫn lộn với mỹ thuật Trung Hoa. Nguyễn Gia Trí vào học trường Mỹ
Thuật Hà Nội khóa 5, nhưng bỏ học lở dở, sau đó dường như theo lời khuyến khích
của họa sĩ Victor Tardieu, ông trở lại Trường, theo học khóa 7 cùng với các bạn
đồng môn Lưu Văn Sìn, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Văn Tại, Vũ Đức Nhuận ... vào năm
1931. Chỉ vài năm sau đó, ông đã là một khuôn mặt nổi bật, đến độ trên đất Hà
thành văn vật thời thập niên 40-50, đã có lời truyền tụng về tứ tượng trong
nghề hội họa: nhất Trí, nhì Lân, tam Vân, tứ Cẩn (Nguyễn Gia Trí, Nguyễn
Tường Lân, Tô Ngọc Vân, và Trần Văn Cẩn). (1)
Nguyễn Gia Trí với những phát hiện
hoàn toàn mới mẻ về kỹ thuật sơn mài từ những năm đầu thập niên 30, lúc còn là
sinh viên Trường Mỹ Thuật Đông Dương ở Hà Nội, vẫn tiếp tục những tìm kiếm và
hoàn thiện thứ nghệ thuật đặc sắc này, đã tạo nên một tiếng nói có trọng lượng
trong sinh hoạt nghệ thuật tạo hình Việt Nam hiện đại.
Thời kỳ tuổi trẻ đầy nồng nàn với
đời sống, ông đam mê nghiên cứu và đưa kỹ thuật sơn mài đến cao điểm của nó,
nghĩa là từ một thứ kỹ thuật thủ công đã hóa thân thành thế giới của cái đẹp
với bao nhiêu điều kỳ diệu không tìm được ở nơi nào khác, ở chất liệu nào khác,
óng ả, sâu thẳm, lộng lẫy mà rất trầm mặc. Trong cuộc triển lãm năm 1939 do
Trường Mỹ Thuật Đông Dương tổ chức, các tác phẩm của Nguyễn Gia Trí gây được
nhiều chú ý đặc biệt chưa từng thấy.
Qua cuộc bày tranh này, Tô Ngọc Vân đã có nhận xét: "Cái lối sơn cổ của ta hào nhoáng, lòe loẹt, son giữ màu son, vàng chỉ có sắc vàng, trơ trẽn như anh nhà giàu phô của, vào Trường Mỹ Thuật đã dần dần biến thành mỹ công nhã nhặn mà vẫn rất quý giá. Vàng bạc, sơn son, sơn then, người ta chỉ dùng nguyên chất có chừng độ khi người ta xét thấy cần phải dùng đến cho toàn thể tấm sơn. Rồi cũng ngần ấy vật liệu đè lên nhau mài đi, mài lại, người ta chế ra được màu dìu dịu đỡ tầm thường. Đến cuộc thí nghiệm Nguyễn Gia Trí, lối sơn ta không còn là một mỹ nghệ nữa. Toát ra từ suy tư và tâm hồn người ấy, sơn mài đã được nâng lên thành loại mỹ thuật thượng đẳng. Người ta có thể tưởng tượng một "thầy sơn," chung quanh là mấy ông phó sơn giúp việc, chia nhau từng đoạn vẽ mà bôi sơn vào, bằng những màu đã tìm sẵn và đã ấn định cho chỗ nào rồi. Nghệ thuật Nguyễn Gia Trí không thế, nó là ý tưởng, cảm tính của Gia Trí đúc lại, một nét, một vết, một màu đều phải ở tay nghệ sĩ mà ra ... Trên những màu hồng nhợt biến hóa, những sắc nâu ngon thật là ngon, những vỏ trứng như đổi tất cả thể chất để thành quý vật, vài nét bạc, vài nét vàng sáng rọi, vung lên, rít lên như tiếng kêu sung sướng của xác thịt khi vào cực lạc.
Chàng nghệ sĩ ấy yêu tấm sơn, như ta
có thể yêu một người đàn bà. Lúc âu yếm bằng những nét vuốt ve mềm mại, lúc dữ
dội bằng năm bảy nét mạnh đập tung, cào cấu. Vạn vật đối với nghệ sĩ chỉ đáng
yêu, có sắc và hình. Những màu hoen hoen đứng cạnh nhau, cân đối dung hòa một
cách tuyệt khéo, đem lại cho người biết hưởng cảm giác bồn chồn rạo rực.
Mỗi tác phẩm Gia Trí mang tâm trạng
của người tạo ra nó, nó cũng dồi dào linh động, phức tạp vì biến theo tâm
trạng. Không một khuôn khổ, không một nếp nào có thể ngưng nó lại." (2)
Vài năm sau, trên tạp chí Thanh Nghị, Tô Ngọc Vân kết luận thêm về Nguyễn Gia Trí: "Màu sắc ấy như ẩn hiện một chút gì huyền ảo đắm say nồng nàn, còn run rẩy trong bóng tối hòa với máu, một sức sống còn bế tắc, một linh hồn cương quyết đam mê, đang quằn quại vì muốn thoát nhanh ra ánh sáng." (3)
Vài năm sau, trên tạp chí Thanh Nghị, Tô Ngọc Vân kết luận thêm về Nguyễn Gia Trí: "Màu sắc ấy như ẩn hiện một chút gì huyền ảo đắm say nồng nàn, còn run rẩy trong bóng tối hòa với máu, một sức sống còn bế tắc, một linh hồn cương quyết đam mê, đang quằn quại vì muốn thoát nhanh ra ánh sáng." (3)
Trước những tấm tranh sau thời kỳ 1940 được gợi hứng từ không khí ưu phiền, mệt mỏi, trác táng, pha lẫn đôi chút phiêu bạt và say đắm của các cô gái giang hồ, Tô Ngọc Vân đã cảm thấy như thế và phần nào ông cũng là một tâm hồn đồng điệu của Nguyễn Gia Trí, chia sẻ được với thế giới của đường nét bay bướm, trữ tình, không chịu gò bó chật chội nên có lúc đã đi đến chỗ phá phách của một thứ cung cách cầu kỳ (maniériste), và màu sắc thì rất táo bạo trên đường đi tìm sự độc đáo hoàn toàn riêng cho mình.
Những năm ở Sài Gòn thực sự không có
gì thay đổi lắm so với những bức tranh đầu tiên như Bên Hồ Gươm vẽ năm 1935,
Chùa Thầy, Đền Trung Tự (1938), Chợ Bờ, Về Chợ, Khỏa Thân, Thiếu Nữ Và Hoa Phù
Dung, Thiếu Nữ Bên Hồ Sen, Vườn Xuân, đến những bức mới trong thời kỳ này như
Hoài Niệm Xứ Bắc, Chúa Giáng Sinh, Phục Thù, Sen Tàn, Địa Linh Hoán Tượng, Ba
Vua.
Tuy nhiên, dễ nhận ra ngay là vào
thời kỳ sau cùng này, ông đã đạt đến một sự điêu luyện toàn bích về kỹ thuật,
hơi mất đi phần nào chút vụng dại duyên dáng trước đây, điển hình là hai bức
khổ lớn 1.2m x 2.4m hiện vẫn còn bày tại Thư Viện Thành Phố Hồ Chí Minh. Hay
nơi bức “Ba Vua” trong một kỳ triển lãm ở Đại Chủng Viện Cường Để năm 1971, có
người tỉ mỉ đã đếm ra được 22 màu sắc trên tấm tranh này, không tản mạn, không
rời rạc, mà hợp nhau lại rất nhất quán trong một cảnh trí cổ kính mà vẫn mới
mẻ.
Thỉnh thoảng ông cũng đưa một chút
tượng trưng và biểu tượng, đôi lúc lại thử bút cả trừu tượng vào sơn mài.
Nguyễn Gia Trí vốn có tiếng tài hoa nơi những ký họa, phác thảo nên khi đưa
những phác thảo tài tình này vào tranh sơn mài, với những ưu thế của chất liệu
này, đã chinh phục được mọi người khắp nơi, bằng một hòa cảm sâu lắng bởi hình,
sắc và chất vô cùng kỳ lạ. Một thế giới bí ẩn, dào dạt cảm xúc và đam mê nhưng
được chế ngự tài tình dưới sự điều hòa của tri thức và trí tuệ.*
Nhìn lại quá trình hình thành và
phát triển nền mỹ thuật Việt Nam hiện đại, có một dấu mốc đặc biệt là cuộc
triển lãm Salon Unique 1943 mà tác phẩm của Nguyễn Gia Trí cũng là một
đóng góp độc sáng ở cuộc trưng bày này. Có lẽ nhân đây, với những hồi tưởng đặc
biệt về Nguyễn Gia Trí, chúng ta cũng nên nhớ lại đôi chút về Salon Unique
1943.
Năm 1945, Trường Mỹ Thuật Đông Dương phải đóng cửa, nhưng trước đó gần hai năm, cuộc triển lãm "Salon Unique 1943" được thực hiện, để lại một dấu vết lớn trong quá trình phát triển và hình thành nền nghệ thuật tạo hình Việt Nam hiện đại.
Với sự khởi xướng và bảo trợ đặc
biệt của đô đốc Jean Decoux, Toàn quyền Đông Dương, triển lãm Salon Unique 1943
do chính phủ toàn xứ Đông Dương tổ chức, mở cửa ở Hà Nội từ ngày 10 đến 20 tháng
12-1943, đã tập hợp được những khuôn mặt đặc biệt và nổi bật lúc bấy giờ, với
một số giáo sư Trường Mỹ Thuật Hà Nội, các họa sĩ đã rời trường từ nhiều năm về
trước, và cả những sinh viên đang còn học ở trong trường.
Nhớ lại về cuộc triển lãm này, chúng
ta sẽ bắt gặp tranh sơn dầu của Inguimberty, Văn Giáo, Trần Văn Cẩn, Tô Ngọc
Vân, Bùi Xuân Phái; sơn mài Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Trọng Hợp, Nguyễn Sĩ Ngọc,
Mạnh Quỳnh, Nguyễn Khang; tranh lụa Lê Văn Đệ, Nguyễn Tường Lân, Nguyễn Tiến
Chung. Hoàng Tích Chù bày cả tranh sơn mài và sơn dầu. Người xem tranh còn được
thưởng thức những dessins khá đẹp, là loại tranh mới vẽ bằng bút chì của Nam
Sơn, một trong hai bức loại này của Nam Sơn là chân dung một nhà sư đang ngồi
xếp bằng, không phải đang thiền định, nhưng cũng ở trong một dáng ngồi rất
thanh tĩnh, trầm tư.
Về điêu khắc, có tượng bán thân của
Nguyễn Văn Thế, phù điêu đắp nổi của Diệp Minh Châu và Nguyễn Thị Kim; tượng
thân người (torse) và chân dung bán thân (buste) của Évariste Jonchère, nhà
điêu khắc từng đạt giải Khôi nguyên La Mã (Grand prix de Rome), bấy giờ là giám
đốc Trường Mỹ Thuật Hà Nội, thay thế Victor Tardieu đã qua đời từ năm 1937.
Nhắc đến Inguimberty, Jonchère, chúng ta cũng nên nhớ đến Georges Barrière, mặc
dù không có tiếng tăm gì lắm vào thời ấy, nhưng cũng đã từng được giải thưởng
Đông Dương (Prix de L'Indochine) từ năm 1934, rồi qua sống ở Đông Dương, đã đi
qua nhiều nơi khắp Việt, Miên, Lào, sang cả Siam (tức Thái Lan sau này), từ
trung du, thượng du Cao-Bắc-Lạng, đến Đồ Sơn, Angkor ... để ghi chép và vẽ.
Georges Barrière cũng có bày một số tác phẩm của ông trong cuộc triển lãm này.
Nhìn
chung, nói đến "Salon Unique 1943," chúng ta tức thời nhớ ngay đến
với nhiều bồi hồi về những tác phẩm đẹp của Nguyễn Gia Trí, Lê Văn Đệ, Tô Ngọc
Vân, và Trần Văn Cẩn. Rất hiển nhiên, những tác phẩm ấy đã tạo ra được một thế
giới nghệ thuật Việt Nam, những phong cách Việt Nam, không còn lẫn lộn vào đâu
được nữa, không thể lẫn với Tây, và tất nhiên càng không thể lẫn với Tàu hay
Nhật. Những thiếu nữ mềm mại, duyên dáng, trong những chuyển động vô cùng thanh
tú trên bộ bình phong sơn mài Nguyễn Gia Trí, đã tạo nên được một sự quyến rũ
chưa từng có trước đó. Những dáng người mềm mại, uyển chuyển ấy là của riêng
Nguyễn Gia Trí, của riêng mỹ thuật Việt Nam, không còn chút nào dấu vết Victor
Tardieu, Joseph Inguimberty, hay những bậc thầy của hội họa phương Tây. (4)
*
Con đường đến với nghệ thuật của Nguyễn Gia Trí đã được chỉ ra dưới một ngôi sao của định mệnh, bởi vì từ hồi nhỏ, sống giữa một gia đình làm nghề thêu phẩm phục triều đình, như ông đã từng giải thích với Thái Tuấn, rồi do nhìn quen những màu sắc, hình vẽ rồng mây, những đưòng thêu chỉ vàng, chỉ bạc rực rỡ, có lẽ tất cả những điều đó đã ảnh hưởng đến sở thích của ông (5). Tính cách thủ công với nghệ thuật thêu trướng liễn, phẩm phục, với những hình vẽ trang trí đã để lại nhiều vết tích trên các tác phẩm sau này. Ví dụ trên bức “Hoài Niệm Xứ Bắc” thực hiện năm 1969, ông đã từng làm một đường viền trang trí chung quanh, với các họa tiết gợi ý từ những mô típ trang trí cũ, hoặc từ những truyền thuyết dân gian như mai-lan-trúc-cúc, long-lân-quy-phượng, cầm-điểu, chuông-khánh, bánh chưng-bánh dầy, cầm-kỳ-thi-họa ... Rồi cũng trong đường viền ấy, còn cả thơ Tản Đà trích lại từ bài Thề Non Nước được viết theo dạng chữ Nôm. Cũng như trên bức “Vườn Xuân Trung-Nam-Bắc” (2m x 5,5m) hiện đang bày tại Bảo Tàng Mỹ Thuật TP Hồ Chí Minh, bức tranh được đóng lại trong một đường viền trang trí tương tự, và dọc theo hai đường viền bên trái và phải là hai câu thơ chữ Hán của Đào Duy Từ mà Bùi Quang Ngọc đã tạm dịch thành chữ quốc ngữ: "Bóng trăng như đèn tỏa sáng trên mặt nước, Hương hoa thoang thoảng bay theo gió đưa."
Suốt một đời hoạt động nghệ thuật
hơn nửa thế kỷ, Nguyễn Gia Trí đã để lại một sự nghiệp to lớn. Ông là một nghệ
sĩ có thực tài, lại giữ được phẩm chất đạo đức của một nghệ sĩ lớn, trước bao
nhiêu biến đổi thăng trầm của vận nước trong mấy chục năm qua. Là bạn thân của
Nhất Linh, hoạt động với nhóm Tự Lực Văn Đoàn, với các báo Phong Hóa, Ngày
Nay, ông liên hệ nhiều với nhóm cách mệnh Việt Quốc, rồi thời thế thay đổi
nhiều, mặc dù vẫn làm việc kiên trì, ông có một đời sống gần như ẩn cư ngay
giữa cảnh đô hội; và đến sau năm 1975, cảnh thay đổi ở Miền Nam thực quá phũ
phàng, ông dường như không còn muốn sáng tác nữa. Vườn Xuân Trung Nam Bắc là
một bức tranh dở dang, do một nhà doanh nghiệp đặt ông làm từ trước thời điểm
1975. Về sau, người đặt tranh đang ở Pháp đã tặng lại quyền sở hữu cho ông, và
ông đã hoàn tất bức tranh cũng chỉ mới trong vài năm cuối đời khi ông còn đủ
sức khỏe.
Nguyễn Gia Trí thực sự đã tạo được
danh tiếng bởi những tác phẩm sơn mài tuyệt diệu của mình, mặc dù chất liệu này
xem ra rất nghèo nàn, đặt ra quá nhiều hạn chế cho công việc sáng tác nghệ
thuật, gần gũi với công việc của một người thợ thủ công hơn là một nhà nghệ sĩ.
Vượt qua những giới hạn đó, Nguyễn Gia Trí đã hết sức tài tình để dựng nên một
thế giới hội họa đầy tính sáng tạo, hết sức sống động, ảo hoặc, rất thơ mộng và
có hồn. Và để hiểu được nghệ thuật của ông thì nên nhập vào ý tưởng này của
ông: khi người ta kết luận về ông, cho là ông đã chế ngự được sơn mài, làm chủ
được một chất liệu rất ương ngạnh thì chính ông đã cười và trả lời: "Mình
có làm chủ đâu; phải hiểu biết tính chất của nó, như tính tình của một người
bạn, đôi lúc cũng phải theo khả năng của nó chứ." (6)
Nguyễn Gia Trí đã lập lại nhiều lần
ý tưởng đó với những người học trò của ông hay với bất kỳ ai muốn đến gần ông
để hiểu biết phần nào về nghệ thuật sơn mài của ông. Như có lần ông đã chỉ ra
cho một nhà nghiên cứu ở miền Bắc vào, tìm đến ông với một lòng tôn kính hết
sức đặc biệt. "Lúc đầu vẽ sơn mài như sơn dầu tôi thấy bất tiện vì nó
loáng. Cho nên, nếu vẽ sơn mài như sơn dầu thì phải tìm cách thoát ly, bỏ cách
bắt chước sự thật. Sơn mài là sơn mài. Đời sống của sơn mài không dính dáng đến
đời sống của con người." (7)
"Nghề sơn, theo tôi nghĩ, người
ngoại quốc không làm được, vì họ sợ lở sơn mà không có tính kiên nhẫn như ta.
Nhưng ta làm được, vì chính những lý do ấy mà nó mang dân tộc tính. Sơn mài
Nhật Bản ngày nay, họ làm bằng máy tinh vi. Trái lại sơn mài của ta làm bằng
tiểu thủ công, rất chậm và đắt, do đó, không cạnh tranh được với họ. Vì vậy,
muốn vượt lên họ, nghề của mình không đẩy lên thành mỹ thuật thì nghề sẽ chết.
Tôi nghe một số anh em ở ngoài Hà Nội vào nói, các họa sĩ ngoài Bắc hiện chỉ
mua được sơn non, sơn xấu để làm - còn sơn tốt thì xuất khẩu - tôi rất buồn.
Nếu thế, sơn mài sẽ chết, không cạnh tranh được với ngoại quốc, trước hết là
với Nhật Bản và Trung Hoa. Nên nhớ rằng trình độ nghệ thuật của họ cũng rất
cao, ta phải dè chừng ..." (8).
Nguyễn Gia Trí nói đến tính tỉ mỉ,
công phu của sơn mài một cách thẳng thắn, ông không ngại gì khi nói đến chất
thủ công của nó. Hơn mười năm trước, Việt Báo Kinh Tế (Westminster,
California) loan tin về cái chết của nhà danh họa còn có in một trang hồi ký
của Nhã Ca "Họp mặt với danh họa Nguyễn Gia Trí," hồi ký này
giúp chúng ta hiểu thêm một điều rất quan trọng về Nguyễn Gia Trí, ấy là vì có
một thời hoạt động cách mạng với Việt Nam Quốc Dân Đảng, chung quanh nhóm Tự
Lực Văn Đoàn, Nguyễn Gia Trí cũng từng bị Pháp bắt và chỉ định cư trú một nơi
trong nhiều năm, và nhờ những năm bị an trí này, ông đã dồn hết thì giờ và sức
lực cho sơn mài, tìm ra được những cái tỉ mỉ, khó chịu, công phu và đòi hỏi
riêng của nó. "Có lần tôi đã bảo Đằng Giao rằng sơn mài là thứ nghệ thuật
chỉ những anh từng bị cầm tù mới có thể thành công được. Sự thực là vậy. Đây là
thứ nghề rờ mó tỉ mỉ, tối công phu. Nếu không bị Tây cầm chân một nơi, chắc tôi
đã không kiên nhẫn ngồi một chỗ để mà làm việc này." (9)
Tôi không biết ghi chép của Nhã Ca
về lời lẽ và ý kiến của Nguyễn Gia Trí có chính xác hay không. Có thể, đấy chỉ
là một sự nhấn mạnh của Nguyễn Gia Trí về công phu mà kỹ thuật thực hiện sơn
mài của ông đòi hỏi.
Tuy nhiên, nó không phải chỉ là kết
quả của thời kỳ rị mọ tìm kiếm khi Nguyễn Gia Trí bị bọn cầm quyền Pháp cầm
chân một chỗ, an trí ông ở một vùng thượng du Bắc Việt rồi về sau ở Thủ Dầu
Một, Nam phần. Bởi vì tất cả những điều khám phá đó đều đã được Nguyễn Gia Trí
tìm thấy từ thời còn học ở Trường Mỹ Thuật Hà Nội, rồi dần dà được bồi đắp thêm
từng ngày, và đã được hoàn tất từ trước thời điểm 1944. Trong cuộc triển lãm
năm 1944 ở Phòng Thông Tin Hà Nội, họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung ghi nhận về sơn mài
của Nguyễn Gia Trí từ 1939 đến 1944, mà ông cho là một kết quả hết sức đáng
ngạc nhiên, và tranh sơn mài đã bắt đầu cất cánh. Nguyễn Đỗ Cung phải gọi đó là
nghệ thuật của một con người kỳ dị và thông thái. Chẳng qua cũng chỉ là do sự
hấp dẫn quá lạ thường từ khám phá về kỹ thuật đưa lại mà thôi. Chúng ta hãy đọc
lại vài dòng ghi nhận của Nguyễn Đỗ Cung trên báo Thanh Nghị, số 79, ngày
19-8-1944.
" ... Đen, đỏ, vàng. Với những
màu hơn kém nhau chút ít của nghề sơn, họa sĩ đã cho ta một cuộc sống mà sự
giàu sang tương tự như cuộc sống thực của ta.
Sự tạo tác bao giờ cũng đẹp. Còn gì
khô sượng bằng vỏ trứng gà giữa mấy màu đen đỏ. Vỏ trứng đó đã thành ánh sáng
nhễ nhại và huyền diệu trên thân thể của một thiếu nữ mặc áo đỏ trên một bức
sơn. Giữa một cảnh lộng lẫy, thiếu nữ đó đã tưng bừng đi ra cũng mặc áo xám
xanh
Áo xám xanh này chỉ có sơn đen và vỏ trứng gà.
Áo xám xanh này chỉ có sơn đen và vỏ trứng gà.
(...) Những hình thù thốt ra đanh
thép như vẫn sống như vậy từ bao giờ, giản dị và bền bỉ như những vật thiên
nhiên. Kết quả của suy nghĩ và kinh nghiệm. Người ta đã quên chất sơn, quên đầu
đề, quên hết để mà tưởng được sống giàu sang cảnh họa sĩ Nguyễn Gia Trí.
Nhưng có thể nào đầu mối sự huyền
diệu đó không khởi sự trong lòng họa sĩ?
(...) Nên tôi phải cám ơn anh. Anh
gợi lên cho tôi phong phú và rõ rệt. Anh đã nói thực, vì đã nghe mãnh liệt.
Bằng tin tưởng sung sướng, tôi bay theo, tuy, cũng đã như họa sĩ, anh dùng rất
nhiều cung bậc, tuy người bay trước tôi thật kỳ dị và thông thái.
Nhưng dù thông thái thế nào, anh
cũng đã cố gắng, nên tôi mới không thể nào cưỡng nổi mà không tin anh. Sung
sướng, tôi thấy cả tôi." (10)
Nguyễn Gia Trí sinh năm 1908 ở
Thường Tín, Hà Đông, Bắc Việt, qua đời ở Sài Gòn vào hồi 10 giờ 30 đêm 20 tháng
6 năm 1993 tại nhà riêng số 493 Nguyễn Kiệm, Phú Nhuận, hưởng thọ 85 tuổi.
Nguyễn Gia Trí không còn nữa, nhưng
ông đã để lại một sự nghiệp lớn cho dân tộc, cuộc đời và hậu thế.
Những tác phẩm của ông dù lớn dù nhỏ
đều là những dấu vết đáng ghi nhớ của một nghệ sĩ lớn, mà không những thế,
chung quanh đời ông còn tỏa ra một ánh sáng kỳ ảo bởi một nhân cách đặc biệt
với nhiều giai thoại đẹp đẽ.
Một kẻ hậu sinh cũng đầy tài năng là
Trịnh Cung, khi nhắc đến Nguyễn Gia Trí đã nói với giọng ngưỡng mộ:
"Khoảng 30 năm, kể từ khi tôi vào đời đến nay chưa hề được thấy ông làm
triển lãm ở các phòng triển lãm của thành phố, thế mà khi nhắc đến ông một cảm
giác tôn kính ông như đã có từ bao giờ trong da thịt tôi. Cảm giác có được phải
chăng đã do những tác phẩm sơn mài tuyệt vời của ông lôi cuốn tôi mỗi lần tôi
được dịp gặp gỡ. Những tác phẩm như vậy hiện nay còn rất ít trong thành phố
chúng ta. Ở một số nhà thờ, một vài cơ quan và một ít nhà sưu tập cá nhân có
tranh của ông và đã trở thành báu vật của họ.
Nguyễn Gia Trí là một họa sĩ tiền
phong của nền hội họa Việt Nam, nhất là đối với bộ môn tranh sơn mài. Tính cách
của một nhà tiền phong lớn đã xuất hiện rất sớm. Ông chính là người đầu tiên đã
làm mới tranh sơn mài. Cũng chỉ sử dụng vàng, đỏ, đen, vỏ trứng và sơn phủ như
bất cứ một họa sĩ tranh sơn mài nào khác, thế mà ông đã dựng nên một thế giới
hội họa rất sống động, kết quả của sự phối thành từ hai trường phái phục hưng
và hiện đại. Sự thành đạt này cũng có thể được coi như tương đương với kỳ công
của Andres Ségovia - nhà thiên tài âm nhạc người Tây Ban Nha - đã đưa cây đàn
guitare dân gian lên địa vị một nhạc cụ hàn lâm.
Trường hợp của họa sĩ Nguyễn Gia Trí thường làm tôi liên tưởng đến những họa sĩ của các triều đại xa xưa của Trung Hoa. Họ sống và vẽ như một kẻ chân tu, từ chối mọi sự tán tụng, ban thưởng, địa vị, thế mà đã để lại cho đất nước những báu vật dù cho tên tuổi của họ có khi người đời sau không tìm ra dấu vết." (11)
Trường hợp của họa sĩ Nguyễn Gia Trí thường làm tôi liên tưởng đến những họa sĩ của các triều đại xa xưa của Trung Hoa. Họ sống và vẽ như một kẻ chân tu, từ chối mọi sự tán tụng, ban thưởng, địa vị, thế mà đã để lại cho đất nước những báu vật dù cho tên tuổi của họ có khi người đời sau không tìm ra dấu vết." (11)
Trong giới làm nghệ thuật tạo hình
Việt Nam xưa nay, có lẽ chưa có ai có một đời sống tuy nhẹ nhàng nhưng ương
ngạnh, cổ quái và kiên quyết như Nguyễn Gia Trí. Trước đây, có lời đồn đãi ông
đã đuổi ra khỏi nhà một người đại diện của chính phủ Ngô Đình Diệm khi vị này
đã trả giá một bức tranh của ông, bức tranh mà chính phủ dự định mua để tặng
cho nhà UNESCO ở Paris. Cũng có lời đồn ông đã từ chối bán tranh cho Đại sứ Mỹ
ở Sài Gòn. Và điều này ở Sài Gòn sau năm 1975, ai cũng biết rõ: ông đã dứt
khoát đóng cửa, lạnh nhạt không tiếp những nhân vật lãnh đạo văn hóa văn nghệ
từ Hà Nội vào, ghé đến thăm viếng.
Xem mấy tấm hình Trần Dạ Từ chụp ông
vào những ngày cuối đời ông, không hiểu tại sao tôi lại liên tưởng đến
Houkusai, có lẽ vì tác phẩm lớn và cuộc đời đặc biệt của ông, vì sự nghiệp ông
để lại cho nền văn hóa dân tộc cũng lớn như Houkusai đối với nền văn hóa Nhật
Bản. Và có lẽ vì một liên tưởng nhỏ khác nữa, những chân dung này hơi giống với
bức chân dung tự họa rất danh tiếng của Houkusai. Chính với chân dung tôi nhìn
thấy đó, Thanh Tâm Tuyền cũng nhìn thấy gần như vậy, mà có cường điệu đôi chút,
có lẽ như vậy mới hợp với cách nhìn của nhà thơ đã phát động và dựng nên trào
lưu thơ tự do mạnh mẽ, ào ạt của thời nào.
Quanh co đường hẻm
giữa sáng Chủ Nhật
đến gặp bất ngờ một Thiền Sư
Ngồi im lắng nghe và ngắm
Sét đánh bao giờ
hằn dấu sẹo trắng nửa sọ trái
Chiếc đầu nghiêng cúi
Đôi tai dài vểnh đón nghe
lời trên môi buột thốt
Đôi mày tối rậm
lấp lánh ánh trắng những ngày tới
Và những ngón tay tự run rẩy
Buông tiếng cười ròn tan
như nắng đùa trên dàn hoa giấy
lẫn trong tiếng xe cộ trẩy hội ồn phố xa (12)
Thanh Tâm Tuyền thấy Nguyễn Gia Trí là một thiền sư với nửa sọ trái bị sét đánh tự bao giờ mà hằn lại vết sẹo trắng. Có lẽ, Thanh Tâm Tuyền, qua kinh nghiệm riêng của mình, hoặc giả là vì vừa trở về sau những ngày dài trong trại cải tạo, đã thấy Nguyễn Gia Trí qua một mối ám ảnh quá mãnh liệt nào đó. Thực sự, Nguyễn Gia Trí không chịu đựng tiếng sét và giông bão nghệ thuật từ trời đất hay thời đại dữ dội như vậy, như một Gauguin hay Van Gogh hay Nguyễn Sáng, mà là như một bậc đại sư về nghệ thuật gốm của Nhật Bản, hay như Bernard Leach, một người tìm về và học hỏi về gốm trong truyền thống đó. Nghệ thuật của Nguyễn Gia Trí là một mày mò tiệm tiến rất hài hòa và thanh nhã, rất đài các và sang trọng, chính trong cung cách đó mà Nguyễn Gia Trí đã xây dựng được nhiều tác phẩm quý giá, tuyệt đẹp.
giữa sáng Chủ Nhật
đến gặp bất ngờ một Thiền Sư
Ngồi im lắng nghe và ngắm
Sét đánh bao giờ
hằn dấu sẹo trắng nửa sọ trái
Chiếc đầu nghiêng cúi
Đôi tai dài vểnh đón nghe
lời trên môi buột thốt
Đôi mày tối rậm
lấp lánh ánh trắng những ngày tới
Và những ngón tay tự run rẩy
Buông tiếng cười ròn tan
như nắng đùa trên dàn hoa giấy
lẫn trong tiếng xe cộ trẩy hội ồn phố xa (12)
Thanh Tâm Tuyền thấy Nguyễn Gia Trí là một thiền sư với nửa sọ trái bị sét đánh tự bao giờ mà hằn lại vết sẹo trắng. Có lẽ, Thanh Tâm Tuyền, qua kinh nghiệm riêng của mình, hoặc giả là vì vừa trở về sau những ngày dài trong trại cải tạo, đã thấy Nguyễn Gia Trí qua một mối ám ảnh quá mãnh liệt nào đó. Thực sự, Nguyễn Gia Trí không chịu đựng tiếng sét và giông bão nghệ thuật từ trời đất hay thời đại dữ dội như vậy, như một Gauguin hay Van Gogh hay Nguyễn Sáng, mà là như một bậc đại sư về nghệ thuật gốm của Nhật Bản, hay như Bernard Leach, một người tìm về và học hỏi về gốm trong truyền thống đó. Nghệ thuật của Nguyễn Gia Trí là một mày mò tiệm tiến rất hài hòa và thanh nhã, rất đài các và sang trọng, chính trong cung cách đó mà Nguyễn Gia Trí đã xây dựng được nhiều tác phẩm quý giá, tuyệt đẹp.
Để bổ túc thêm cho những ghi chép khá sống động bên trên của thi sĩ Thanh Tâm Tuyền về một chân dung bên ngoài của Nguyễn Gia Trí, chúng ta hãy lắng nghe thêm đôi lời của ông Trí nói về mỹ thuật mà họa sĩ Nguyễn Vìệt đã ghi lại được từ các buổi nhàn đàm năm 79 và 80. Lời nói và ý tứ nhẹ nhàng này cũng giúp cho người thưởng ngoạn nghệ thuật hiểu được ông hơn và cảm được nghệ thuật của ông dễ dàng hơn, bởi vì phần nào đó cũng là chiều sâu của tâm hồn và hội họa Nguyễn Gia Trí.
"- Công của nghệ sĩ là rửa mắt
cho công chúng. Cho công chúng nhìn sáng hơn, rõ hơn, và mới hơn. Một quan
niệm, một đầu óc quá cổ điển không có lợi cho sáng tác.
Nghệ sĩ dùng qui luật nhỏ của riêng
mình để mò mẫm tìm qui luật lớn.
Với chất liệu sơn mài hoặc chất liệu
khác cũng vậy, không được bắt nó phải theo mình. Mà phải tôn trọng chất liệu.
Hiểu nó và nương theo nó mà điều khiển.
Trên một tấm vóc, một tấm toan, hoặc
một tờ giấy, nghệ sĩ được tự do tuyệt đối. Không có quy tắc luật lệ nào cả. Mất
tự do vì nghệ sĩ tự mình trói mình bằng những thành kiến quy tắc nào đấy.
Hội họa là nghệ thuật tạo hình. Cái
gốc của nó là tạo hình. Hình rất đa dạng, một chấm cũng là hình. Một nét, một
phẩy cũng là hình. Màu sắc và hình không nhất thiết phải gần với nhau.
- Vì tôi làm việc bị lầm lỗi nhiều nên mới tiến bộ. Còn vẽ khéo quá thì chậm phát triển. Hội họa gần với tôn giáo vì nó xuất phát từ tâm người ta. Nó không phải làm bằng óc hay bằng tay.
- Vì tôi làm việc bị lầm lỗi nhiều nên mới tiến bộ. Còn vẽ khéo quá thì chậm phát triển. Hội họa gần với tôn giáo vì nó xuất phát từ tâm người ta. Nó không phải làm bằng óc hay bằng tay.
- Làm nghệ thuật điều chính yếu là
thành thật. Cái hại nhất là giả với chính mình. Làm hàng trăm cái hỏng để lấy
nửa cái được hoặc một cái được. Người nghệ sĩ không bao giờ thỏa mãn với chính
mình.
Chất liệu chiếm một nửa người nghệ
sĩ. Phải yêu chất liệu, yêu như vợ mình thì mới có con là tác phẩm. Mỗi chất
liệu có đặc điểm riêng. Phải nắm được tính chất riêng của nó mà phát triển. Ví
dụ độ dày mỏng trong sơn dầu. Sơn mài thì lại yêu cầu phẳng. Độ bóng, phẳng,
hoặc bất kỳ cách nào miễn là đạt hiệu quả nghệ thuật. Khi có điều gì chưa đạt, người
vẽ áy náy và tìm cách khắc phục cho đến khi tạm thỏa mãn, hoặc thỏa mãn với bức
tranh ấy. Với nghệ sĩ, tác phẩm đi qua và năng lực sáng tạo còn lại.
Vì họa sĩ muốn biết và thấy cái tâm
mình, nên mới tìm tòi và làm việc. Vì không biết nên mới vẽ. Đối với hội họa
trừu tượng cũng không nên phân biệt với các môn phái khác. Nó cũng chỉ là
phương tiện để họa sĩ tìm cái thật. Trừu tượng khó là vì họa sĩ không có chỗ
dựa vào mẫu thực. Từng chấm từng nét trong tranh trừu tượng cũng có hình riêng
và là một với toàn thể tranh. Chi tiết cũng như những giọt sương, nhưng mỗi
giọt sương cũng đều soi ánh mặt trời. Mọi chi tiết trong tranh cũng đều chịu
chung một sự kiểm soát ngang nhau." (13)
Nghệ thuật của Nguyễn Gia Trí là một
thành quả của công phu, kỷ luật, khám phá cái đẹp trong một trạng thái thanh
tĩnh, nhẹ nhàng, và an hòa của tâm hồn. Nhưng để dựng nên được thế giới của cái
đẹp, Nguyễn Gia Trí cũng có một cách nhìn khá cởi mở và tự do, không tự ràng
buộc mình vào trong định kiến và quy tắc nhỏ nhặt, chật chội nào.
Cho đến đầu thế kỷ XX, nghệ thuật
tạo hình Việt Nam thường chỉ là vô danh, chưa có tác giả nào để lại tên tuổi
một cách đặc biệt. May thay, đến thời đại chúng ta, đã có một danh họa Nguyễn
Gia Trí, đánh một dấu mốc vào sự nghiệp văn hóa nghệ thuật của đất nước. Chúng
ta nghiêng mình tưởng nhớ và biết ơn ông.
H.H.U
______________________
CHÚ THÍCH:
______________________
CHÚ THÍCH:
(1) Theo Đỗ Lai Thúy, Chân Trời Có Người Bay, Nxb Văn Hóa - Thông Tin, Hà Nội 2002, trang 39.
(2) Tô Tử (tức Tô Ngọc Vân), "Nguyễn Gia Trí và sơn ta", Ngày Nay, số 146, ngày 21.1.1939.
(3) Tô Ngọc Vân, "Những bức vẽ bằng sơn ta của Nguyễn Gia Trí", Thanh Nghị, số 77, năm 1944.
(4) Để ghi lại đôi nét về Salon Unique 1943, chúng tôi đã dựa vào bài viết của CL.M., Le "Salon Unique 1943", Indochine Hebdomadaire, Hà Nội, 4e Année, No 171, 9 Décembre, 1943.
(5) Thái Tuấn, "Họa sĩ Nguyễn Gia Trí", Thế Kỷ 21, số tháng 3, 1991.
(6) Trích dẫn theo Thái Tuấn, Thế Kỷ 21, đã dẫn ở trên.
(7) (8) Mỹ Thuật, Hà Nội, số 1.1989, bài viết của nhà nghiên cứu và phê bình mỹ thuật Thái Bá Vân.
(9) Nhã Ca, "Họp mặt với danh họa Nguyễn Gia Trí", Việt Báo Kinh Tế, California, số 97, tháng 7.1993.
(10) Nguyễn Đỗ Cung, "Nguyễn Gia Trí (giai đoạn 1939-1944)", Thanh Nghị, số 79, ngày 19-8-1944. In lại trong Kỷ Yếu Viện Bảo Tàng Mỹ Thuật, Hà Nội, số 7-1991, trang 60-61.
(11) Trịnh Cung, "Sự im lặng của một bậc thầy", bài in trên Lao Động Chủ Nhật ở Sài Gòn, in lại trên tạp chí Đất Mới, Québec, Canada, số tháng 2-1991.
(12) Thanh Tâm Tuyền, "Chân dung họa sĩ ngt ngày về thăm", Thơ Ở Đâu Xa, Trầm Phục Khắc xb, cơ sở Văn phát hành, California, 1990, trang 73-74.
(13) Nguyễn Việt ghi lại lời họa sĩ Nguyễn Gia Trí trong các buổi nhàn đàm ngày 19 tháng 9 năm 1979, 1-8-1980 và 19-11-1980.
CF. Nguyễn Việt, "Tưởng Niệm Họa Sĩ Nguyễn Gia Trí", Mỹ Thuật, T.ph Hồ Chí Minh, số 10-11, 1993.
No comments:
Post a Comment